Con Xin Lỗi Thầy
                                    (Hồi ký dành riêng cho CHS PCT 56-63)
                                         Cư Vân Nguyễn văn Phước

Năm 2011 tôi qua Mỹ lần đầu, điểm dừng chân đầu tiên là thung lũng Silicon vùng Milpitas kế cận San Jose, bang Cali. Sau khi dự đám cưới của đứa cháu gọi bằng bác, tôi gọi điện thoại cho anh Nguyễn đức Bông. Điện thoại reo năm lần bảy lượt mà không ai bắt máy. Tôi đang hoang mang không biết có nhầm số hay không, thì đứa cháu đã trấn an:

- Ở Mỹ là như vậy đó bác ơi. Ít ai chịu trả lời điện thoại khi thấy số lạ, vì thường bị phải nghe quảng cáo, hơn nữa bên ni người nghe cũng phải chịu tiền cước. Bác nên gửi lời nhắn tin thì tốt hơn.

Tôi làm theo lời đứa cháu thì đến buổi tối Bông gọi lại cho tôi. Anh tỏ vẻ mừng rỡ và hẹn sáng mai, chủ nhật sẽ đến chở tôi đi ăn sáng uống cà phê.

Quán cafe ở ngoài hành lang của trung tâm thương mại Century (mall). Bông và tôi mới bước vào thì các bàn khác đã chào đón vui vẻ: Có người la lớn: ”Chào Trung tá”, có người nghiêm chỉnh đứng dậy chào theo kiểu nhà binh. Bông vui vẻ đến bắt tay chảo hỏi từng người, giống hệt như cung cách của vị chỉ huy trưởng đến thăm đơn vị chiến đấu. Thì ra đây là “đại bản doanh” của dân HO. Khi nghe Bông giới thiệu tôi cũng đã từng đi tù cải tạo hơn mười năm, thì tôi được bắt tay chào đón vui vẻ và có phần trân trọng.

Bông chọn bàn ở góc khuất để “dễ bề tâm sự”. Xa nhau lâu ngày, hai đứa tha hồ ôn lại chuyện cũ. Hai đứa có quá nhiều kỷ niệm với nhau. Thời còn học trường Phan châu Trinh, Đà Nẵng, hai đứa có nhiều năm được ngồi chung một lớp, cả hai cùng mê ca hát, hăng say tham gia ban văn nghệ của trường. Bông có giọng nam cao rất tốt, phụ trách lãnh xướng trong dàn hợp xướng, tham gia hợp ca, song ca, đơn ca đủ cả. Tôi thì chỉ được hát hợp ca và tam ca mà thôi. (Tôi rất thích giọng hát của Bông, nên sau nầy, khi Bông lên Đà Lạt học trường Võ Bị, tôi ra học Đại học Huế, thì sáng chủ nhật nào cũng vậy, tôi mở radio đài Đà Lạt để nghe giọng hát của Bông và bác sĩ Tôn thất Niệm). Hai đứa cùng thích môn bóng rỗ, thuộc loại khá nhưng chưa bao giờ được vào đội tuyển của trường. Sau bảy lăm, hai đứa đều đi tù cải tạo, rồi bị đưa ra bắc. Bông ở trại Nam Hà, được vào đội mộc và trở thành phó mộc siêu hạng. Tôi thì bị đưa ra tận Bắc Cạn, sát biên giới Việt Trung, làm đủ nghề, từ trồng rau, gánh phân đến đốt lò vôi và cuối cùng cũng được vào đội mộc. Sau hơn mười năm “cải tạo”, Bông được tha về trước tôi mấy tháng và làm thợ cả cho một xưởng mộc ở Phú Lâm. Tôi thì làm đủ nghề, từ xí nghiệp giấy, đến hội luật gia, đến trung tâm nghiên cứu dịch thuật, cuối cùng vì già quá bị đuổi về mà chẳng có một đồng hưu, nên đến bây giờ vẫn phải tiếp tục cày để kiếm sống. Sáng chủ nhật nào cũng vậy, hai đứa rủ nhau đi uống cà phê rồi chui vào sòng mạt chược cho đến chiều tối mới giải tán.

