Cơn mưa giông

Cơn mưa giông chiều nay đến muộn hơn hôm qua hai tiếng đồng hồ. Trời u ám từ buổi trưa, và cái nóng thì bức bối, nó khiến người ta cảm thấy như ông trời đang giận dữ điều gì. Rồi gió thổi, cát bay, những tiếng nổ ì ầm, và cuối cùng là những sợi nước mang nhiều bụi bặm, rơi xuống ồ ạt. Khoảng sân trước nhà Nguyệt chỉ một lát thôi là đã tràn ngập nuớc. Cái cống trước nhà hình như bị nghẹt, nên nước không biết chạy đường nào, cứ lẩn quẩn mãi trong sân. Nếu mưa kéo dài thêm chút nữa, có lẽ nước sẽ tràn vào nhà mất thôi. Nguyệt chạy vội ra mưa, thò tay lôi đống lá nằm kẹt ngay miệng cống, vậy là nước như được giải thoát, ào ào trôi.

Tiếng mẹ dưới bếp vọng lên:

- Út ơi, giúp mẹ dọn cơm nào.

Khi Nguyệt chuẩn bị xong mâm cơm thì ba đội mưa về. Người ba ướt sũng, mái tóc rủ xoà trước trán, cái áo sơ mi màu nâu dán sát vào người. Nguyệt nhìn ba phát hiện ra tấm thân cường tráng của ba lồ lộ duới lớp áo mỏng ướt. Nguyệt mĩm cười nghĩ ba mình còn phong độ ghê. Hèn chi mẹ bây giờ vẫn yêu ba nồng nàn. Mẹ lớn hơn ba một tuổi, lại không đẹp cho lắm. Ngày xưa, khi ba theo tán tỉnh mẹ, mọi người đều hơi ngạc nhiên. Còn mẹ, ban đầu nhìn ba bằng con mắt cảnh giác, không biết cu cậu này đùa giởn chi đây. Nhưng ba kiên trì lắm, hầu như tối nào cũng đạp xe đến nhà, trực suốt buổi tối, mặc dù đôi khi mẹ trốn ở nhà sau, để ba ngồi nói chuyện thời thế với ông ngoại, hay với cậu Tư. Ông ngoại thời đó thích ba vì ba chịu khó đánh cờ tướng với ông, và hay nhường ông thắng. Bà ngoại thì ngại khi thấy ba đẹp trai, học giỏi, con nhà đàng hoàng, nhưng lại trẻ hơn mẹ. Bà hay rù rì với mẹ:

- Con à, nó đẹp trai, lại trẻ hơn con. Ưng nó sau này khổ lắm.
- Vì sao lại khổ? Con không hiểu. Con thấy Tuấn thương con thiệt mà.
- Thì mai mốt đây con già hơn nó thì nó chê con chớ sao. Đàn bà mình mau gìa lắm con ơi. Đẻ con đẻ cái vài đứa là xuống liền hà.

Mặc bà rù rì, mẹ vẫn ưng ba, lấy ba, đẻ hai đứa con. Nguyệt là gái út, đang còn đi học, còn anh trai cô đã đi làm, cưới vợ ra ở riêng. Mẹ bây giờ đúng là “xuống” thiệt, không còn giữ được dáng vẻ khả ái ngày xưa. Ngày xưa mẹ không xinh gái, nhưng được cái có duyên, dáng dấp thanh nhã, iểu điệu. Bây giờ, sau bao năm làm vợ làm mẹ, cứ mỗi bữa cơm, khi mọi ngưòi đã buông đủa, mẹ còn ngồi ráng, cố ăn hết thức ăn thừa còn lại. Bỏ uổng, lại mang tội. Và cứ cái điệp khúc bỏ uổng, mang tội ấy đã dần dần biến mẹ thành người đàn bà đẩy đà, tròn lủm. Nguyệt mĩm cười khi nghĩ tới vẻ lôi thôi của mẹ. Mẹ cô chẳng bao giờ chú ý đến y phục mặc ở nhà. Khi ở nhà, mùa hè cho đến mùa đông, bà chỉ mặc một kiểu áo, đó là cái áo may ô hiệu Đông Xuân của đàn ông, rộng thùng thình. Cái áo cở lớn, không eo ếch chi cả đó khiến trông mẹ càng mập. Có lần cô góp ý:

- Mẹ à, ở nhà mẹ ăn mặc lôi thôi quá.

