Con hổ chợ Cồn
Chính xác hơn, đó là con hổ đặt trong xe thuốc có tên Núi Rừng đậu thường xuyên ở khoảng đất trống bên đường Hùng Vương đối diện chợ Cồn Đà Nẵng. Con hổ nhồi bông trong tư thế gườm đối thủ, nhe nanh há miệng sẵn sàng ăn tươi nuốt sống những ai đến gần.
Mắt hổ long lên dữ tợn. Bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn như thấy rõ hai chiếc răng nanh nhọn hoắt, cái lưỡi đỏ lòm của nó hướng về phía mình. Một mình hổ chiếm gần hết cái thân xe hiệu Renault màu xám đục, che khuất bóng dáng chú khỉ, ả gấu phía sau.
Lần đầu tôi nhìn thấy con hổ dữ tợn này là khi theo cha tôi xuống chợ mua hàng. Xong một vòng dạo chợ đông đúc những người là người, mồ hôi nhễ nhại, ông kéo tay tôi băng qua bên kia đường Hùng Vương để ghé vào đám đông ồn ã chung quanh chiếc xe thuốc sơn đông mãi võ này. Tôi nhớ mình đã giật thót người và thiếu điều khóc ré lên khi nhìn thấy con hổ, hốt hoảng giấu mặt vào đùi cha tôi khiến ông phải vội cúi xuống dỗ dành...
Sau này tôi mới biết bữa đó cha tôi muốn tranh thủ chút thảnh thơi hiếm hoi ghé vào chỗ xe bán thuốc này để nghe vài bản vọng cổ mà ông vẫn thích. Hồi đó, ở Đà Nẵng, nhất là trong những xóm phố lao động, tìm được chiếc máy hát như chiếc máy đĩa của xe thuốc Núi Rừng quả chẳng dễ. Cha tôi chỉ biết nghe hát bội, vọng cổ qua chiếc radio hiệu Standard trong lúc ngồi miệt mài bên bàn máy may. Mà làn sóng điện thì họa hoằn lắm mới mở những bản nhạc mà ông ưa thích.
Chỉ khi đến bên xe thuốc này, cha tôi mới có dịp thưởng thức những Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà, Tình anh bán chiếu, những bài ca mà mỗi lần nghe chúng, cha tôi vẫn hào hứng hát theo với niềm say mê lạ kỳ. Chiều đó, cha tôi đành phải bỏ lại giữa chừng những Minh Cảnh, Út Trà Ôn, Lệ Thủy do đứa con trai 7 tuổi nằng nặc đòi về vì sợ bị... hổ vồ. Dù cha đã cố giải thích cho tôi rằng đó chỉ là con hổ nhồi bông vô hại nhưng tôi vẫn không ngưng khóc, cứ lo rằng nếu còn nán lại bên chiếc xe này thì cặp răng nanh nhọn hoắt kia chẳng mấy chốc sẽ quặp lấy mình.
Cái tình nhạc cổ của cha tôi ngày ấy sao mà da diết. Đang dán mắt vào bàn cắt may mà văng vẳng đâu đó bên nhà hàng xóm một làn điệu bài chòi, hát bội là y như rằng ông sẽ ngừng tay để gật gù nhẩm hát theo. Đặc biệt, ông mê lối xuống xề của Minh Cảnh và Văn Hường trong các bài vọng cổ Võ Đông Sơ và Võ Đại Lang bán phở. Thỉnh thoảng vắng khách, cha tôi ngã lưng trên chiếc giường kê sát bàn máy may, chân gác chữ ngũ, tay gõ nhịp xuống vạt giường để "độc diễn" một đoạn Đổng Trác gặp Điêu Thuyền.
Nghe kể rằng vào thời trẻ, cha tôi từng chơi cho nhóm nhạc tài tử của gia đình do ông bác ruột tôi lập ra. Chỉ tài tử thôi và có lẽ nhận ra mình không có khiếu bao nhiêu, cha tôi sớm chia tay với... con đường âm nhạc để chuyên chú vào cuộc mưu sinh bằng nghề cắt may. Cái hồn ca nhạc chỉ trỗi lên vào những lúc người thợ có được chút thư thái như trong buổi chiều hiếm hoi năm xưa cha dắt tôi đến bên xe thuốc sơn đông đối diện chợ Cồn.
Góc nhỏ có xe thuốc Núi Rừng ấy bây giờ không còn nữa, thay vào đó là dãy phố tươm tất của một đoạn đường Hùng Vương bề thế những cao ốc, siêu thị. Xe thuốc sơn đông của gần nửa thế kỷ trước cũng đi đâu mất hút, lâu lắm rồi tôi không hề gặp.
Nhưng trong trí nhớ của tôi thì vẫn còn đó cái vòng tròn người vây quanh xe, tiếng rao sang sảng của người chủ xen giữa giọng mùi mẫn của Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Lệ Thủy... Và con hổ trong lòng xe, trời ơi, mỗi lần qua đây tôi vẫn còn hồi hộp vì xúc động. Cha ơi, con làm sao quên được cái dáng cha chiều ấy cúi xuống lau nước mắt cho con rồi vội vã dắt con rời xa cái vòng tròn dễ sợ kia, bỏ lại bên kia đường những Minh Cảnh, Út Trà Ôn...
Nguyễn Đình Xê