Còn chút gì để nhớ…
Một trong những lá thư từ những ngày đầu định cư ở USA gởi về cho Nguyệt tận nông trường cà phê Ban Mê Thuộc tôi có viết “… Sau này dù có già lụ khụ, phải chống gậy mà đi, ta cũng sẽ một lần lặn lội lên nơi đó thăm mi …”. Phải, với tôi câu nói này không hẳn là một lời hứa mà là một mong ước.
Lần đầu tiên tôi đi Việt Nam vào tháng 9 năm 2000, tôi nhờ Phương nhắn Nguyệt về thành phố để thăm nó, bộ ba Phương Nguyệt Trinh gặp nhau vài lần ngắn ngủi, không có được một bữa ăn chung ba đứa cho đầm ấm. Thời gian chỉ đủ đứa này quở đứa kia ốm mập, già trẻ … Nguyệt có vẻ lạc lõng giữa đám bạn cùng trang lứa vì hình như năm đó cuộc sống của Nguyệt chưa được khả quan lắm, con trai con gái học ra trường chưa có được việc làm ổn định, Phương thì bận rộn với mùa sách giáo khoa. Tối hôm đó ba đứa ngủ chung với nhau ở hiệu sách của Phương. Nguyệt tâm sự và hỏi ý kiến chúng tôi về ý định đi lao động hợp tác ở nước ngoài. Cả tôi và Phương đều khuyên Nguyệt không nên bôn ba khi tuổi đời chẳng còn trẻ. Thấy được nét buồn buồn và lặng lẻ của nó, tôi và Phương chỉ biết nhìn nhau ái ngại. Thế rồi Nguyệt trở về với vùng đất đỏ bụi mờ, Phương tất bật với công việc ở hiệu sách, tôi lại ra đi … mang theo ánh mắt Nguyệt u sầu, giọng nói của Phương đầy trách móc “Bao nhiêu năm rồi, răng cứ đi một mình hoài rứa T ơi”.
Không biết là duyên hay là một chọn lựa may mắn. Tôi đã gặp được anh vào những ngày mà cả hai đang bước vào tuổi về hưu. Vốn sống cùng một thành phố và biết nhau cũng đã rất lâu nhưng duyên phần thì đúng là Trời buộc mới đến. Hai mảnh đời cô đơn gặp nhau với những cá tính như bổ sung cho nhau nên tình cảm phát sinh thật lẹ, có con Anh con Em cùng vui vẻ ủng hộ. Thiên thời địa lợi nhân hòa … tính ra là đầy đủ hết. Anh mẫu mực, chu đáo, đầy tình nghĩa. Tôi hoạt bát, chịu khó, thích tham gia công việc xã hội. Mùa xuân đời tôi đến muộn màng nhưng có đầy đủ hương vị. Tôi biết được cái ấm áp đến từ một bàn tay trong bàn tay còn hơn là một lò sưởi. Âu đó cũng là một phần thưởng mà Trời đã ban cho tôi sau nhiều năm tháng lao đao đến tội nghiệp.
Nhiều đêm thao thức nơi xứ xa tôi nhớ về bạn bè, đứa còn đứa mất, chỉ trong ba đứa thôi cũng là ba mảnh đời khác biệt. Tôi thương Nguyệt gian nan vất vả, tôi nhớ Phương lúc nào cũng dịu dàng và ân cần với bạn. Tôi còn nhớ những đứa bạn từng giúp, từng chia sẽ buồn vui thuở “ăn bữa sáng chưa no đã lo bữa tối”. Tôi nhớ giọt nước mắt của Quang Ấn mỗi khi thấy tôi bán buôn vất vả mà nợ nần cứ chồng chất, tôi nhớ lạng thịt bò Tuyết Huệ mang đến khi tôi bịnh nặng. Tôi nhớ ánh nhìn ái ngại của Thanh Thủy khi tặng con tôi đôi giày, cái áo mới ngày Tết. Tôi nhớ Kim Liên và anh Hiệu thỉnh thoảng đem con tôi về nuôi vài ngày cho ăn uống đầy đủ đến nổi Bé không muốn về với Mẹ. Tôi nhớ nhiều lắm … những đánh đổi để tôi được ngày hôm nay không phải chỉ do nghị lực của cá nhân mà có. Ngoài sự sắp đặt nhiệm màu của Tạo hóa, luật Nhân quả, còn có sự động viên và tình cảm của bạn bè. Đó có thể gọi là tài sản quí báu nhất mà chưa chắc người ta có thể bỏ tiền ra mua được.