Mẹ cô cười cười nhìn xuống cái áo may ô, và cái quần ngắn ngang đầu gối:

- Kệ mà con, mặc vầy cho mát. Ở nhà mà.
- Ở nhà cũng phải đẹp chớ. Mấy bà bây giờ ăn diện lắm mẹ ơi.

Mẹ bây giờ đã quá tuổi 50. Công ty Dược nơi mẹ làm việc dần dần đổi thay khi các bà lớn tuổi lần lượt về hưu. Các cô gái trẻ mới ra trường đầu quân vào công ty đã làm cho công ty mang một bộ mặt tươi mới. Các cô ăn diện ngất trời. Mỗi ngày mỗi sắc áo, mỗi kiểu quần, mỗi kiểu váy, mỗi màu giày phù hợp với y phục. Trông cô nào cũng xinh, cũng tươi, cũng sáng ngời ngời. Bà là một trong số ít người lớn tuổi còn bám trụ. Những người lớn lên trong thời buổi kinh tế khó khăn, nên bao giờ cũng tâm niệm quan trọng nhất là cái ăn, cái mặc chỉ là sao cho sạch sẽ là được. Với lại, nói thiệt tình, thấy bọn trẻ ăn diện quá, bà càng thấy mình già, càng thấy mình không nên theo chúng quần là áo lược. Người ta nhìn vô lại chửi đồ cưa sừng làm ngé. Chỉ càng khổ. Như bà Xuân trưởng phòng của bà đó, không biết suy nghĩ thế nào mà may liền tù tì năm bộ váy, mỗi ngày diện một bộ. Mà chao ơi, hai cặp giò giống như hai cái cột đình, đen thui, ngó mà thấy ngượng thay cho bà ấy. Đó là chưa kể cái mặt, cũng chẳng biết nghe lời ai, trét một lớp phấn dày như mo, môi thì tô đỏ chót. Ai khen đẹp thì bà không biết, chớ riêng bà thấy chẳng ra sao cả. Vậy mà khổ nỗi bà Xuân cứ tưởng bà là số một trong số các bà ngoài 50 của công ty, cứ thỉnh thoảng hỏi:

- Nè chị, chị thấy cái áo này đẹp hông? Tui mới mua đó. Cả triệu đồng đó nghen. Tiền nào của nấy hà, mặc vô thấy mình khác liền.

Trời đất ơi, đúng là đồ … khùng, tự nhiên bỏ triệu đồng ra mua một cái áo. Bà thì chắc chắn là không bao giờ xài tiền kiểu ấy. Một triệu đồng chớ đâu phải ít ỏi gì, số tiền ấy bà để dành mua đồ ăn ngon về bồi dưỡng cho chồng con, hay mua quà biếu ông bà nội, ngoại, hay mua sửa cho cháu nội thì còn có lý hơn nhiều. Bà nghĩ, bây giờ dù bà mặc cái áo mười triệu, thì bà vẫn là bà thôi. Già rồi!

Nguyệt lấy khăn lông đưa cho ba lau tóc ướt. Ba bây giờ là giám đốc một công ty tư nhân mà ba làm chủ. Công ty điện tử của ba chỉ là một công ty nhỏ, nhưng công việc kinh doanh rất tốt. Khi cưới mẹ, ông là một công chức nhà nước. Nhưng khi con cái lớn lên, đủ thứ nhu cầu phải lo, tiền ăn, tiền học của con, tiền chu cấp cho ông bà nội, ngoại, tiền lương của cả hai không kham đủ. Người ta là cán bộ mới giàu nhờ địa vị, chớ ông thì với lý lịch không đẹp thì chỉ lên được tới chức phó phòng là hết cở. Suy đi tính lại, cuối cùng ông quyết định nghỉ việc nhà nước ra lập công ty riêng. Nguyệt ủng hộ ba. Cô thần tượng ba lắm, trong mắt cô, ba là người đàn ông tuyệt vời, à không, trên cả tuyệt vời. Ba là người đàn ông bản lĩnh, phong độ nhất mà cô từng thấy. Từ khi còn bé tẻo, mới biết nhận diện ngưòi thân, cô đã “ghiền” ba rồi. Nếu có ba ở nhà, cô chỉ khoái được ba bồng thôi. Lớn lên một chút, ba là người chìu chuộng cô nhất nhà. Muốn gì, cô khôn ngoan xin ba, tất cả sẽ được thoả mãn. Ba vẫn hay nói đùa:

- Con bé này, lúc nào ba cũng đầu hàng con vô điều kiện.

