Còn Đâu Ánh Trăng Vàng

Thuở nhỏ tôi mê bài hát có câu “Còn đâu em ơi, còn đâu ánh trăng vàng … mơn trên làn tóc rối…”. Tôi thật chưa đủ trí khôn để hiểu hết những gì nhạc sĩ, thi sĩ diễn tả nhưng tôi vẫn yêu lời ca đi kèm với giai điệu thật lãng mạn. Hơn thế nữa, bài hát có dính dáng đến cái tên của tôi. Tôi là cô bé có cái tên mang ý nghĩa “ánh trăng vàng”. Ra đời với cái tên tỏa sáng như thế, dĩ nhiên phải quí lắm, sang trọng lắm. Trăng vàng mà! Ánh sáng tỏa ra phải thật huyền ảo và đẹp mê ly. Ngày tôi chào đời bố mẹ đã nâng niu tôi biết bao mới đặt cho con gái cái tên sáng sủa vậy.

Bố mẹ tôi chọn Đà Nẵng làm quê hương sau chuyến di cư từ phương Bắc, theo đoàn người khốn khó rời bỏ mảnh đất quê nhà để vào nam sinh sống. Tôi ra đời tại thị xã Đà Nẵng, vùng đất lành chim đậu của khá nhiều di dân. Thời tôi lớn lên mới biết những gia đình có họ đạo, nói giọng Bắc thì tập trung gần nhau và dần dà lập nên những xóm đạo. Xóm Tam Tòa, xóm Thanh Bồ Đức Lợi, … Bên cạnh những gia đình theo Phật giáo thì sống rải rác hơn. Riêng những người Việt gốc Hoa thì tập trung ở khu chợ Mới, gần đó có ngôi trường dạy tiếng Hoa là trường Thọ Nhơn. Bố mẹ tôi sau vài lần thay đổi chỗ ở cuối cùng dành dụm mua được căn nhà tôn, vách ván trong xóm nhỏ khu Nại Hiên, gần Cổ viện Chàm Đà Nẵng.

Năm mười hai tuôỉ, tôi thi đỗ vào trường Nữ Trung Học Đà Nẵng, làm cô nữ sinh ngày hai buổi đến trường. Thời hoa mộng chỉ biết học hành và nghịch ngợm với bạn bè. Với cái tên sáng lấp lánh, ánh trăng vàng nhưng tôi không sở hữu một khuôn mặt hay dáng dấp của một vầng trăng. Tôi có làn da hơi ngăm đen, đôi mắt lộ và cái miệng hay cười. Vì bố tôi chỉ là một viên chức nhỏ, mẹ buôn bán vặt vảnh, anh em đông nên hoàn cảnh gia đình không lấy gì làm khá giả. Tuy vậy, thời thơ ấu của tôi cũng tràn đầy mật ngọt, quanh quẩn ở xóm nhỏ. Hình ảnh chiến tranh gieo rắc khắp bốn vùng chiến thuật tôi chỉ thấy trong TV hoặc trong những bản nhạc thời đó. Ngoài những giờ học ở trường, vui chơi cùng đám bạn nhỏ, lang thang qua bên khu Cổ Viện nhặt hoa sứ hoặc ngồi tán dóc ở ghế đá công viên đối diện trường Sao Mai, ngôi trường đạo tư nhân lớn nhất Đà Nẵng. Tuổi thơ của tôi qua đi thật êm đềm nơi thành phố có dòng sông Hàn thơ mộng bao quanh.