Đầu năm 2009, tôi và anh Tín quyết định có một chuyến du lịch Việt Nam. Anh về thăm người em duy nhất còn lại ở Đà Nẵng đã cách xa gần hai mươi năm. Còn tôi hạnh phúc đi bên cạnh anh khắp nơi, hai đứa đồng lòng thì … đâu sá chi … chuyện lấp biển vá trời.
Phố núi cao …
Mười giờ đêm, Sài Gòn đón chúng tôi bằng cơn nóng hầm hập, khó chịu.
Sau khi hoàn tất các thủ tục “đầu tiên” ở các cửa hải quan và khâu nhận hành lý, chúng tôi được đứa cháu đón về một khách sạn gần phi trường. Chỉ nghỉ lại đó một đêm thôi, sáng hôm sau 8 giờ sáng chúng tôi đã lên đường về Đà Nẵng.
Việc đầu tiên là tôi liên lạc với Phương để hẹn ngày đi Ban Mê Thuộc. Bàn tới tính lui hoài không xong vì mỗi tuần chỉ có một chuyến bay lên, rồi duy nhất một chuyến về lại Đà Nẵng. Giờ giấc phải phụ thuộc vào hãng máy bay rất phiền toái. Anh Thân, chồng của Phương nghe chúng tôi dự định chuyến đi bằng máy bay, chuyến về đi xe hàng, xe sẽ đến Đà Nẵng vào 3 giờ sang … có vẻ không ổn. Thế là anh đưa ra ý kiến sẽ mướn xe ô tô để chở cả bọn cùng đi. Cũng xin nói thêm rằng anh Thân trước kia là tài xế chuyên trị đường Trường Sơn. Tôi thầm nghĩ chắc là anh ham vui thì ít mà sợ người đẹp của lòng anh đi xa vất vả nên anh muốn chia sẻ đó thôi!
Phương nhân cơ hội này gọi điện hù Nguyệt:
- Mi với anh Giáo đừng nhờ người ra phi trường đón mất công, tụi tau không lên được đâu! Tau trả vé máy bay lại rồi.
Giọng Nguyệt cuống quýt:
- Chết rồi, răng rứa?
Phương lúng túng:
- Thì tau đi không được, tau bịnh.
Nguyệt kêu anh Giáo:
- Anh Giáo ơi, con Trinh về rồi mà con Phương bị đau không lên được.
Tiếng anh Giáo trong phone nghe thật tội:
- Bịnh thì lên chơi một ngày rồi về cũng được Phương ơi.
- Không, Phương không đi được, đừng đưa đón mất công.
Nguyệt than thở như bắt đền:
- Mi hết ngày bịnh hả Phương, chừ tau làm răng đây. Hàng xóm ở đây ai cũng biết tau có khách từ đồng bằng lên chơi, chừ tau làm răng đây?
Phương ruồi nghe Nguyệt than quá, thấy tội nghiệp không nín cười được:
- Giỡn chơi thôi, ông bà làm chi quýnh lên rứa? Phương với Trinh sẽ lên đúng ngày hẹn nhưng hai vị không được sắm sửa chi hết, không nấu nướng chi hết nghe không. Tụi ni mua thức ăn lên nhậu một bữa cho đã đời hỉ!
Thế là Phương kéo tôi và anh Tín đi siêu thị Big C. Anh Tín chu đáo sắm sửa đủ thứ, thức ăn, chén đĩa giấy, gia vị, đồ hộp, đồ biển tươi … mắm muối, dầu ăn … y như chúng tôi sắp sửa có một chuyến định cư lâu dài nơi vùng kinh tế mới.
Sáng hôm đó trời mưa nhỏ, đủ để làm ướt hàng cây ven đường, ướt tóc, ướt áo các cô học trò xứ Quảng đang trên đường đến trường. Tôi thì thầm:
’’Trời kỳ ghê! Sáng nay mình đi chơi xa, ông Trời không biết sao mà còn mưa.”