Còn cô, mỗi khi ba có công việc đi xa, cô nhớ ông kinh khủng, trông ngóng ông về còn hơn cả mẹ. Mọi ngưòi trong nhà vẫn hay trêu cô, cho là cô sùng bái ba quá đà.

- Sao ba không tránh mưa. Ướt hết trơn rồi.
- Mưa kiểu này là còn dai lắm con. Mà tại ba có hẹn với khách tối nay.

Mẹ từ dưới bếp đi lên, nghe vậy càu nhàu:

- Vậy cơm em nấu ai ăn cho hết đây. Sao anh không báo trước.
- Ờ, anh quên. Lu bu công việc quá nên quên. Hai mẹ con ăn cũng được mà.

Mẹ tiếc rẽ:
- Nhưng mà chiều nay em nấu món cá chình um chuối mà anh ưa. Mua được con cá chình suối, sống nhăn mừng quá trời, vậy mà …

Bà quay qua cười với Nguyệt:

- Thôi, mẹ con mình ráng ăn cho hết.

Ba đi rồi, hai mẹ con vừa ăn cơm vừa coi tivi. Mưa cũng đã dứt hạt. Nhờ cơn mưa giông, khí trời mát mẻ hẳn. Chuông diện thoại reo. Nguyệt nhấc máy nghe tiếng nhỏ Hồng tía lia:

- Ê, Nguyệt. Chút xíu nữa ta qua đón mi đi cafe nghen. Nhỏ Tuyền  mời.

Nói xong là nó cúp máy cái cụp. Chẳng cho Nguyệt có ý kiến gì. Cái con cà chớn, Nguyệt rủa thầm bạn. Cô xin phép mẹ dù biết rằng mẹ chẳng bao giờ ngăn cản cô. Bà tin tưởng cô tuyệt đối. Cho cô tự do tuyệt đối. Giống như cô, ba cô cũng được tự do như vậy. Cô chẳng bao giờ nghe bà than phiền một lời khi ba cô đi sớm về muộn, chỉ thương chồng phải vất vả làm ăn.
   
Khi Nguyệt sửa soạn xong thì nhỏ Hồng bóp còi tin tin trước cổng. Lên xe, Nguyệt thắc mắc:

- Sao nhỏ Tuyền hôm nay sộp quá vậy ta?
- Sinh nhật nó mi ơi. Hôm nay nó mời mình ra cafe ngoại ô. Nghe nói chỗ này đẹp lắm. Của cô nó mới khai trương một tháng nay.
- Có xa không?
- Cách đây cở sáu, bảy cây số gì đó. Chỗ này vừa bán giải khát, vừa bán đồ ăn.

