CON TRAI ĐẦU LÒNG
Tôi và Hiệp xây dựng gia đình từ hai bàn tay trắng, như bao nhiêu đôi vợ chồng trẻ mới ra đời. Chúng tôi hoàn toàn không có chút kinh nghiệm, từ cuộc sống lứa đôi cho đến cách xử thế ở đời. Vì hoàn cảnh đất nước với những khó khăn chung thời hậu chiến, nên hai chúng tôi đều phải xa rời mái trường rất sớm. Sau tháng 3 năm 1975, gia đình của hai chúng tôi phải rời thành phố về quê. Chút vốn liếng, chữ nghĩa chưa xong bậc trung học là mớ kiến thức nhỏ nhoi làm hành trang cho chúng tôi bước vào đời.
Tôi làm vợ, rồi làm mẹ khi chưa biết làm người lớn. Năm mang thai đứa con trai đầu lòng, tôi mới 23 tuổi. Mẹ tôi dù cực khổ, thiếu thốn trăm bề nhưng cũng giữ thể diện đúng như lời ông bà xưa từng nói: “Con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”. Mẹ xin bên gia đình chồng cho tôi về sống bên mẹ để chăm sóc đứa con gái ngày khai hoa nở nhuỵ.
Tôi về nhà mẹ trước vài tháng chờ đứa con đầu lòng chào đời. Tôi còn nhớ ngày tôi chuyển dạ, lúc đó là 8h30 sáng, mẹ tôi dẫn tôi đến trạm xá thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, khám thai xong cô hộ sinh bảo:
- “Chưa gì đâu, con so chuyển dạ rất chậm, cô uống sữa nằm nghỉ ngơi cho khỏe, khi nào thấy bảy ông trời thì lúc ấy mới sinh”.
Vì mới sinh lần đầu nên khi nghe cô Liên nói như vậy tôi bần thần lo lắng, mồ hôi nhỏ giọt. Mẹ tôi thấy vậy ôm tôi và an ủi, động viên cho tôi yên tâm:
- “Không có gì đâu con, tùy theo người. Cô Liên nói vậy thôi chứ mẹ sinh mười đứa dễ ợt có gì đâu mà sợ”.
Những lời mẹ nói làm tôi an tâm phần nào với những cơn đau không nhiều nhưng cũng làm tôi mệt mỏi và ngủ thiếp đi trong vòng tay mẹ lúc nào không hay. Tôi choàng tỉnh khi bụng đau râm rang và những cơn đau lưng kéo dài. Đến 4h30 chiều tôi đã vượt cạn trên bàn sinh bên cạnh mẹ và cô hộ sinh. Thường khi sinh em bé thì tiếng vang lên đầu tiên là tiếng oe...oe ... của đứa trẻ nhưng lạ thay, tiếng oe … oe … tôi chờ đợi không nghe mà thay vào đó lại là tiếng ồ! rất ngạc nhiên của cô hộ sinh, tôi lo sợ ngóc đầu thật cao lên nhìn trước sự sửng sốt của những người có mặt trong phòng. Em bé đã chào đời nhưng lại còn nằm trong cái bọc! Thế là cô hộ sinh phải loay hoay xé bọc. Như một kỳ tích, trong bọc là một đứa bé. Tiếng khóc oe…oe... bây giờ mới vang lên và trước mắt tôi là một em bé trai thật bụ bẩm, tóc vàng hoe da trắng hồng, mắt mở to nhìn mọi người. Thằng bé cân nặng 4,2kg, con trai tôi ra đời trước sự ngạc nhiên và sung sướng của tôi lẫn mẹ tôi.
Hiệp đi làm ở Đà Nẵng, khi nghe em tôi ra báo, anh đã vội vàng có mặt ngay trong chiều hôm đó. Anh ngồi ngắm con, vuốt ve âu yếm và khen nó giống anh như hai giọt nước. Tôi mỉm cười sung sướng hòa lẫn cùng anh trong hạnh phúc mà trời đã ban tặng cho vợ chồng chúng tôi. Chúng tôi đặt tên thằng bé là Quốc Hòa.
Mới đó mà đã đầy tháng rồi, anh về thăm và mang quà cho tôi. Món quà đầu tiên tôi nhận được là chiếc đồng hồ Seiko xinh xắn và một ít tiền để tôi chi dùng khi không có anh bên cạnh.