Và tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Nguyên Sa “Hôm tôi đi chắc trời không mưa, mưa thì mưa chắc tôi không bước vội, nhưng chậm thế nào rồi cũng xa nhau …”
Bảy giờ sáng, anh Thân lái chiếc Toyota Corolla màu trắng đến đón chúng tôi ở khách sạn. Ghé vào quán Mì Quảng Bà Lử điểm tâm và café xong, anh Thân vừa lái xe ra khỏi thành phố vừa giảng giải cho chúng tôi mình sẽ đi hướng nào để vừa nhanh vừa an toàn. Lần đầu tiên đi VN sau gần hai mươi năm, anh Tín bỗng trở thành người khách lạ ngay chính trên quê hương mình. Theo lời anh Thân, từ Đà Nẵng chúng tôi sẽ đi hướng ngã ba Đại Hiệp rồi rẽ qua đường Trường Sơn, ngang qua thị trấn Khâm Đức đi lên Kom tum. Thật tội cho Phương, miệng mồm thì lanh lẹ nhưng sức khỏe yếu ớt, biết mình bị say xăng nên cô nàng chuẩn bị đủ các chiêu: kẹo ngậm, mức gừng, ngoài ra trên cổ tay cô nàng lúc nào cũng buộc một miếng gừng tươi, tôi gọi đó là “vũ khí chống ói”, sau này mới biết, lợi hại lắm đó nghe.
Đúng như lời anhThân, đường Trường Sơn đã được tu bổ thật tốt, hai bên đồi núi chập chùng, trùng trùng điệp điệp. Thời tiết mùa xuân ở vùng cao với mây mờ trên các đỉnh núi cao, mây bao quanh các ngọn đồi thấp hơn, là đà xuống các xóm nhà nhỏ dọc triền núi. Dọc đường, gần đến đèo Lò Xo có một vài thác nước, tuy không hùng vĩ lắm nhưng cũng tạo nên một khung cảnh thiên nhiên rất thơ mộng để các xe chở khách du lịch và cả chúng tôi ngừng lại chụp ảnh lưu niệm. Phải chi có nhà thơ Thu Nguyệt chắc nó sẽ cảm tác ra được vô số vầng thơ. Đường Trường Sơn có đoạn chạy dọc theo dòng sông A Vương, thuộc Huyện Giằng, nơi có công trình thủy điện A Lưới rất lớn, những địa danh này khá quen với tôi vì năm 2006 tôi đã từng đến đây trong một chuyến cứu trợ đồng bào miền cao.
Trước khi vào Kom Tum xe phải ngừng lại ở một trạm nhỏ ven đường để các nhân viên kiểm dịch xịt thuốc vào 4 bánh xe. Tôi cứ cười và thắc mắc với anh Thân:
- Ủa, xịt bột gì vô bánh xe vậy tài xế.
Anh Thân chậm rãi:
- Ừ … chắc là xịt thuốc ngừa bịnh cúm gà.
Tôi năn nỉ:
- Tài xế cho em xuống xe để họ xịt em vài phát, em cũng có virus cúm gà trong người nè.
Anh Tín:
- Khỏi đi, em mà bị cúm gà thì có anh lo rồi, khỏi.
Cả xe ai cũng cười.
Ấn tượng của tôi về Kom Tum là một thành phố buồn hiu hắt, có lẻ tại anh tài xế chỉ cho chúng tôi ngắm phong cảnh khu ngoại ô. Vài mái nhà nhỏ ven đường với sân phơi sắn phía trước, thỉnh thoảng có vài em bé miền núi gùi cặp sách đi học về ven đường, cái sặc sở của trang phục miền cao làm cho khung cảnh rừng núi thêm đậm đà màu sắc.
Buổi trưa chúng tôi có được một bữa ăn mang hương vị quê hương tại một quán ăn ở thị trấn Play kần, địa phận tỉnh Gia Lai. Ngoài những anh bạn ruồi không mời mà đến. Bữa ăn có đầy đủ canh chua cá, có thịt luộc dưa cà, mực xào khóm. Do vậy ai cũng cảm thấy thoải mái, khỏe khoắn chuẩn bị cho chặng đường sắp đến.
Đường phố Pleiku, những nơi chúng tôi đi qua quả thật là đẹp. Đường xá rộng và thoáng, cây cối, công viên xanh mướt. Buổi chiều một ngày đầu xuân, không có nắng cũng không gió, không sương mờ như trong thơ Vũ Hữu Định … ”Ở đây buổi chiều, quanh năm mùa đông, nên mắt em ướt nên tóc em ướt …” nhưng Pleiku trong mắt chúng tôi, những “người … khách lạ ... đi lên đi xuống ...” thì phố núi Pleiku thật tuyệt vời. Pleiku thuở xưa đã đi vào thơ, đi vào dòng nhạc trữ tình Phạm Duy. Pleiku ngày nay rạng danh do có một doanh nhân trẻ, nổi tiếng với Viện Bóng Đá mang tên Hoàng Anh Gia Lai, khách sạn Gia Lai và cả một tập đoàn thương nghiệp kinh doanh đa dạng khác.