Những năm tháng sau đó, chiến tranh leo thang. Đồng bào từ thôn quê tản cư ra thành phố càng nhiều, xóm tôi ở trở nên nhộn nhịp hơn. Tôi lớn lên trong cái xóm nhỏ bình dân với đầy đủ những vui buồn phức tạp. Bấy giờ, hai miền nam bắc vẫn chưa đồng một thể chế chính trị. Giao tranh hoài khiến cuộc sống người dân mãi lao đao. Trường học đôi khi phải là nơi tạm cư cho đồng bào từ các tỉnh phía bắc trung phần chạy trốn bom đạn vào lánh nạn. Không biết bom đạn thuộc quân đội miền nào, thể chế nào. Chỉ biết tang thương bao trùm lên những người dân, trước mắt là trong cái xóm nhỏ tôi đang sống. Những chiếc hòm gổ phủ lá cờ, những vành tang trắng trên mái tóc những thiếu nữ vừa quá hai mươi. Tuổi trăng tròn của tôi không có những đêm trăng sáng vằng vặc nên thơ mà thay vào đó là tiếng đại bác hàng đêm vọng về và bầu trời thị xả lấp lánh ánh hỏa châu.

Tháng ba năm 1975, đất nước im tiếng súng. Hai miền nam bắc thống nhất. Những đổi thay về chính trị kéo theo những đổi thay về hoàn cảnh sống. Rất nhiều khó khăn chung cho đồng bào cả hai miền nam bắc. Là một thanh niên trong thời bình, thời xây dựng đất nước sau nhiều năm loạn lạc, tôi cũng theo đoàn thanh niên tham gia những công trình lao động xã hội. Tôi rời trường học, xếp lại những trang vở học trò khi mới mười bảy tuổi. Gia đình tôi từ trước đến nay vẫn không khá giả gì mấy. Chế độ thương nghiệp quốc doanh đem đến nhiều khó khăn, chật vật cho những gia đình buôn bán nhỏ, cá thể như gia đình tôi. Là con gái lớn trong gia đình, tôi không biết làm gì để giúp đở gia đình ngoài việc phụ mẹ buôn  bán. Tương lai chẳng có gì sáng sủa. Không có ánh sáng của một vầng trăng đêm rằm. Đôi khi tôi nghĩ chắc tôi chào đời trong một đêm tối trời, chị Hằng đã đi ngủ sau đám mây nên đời tôi tăm tối.

Thắm thoắt tôi sắp bước vào tuổi ba mươi, với một nhan sắc cũng không được mặn mà ngoài cái miệng hay cười. Bạn bè cùng lứa hầu hết đã lập gia đình và có con cái. Tôi quen biết một chàng trai cùng hoàn cảnh, nghĩa là làm ăn cũng bấp bênh như tôi. Anh hàng ngày đạp xe đi bỏ hàng cho người ta, tôi buôn bán lặt vặt ngoài chợ. Hai đứa dành dụm hoài vẫn không đủ tiền làm một bữa tiệc nhỏ ra mắt họ hàng anh em. Tôi phải chạy đi vay mượn thêm ở bạn bè mình. Đám cưới nghèo, đơn sơ vài ly rượu và mấy tấm ảnh kỷ niệm cũng đã là một cố gắng vượt bực của hai đứa. Tuy vậy hai vợ chồng cũng đồng lòng với hy vọng sẽ cùng nhau tát cạn biển đông.