Hàng ngày Mẹ tôi phải ra đồng từ sáng sớm, đến trưa mới về. Tôi ở nhà một mình, thằng con chào đời đã khá bự con nên rất háu sữa. Bầu sữa của tôi lại quá ít không đáp ứng đủ cho bé. Nghe con khóc ré lên vì đói, tôi xuống bếp lục ít cơm nguội, nhai nhỏ đút cho con. Nhìn thằng con há miệng nuốt lia lịa tôi đút nhiều và nhanh hơn. Cuối cùng, thằng con bé bỏng mới hơn một tháng bị nghẹn cơm. Con tôi trợn mắt, mặt mày tím rịm. Quá hoảng vì ở nhà một mình với bé, tôi lúng túng vất chén cơm đổ tung tóe khắp nơi miệng la: “Bớ bà con cứu … cứu con tôi với ...”. Hàng xóm xung quanh thấy tôi vừa khóc vừa la, không biết chuyện gì chạy đến đầy nhà, người thì vuốt ngực, người thì lấy chiếc đũa thổ trên đầu thằng bé bảy cái để làm phép. Nhờ vậy mà con tôi đã qua cơn nghẹn đó. Mấy vị cao niên trách tôi, người mẹ trẻ khù khờ, suýt nữa thì làm vong mạng đứa con thơ.
Bốn tháng sau, hết giai đoạn ở cử, Hiệp về đón hai mẹ con tôi trở lại Đà Nẵng sống. Kinh nghiệm làm mẹ chưa có lại thiếu thốn vật chất, tôi vẫn cố gắng nuôi con đầy đủ như người ta, nhưng thằng con tôi càng ngày càng bé xíu, đau ốm triền miên. Vợ chồng tôi nhìn con mà xót xa lòng. Bé ăn vẫn khỏe mà tại sao vẫn không phát triển nỗi. Đầu ngày càng to ra, đít thì tóp lại, chị Lài bác dâu của cháu thấy vậy mới tâm sự với anh bạn của chị, anh này mới mách cho chị rằng ở chợ Mới có bà thầy tên là cô Hạnh, chuyên chữa bệnh trẻ em tình trạng giống như con tôi. Thế là tôi vội vàng đi gặp bà, mời bà về chữa bệnh cho con tôi. Khi bà Hạnh đến nhà gặp cu Hòa thì cháu sợ đến tái người, đôi mắt trẻ thơ nhìn bà có vẻ sợ sệt, bà Hạnh bảo tôi: “Cháu bị con ma đói đi theo, cháu ăn rất nhiều nhưng không phải là cháu ăn đâu mà là con ma đó ăn”. Tôi nữa tin ngờ, thời đại này mà làm sao có những chuyện về tâm linh, mơ hồ như thế! Tuy nhiên, nỗi lo lắng cho đứa con trai đã khiến tôi, một người phụ nữ trẻ đâm ra tin tưởng hoàn toàn vào những điều kỳ diệu, không có cơ sở khoa học lại có khả năng mang lại sức khỏe và an vui cho con mình. Tôi chợt nhớ lại, trước khi mẹ con tôi về Đà Nẵng với ba cháu, tôi có bế thằng con về thăm ông bà nội, mẹ con tôi phải qua một dòng sông. Nghe nói trẻ con khi đi xa nhà, qua sông qua đò thường hay gặp những bất trắc, khó lường như thế! Tôi nghĩ thầm, vô lẻ lời bà Hạnh nói lại đúng. Thế là tôi làm theo lời bà chỉ vẻ, sắm một mâm lễ vật với hoa quả đủ thứ, đặt thợ hàng mã làm một chiếc áo màu vàng, một hình nộm em bé, một chiếc thuyền con bằng giấy để bà cúng ròng rã trong ba ngày. Sau đó đặt tất cả trong chiếc thuyền con bằng giấy kia và mang ra một dòng sông. Tôi lâm râm cầu xin những đấng thiêng liêng vô hình trước khi thả chiếc thuyền cùng lễ vật trôi theo dòng nước để thế mạng cho con tôi …
Kỳ diệu thay, từ đó con tôi khỏe mạnh, ăn ngon ngủ yên, phát triển toàn diện, da dẻ hồng hào. Quốc Hòa lớn nhanh và thông minh đáo để.