Hai đứa vừa dừng xe thì nhỏ Tuyền đã chạy ra đón. Hôm nay nhỏ Tuyền mặc một cái áo đầm màu thiên thanh, lại còn gắn một bên tóc cái nơ cùng màu áo. Trông nhỏ xinh hơn hẳn mọi ngày. Nguyệt theo hai bạn vào bên trong. Quán yên tĩnh và hơi vắng khách, nhưng phải công nhận là rất đẹp. Người thiết kế hẳn phải là một designer thứ thiệt. Tất cả đều tinh tế một cách hoàn hảo. Từ mỗi bức tranh treo tuờng, mỗi lọ hoa tươi tạo nét chấm phá cho từng góc nhỏ, đều sinh động với thứ ánh sáng rất riêng.
Theo Tuyền đi sâu vào bên trong, Nguyệt nhận ra đây là một nơi hẹn hò lý tưởng. Khoảng cách các bàn khá xa, và thường là được che khuất tầm mắt. Lướt qua một chốn riêng ấy, bất chợt Nguyệt nghe tiếng cười quen thuộc. Tiếng cười ấy Nguyệt nghe đã bao năm, không thể nhầm với ai khác. Cô chậm chân, cố nhìn qua đám lá của cây bonsai sứ trắng đang nở hoa. Tim cô thót đau vì đúng là ba cô đang ngồi với một người đàn bà khá trẻ, dĩ nhiên là đẹp và điệu đàng. Bà ta âu yếm sửa lại cổ áo cho ông, còn ba Nguyệt ... Gương mặt thân quen ấy lúc này đang sáng như sao vì hạnh phúc. Ôi, ba. Có phải đúng là ba không? Nguyệt chết điếng trong lòng. Từ đó cô không còn là cô nữa. Cô đi mà không biết mình đang đi đâu. Hình như cuối cùng rồi cô cũng ngồi vào bàn tiệc của nhỏ Tuyền. Hình như nhỏ thổi nến, rồi cô cùng các bạn hát  bài happy birthday chúc mừng.  Hình như quà tặng của các bạn được nhỏ Tuyền hồi hộp xé bao. Rồi hình như  ... Tất cả trôi đi, trôi đi, chẳng ai để ý đến Nguyệt đang xanh xao ngồi đó. Nguyệt run tay cầm ly nước hoa quả, run đến nỗi nó rơi xuống đất, vỡ tan. Có gì đó lớn lao hơn trong lòng cô cũng vừa đổ vỡ ...

Khi ba và người đàn bà rời quán, Nguyệt chợt tỉnh, thúc nhỏ Hồng:

- Ê, mi cho ta mượn xe về trước. Tí nữa về với Tuyền nghe. Mai ta tới đón mi đi học.

Trong đêm, Nguyệt cho xe chạy chầm chậm theo đôi tình nhân phía trước. Bây giờ cô mới bình tỉnh quan sát người đàn bà đang ngồi hầu như tựa hẳn vào lưng ba. Bà ta cao, dáng thanh nhã. Mái tóc dài uốn loăn xoăn bay bay trong gió. Khuôn mặt thanh tú với chiếc mũi cao, nhìn nghiêng trông rất sang. Nguyệt đi thật gần, có khi muốn ba nhận ra mình trong kính chiếu hậu, nhưng rồi cô kín đáo lùi lại sau. Dầu sao thì tối nay cũng phải biết nơi ở của người đàn bà ấy ...
Mẹ mở cửa đón cô, vẫn tròn lủm trong cái áo may ô Đông Xuân và nụ cười hiền lành, dễ dãi.
                                                           
Đêm ấy Nguyệt trằn trọc hoài không sao ngủ được. Cô vốn là cô gái không quan trọng hoá vấn đề. Mọi thứ đối với cô đều có thể giải quyết nhẹ nhàng nhất có thể. Nhưng tối nay, cô cảm thấy lòng buồn không chịu nỗi. Nguời cha mà cô luôn thần tượng, hôm nay đã giủ sạch mọi hào quang vây quanh ông. Tất cả đã rơi rụng. Tàn nhẫn đến nỗi cô chỉ muốn đập phá thứ gì đó lúc này cho vơi bớt nỗi thất vọng đang làm cô muốn khóc. Cô sẽ làm gì đây? Báo cho mẹ biết? Cho anh Hai hay? Rồi sự việc sẽ đi đến đâu? Gia đình cô tan nát? Mẹ cô khóc lóc buồn rầu? Còn ba, ông sẽ ra sao? Xấu hổ? Hối hận? Hay rồi ông cũng đạp đổ tất cả vì không thể quay đầu lại? Mệt mõi ngủ thiếp đi, Nguyệt thấy mình lang thang một mình ở nơi xa lạ, quanh cô là bóng đêm tối tăm, càng đi tới càng thấy đôi chân mình hụt hẩng, cô sợ hãi khóc nức nở trong mơ. Và cô vẫn gọi ba ơi, ba ơi!!!
                                                         
... Cô quyết định không cho mẹ biết chuyện. Chiều hôm sau cô hẹn gặp anh Hai ở nhà. Anh Hai hơi ngạc nhiên khi thấy vẽ căng thẳng của Nguyệt. Anh đùa:

- Có chuyện gì mà hôm nay Út có vẽ lo lắng  vậy? Bể phi vụ nào rồi hả?
- Anh Hai à, ba mình có bồ đó.