Sau đám cưới, tuần trăng mật không phải là những đêm thơ mộng nóng bỏng bên người mình thương mà lại là những đêm hai đứa bên nhau bắt đầu lo dành dụm, tính toán để kiếm tiền thanh toán những món nợ xa gần. Tôi không biết biển đông mênh mông là dường nào, nhưng món nợ cho ngày cưới tôi trả hoài không hết, bởi số phận đã đẩy tôi vào cảnh góa bụa chỉ sau đó mười bảy ngày.
Chồng tôi, một buổi sáng đạp xe đi bỏ hàng đã lên cơn co giật kinh niên nên anh ngã xe, tắt thở ngoài đường không kịp nói lời trăn trối. Lăn lóc bên cạnh anh là cuốn album mới toanh, với mấy tấm ảnh cô dâu chú rể mà anh cố tình mang theo để khoe với bạn bè. Đau thương, tang chế sập xuống đời tôi khi hương lửa ái ân chưa kịp nồng. Hơn thế nữa, mười mấy ngày tình chồng nghĩa vợ đã để lại trong tôi một bào thai bé bỏng. Cùng với món nợ đám cưới chưa kịp thanh tóan nay chồng chất thêm món nợ của đám tang. Thế là số phận ánh trăng vàng từ đây hắt hiu như chiếc bóng lẻ loi bên lề đường. Một con đường không có hoa thơm cỏ lạ, một mình tôi bước đi, một mình tôi vấp ngã chẳng ai nâng.
Tôi sanh con ra và nuôi một mình trong nghèo túng, thằng con trai chưa hề thấy mặt bố nhưng giống bố như tạc đã là nguồn sống cho tôi trong nhiều năm tháng chật vật, lao đao. Đó là những tháng ngày đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Đất nước bắt đầu có nhiều thay đổi về kinh tế cũng như xã hội. Bạn bè tôi nhiều đứa rời Đà Nẵng đi xa, có đứa ra nước ngoài bằng nhiều lối đi khác nhau, cũng có nhiều đứa chuyển dần vào miền nam sinh sống, lập nghiệp và có cơ sở làm ăn tương đối khá giả. Thấy con trai tôi càng lớn mà chưa có nghề nghiệp gì, học hành cũng dang dở, một đứa bạn cũng là con gái một thầy giáo của tôi thời Hồng Đức từ Sài Gòn về là Đặng Hội đã góp ý và giúp đở tôi mở một gian hàng gò hàn inok để thằng con có công ăn việc làm ổn định. Hai mẹ con chí thú làm ăn, cố gắng hết sức để thoát khỏi cảnh nghèo túng. Lòng tôi còn nuôi một ước mơ rất nhỏ nhoi, đơn giản như bao người mẹ khác trên đời là cầu mong sao cho thằng con được khỏe mạnh, sau này lập gia đình không rơi vào cảnh bế tắc như bố mẹ ngày xưa. Không lâm vào bước đường ngặt nghèo đến nỗi lo một cái đám cưới cũng không xong. Tôi vừa bán hàng, vừa đi bỏ hàng vừa phụ với những người thợ trong xưởng. Công việc nặng nhọc đúng là chỉ dành cho đàn ông. Làn da vốn không được trắng trẻo của tôi ngày càng xạm đi bởi những khói bụi trong xưởng lẫn bụi đời. Tuy vậy, ngoài thằng con trai, tôi còn có được sự chia xẻ tâm tình của một anh bạn. Với tôi, đây là nguồn an ủi động viên, giúp tôi có thêm nghị lực và san sẻ những vui buồn trong đời sống. Chỉ là tình bạn già, tôi chưa dám nghĩ đến một bước đi thêm khi tuổi đời vừa chạm con số năm mươi. Mẹ tôi cũng vì bạo bệnh mà qua đời cách đây mấy năm. Tôi và thằng con sống chung dưới mái nhà của bố.

Một ngày đẹp trời, tôi đang bán hàng ngoài chợ thì đứa em gọi:

- Chị ơi, có bạn kiếm.

Tôi ngừng tay nhìn lên, một phụ nữ bước đến trước mặt tôi.

- Ê, mi nhớ ta là ai không?

Tôi ngập ngừng, cố tìm trong trí nhớ vẫn không kiếm ra một chút gì quen thuộc trên khuôn mặt người đối diện. Người phụ nữ mở đôi mắt thật to, miệng cười cười:

- Không nhớ ta là ai hả?

- Để coi, a… KL phải không?