Thời gian thấm thoát trôi qua, Hòa đã bước vào ngưỡng cửa đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Với nỗ lực và sự cố gắng không ngừng. Năm năm sau, đổi lấy bao nhiêu âu lo của ba mẹ và công sức của Hòa, thằng con trai đầu của chúng tôi cũng đã tốt nghiệp Đại học. Hòa ra trường với cái bằng kỹ sư cơ khí chế tạo máy, là ước nguyện của Hòa và Ba nó.
Sau đó, Hòa lại được nhận vào làm ở công ty cao su Đà Nẵng, chuyên sản xuất lốp ô tô. Vợ chồng tôi lấy làm an tâm, tuy công việc hàng ngày ở xưởng chưa phù hợp mấy so với mảnh bằng Hòa đã khổ công đạt được từ trường đại học, nhưng công việc làm của con ở gần nhà nên vợ chồng tôi cũng vui. Nhìn thằng con thành đạt, có công ăn việc làm, chúng tôi ngầm hãnh diện. Niềm vui chưa được bao lâu thì tôi lại thấy lo lắng vì công việc của con rất vất vả.
Tôi đem nỗi buồn đó tâm sự với bé Hảo, đứa em gái kế của Hòa, lúc đó đã du học bên Mỹ. Bé Hảo đề nghị cho anh nó đi du học để có anh, có em. Thế là cuộc đời của Hòa bước sang trang mới. Với tâm nguyện của một người mẹ, tôi muốn con tôi có một tương lai tươi sáng nên tôi cũng thuyết phục Hiệp, anh đồng ý, chúng tôi lo mọi thủ tục để con ra đi.
Bước chân đến đất Mỹ, đất khách quê người. Nhập gia tùy tục, Hòa vừa đi học vừa đi làm để kiếm sống. Từ một cậu ấm được cưng chiều, rời khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ, con tôi phải bươn chải làm đủ việc để trang trải những chi phí cho cuộc sống. Biết gia đình anh em đông, Hòa không dựa dẫm vào ba mẹ nữa mà đã biết tự lập, để gánh bớt một phần nỗi vất vả, nhọc nhằn của ba mẹ. Tôi thật sự xúc động vì con đã nhận thức được mọi việc. Đúng là con đã lớn thật rồi! Nhưng con ơi:
“ Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời, lòng mẹ vẫn theo con”
Nỗi nhớ thương con cứ chồng chất trong lòng, cứ nghĩ đến là lòng tôi xót xa.
Mấy năm sau, Hòa dành dụm tiền để về Đà Nẵng thăm gia đình. Tôi vui mừng đón con ở phi trường, nhìn con trắng trẻo, chững chạc, tôi cười trong nước mắt. Một buổi trưa, hai mẹ con có dịp ăn chung một bữa ăn trưa, đó là món bánh tráng cuốn cá mà cả hai mẹ con đều thích. Thằng con học được cách "nịnh đầm" của người tây phương, nó bày bàn ăn và tự tay cuốn bánh tráng cho mẹ. Trời ơi, bàn tay của con tôi sao kỳ vậy, nó bị hư hết ba ngón, đưòng may chằng chịt, những ngón tay thì xiêu vẹo. Tôi sửng người nắm chặt bàn tay của Hòa với những ngón tay đơ đơ, chẳng cử động được. Tôi vừa ve vuốt bàn tay của con, tiếng Hòa kể bên tai tôi
... “Con vừa đi học, vừa đi làm phục vụ ở một quán nước mía, một hôm có người nhân viên phục vụ khâu xay nước mía bị ốm, phải nghỉ việc, chú chủ tiệm nhờ con thay thế làm công việc đó, chẳng may bàn tay con bị cuốn vào cái nhông của xe nước mía đang quay. Tai nạn xảy ra ngoài ý muốn đã khiến bàn tay của con bị hư hết ba ngón, phải nhập viện phẫu thuật ráp xương và may lại cho con...."