Hai đứa đang hăng say ôn lại chuyện cũ, tôi chợt nhớ đến hôm tổ chức “lễ ra mắt” đặc san “Trường Xưa” của cựu học sinh PCT 56-63 tại nhà hàng Thời đại của Tuấn An Nguyễn ngọc Thôi, thì Bông từ Mỹ có gọi điện thoại về chúc mừng và đặt mua năm cuốn. Nhận thấy Bông rất nhiệt tình với bạn cũ trường xưa, nên tôi hỏi Bông:

- Mi đọc Trường Xưa chưa? (xin lỗi các bạn, mặc dù đã già, nhưng Bông và tôi rất thích “tau mi” khi nói chuyện với nhau).

- Đọc rồi, tau đã để nguyên một ngày chủ nhật để đọc ngấu nghiến từ đầu đến cuối.

Tôi thích thú hỏi tiếp:

- Mi thấy thế nào?

- Tốt, bài nào cũng hay, đặc biệt là có nhiều hình ảnh và tư liệu, bọn bây có mấy chục đứa mà làm được đặc san như vậy là giỏi lắm rồi! Nhưng ... đọc xong tau đã liệng vào thùng rác rồi.

Tôi nghĩ là Bông nói đùa với ẩn ý gì khác nên hỏi lại gọn lỏn, giọng đùa cợt:

- “Răng rứa?”

Bông nhìn thẳng vào mặt, giọng đanh lại:

- Mi thử nghĩ coi, với đặc san trên hai trăm trang mà bọn bây không có một chữ nói về thầy hiệu trưởng Nguyễn đăng Ngọc, kể cả bài thơ của thầy Trần đại Tăng phác họa chân dung của các thầy cô giáo. Mi biết không, Thầy Ngọc làm hiệu trưởng từ năm 1956 và rời trường năm 1963, nghĩa là đúng khoảng thời gian mà bọn mình vào trường và ra trường. Bọn bây nghĩ sao thì tau không cần biết, nhưng đối với tau, Thầy Ngọc là sư phụ, là sư tổ, là cha của tau. Tau xin lỗi, nhưng phải nói nặng lời. Bọn bây là một lũ vô ơn bạc nghĩa, hay nói đúng hơn là một lũ vô học. Uổng công thầy Ngọc đã dạy dỗ cho bây nên người.

Tôi giật mình lặng người đi. Tôi không giận vì những lời chưởi xối xả của Bông, bị chưởi như vậy là đúng. Khi làm đặc san Trường Xưa, tôi có viết hai bài, một bài nói về bạn “Thằng Minh trịt” và một bài thơ trào phúng “Lớp ta ra báo” nói về những khó khăn khi làm đặc san, ngoài ra tôi còn phụ giúp cho trưởng tràng Đặng văn Sở lo chuyện in ấn. Còn về nội dung thì giao cho nhà thơ Gia Trinh Nguyễn văn Bông. Nhưng dù sao vẫn là trách nhiệm chung. Riêng tôi cảm thấy mình là kẻ vô ơn bội nghĩa và vô học, xứng đáng bị nghe Bông chưởi, vì tôi đã thờ ơ, không quan tâm góp ý với ban biên tập về nội dung của đặc san.

Sau nhận xét quá nặng lời của Bông, không gian như chìm hẳn xuống, Bông thì tiếp tục uống cà phê, tôi thì châm thuốc lá liên tục mà không nói với nhau lời nào.

Trên đường đưa tôi về nhà, thấy vẻ măt thẩn thờ của tôi, Bông đặt tay trên vai tôi rồi nói:

- “Mi giận hả? Tau xin lỗi mi”.

Tôi trả lời ngay:

- “Không. Tau không giận mi, mà trái lại, tau phải cám ơn mi đã nhắc nhở một lỗi lầm không thể tha thứ của tau“.

Một lúc sau tôi đột nhiên hỏi Bông:

- “Thầy Ngọc đang ở đâu?”

Bông trả lời:

- “San Diego, Nam Cali”.

Mấy ngày sau. tôi đi xe đò Hoàng xuống Santa Ana. Ngồi quán cà phê Factory với nhạc sĩ Nhật Ngân và họa sĩ Hồ thành Đức, tôi tỏ ý định xuống San Diego để thăm thầy Ngọc, thì Nhật Ngân cho biết đã xuống thăm thầy vào tháng trước, bây giờ thì Nhật Ngân đang bận soạn chương trình nhạc cho Thúy Nga by Night nên không thể đi được. Tôi đang thất vọng. thì một người ở bàn bên cạnh đến bắt tay tôi tỏ vẻ mừng rỡ. Tôi nhận ra ngay, đó là anh Tú A, ký giả nghị trường mà trước bảy lăm thường gặp tôi ở Hạ nghị viện để lấy tin tức. Sau vài lời thăm hỏi nhau, anhTú A đồng ý sẽ chở tôi đi San Diego.