Tôi nhận ra con bạn thời NTH Hồng Đức, ngoài đôi mắt với hàng mi dài và cong vút, con bạn không còn một nét gì của thời xưa để tôi nhận ra nó. Hai đứa tíu tít nói chuyện. Tôi kể cho bạn nghe về hoàn cảnh của mình. Con bạn tâm sự về đời sống của nó. May mắn là KL đã ra nước ngoài sum họp với gia đình, bao nhiêu buồn phiền, đổ vở đã trôi dần vào dĩ vãng. Hai người bạn cùng lớp, hai cảnh đời ngang trái sống trong hai hoàn cảnh xã hội khác nhau trong phút chốc bỗng hòa hợp chỉ vì cả hai chúng tôi đều mang tâm trạng phòng không gối chiếc. KL cho tôi biết, nhờ sự ra đời của trang web lớp Chín bốn và sự liên lạc từ Quang Ấn nó mới biết nơi tôi buôn bán mà ghé thăm. Con bạn còn trách tôi sao ở Đà Nẵng mà không liên lạc lại với bạn bè xưa. Tôi thật thà cho KL biết về những mặc cảm tự ti trong lòng mình, điều khiến tôi ngạc nhiên lẫn vui mừng là tuy thời gian xưa học chung lớp chúng tôi không thân nhau lắm nhưng nay KL vẫn còn nhớ và ghé đến thăm hỏi tôi với những chia xẻ rất thân tình. KL đã mang đến cho tôi sự xúc động đến nghẹn lời. Trải qua bao nhiêu sóng gió trong đời, năm mươi tuổi tôi mới ngộ ra rằng, thời gian có thể xóa mờ và làm thay đổi mọi thứ, chỉ có tình cảm chân thành là bất biến. Xin cám ơn người bạn từ phương xa đã mang đến cho tôi nguồn an ủi, làm ấm lòng. Thế rồi hoàn cảnh của mẹ con tôi dần dần đuợc bạn bè thời trung học biết đến, tôi làm quen lại với những thân tình thời xưa. Tôi không còn e ngại, rụt rè khi có mặt ở những cuộc gặp gỡ. Lần cô Hoè từ Úc về tôi cùng các bạn có cuộc họp mặt thật vui. Tình bạn, thầy trò như sống lại trong tôi, đó là những niềm vui mang đến cho tôi thật nhiều hạnh phúc. Tôi hứa sẽ ra quán net để tham gia vào những cuộc vui cùng với bạn bè thường được kêu gọi trên trang web lớp, tôi hiểu đó là nhịp cầu nối hai bờ yêu thương từ trong nước ra ngoài nước. Tôi ao ước có dịp gặp gỡ chia xẻ tâm sự với bạn bè. Đó không phải là ước mơ đội đá vá trời, cũng chẳng phải chuyện đào non lấp biển. Vậy mà, định mệnh như cố tình muốn đẩy tôi vào một con ngỏ cụt…

Tháng tám năm 2009 sau khi đi bỏ hàng về, vừa đến nhà tôi thấy hơi mệt, khó thở. Tôi ngã xuống, cái té tuy nhẹ nhàng cũng đủ làm tôi choáng váng, xướng quai hàm cứng ngắt. Tôi không ú ớ gì được, bố tôi vội vàng kêu hàng xóm đến giúp đưa tôi vào bệnh viện. Cơn động não đã làm sụp đổ hoàn toàn đời sống của tôi. Một trong những sợi dây thần kinh nào đó trong nảo đã ngừng hoạt động khiến tôi trong phút chốc trở thành người tàn phế. Chân phải không tự điều khiển bước đi. Một phía bán cầu não với những dây thần kinh bị liệt khiến bán thân tôi bất toại. Bàn tay co quắp và giọng nói đâm ra ngọng nghịu. Cuộc đời mới năm mươi tuổi của tôi đã mù mờ nay càng thêm tăm tối. Từ đây, mọi sinh hoạt cá nhân tôi còn không làm chủ được, làm sao tôi có thể nuôi sống chính bản thân tôi đây. Nỗi ám ảnh những ngày đau khổ trong quá khứ với bệnh hoạn và nợ nần chồng chất khiến tinh thần tôi suy sụp, kiệt quệ. Công việc làm ăn và cửa hàng buôn bán ngoài chợ của tôi đành trao lại cho đứa em gái. Thằng con trai không bố với việc học hành dang dở đang bước vào tuổi hai mươi cũng chán nản, bỏ phế công việc ở xưởng hàn gò khiến mọi chuyện càng trở nên bế tắc.

