Con gái phương xa













Chiếc phi cơ rời phi đạo, nhẹ nhàng cất cánh bay vút lên không rồi mất hút vào vùng trời bao la. Hình ảnh Hảo, đứa con gái yêu thương và Ivy, cháu ngoại như ngập tràn trong tâm trí tôi. Sau mấy tuần từ  California về ăn Tết, hôm nay, con gái và cháu ngoại đã giã từ ba mẹ, anh em và Đà Nẵng yêu thương để trở về những ngày tháng bận bịu nơi xứ người.

Đà Nẵng mới vào xuân mà tiết trời sao lạnh căm, hay lòng tôi với nỗi nhớ thương con cháu khiến nước mắt cứ rơi hoài không dứt. Nỗi buồn chia tay  khiến mùa xuân trong tôi bỗng trở nên lạnh lẽo. Tâm trí tôi vẫn như còn đọng lại hình ảnh Hảo ẳm đứa con nhỏ, tay xách hành lý chào ba mẹ và bảo bé Ivy vẫy tay chào bà. Bé Ivy quay mặt lại, đôi mắt tròn xoe, đưa tay vẫy vẫy: Bye ... Bà ... Bye ... Bà ... rất ngây thơ, con bé không biết rằng mẹ nó đang lật đật quay mặt đi, giấu hai dòng nước mắt.

Tiễn đứa con gái và cháu lên phi cơ rồi, chúng tôi trở về nhà. Cả hai vợ chồng mấy ngày tiếp theo chẳng có được bữa ăn vui vẻ, tuy công việc buôn bán bắt đầu tất bật. Hiệp thì chiều tối nào cũng uống cho say mèm rồi mới chìm vào giấc ngủ. Anh luôn miệng trách tôi: sao lúc trước gợi ý cho con gái đi du học để bây giờ lập gia đình nơi phương xa. Cả hai chúng tôi phải đau lòng khi nhớ đến câu hát: Ầu ơ ... má ơi đừng gã con xa ... chim kêu vượn hú biết nhà má đâu ... ”. Nghe câu hát mà tôi cảm thương cho con gái lập gia đình lẻ loi xa xứ.

Bé Hảo là con gái lớn của tôi, kế anh trưởng Quốc Hòa. Hảo sinh nhằm tuổi Nhâm Tuất (1982), ông bà xưa nói “Trai Nhâm gái Quý thì sang, bằng mà ngược lại gian nan suốt đời ...”. Hảo là con gái mà mang chữ Nhâm, tử vi ngày chào đời của Hảo nằm trong cung mạng sống tha phương. Lập gia đình xa xứ  thì cuộc đời và tình duyên mới thành công, yên ổn, hạnh phúc lâu dài.

Tôi còn nhớ như in câu nói về số mạng con bé. Nỗi lo canh cánh trong lòng tôi. Hai chữ gian nan nói cho rõ, không phải đề cập đến sự thiếu thốn về vật chất là điều mà cha mẹ có thể chia sớt, bù đắp được. Gian nan đây là gian nan về đường tình duyên, danh phận. Lòng tôi lo lắng vô cùng, nuôi con mong cho đến ngày khôn lớn mà sao nỗi lo chắng vơi, cứ ngày thêm chồng chất.

Lớn lên, Hảo thuộc diện học sinh giỏi của trường chuyên Lê Quý Đôn, nhân có chương trình du học nước ngoài tôi hỏi thăm điều kiện thì biết việc lo cho Hảo du học không gặp gì khó khăn. Ngày phỏng vấn được chấp thuận ngay trong đợt đầu tiên, lòng tôi nửa vui nửa xót. Tôi vui vì mong ước được toại nguyện, bé Hảo sẽ có một tương lai tươi sáng, tôi buồn vì phải sắp xa đứa con bé bỏng mới tốt nghiệp lớp 12 phải sớm lìa gia đình, chập chững vào đời không có ba mẹ bên cạnh để sẻ chia. Làm sao tôi có thể quên được những câu nói dễ thương nũng nịu của con sau những buổi đi học về, sà đến bên mẹ kể những chuyện vui buồn ở trường lớp, ăn cơm xong là lại ôm mẹ ngủ trưa. Khi thấy mẹ buồn, Hảo lại kể chuyện Chí Phèo cho mẹ vui, khi mẹ bịnh, con quấn quít bên mẹ mãi, cứ chốc chốc lại vắt nước chanh, nước cam cho mẹ uống. Rồi lại nhớ ngày tiễn con vào Sài Gòn để đi du học, Đà Nẵng mưa gió bão bùng như tâm trạng tôi vậy. Đến Sài Gòn, ở khách sạn một đêm mà lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn. Suốt đêm tôi và Hiệp ngồi nhìn con ngủ vô tư, tôi cứ trằn trọc mãi, còn Hiệp thì thở dài nghe não ruột ... Sau khi đưa con đi rồi, mãi  đến khi nghe con gọi điện thoại báo tin đã đến nơi bình yên thì lòng chúng tôi mới bớt thấp thỏm lo âu.

Mới đó mà đã mười một năm trời, Hảo đã học xong bậc Đại học, ra trường, có việc làm ổn định và một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Tôi và Hiệp dù không muốn gã con gái lấy chồng xa, rất muốn con gái du học xong quay về sống bên ba mẹ, nhưng duyên số, ông trời đã sắp xếp cho vợ chồng rơi vào cảnh chia cách này. Nỗi nhớ con và cháu khiến Hiệp cằn nhằn tôi mãi, Hảo là con gái lớn thứ nhì trong gia đình, chúng tôi còn một con gái nữa là út Hương, Hiệp nhất định không cho đi du học xa nữa, anh bảo đi là mất luôn đứa con gái, vì học xong, có đứa nào chịu quay về đâu?