Hai ngày sau. anh Tú A đến đón tôi rồi đi đón bác sĩ Trung xuống San Diego để khám medicare. Thì ra Tú A đang quản lý một phòng khám đa khoa (clinic) tại San Diego. Anh chàng Tú A cũng có nhiều điều lạ, qua Mỹ từ khá sớm, bươn trải làm đủ thứ nghề, làm báo, làm neo, thiết kế và may áo dài, kinh doanh địa ốc, mở trường dạy lái xe, và bây giờ lại quản lý một clinic, mặc dù anh  không học y khoa ngày nào.

9 giờ sáng, chúng tôi đến San Diego. Phòng khám đã có hơn hai mươi “bệnh nhân” ngồi chờ, đa số là người Mễ, vài ba người Việt, mà không có một người Mỹ nào. Bác sĩ Trung và anh Tú A vội vã bắt tay hành nghề. Tôi qua tiệm phở bên cạnh, gọi tô chín gầu và ly cà phê đen nóng. Tôi gọi điện thoại cho anh Trương Thương. Thương xin lỗi tôi vì bận trông nom gian hàng ở chợ trời của người con trai, nên không thể đón tôi như đã hứa. Tôi gọi điện thoại cho anh Huỳnh Phước Toàn. Toàn báo cho biết vì có công việc đột xuất nên phải một tiếng đồng hồ sau mới đến đón tôi được. Ngồi một mình trong tiệm phở, tôi nôn nao nghĩ đến chuyện gặp thầy Ngọc, không biết bây giờ thầy ra sao, Thầy đã đọc đặc san Trường Xưa chưa, nếu đọc rồi thì thầy có nhận xét nặng nề như anh Nguyễn đức Bông không. Tôi nghĩ là không, vì tôi rất biết tính bao dung của thầy. Nhưng chính vì thầy không “nặng nề” mà tôi sẽ khó khăn lúng túng, sẽ phải mở lời làm sao để Thầy hiểu được, thông cảm được sự hối lỗi của tôi và của ban biên tập “Trường Xưa”. Có lẽ các bạn khác ở vào trường hợp của tôi, thì sẽ dễ nói hơn. Nhưng với tôi thì lại khác, giữa thầy Ngọc và tôi, ngoài tình thầy trò, còn có mối liên hệ giao tình khác ...

Nhớ lại chuyện xưa ... Từ tiểu học bước lên trung học, ai cũng có cảm tưởng như lớn hẳn lên, được giã từ cái quần sọt với dây treo để được mặc quần dài, trông oai vô cùng. Nhưng đổi thay nhiều nhất là cách xưng hô. Ngay từ đầu năm đệ thất, giáo sư hướng dẫn đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần là phải xưng “tôi” hoặc xưng “em” với thầy cô giáo, kể cả thầy hiệu trưởng, tuyệt đối không được xưng “con”. Nhưng tôi lại bị rơi vào một trường hợp ngoại lệ. Số là Ba của tôi là bạn của Thầy Ngọc, Ba của tôi là thành viên trong Ban chấp hành Hội phụ huynh học sinh trường Phan châu Trinh do bác Lê hữu Trình (ba của hai chị Thạch Trúc và Bạch Nga) làm hội trưởng. Ba của tôi và Thầy Ngọc còn là bạn của nhau trên sân tennis, cả hai đều được xếp vào loại khá thuộc serie B, chỉ thua serie A là chưa được thi tranh giải mà thôi. Tôi nhớ vào một sáng chủ nhật, Thầy Ngọc đến thăm Ba tôi, tôi rót nước pha trà mời thầy, thầy hỏi chuyện học hành, tôi vừa thưa vừa xưng “em” với thầy, thì Ba tôi gạt ngang

-  “Tại sao con lại xưng em !?!”.

Thầy Ngọc cứu tôi:

- ”Luât lệ của trường là như vậy đó”.