Khi hai bên đường hàng quán có những cái tên lạ hoắc: Ea cru, Ea crong … là tôi biết đã đến xứ Buồn Muôn Thuở. Trời đã tối, Nguyệt và anh Giáo gọi phone liên tục để chỉ đường, hẹn nhau ở ngã ba I cờ răn, sẽ có con trai lớn của Nguyệt ra dẫn vào. Trời thì tối mà đường sá gập ghềnh do đang sửa chữa, anh Thân thật giỏi và rất bình tĩnh đáng được trao giải thưởng Tay Lái Vàng. Cuối cùng chúng tôi cũng gặp nhau, tôi quá sức ngạc nhiên khi gặp lại anh Giáo sau mười mấy năm. Anh già và hình như bị nhỏ lại, giọng nói cũng khác hẳn. Anh hứơng dẫn cho chúng tôi lối vào nhà, giữa hai hàng chè Tàu gọi là khu nhà của Nông trường Cà phê Việt Đức.
Ba má Nguyệt và em ruột, em dâu, hàng xóm, cháu nội … ra chào đón chúng tôi thật rộn ràng, hàng hóa được mang vào lỉnh kỉnh khiến ai cũng bật cười vì trong những quà cáp mang lên cho gia đình Nguyệt có cả muối, đường … Sau khi ổn định tổ chức, Phương làm chủ bếp để nấu các món nhậu. Tôi và anh Tín lo dọn bàn tiệc dưới đất, anh Thân là chủ xị lo phần bia bọt. Trong không khí thân mật và cởi mở, lại có các bạn hàng xóm, sui gia của Nguyệt đến chung vui, Ba má Nguyệt vừa thưởng thức nhiều món ăn vùng biển hiếm có ở xứ cao nguyên này vừa nghe chúng tôi kể lể về những kỷ niệm ngày xưa. Ông bà trầm trồ khen Phương nấu ăn ngon, tiếng cười, tiếng nói rộn ràng như ngày Tết. Hỏi thăm về hoàn cảnh từng người, tôi chợt nhận ra đời sống ở đây thật không có gì để bon chen, để ganh tỵ. Ai cũng như nấy, lâu quá rồi dường như mọi người đều bằng lòng với hiện tại, do đó cuộc sống có thể gọi là an nhiên tự tại. Khác với đời sống ở các thành phố rộn rịp khác, chuyện thay vợ đổi chồng như thay áo. Dường như ở đây ai cũng một vợ một chồng. Nghĩ cũng hay!
Đêm hôm đó ba đứa chúng tôi được ngủ chung một giường. Tôi là đứa đầu tiên nằm xuống, chưa ai nghe tôi nói một lời tâm sự là đã nghe tôi … khò …, văng vẳng bên tai tôi còn nghe Phương nói với Nguyệt:
- Mi coi kìa, hắn tròn như con heo, da thịt mướt, đã dễ sợ. Heo ơi, mi ngủ chi mà dễ dàng rứa.
Anh Tín bên ngoài còn đệm vô:
- Máy kéo cưa Made in USA chính hiệu của anh đó nghe!
Nguyệt và Phương cười thoải mái, sau đó hai đứa còn thủ thỉ gì đó trong lúc tôi đã đi vào giấc mộng nên chẳng thèm nghe. Nửa đêm, có tiếng gì kêu tắc … tắc. Tôi lắng tai và đếm nhỏ nhỏ tất cả 7 lần, tôi nghĩ chắc là đồng hồ điểm 7 tiếng. Tôi cựa mình, Phương vẫn chưa ngủ. Nó hỏi:
- Chi rứa?
Tôi thầm thì:
- Bảy giờ sáng rồi, dậy.
Nguyệt lên tiếng:
- Răng mi biết bảy giờ.
Tôi làm khôn:
- Thì hồi nảy ta nghe đồng hồ báo.
Nguyệt nói:
- Đồng hồ mô mà báo?
Tôi hí hửng:
- Hồi nãy ta nghe rõ ràng mà!
Nguyệt hỏi:
- Cái chi, nghe cái chi?
Tôi ngạc nhiên:
- Bộ mi không nghe hả?
Phương lên tiếng:
- Tau cũng đâu có nghe đồng hồ báo đâu.
Nguyệt hỏi lại tôi:
- Mà mi nghe tiếng chi rứa Trinh?
- Tiếng chi mà … tắc … tắc hồi nảy đó!
Đến đây thì Nguyệt mới hiểu ra, nó la to:
- Trời ơi, Trinh ơi là Trinh! Tiếng con tắc kè mà, mi chưa bao giờ nghe hả? Tắc kè thì kêu … tắc kè chớ kêu răng nữa mi?