Anh Hai trầm lắng hẳn sau khi nghe Nguyệt kể chuyện tối qua. Anh đứng lên đến ngồi cạnh em gái mình. Anh biết con bé đang thất vọng lắm. Nó không khóc  bù lu bù loa là cũng biết kềm chế lắm rồi. Biết nói sao với em gái đây. Nó còn quá trẻ để có thể chấp nhận sự thật. Rằng đã bao năm nay rồi, khi đã lớn, anh hiểu người ta sống ở đời không nên quá mong sự hoàn hảo. Trong xã hội bây giờ, nơi mà đồng tiền ngự trị như một ông vua, nơi mà bản lĩnh đàn ông thể hiện qua sự hào phóng, họ ra ngoài làm ăn, giao tiếp, đôi lúc cũng có những phút giây yếu lòng. Nhưng phần đông chỉ là thú vui trong chốc lát. Khi trở về nhà, họ vẫn là ngưòi chồng, người cha biết thương yêu vợ con. Hạnh phúc gia đình chỉ toàn vẹn khi người đàn bà biết tha thứ, biết làm ngơ trước những ham muốn, dục vọng của chồng bên ngoài. Còn phá tanh banh, đạp đổ cho hả giận, thì người đàn ông khó có cơ hội quay đầu, khi ấy tan vỡ là điều khó tránh. Anh giải thích cho em, nhưng không mong em gái thông cảm. Cô còn quá trong sáng để có thể chấp nhận chuyện này.

- Út à, rồi mọi chuyện sẽ qua thôi. Em hãy làm như không biết chuyện này là tốt nhất.

Cuối cùng, Nguyệt hứa với anh trai sẽ không kể cho mẹ biết, chỉ yêu cầu anh tìm hiểu dùm xem bà ta là ai? Cho biết thôi.

Bà ta là ai? Bà ta cũng là  giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hải sản. Đó là người đàn bà thành đạt trong xã hội, và là một người mẹ với hai đứa con cũng đã lớn. Chồng bà ta là cán bộ nhà nước. Bà ta trẻ hơn mẹ, đẹp hơn mẹ, mạnh mẽ hơn mẹ và trí thức hơn mẹ. Bà ta hơn mẹ mọi thứ. Ba bị bà ta hấp dẫn cũng là điều dể hiểu.

... Nguyệt bấm chuông căn nhà ba tầng sang trọng trong khu nhà giàu. Cô hít một hơi thật dài khi thấy có người xuất hiện trong sân. Tim cô đập thình thịch, thình thịch trong lồng ngực. Cô nhủ thầm hãy bình tỉnh nào, Nguyệt ơi! Người giúp việc mời cô ngồi ở phòng khách, và hỏi cô cần gặp ai, có phải muốn gặp cậu chủ không.

Bà chủ doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đúng ở cửa sổ phòng mình, nhìn cô gái đang đi vào. Trông cô có nét gì đó rất quen thuộc, bà nghĩ mãi mà vẫn không ra là đã gặp cô gái này ở đâu. Có lẽ là bạn của con trai bà. Nhưng người giúp việc cho bà biết là cô gái muốn gặp bà, có chuyện quan trọng lắm. Bà khoác chiếc áo choàng bằng thứ silk chính hiệu đặt mua ở HongKong (thứ vải mềm mại, mượt mà khiến người mặc nó cảm thấy như đang được vuốt ve êm ái) rồi đi xuống phòng khách. Cô gái đứng lên chào khi thấy bà. Cảm giác quen thuộc trở lại. Đôi mắt ấy, cái miệng ấy, sao mà quen quá.

- Thưa cô, cháu là con của ông Tuấn.

Cô gái nhìn thẳng vào mắt bà, tự giới thiệu. Bà giật thót người khi nghe đến tên Tuấn. Thì ra đây là con gái của ông Tuấn. Cô gái giống cha mình lắm, nhất là đôi mắt nhìn ai là như muốn thôi miên họ. Hèn gì bà cứ phân vân khi mới thoạt nhìn. Con bé làm sao biết nhà bà mà đến? Nó biết mối quan hệ giữa bà và ông Tuấn đến đâu? Và mục đích cuộc viếng thăm này? Cô gái hình như biết nỗi lòng của bà, với một giọng nói nhẹ nhàng, cô kể lại lần gặp gỡ mà bà vô tình không biết có cô ở đó. Cô gái không úp mở nói, cũng nhẹ nhàng nhưng khá quyết liệt, rằng nếu bà vẫn tiếp tục quan hệ với ba cô, thì cô sẽ báo cho chồng, và con bà biết chuyện.

