Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Con đường tuổi thơ
Kangaroo có lần đã nêu ý kiến: O50 hay ngủ mơ và kể chuyện ngày xưa. Ừ, đúng y như vậy. Bây giờ cũng có tuổi rồi (không dám nói thẳng, nói thật là ''già'' ), nửa đêm thức giấc, ôi thôi thì nhớ, tiếc đủ chuyện trên đời, nhất là sau những cơn mơ.
Nhưng, khác với NA, trong mơ, những cố nhân của tôi hình như chẳng xuất hiện bao giờ (tôi cũng không hiểu tại sao nữa, có lẽ hình ảnh họ đã mờ nhạt quá chăng?). Trong mơ tôi hay thấy mình mặc áo dài trắng và đang trên đường đạp xe đi học về nhà. Nhưng hầu như lần nào cũng vậy, tôi thường bị lạc lối trong đêm tối không biết vì lý do gì và không bao giờ về được căn nhà xưa yêu dấu. Hình như trong giấc mơ, tiềm thức vẫn nhắc nhủ tôi: ''còn nhà đâu nữa mà về''. Tỉnh giấc, đôi khi gối tôi ướt đẫm nước mắt buồn bã, tiếc nuối vô cùng những tháng ngày hạnh phúc và đẹp đẽ quá chừng ...
... Năm tôi thi đậu vào lớp sáu trường Nữ Trung Học Đà Nẵng, sau nửa tháng đưa đón tôi đến trường cho quen đường, Ba liền mua cho tôi một chiếc xe đạp để tôi tự đi học một mình vì Ba quá bận. Cái chuyện đi xe đạp thì tôi rành lắm, tôi đã tập đi từ hồi học lớp một, lớp hai kia. Còn nhớ nhỏ Thanh Thuỷ (học 6/1 Pháp văn), sau một thời gian dài xa cách khi gặp lại tôi, đưa về nhà chơi, đã trân trọng giới thiệu với ông xã: ''anh Duy biết không, nhờ nhỏ Nguyệt đây mà Thuỷ biết đi xe đạp đó!''. Hình như tôi đã tập cho Thuỷ đi xe đâu từ năm mới lên lớp ba, lớp bốn và nó ''biết ơn'' tôi lắm lắm thì phải ...
Vậy là từ năm lớp sáu, chiếc xe đạp đã là bạn đồng hành với tôi mỗi buổi tới trường ngày nắng cũng như mưa. Nhà tôi lúc đó có lẽ là xa nhất so với các bạn cùng lớp, dễ có đến ba, bốn cây số. Từ nhà trong khu căn cứ phi trường tôi đạp xe qua cổng trạm gác (đây là khu quân sự mà), tôi vẫn còn nhớ qua đây một đoạn là nơi bạn Liên Hương học giỏi nổi tiếng của lớp tôi đang trú ngụ và đi học bằng xe jeep có lính đón đưa (ba LH là ông lớn). Rẽ trái, tôi thấy nhà máy đèn to lớn và cũ kỹ (nơi cung cấp điện cho cả thị xã Đà Nẵng thời ấy), rồi tôi đi qua một khu cư xá sĩ quan, trong cư xá này là nơi ở của Phi Nga, Nguyệt NgaB đều là dân có số 4 đằng sau. Hai bạn ấy cũng đi học bằng xe đưa đón, vậy đó, chắc ít có bạn nào trong lớp ''phong trần" bằng tôi, tôi tự nghĩ và cười thầm.
Đây là đường Trưng Nữ Vương, qua cống Mê Linh một đoạn là tới chợ Mới, đoạn này có nhà bạn Kim Anh trưởng lớp tôi với tiệm điện Vĩnh Xuân. Đến đây thì có hai đường để đến trường, một là rẽ xuống Hoàng Diệu, hoặc đi một quãng ngắn nữa thì rẽ xuống Phan châu Trinh. Lúc nào tôi cũng chọn cụ Phan vì từ đó là tôi chỉ việc bon thẳng một mạch tới cổng sau của trường, khỏi mất công quẹo phải, rẽ trái chi cho mệt nữa. Hai bên đường đã quá quen thuộc với tôi. Tôi đạp xe qua chùa Phổ Đà, ngôi chùa nhỏ mà ngày bé tôi là oanh vũ hay đi sinh hoạt ở đó mỗi chiều Chủ Nhật. Đi một đoạn nữa lại qua ngôi chùa Tam Bảo Tự, còn gọi là chùa Nguyên Thuỷ. Ở đây tu theo phái Nam Tông với các vị tu sĩ hay bưng bình bát đi khất thực đầu đội trời, chân đạp đất rất chi là khổ hạnh. Tôi đi từ từ xuống Ngã Năm. Khu này rất đông vui với rạp chiếu phim Li Đô và các quán ăn Ba Tàu, tôi thích nhất là quán chè sâm bổ lượng, ngày Lễ, Tết Ba thường chở tụi tôi đi ăn. Dọc vỉa hè ở đây buổi chiều mấy ông Ba tàu thường hay chiên bánh tiêu và dầu cháo quẩy bán. Bánh tiêu thì ngon ơi là ngon không chê vào đâu được, thỉnh thoảng chiều chiều đi học về tôi có ghé vào mua dăm bảy chiếc. Bánh làm bằng bột mì trộn đường pha một ít bột nổi rồi rắc mè dày lên và chiên trong chảo dầu to cho thật phồng, ăn vào nghe vị ngòn ngọt của bột, beo béo của dầu, thơm thơm của mè...không biết chán. Sau này tôi cũng ăn bánh tiêu nhiều nơi nhưng quả thật là không nơi nào ngon như bánh tiêu ở đó. Ngã Năm cũng có nhà của Ngô Thu Hương với tiệm xe đạp Tùng Chiêm nổi tiếng.