Phương ruồi cười hì hì:
- Việt kiều mà, bên Mỹ làm chi có tắc kè cho hắn nghe đâu mà mi hỏi.
Tôi quê quá độ:
- Tắc kè chi mà kêu to dễ sợ, kêu đúng y bảy tiếng y như đồng hồ báo rứa.
Ngoài phòng khách, anh Giáo, anh Thân và anh Tín nghe chúng tôi rầm rì ba anh ngủ không được cũng dậy pha trà uống. Anh Giáo ghé mắt vào phòng nói:
- Mấy chị em ngủ đi, mới 2 giờ sáng mà. Dậy làm chi sớm rứa?
Phương lên tiếng:
- Con Trinh nghe đồng hồ báo thức … tắc kè nhà anh báo 7 giờ rồi kìa! Ngủ chi mà ngủ dễ sợ, tắc kè kêu mà tưởng là đồng hồ báo thức. Ta chịu thua mi đó Trinh.
Thế là không ai ngủ tiếp được. Ba đứa tiếp tục rù rì cho đến khi có tiếng gà gáy ngoài vườn nhà Nguyệt. Một ngày mới bắt đầu. Phương mang theo tinh thần thể thao thể dục của người thành phố. Nó rủ tôi:
- Ê, dậy đi bộ với ta Trinh!
Nguyệt kiếm cho 2 đứa cái đèn pin và dặn dò:
- Trời tối lắm, hai đứa bay đi gần thôi nghe, coi chừng lạc.
Tôi và Phương đi ra đường. Vườn nhà Nguyệt cũng như hầu hết các nhà trong khu Nông trường café Việt Đức này, rất im lắng, quanh vườn trồng tiêu. Dây tiêu quấn quít vươn lên, xanh mướt những lá y như lá trầu. Phía trước nhà là một sân phơi nhỏ, một cây mai còn sót vài nụ hoa vàng. Tôi quả là ngạc nhiên vì không tìm thấy một mảnh vườn rau trong sân nhà Nguyệt, không có cỏ xanh. Nguyệt cho biết vì nuôi gà nên không trồng rau, sợ gà nó phá. Hơn nữa nhà gần một cái chợ nhỏ, muốn ăn rau thì ra chợ mua. Khu vườn nhà Nguyệt thật không giống như trong tưởng tượng của tôi.
Tôi với Phương đi bộ giữa hai hàng chè Tàu, khu nhà có vẻ nề nếp. Mỗi nhà đều có một lối đi nhỏ thẳng tắp dẫn vào. Buổi sáng cao nguyên thật bình yên, có tiếng chim hót trên các cành cây cao, mùi hoa, mùi cỏ thoang thoảng dịu dàng. Thỉnh thoảng có một vài chiếc xe tải của nông trường chạy qua, bụi đỏ mịt mờ. Hai đứa vừa đi vừa trò chuyện. Mới đó mà con bạn thi sĩ của mình định cư hơn ba mươi năm nơi vùng đất đỏ bụi mờ này, lâu hơn khoảng thời gian mà nó sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Ban Mê Thuộc tuy buồn nhưng giờ này mọi việc đâu đã vào đấy. Đã qua rồi cái thời nhà tranh vách đất, đã qua rồi cái thời cả ngày không nghe được tiếng động gì ngoài tiếng cày cuốc vở đất hoang. Con cái Nguyệt nay đứa lập gia đình, đứa ra trường đi dạy, đứa lớn bảo bọc đứa nhỏ. Ba má anh em Nguyệt cũng có nhà xúm xít gần đó. Căn nhà nhỏ của Nguyệt Giáo giờ chỉ còn anh Giáo đã về hưu, Nguyệt ở nhà nuôi gà … làm thơ. Không có thu nhập gì lớn ngoài vườn tiêu nhỏ quanh nhà và ít café. Nơi đây không có gì để phải cạnh tranh mà nếu có thì tôi biết bạn tôi không phải là người để bon chen vào chốn thương trường. Tôi lạy trời cho đừng có thiên tai, đừng có sâu rầy nơi vùng đất bạn tôi đang sống thì hy vọng cuộc đời Nguyệt và anh Giáo sẽ mãi mãi bình yên. Hai người sẽ vui với những gì mình đang có, tuy không xa hoa cấp tiến nhưng vẫn là một cuộc sống có ý nghĩa mà bao người đang mong.