- Cháu nhất định sẽ làm việc đó cô à.

Cô gái đi rồi mà bà vẫn chưa lấy lại bình tỉnh. Bà bàng hoàng khá lâu vì cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với cô. Ồ, một con bé chưa tròn hai mươi, sao có thể khiến bà bối rối dường này. Con bé làm bà nghĩ ngợi khi đã quay về phòng riêng. Bà ngồi trước bàn phấn và nhìn mình trong gương. Khuôn mặt trong ấy đang nhìn lại bà với vẽ tư lự. Nếu con bé không doạ suông mà thực hiện đúng như lời nó đã cảnh báo bà thì sao? Liệu bà có thể đánh đổi hạnh phúc gia đình đang êm ấm chỉ vì mối tình ấy? Mối tình với người đàn ông bà gặp trong một lần dự hội nghị của các doanh nghiệp tư nhân. Vẽ ngoài phong độ và lời phát biểu hóm hỉnh của ông ta về các cán bộ thuế đã khiến bà chú ý. Rồi buổi cơm trưa chiêu đãi bà vô tình ngồi cạnh ông, nghe ông nói, rất hay, về mọi thứ, từ thời sự cho đến văn hoá, thể thao, tất cả đều được diễn đạt lôi cuốn, hấp dẫn bà cho dù có những việc bà đã biết. Sau buổi gặp gỡ ấy, bà chấp nhận lần gặp thứ hai khi ông nhắn tin vào điện thoại riêng của bà, mong bà cho ông một cái hẹn. Và rồi bà tuột dài trong mối quan hệ bất chính. Mối quan hệ bà biết là vô cùng xấu xa, mối quan hệ có thể phá nát hạnh phúc gia đình bà một khi bị phát hiện. Nhưng như con thiêu thân lao vào thứ ánh sáng huyền hoặc, bà chẳng đủ nghị lực để thoát ra khỏi vòng hào quang ấy. Có tiếng tít tít của máy điện thoại báo có tin nhắn. Là của ông “Chieu nay 6gio o cho cu nhe”. Bà tần ngần nhìn chiếc điện thoại, cuối cùng chép miệng bấm delete. Thôi, dẫu sao bà cũng không nên thả mồi bắt bóng. Cho dù cuộc hôn nhân không làm bà thoả mãn, nhưng bà còn các con và cuộc sống yên ổn, đủ đầy.

... Nguyệt nghe tiếng xe ba dừng trước cổng, tiếng lẹt xẹt của đôi dép mẹ lật đật chạy ra. Mọi thứ đã trở lại bình thường như trước đây. Ba đã không còn hay đi ăn cơm khách. Sau giờ làm việc ông về nhà, tắm rửa rồi thong thả ngồi xem tivi chờ bữa cơm chiều mẹ dọn lên. Bữa cơm mẹ hỉ hả bỏ nhiều công sức nấu món chồng ưa thích. Bữa cơm ba người nhưng thường chỉ nghe tiếng mẹ. Bà sung sướng vì chồng đã chịu ăn cơm nhà nên luôn miệng kể chuyện này chuyện nọ, từ chuyện công ty có người nghỉ hưu cho đến chuyện bà hàng xóm sáng nay mới đi sinh. Ba lơ đãng nghe, lâu lắm mới góp đôi lời. Hình như ông mãi nghĩ ngợi điều gì. Ông lơ đãng đến nỗi không nhận ra rằng con gái ông, đứa con gái vẫn luôn coi ông là thần tượng, nay đã thôi tìm cách gần gũi ông. Cô hay nhìn ông, từ đàng sau, với đôi mắt dò xét. Ông không nhận ra sự đổi thay ấy, nên không biết ông vừa đánh mất một điều vô cùng quý giá trong đời …

ĐN tháng 06/2010