Tôi nghẹn ngào, trời ơi, hèn gì lúc tôi đón Hòa ở phi trường, bàn tay này của Hòa cứ bỏ vào túi quần, tôi có ngờ đâu! Món bánh tráng cuốn cá hôm đó tôi không nuốt trôi, nước mắt đã làm tôi nghe miệng môi đắng ngắt. Tôi tự trách mình với quyết định cho con đi học quá xa, thiếu thốn về tình cảm đã chẳng bù sớt được, lại thêm những vất vả về đời sống, đến nỗi bây giờ thân thể con tôi ngày chào đời nguyên vẹn, hoàn hảo, bây giờ bỗng nhiên trở thành tật nguyền. Tấm lòng của người mẹ, bất lực trước những nỗi đau của con khiến tôi như đứt từng đoạn ruột. Hiệp thấy tôi đau buồn quá, anh nhất định sẽ không để đứa con nào đi xa nữa. Nhiều đêm tôi trăn trở, nhớ câu hát ru con thuở nào:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo, ghập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời
Nay con tôi một mình nơi xứ xa, đường đời một mình nó bước đi, khi vấp ngã, té đau, khi bệnh hoạn chẳng có mẹ bên cạnh, lại còn sợ ba mẹ nơi quê nhà lo buồn. Ôi thằng con của tôi! Đôi khi vì quá đau lòng, tôi có ý định bảo con trở về VN để mẹ con vui buồn có nhau nhưng làm sao tôi mở lời được?
Rốt cuộc, ngày chia tay lần thứ hai lại đến, Hoà trở qua Mỹ, tiếp tục vào trường học. Vẫn vừa học vừa đi làm, thằng con trai tế nhị, dọn ra ở riêng khi em Hảo có gia đình. Tôi sang thăm mấy anh em và thấy rõ được bao nhiêu khó khăn của con, nhưng tuổi trẻ thật là bản lĩnh, lúc nào các con tôi cũng nói: Mẹ yên tâm đi, bên này ai cũng vậy, vừa học vừa làm mới có kinh nghiệm sống, mẹ đừng lo nhiều cho tụi con.
Năm nay Quốc Hòa đã hơn ba mươi tuổi, ngày xưa, ở độ tuổi này ba nó đã làm cha của mấy đứa con. Hai em của Hòa là bé Hảo và Phú đã nên bề gia thất, tôi ưu tư hoài cho thằng con lớn. Tôi biết rằng con trai mình lo học, lo làm. Phận làm mẹ, tôi cũng như trăm ngàn bà mẹ khác, ngày đêm tôi cầu cho Hòa luôn khỏe mạnh, gặp nhiêu may mắn trên đường đời, tôi mong sao mau mau đến ngày Hòa tốt nghiệp. Đàn ông phải lấy sự nghiệp đi đầu, dẫu biết rằng duyên nợ là do trời xe mối chỉ, tôi cũng hằng ao ước mau đến ngày được uống ly rượu cô dâu.
Người xưa có câu: Đàn ông khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân thì mới gọi là trưởng thành. Thằng con tôi đã lớn, đã biết tự lập, không nhiều thì ít con đã hiểu được công khó của bậc làm cha mẹ. Cũng như tôi ngày xưa đã hiểu mẹ tôi đã phải gối đầu trên nước mắt như thế nào để nuôi chúng tôi nên người.
Hòa nay đã đến tuổi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, rồi Hòa cũng sẽ trở thành bậc cha mẹ nay mai. Tôi cầu xin các đấng trên cao ban cho con thằng con đẻ bọc của chúng tôi có được một mái gia đình ấm êm, hạnh phúc.
Nhiều đêm tôi nuốt nước mắt với giấc mơ thật đơn giản, tôi không mơ con mình quyền cao chức trọng, mang về tiền rừng bạc biển. Tôi mong sao con trai tôi có được một mái ấm, vợ chồng hòa thuận, vui buồn chia sẻ, biết nâng đỡ nhau trên bước đường đời. "Hạnh phúc không hẳn là một chốn để dừng chân mà là một con đường, là những gì người ta góp nhặt được qua cuộc sống". Tôi cầu cho con đường con tôi đang đi và sẽ đi không quá gian nan, Quốc Hòa của chúng tôi sẽ đủ bản lĩnh để vượt qua tất cả và có được một tổ ấm gia đình yên vui, vĩnh viễn.
Viết cho con trai đầu của mẹ với vô vàn yêu thương
Phạm Thị Ba
Đà Nẵng ngày 10 tháng 1 năm 2011