Cũng may, nhờ những lần gặp gỡ bạn bè dạo trước nên sau đó tôi cũng đã nhận được sự giúp đở từ vật chất đến tinh thần. Một nhóm bạn từ nước ngoài cũng gom góp gởi về cho tôi một khoản tiền khá lớn. Bạn bè ở gần thì thỉnh thoảng kéo nhau đến thăm tôi. Trong dịp này, các bạn cố gắng tạo cho tôi niềm vui, bắt tôi kề chuyện, xúi tôi hát bằng cái giọng ngọng nghịu như trẻ lên hai. Các bạn đều khuyên tôi nên thư giản đầu óc, cố gắng luyện tập may ra có cơ hội hồi phục. Bố tôi từ trước đến giờ vẫn nương nhờ vào tôi, nay tôi lâm vào cảnh tàn phế, tôi đành lòng phải dựa dẫm vào bố. Nước mắt chảy xuôi. Người cha già tám mươi góa bụa của tôi không làm gì ra tiền, nay đôi vai già nua của bố phải cỏng thêm đứa con gái tật nguyền. Anh bạn già của tôi ngày nào nay nhìn thấy hoàn cảnh bi đát của tôi chắc cũng ngán ngẩm nên lặng lẽ rút lui. Bơ vơ, thiếu thốn và mặc cảm ăn bám vào mọi người khiến tôi lắm khi không còn muốn sống trên đời.

Người xưa thường nói: Giàu cha giàu mẹ thì ham, giàu anh giàu chị, ai mần nấy ăn. Các em tôi tuy có gia đình và có đứa làm ăn cũng tương đối nhưng để cưu mang một bà chị què quặt như tôi thì là điều không tưởng. Tôi cúi mặt sống chui rúc trong góc nhà như một con hủi ở xó bếp. Thằng con trai mới lớn không có sự dạy dỗ của bố, nay mẹ tật nguyền, càng ngày càng sa chân vào những cám dỗ không trong sáng. Tôi bất lực nhìn thằng con, nước mắt chảy dài khi nghĩ đến tương lai mờ mịt của nó. Tôi cảm thấy mình vô dụng quá, chỉ một đứa con mà tôi không lo cho tròn. Chồng tôi ở nơi xa kia, anh có hiểu thấu cho nỗi lòng tôi không?

Vài ba người bạn thuở trung học thường ghé thăm tôi luôn kèm những giúp đở nho nhỏ. Tôi cố gắng luyện tập từng bước đi lê lết, lòng tôi chỉ ước ao được trở lại bình thường. Ôi, những bước chân bình thường như thuở cha sinh mẹ đẻ, giờ đây đối với tôi lại là chuyện thiên kinh địa nghĩa, là một giấc mơ khó trở thành sự thật.