Nguyệt Giáo đãi chúng tôi một bữa cháo gà. Tội nghiệp vợ chồng con trai lớn của Nguyệt và người em trai ở xóm bên, sáng sớm đã sang làm gà, nấu cháo. Ba má Nguyệt cũng không vắng mặt được, cả nhà tíu tít như có đám cưới. Món lẩu cá do Phương sáng tác được khen ngợi hết lời. Ăn trưa xong chúng tôi trang điểm dung nhan cho nhà thơ và cùng nhau ra thăm vườn hoa café để chụp hình và thưởng thức hương café theo lời quảng cáo của Nguyệt. Anh Tín và anh Giáo được đi theo để chụp hình. Rất tiếc là chúng tôi không còn thời gian để thăm vườn cao su, một trong những cây đặc sản của cao nguyên.
Chia tay Ba má, anh em Nguyệt trong niềm vui và sự luyến tiếc, chúng tôi bắt cóc nhà thơ đem về Đà Nẵng. Dự định sẽ ghé khu Du lịch Bản Đôn nên mời anh Giáo cùng đi. Anh từ chối vì không muốn từ Bản Đôn phải ngậm ngùi chia tay Thu Nguyệt, một lần nữa trở về một mình. Có lẻ cái cảnh kẻ đi người ở làm anh tủi thân chăng? Mà sao tôi nghe anh cứ thút thít, bịn rịn hoài.
Bản Đôn, trong tâm hồn nhà thơ Thu Nguyệt được diễn tả có “mây vàng nhè nhẹ, gió hiu … hiu”. Nguyệt cho tôi biết, “Bản” là danh từ dùng chỉ một làng, một khu vực hành chính của người Lào. Trong khi ‘Buôn’ là tiếng của người Ê Đê hay người Dân Tộc miền núi Viện Nam. Bản Đôn là nơi ngày xưa dân Lào cư ngụ, ở đây người Lào chuyên nghề thuần phục voi rừng. Sau vì chiến tranh liên miên, Bản Đôn chỉ còn sót lại một ít dấu vết người Lào và vài chú voi già. Gần đây, nhà nước hồi sinh Bản Đôn bằng cách trùng tu lại khu rừng sinh thái này gọi là Khu Du Lịch Bản Đôn, thu hút được nhiều du khách cho Buôn Mê Thuộc.
Chúng tôi đến Bản Đôn khoảng 3 giờ chiều. Với tôi, cảm giác đầu tiên khi anh Thân cho xe vào khu vực này như là đi vào một làng quê xác xơ, hoang tàn. Không phải cái xơ xác sau một trận chiến, cũng không phải bị tàn phá vì thiên tai, mà là hình ảnh hoang vu của một nơi ít được chăm sóc. Tôi ngần ngừ hỏi anh Thân:
- Mình có đi lạc đường không anh?
Anh Thân không trả lời, cứ chăm chú nhìn phía trước.
- Sao khu du lịch mà vắng hoe vậy?
Anh Thân cho xe chậm lại. Chúng tôi tiếp tục kiếm các bản chỉ dẫn hai bên đường. Đến một ngã ba, tôi reo lên:
- Đường vào Bản Đôn đây rồi!
Anh Thân lẹ làng đánh tay lái theo bản chỉ dẫn. Không có bản “Chào mừng quí khách”, chỉ có một mũi tên chỉ nơi đậu xe và một phòng nhỏ với tấm biển “Phòng đón tiếp du khách”. Chúng tôi xuống xe dòm ngắm lanh quanh. Anh Tín nhanh nhẹn vào hỏi thể thức cởi voi. Bước ra với tấm vé trên tay, không cần hỏi ý kiến, anh đã tự ý mua vé cho ba đứa tôi trèo lên lưng voi đi vòng vòng. Có ba chú voi già đang thong thả đi qua đi lại. Cô hướng dẫn chỉ cho chúng tôi đọc bản nội qui, sau đó cô gọi một anh nài.
Ba đứa theo sự chỉ dẫn, leo lên một cầu thang cao đến mái nhà, cũng ngang tầm với lưng chú voi gọi là “Đài lên voi”. Từ trên cao, chúng tôi sẽ leo vào kiệu đặt trên lưng voi. Nguyệt xung phong leo lên trước, ngồi vào kiệu. Tiếp theo là Phương hơi yếu tim nên ngồi giữa và tôi sau cùng. Một chú nài chừng 40 tuổi sẽ đắt voi đi. Cứ mỗi bước chú voi bước tơí thì cái kiệu đu đưa, lắc qua lắc lại, nhồi lên nhồi xuống phát ra tiếng kêu kít…kít. Phương hoảng hồn níu cứng tay tôi, mặt mày xanh lét.