Qua Ngã Năm một chút là tới ngã tư Hùng Vương, phía bên trái là rạp Trưng Vương to lớn (bây giờ người ta hay gọi là hoành tráng), nơi mà các đoàn ca nhạc, kịch, cải lương nổi tiếng hay về trình diễn (lúc còn nhỏ tôi đã từng được Ba mẹ cho đi theo vào rạp coi đủ thứ rồi ). Từ đây xe tôi lăn bánh một tí nữa là tới ngã tư Lê Lợi, cổng sau của trường đây rồi, xéo xéo bên kia là ngôi trường Phan châu Trinh với màu vàng muôn thuở. Tôi thở phào xuống xe dắt bộ vào nhà để xe và không quên khoá cẩn thận trước khi vào lớp. Thiệt thòi cho tôi là trong cả những năm học trường Nữ ấy vì đi về bằng xe đạp nên ít có khi tôi vào bằng cổng trước, do đó tôi không chứng kiến được cảnh tấp nập thướt tha của những tà áo trắng mỗi lúc tan trường với những cây si và đủ các bậc hào hoa mà chị KC nhắc đến trong bài Cổng Trường Con Gái. Tôi cũng ít khi được quàng vai chúng bạn tà tà dạo bước dưới hai hàng kiền kiền cao vút của con đường Thống nhất rợp mát và thơ mộng biết chừng nào.
Phía bên kia cổng trường là mặt sau của trường Nam tiểu học mà thời đó nổi tiếng với món bánh bèo Huế. Nói như bây giờ thì gọi là thương hiệu ''bánh bèo trường Nam''. Tôi nhớ có những buổi học cả ngày, vì lười đạp xe đi về nên tôi xin tiền Mẹ để ở lại trưa cho tiện. Vậy là trưa đó tôi rủ vài đứa bạn ở lại như mình qua trường Nam thưởng thức bánh bèo. Bánh được mấy dì người Huế đúc bằng bột gạo rồi hấp lên trong những cái chén nhỏ xíu, nhân bằng tôm chấy nhỏ, rắc thêm vài miếng tóp mỡ hay bánh mì chiên giòn, chan vào nước mắm ngòn ngọt, cay cay thơm thơm mùi tỏi ớt, ăn không biết no là gì. Không riêng gì các nữ sinh trường tôi mà học sinh các nơi, kể cả nam, đều thích về đó ăn hàng. Nghe nói là có khi các thực khách còn tổ chức cuộc thi ăn bánh, ăn xong sắp chén thành từng chồng, chồng nào ít hơn là vị đó phải chịu trả tiền cho chủ quán. Hình như Thu Ngọc (hiện ở Úc và không biết có phải là Kangaroo không nữa), cũng nhờ tôi rủ rê mà đã thưởng thức được món ăn khoái khẩu này nên từng bảo là nhờ TN ''tập'' mà Ngọc biết ăn hàng. Úi chà, vậy là tôi cũng có chút công trạng chứ nhỉ, tập cho bạn này đi xe đạp, rồi tập cho bạn kia biết ăn hàng nữa chứ ... Chắc mấy mợ ''siêu'' gạo bài như NA, TH, TS, BN...chẳng có kỷ niệm ngọt ngào này đâu nhỉ? Trừ AT và Phương ruồi ra vì tụi tôi là bộ ba tướng sĩ tượng mà ...
Vậy đó, con đường đi học ngày ấy của tôi không thơ mộng đầy hoa đầy bướm như trong sách vở. Những vòng xe lăn mang rất nhiều mồ hôi và nhọc nhằn nóng bức trong mùa nắng, ướt át và lạnh lẽo, tôi co ro đạp đi trong những cơn mưa dầm tái tê của mùa mưa. Nhưng rất êm đềm hạnh phúc, tuổi thơ của tôi trải theo vòng bánh xe lăn, không gợn chút âu lo phiền muộn. Từ khi còn là con bé con lộc ngộc ham chơi cho đến lúc phổng phao hẳn lên (có lẽ nhờ đạp xe nhiều), biết e lệ thẹn thùng khép nép trong tà áo dài trắng thướt tha, tôi vẫn ngày hai buổi đi về trên con đường thân yêu đó bằng con ngựa sắt của mình. Cho tới một ngày ...
Tôi giã từ đời học sinh một cách nhanh chóng vội vàng vì thời cuộc, giã từ luôn con đường thân quen yêu dấu đã hằn vết xe tôi suốt gần năm năm đi học. Bỏ thành phố của tuổi thơ, tôi tha phương và lâu lắm không có dịp trở về thăm lại. Những năm sau này có thảnh thơi hơn tôi đã trở về ĐN. Lần nào cũng vậy, tôi lại tha thẩn đạp xe dọc theo con đường thân yêu đó. ĐN thay đổi rất nhiều, đàng hoàng hơn, to đẹp, lộng lẫy nhiều hơn. Tôi đi chầm chậm, cố tìm lại dáng hình của con bé lơ ngơ ngày xưa, cố níu giữ cho mình một chút kỷ niệm của thời vô tư lự ... Tôi đi, đi mãi cho đến hoàng hôn và cảm thấy lòng chùng xuống.
Ôi thời gian, xin hãy quay lại cho tôi được một lần làm con bé khờ dại lăn vòng xe đi mãi trên con đường ngày xưa ngập tràn hạnh phúc và vui sướng, êm đềm và ngây thơ đó ...
Thu Nguyệt
Viết nhân ngày 29/3
Chin Bon
Chin Bon