Một ngày, có ba người bạn là DTĐ, QA và Tía đến thăm tôi, lần nào gặp các bạn tôi cũng rơi lệ, mếu máo. Các bạn mời bố tôi, kêu thằng con đang còn ngủ trên giường thức dậy. Các bạn làm tôi ngạc nhiên quá. QA và DTĐ giải thích cho bố và thằng con biết, nếu không lo luyện tập cho tôi thì những ngày còn lại của cuộc đời tôi sẽ bi đát chừng nào. Có cô gái nào dám nghĩ đến chuyện ăn đời ở kiếp với một thanh niên vừa nghèo, không có việc làm ổn định, thêm món nợ đời là bà mẹ tật nguyền như thằng con tôi. Đó là cái viễn ảnh tối tăm của cuộc đời thằng bé hăm hai tuổi. Các bạn tôi vừa giải thích, vừa thuyết phục gia đình tôi đồng ý cho tôi sang một trung tâm trị liệu ở quận 3 ĐN. Giá cả cũng nhẹ nhàng, với bảo hiểm sức khỏe, tôi chỉ tốn 200 ngàn đồng VN cho mỗi tháng luyện tập. Tiền ăn ngày 3 bữa là hai mươi lăm ngàn đồng. Tía đã có xin dùm cho tôi được một ít từ hai bạn ở nước ngoài, bạn Tía cho thêm chút đỉnh. Bố tôi ngồi nghe các bạn tính toán mà hai dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo. Bố tôi thật sự cảm động cho tấm chân tình của các bạn. DTĐ nhà ở gần trung tâm phục hồi chức năng đó nên sẽ hàng ngày chạy qua chạy về với tôi. Tôi như người bước trên mây, vừa mừng vừa xúc động. Tôi thật không ngờ những người bạn từ thuở trung học nay lại quan tâm đến tôi sâu sắc vậy. Để tránh tiếng chì tiếng bấc, các bạn tôi dặn gia đình đưa tôi sang nhập viện. Trong khi đó DTĐ và QA sẽ có mặt để lo thủ tục nhập viện cho tôi.

Ngày nhập viện, làm hồ sơ xong thì DTĐ và QA ngẩn ngơ vì không biết tìm đâu ra nguồn tài trợ, may thay, có sự hưởng ứng nhanh chóng và kịp thời của Tía. Thấm thoắt mà tôi đã vào đây được 3 tháng. QA và Tía thỉnh thoảng ghé thăm, mấy đứa bạn theo dõi cách tôi luyện tập và cách cư xử của những y tá nơi đây. QA có vẻ hài lòng, nó bảo, đây đúng là nhà thương. Vì hầu như con người đối với nhau bằng tình cảm hơn là vật chất. Trung tâm trị liệu nằm gần biển, mỗi ngày tôi được tập luyện, tắm nắng, sống cận kề với những người đồng hoàn cảnh, hình như tâm tư tôi thoải mái hơn. Chỉ có điều phần ăn hạn chế trong hai mươi lăm ngàn mỗi ngày, lại phải vận động nhiều khiến tôi không được no. Tía dặn DTĐ chi thêm cho tôi một ít để tôi gởi người quen mua thêm bún tươi về, ăn với xì dầu. Đôi khi ghé qua thăm tôi, Tía hoặc QA mua cho tôi thùng mì gói để ăn dặm. Tình cảm và cách cư xử của các bạn đã khiến đứa em gái khá giả của tôi động lòng. Con em ghé qua thăm tôi và mua cho tôi gói bánh kèm với ít tiền tiêu vặt. Tôi cảm động rưng rưng nước mắt. Không phải món quà nhỏ làm tôi xúc động mà chính là cử chỉ thân ái hiếm có đó, bắt nguồn từ sự chăm lo của những đứa bạn đã khiến đứa em gái máu mủ vốn lạt lẻo của tôi thay đổi thái độ. Tận trong đáy lòng, tôi thầm ngưỡng mộ cái tình cảm lặng lẻ nhưng sâu sắc của các bạn tôi. Từ những ngày đầu tôi lâm bệnh đến nay, các bạn đã dành cho tôi thật nhiều ưu ái. Ngoài các bạn hiện thường lui tới với tôi hôm nay, tôi cũng không quên các bạn ở ngay tại ĐN: PTHoa, TH, TS, BN, L thi sĩ, MLinh, MHương, Th Hà, LH, Nguyệt T, Phương, Thu Hạnh … Các bạn ở xa về như: CML, T Trang, TV, QN, CTH; nhóm bạn ở nước ngoài thì có AT, NA, Hương bắp, TV, KL … đã từng giúp tôi ngay khi biết tôi bị stroke. Tôi thật hãnh diện với lời trầm trồ của từ các cô y tá cho đến bệnh nhân ở đây, ai nấy đều lấy làm ngạc nhiên khi biết từ sự vận động của bạn bè mà tôi mới được đưa vào đây trị liệu. Ai cũng cảm phục cho tình bạn thuở học trò của tôi. Tội nghiệp nhất là bạn DTĐ, mỗi khi tôi réo là Đ có mặt ngay, ánh mắt DTĐ u buồn nhìn tôi như chứa chất biết bao thâm tình. Tôi thật sự không biết DTĐ đã xin từ đâu, nguồn vật chất hổ trợ nào để lo viện phí và tiền ăn cho tôi hàng tháng. Điều mà những người thân máu mũ của tôi chưa chắc dám đứng ra gánh vác. Tôi biết DTĐ cũng nghèo và chật vật lắm, nhưng tấm lòng của Đ thật bao la. Lắm khi lòng tôi áy náy, nhưng tôi biết nói gì, làm gì bây giờ ngoài quyết tâm, cố gắng luyện tập mỗi ngày để nhìn thâý nụ cười hài lòng nở trên môi các bạn khi đến thăm tôi. Nhìn tôi đang tập những bước đi mỗi ngày một vửng, bạn tôi vổ tay reo mừng. Tôi như đứa trẻ, với nụ cười ngô nghê và ánh mắt vô hồn. Tôi không muốn, nhưng hình như tôi đang phó thác những ngày tháng sau này của đời tôi vào vòng tay yêu thương của bạn bè. Cám ơn trang web đã là sợi dây nối kết tình thân để những ngày bi thảm của đời tôi có bạn bè chia xẻ.