- Dễ sợ quá, thôi đừng đi nữa.
Nguyệt trấn an:
- Có chi mô mà sợ.
Tôi thì thích quá cười nắc nẻ, dòm xuống đất cười duyên cho anhTín chụp hình.
Chú voi bước đi một bước là nghe Phương la làng:
- Thôi, thôi tau toát mồ hôi rôì, đừng đi nữa. Đi về!
Tôi lên tiếng:
- Ngồi im. Có chi thì ba đứa rớt xuống hết, mi lo chi.
Phương nắm chắc kiệu voi rồi khủng bố tinh thần tôi và Nguyệt:
- Mi coi nè, cái ni bằng gỗ, hắn đu đưa như ri, gãy một cái là tiêu.
Tôi cứ lì:
- Gãy răng được mà gãy chớ.
Chú voi cứ thong thả đi theo dẫn dắt của chú nài. Trên lưng voi, ba đứa tôi cải nhau loạn xị. Nguyệt thấy Phương sợ quá nó cũng không dám phát biểu gì. Khi voi đi vào đoạn đường có nhiều cây cao, lá cây, dây điện quẹt vào mặt tôi cũng hơi ngán nhưng trong cảm giác sợ cũng có phần thích thú. Tôi nói:
- Không cần đi bộ, ngồi trên cao ni ngắm cảnh cũng đã chớ!
Đến đây thì Phương nổi sùng:
- Cho tau xuống, tau đi bộ ngắm cảnh cũng được!
Nói với tôi xong, Phương kêu anh nài ngừng lại. Anh nài chậm rãi:
- Sợ quá thì lần sau đừng có đi nghe. Voi cao thế này, làm sao mà xuống được, phải về lại chổ cũ chứ.
Tôi tức cười quá:
- Đúng rồi, đi tiếp đi.
Phương vẩn không ngớt kêu trời, kêu đất cầu cứu.
Một phút sau Nguyệt bớt cười hỏi nhỏ tôi:
- Ê, mình về được chưa Trinh?
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, bộ bịnh nhát gan lây qua tới mi rồi hả?
Nó hùng hồn:
- Mô có, tau thấy Phương sợ quá tội nghiệp chớ!
Thông cảm cho hai đứa bạn, tôi hạ lệnh cho anh nài dắt voi quay trở về. Tính ra chúng tôi cởi voi chỉ được có 10 phút mà Phương đã mất máu, teo gan rồi, do đó việc đầu tiên khi Phương xuống khỏi đài voi là anh Thân mau mau kiếm cho Phương một cái rest room!! Biết để làm gì rồi.
Thu Nguyệt nhân đây sáng tác liền câu thơ lục bát:
Chưa đi không biết Bản Đôn
Đi rồi mới biết … vía hồn lên mây.
Xong màn đi voi chúng tôi dạo chơi một vòng qua mấy cái cầu tre lắc lẻo, rể cây chằng chịt, một vài nhà hàng phục vụ ăn uống dưới hình thức những ngôi nhà sàn thì im lìm, vắng hoe. Các nơi bán quà lưu niệm cũng thưa thớt khách. Khu Du Lịch Bản Đôn chỉ vọng lại là tiếng cười nắc nẻ của ba đứa khi nhớ đến chuyện cởi voi của Phương. Tôi hy vọng sau khi trở về Đà Nẵng anh Thân sẽ không tốn tiền đưa Phương đi bác sĩ tim mạch.
Rời Bản Đôn khi nắng chiều đã tắt, anh Thân lái xe một mạch về đến Pleiku, chúng tôi nghĩ lại đây một đêm. Khách sạn nào cũng hết phòng, thế mới biết Pleiku là nơi thu hút khách du lịch và dân đi công tác, làm ăn…
Sáng hôm sau anh Thân có vài phút gặp mặt với mấy người bạn tại Pleiku này, thế là chúng tôi được dịp đi theo thưởng thức càfé sáng và buffet điểm tâm, chuyện trò rất vui vẻ. Nói về café thì Buôn Mê Thuộc nổi danh với thương hiệu Café Trung Nguyên, Pleiku có Café Da Vàng. Chúng tôi không có thời gian nhiều để nhâm nhi nhưng thật lòng mà nói, ở Buôn Mê và Pleiku ngay cả các quán café cóc ven đường, đâu đâu café cũng có hương vị đậm đà, tuyệt vời không còn chỗ để chê. Xứng đáng là café Phố Núi lừng danh. Sau đó chúng tôi có viếng môt ngôi chùa rất lớn ở Pleiku. Đó là chùa Minh Thành ở đường Nguyễn Viết Xuân. Tại đây anh Thân phải rút bóp đóng góp mấy trăm ngàn cho các chú công an phường vì đậu xe sai chỗ, còn ba đứa tôi thì thăm được một thắng cảnh, chụp hình vô số kể.