Mấy tuần nay con gái và cháu ngoại về ăn tết, chàng rễ bận việc làm ăn không về được, bé Ivy lần đầu tiên gặp ông ngoại, cứ quấn quít hoài, cháu sắp tròn 2 tuổi cứ thỏ thẻ bên ông bà rất dễ thương. Hiệp là người ngủ sớm nhất trong gia đình, thế mà từ ngày có bé Vy về, tối nào anh cũng ở nhà ăn cơm, đùa giỡn với cháu đến 11h mới đi ngủ, còn Ivy lúc nào gặp tôi cũng chìa  tay ra, đôi mắt to tròn cười híp lại gọi bà ... bà. Hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm trí tôi, nên bây giờ, khi hai mẹ con Hảo đi rồi, lúc nào tôi và Hiệp cũng nhớ nhung da diết mỗi khi nhìn những tấm ảnh chụp chung cả gia đình.
Tôi bận bịu cho niềm vui quây quần bên cháu và các con. Sáng mùng bốn, đang ngủ ngon lành, điện thoại reo làm tôi thức giấc. À thì ra là Thu Sương gọi tôi xuống nhà để họp mặt đầu năm cùng các bạn chín bốn. Tôi tranh thủ ghé chở Quang Ấn đến nhà Thu Sương để chúc Tết bạn rồi sau đó tôi và Ấn đến chúc Tết và ăn trưa cùng mẹ con Phạm Hoa. Mấy ngày sau, tôi và các bạn được mời đến dự lễ khai trương quầy sách mới của Phương, tôi sắp xếp công việc để có thể đến chúc mừng bạn.

Đà Nẵng vẫn lạnh da diết, nỗi nhớ con gái và cháu  ngoại khiến tôi buồn không ăn mất ngủ đến ngã bệnh. Nhỏ Anh Trinh, người bạn mà tôi hay tâm tình không thấy tôi điện hỏi thăm nên đã phone về nói chuyện an ủi động viên tôi. Trinh bảo, “Con gái Tía đi xa nhưng học hành và có gia đình đàng hoàng, Tía nên vui mừng cho con mới phải. Bé Hảo ở Mỹ, đời sống văn minh, tự do, nhân cách của người phụ nữ cũng được tôn trọng. Hảo là người con có hiếu, biết thương yêu ba mẹ, biết lo cho anh trai, bảo bọc em út. Bản thân Hảo đã là một cô gái đầy bản lĩnh, chững chạc. Điều quan trọng là Hảo yêu thích con đường nó đã chọn, chúng ta nên hãnh diện mới phải. Mỗi người đều có một số phận. Không phải mình sinh con ra, lo cho chúng ăn học, nếu có điều kiện tặng con một căn nhà, một cái xe, sở hữu một số tài sản là con mình cảm thấy hạnh phúc như lời Hiệp nói đâu! Tuổi trẻ bây giờ khác chúng ta ngày xưa. Miễn sao Bé Hảo vui và bằng lòng với con đường mà nó đã chọn là tốt rồi”.

Tôi suy nghĩ và thấm thía những lời bạn tôi phân giải, cũng có phần đúng. Nuôi con lớn cho ăn học rồi lại phân phát tài sản, điều khiển, sắp đặt con đường của các con đi theo ý muốn của mình đúng là một cách biểu hiện lòng yêu thương quá hẹp hòi, nếu không muốn nói là ích kỷ. Bởi vì gia đình, tương lai là của chính chúng nó. Bậc làm cha mẹ mình nên đứng bên ngoài những sinh hoạt riêng tư đó. Thương con, thương cháu, chỉ nên có mặt đúng lúc mà con cháu cần đến. Tuy vậy, tôi cứ suy nghĩ miên man, người mẹ nào có đứa con đi xa thì mới thấu hiểu. Càng nghĩ, nhớ lại lời các bạn khuyên giải tôi tự trách mình đòi hỏi ở ông Trời nhiều quá. Con mình đâu có rơi vào cảnh bế tắc như các thiếu nữ bạc phận trong những câu chuyện làm dâu xứ lạ hay lấy chồng chỉ để giải thoát hoàn cảnh khó khăn, kiếm tiền trả nợ giúp cha mẹ ... Con mình vui với gia đình nhỏ của nó, không ân hận về những chọn lựa đó, vì lẽ gì mình phải tự dằn vặt. Ngày xưa tôi mang bầu rồi sanh con trai đầu trong sự chăm sóc và lòng yêu thương của mẹ tôi. Đến khi mang bầu Bé Hảo được hai tháng thì mẹ tôi giã từ cuộc đời trước khi nhìn thấy đứa cháu ngoại gái. Hảo chào đời đã không có bóng dáng bà ngoại bên cạnh, đến ngày Hảo sanh cháu Ivy tôi cũng không có cơ hội nâng niu cháu và chăm sóc cho con gái. Hai nỗi đau này lại trùng hợp với nhau, càng nghĩ tôi càng đứt ruột, thương đứa con gái nơi phương xa.

Tôi cầu mong cho đứa con gái lớn của tôi, dù được ra đời trong một gia đình đông anh chị em nhưng bản thân Hảo phải tự thân tự lập, gặp thật nhiều may mắn trên đường đời. Thường, sau một ngày buôn bán bận bịu, tối đến nếu có trăn trở cho một giấc ngủ muộn, tôi thường nghĩ đến Hảo và cháu ngoại Ivy, thắt lòng nhớ câu ca dao: Chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều ...

Phone reo ... tiếng con gái từ nửa vòng bên kia trái đất gọi về, Mẹ ơi! ... lòng tôi an tâm, ấm hẳn. 
                                               
Phạm Thị Ba
Mùa xuân 2011, viết cho con gái cưng của Mẹ