Đêm đêm, tôi nằm mơ, giấc mơ của tôi không phải là một thiên đường lộng lẫy hay một lâu đài vàng son gót tía. Tôi chỉ mơ được đi đứng vững vàng hơn một chút để tôi có thể cầm tập vé số mà đi bán dạo, nuôi sống bản thân tôi. Chỉ mong được là một người bán vé số rong ngoài đường phố mà thôi, có chútt ít thu nhập, để các bạn tôi mới bớt lo âu, khỏi phải vì tôi mà lo lắng nhiều hơn. Thời buổi kinh tế khó khăn, chuyện gia đình, chuyện làm ăn của các bạn ấy cũng đã quá căng thẳng rồi, thêm một gánh nặng là tôi, thiệt tội cho các bạn. Người đời có nhiều cách bày tỏ lòng từ tâm. Có người góp gạch xây chùa, có người nhường cơm sẻ áo giúp người bị nạn vượt qua thiên tai. Các bạn tôi thì kẻ có của, người có công, tất cả đang lòng thành giúp tôi hồi sinh từ vực sâu; một việc làm ý nghĩa hơn “xây chín bậc phù đồ”.

Đêm đêm, từ căn phòng nhỏ của “nhà thương” này, tôi ngước mắt nhìn lên trời cao. Bầu trời đầy sao, ánh trăng lẻ loi ẩn mình sau đám mây, tôi cảm thấy cuộc đời sao quá vô thường. Mái ấm gia đình, quan hệ xã hội, tình nghĩa phu thê … những điều ai cũng d
dàng có được sao chỉ trong phút chốc, tất cả vụt mất trong tầm tay tôi. Chỉ còn lại đây là những ngày dài mòn mỏi, luyện tập từng bước đi như đứa bé mới chập chững vào đời, lại phải dựa dẫm trong vòng tay yêu thương của bạn bè. Phải chăng những thân tình này là ánh sánh le lói cuối cùng cho đời tôi.

Ôi ánh trăng vàng năm xưa, còn đâu nữa?
    
Tháng 10 năm 2011