Trên đường về lại Đà Nẵng, thỉnh thoảng anh Giáo gọi điện hỏi thăm chúng tôi, giọng anh nghe bịn rịn lắm. Tôi và Phương cứ đùa:
- Nguyệt lần này đi một mình về Đà Nẵng thăm anh sui, hèn chi mặt mày tươi rói.
Nhân dịp này anh Tín có thắc mắc với Nguyệt:
- Anh nghe Trinh nói anh Giáo ngày xưa là dân dạy vỏ, đô con lắm, mà sao Nguyệt nuôi kiểu gì mà dạo này ảnh nhỏ xíu vậy?
Nguyệt thật thà:
- Dạ, anh Giáo uống Mả tiền. Một loại thuốc bắc, khi xử dụng nó, đánh đá sẽ không bị đau, nhưng anh Giáo nhà Nguyệt dùng lộn. Thứ để uống thì anh đem xức, còn thứ để xức thì anh uống cho nên các cơ bắp đều bị teo. Không chết là may!
Anh Tín tỉnh bơ:
- Hỏi thiệt nghe, có chỗ mô không teo không?
Nguyệt đỏ mặt:
- Mệt quá, anh hỏi kỳ quá!
Anh Tín tiếp tục:
- Anh hỏi thiệt đó, anh Giáo có chỗ nào không nên teo mà nó teo anh sẽ có thuốc giúp ảnh. Anh em mà, có gì đâu mà ngại!
Chúng tôi có một dịp cười đùa thoải mái.
Đưa Nguyệt cùng về Đà Nẵng, chúng tôi sẽ tiếp tục có một chuyến du lịch Huế và thăm vài ngưới bạn khác.
Buôn Mê Thuộc, xứ buồn muôn thuở mà bạn tôi đã chọn làm quê hương thứ hai này tôi đã được đến thăm. Ba đứa bạn thân thuở nào có dịp cùng ăn, cùng ngủ, cùng vui đùa nghịch ngợm như thuở còn thơ. Tôi nhớ anh Giáo và Nguyệt đều nói:
- “Nơi đây vắng vẻ, xa thành phố, tiện nghi vật chất không đầy đủ nhưng Nguyệt Giáo rất vui, rất hãnh diện đã có những người bạn không ngại đường xa lên đây thăm gia đình mình, đây là món quà quý nhất mà mình nhận được”.
Rời phố núi tôi còn gì để nhớ? Ôi, “Phố núi cao ... phố núi đầy sương ... phố núi cây xanh...trời thấp thật gần. Anh khách lạ, đi lên đi xuống ... may mà có em … đời còn dễ thương ...”. Tôi nhớ Phương đầy tình cảm, lanh lẹ, chu đáo mọi việc nhưng lại yếu xìu, toát mồ hôi, run lẩy bẩy trên lưng voi, nhớ anh Thân lúc nào cũng cẩn thận bình tĩnh, đi với anh đúng là yên tâm hết sức. Tôi nhớ Nguyệt hoàn cảnh nào cũng làm thơ được, tâm hồn của nó lúc nào cũng nhẹ nhàng thơ thới bên cạnh anh Giáo hiền lành, nhỏ nhẹ. Tôi nhớ mùi hương của hoa café, mùi nồng của sân phơi sắn gần nhà Nguyệt, nhớ đến tình bạn trong sáng của chúng tôi từ lâu nay đã có dịp gắn bó trong tiếng cười làm quên hết mọi căng thẳng, mọi ưu phiền. Nhớ vườn tiêu xanh mướt nơi khu nhà Nguyệt ở. Tình hàng xóm láng giềng nơi phố núi. Buôn Mê, xứ đất đỏ trồng được những hạt tiêu cay nồng, có hoa café ngát hương, có vị café đậm đà, có những buổi sáng mát mẻ trong lành, những buổi chiều bụi đỏ. Và … tôi nhớ nhất sau chuyến đi này là bên tôi lúc nào cũng có anh, thương yêu chìu chuộng tôi hết mực, là người cùng tôi đi, cùng tôi thực hiện ước mơ khiến tôi thấy đời thêm dễ thương.
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Kỷ niệm một lần đến Buôn Mê
3/2009