Nhưng Ba tôi vẫn giữ vững “lập trường”:

- “Ở trường thì khác, anh đến thăm tôi thì con của tôi không được xưng em với thầy.”

Thầy Ngọc biết tính cứng nhắc của Ba tôi nên thầy đành phải cười chấp nhận. Từ đó về sau, tôi luôn luôn xưng “con” với thầy. ... Nhưng có một lần Thầy đã la tôi khi tôi xưng “con” với thầy...

Năm 1972, Tôi tham gia “Ban Sáng lập Viện Đại học Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà”, gồm có Bác sĩ Đinh văn Tùng, giám đốc bệnh viên Đà Nẵng, Bác sĩ Thái Can (ba của chị Thái Mai, BS Thái Thanh), Ông Nguyễn ngọc Viên, chủ tịch hội đồng thị xã. Nhà văn trung tá Duy Lam (cháu của nhà văn Nhất Linh), Giáo sư nhà văn Nguyễn văn Xuân, Luật sư Hồ công Lộ. Sau hơn bốn tháng lập luận chứng và vận động, Bộ Quốc gia Giáo dục đã gửi thông báo chấp thuận và mời chúng tôi váo Sài gòn để nhận quyết đinh. Ông Tổng trưởng Ngô khắc Tinh đã nhiệt tình tiếp đón, chúng tôi đề nghị mời giáo sư Ngô Đồng làm Viện trưởng, đề nghị được ông Tổng trưởng chấp thuận ngay.

Gần mười ngày sau, tại Đà Nẵng, cuộc họp đầu tiên của Viện Đại Học Quảng Đà và Ban Sáng lập được tổ chức tại phòng hiệu trưởng của trường Lycee Pascal cũ. Điều thú vị bất ngờ đã đến với tôi. Mới bước vào phòng họp tôi đã thấy thầy hiệu trường Nguyễn đăng Ngọc ngồi bên cạnh GS Ngô Đồng, tôi mừng quá chạy đến ôm chầm lấy thầy và hỏi thăm sức khỏe của thầy. Thầy có vẻ lúng túng trước cử chỉ quá vồn vập của tôi, thầy đẩy nhẹ tôi ra và hỏi:

- “Anh có khỏe không?”

Tôi trả lời theo phản ứng tự nhiên:

- “Thưa thầy, con vẫn khỏe“.

Thầy nhíu mày tỏ vẻ không đồng ý:

- “Sao anh lại xưng “con”? “.

Tôi chưa kịp trả lời thì thầy đã nghiêm giọng:

- “Với vị thế của anh bây giờ, ngoại trừ với hai bác ở nhà, anh không được xưng “con” hoặc xưng “em” với bất cứ ai, vừa nhẹ thể vừa nịnh bợ...”.

Tôi biết thầy đang thương, đang la và đang dạy tôi. Tôi chỉ còn biết nói câu:

- “Dạ...Cám ơn thầy”.

Vậy mà trong suốt buổi họp, đôi lúc tôi quên nên vẫn xưng “con” với thầy.

Mở đầu buổi họp, GS Ngô Đồng nói lời chào mừng và cám ơn ban sáng lập đã đề nghị ông làm Viện trưởng, sau đó ông giới thiệu thầy Nguyễn đăng Ngọc là chánh văn phòng của Viện và dự kiến sẽ đề bạt thầy làm Tổng thư ký, một chức vụ lớn chỉ sau viện trưởng. Tiếp theo, Thầy Ngọc đã trình bày những khó khăn và thuận lợi trong những ngày đầu thành lập viện. Với kinh nghiệm của bảy năm làm quản lý trường Phan châu Trinh, Thầy đã than phiền về ngân sách mà Bộ Quốc gia Giáo dục đã “chuẩn cấp” cho Viện. Con số 240 triệu (nhớ tròn) là quá ít đối với một trường đại học mới thành lập. Ngay cả việc tổ chức lễ khai giảng cũng nhiều tốn kém, trong lúc đó cơ sở vật chất xem như chưa có gì. Tôi mượn cuốn ngân sách đang để trước mặt thầy Ngọc, đọc lượt qua một vài chương, sau một hồi đắn đo, suy nghĩ, tôi mạnh dạn phát biểu:

- “Đây chỉ là ngân sách chuẩn cấp, một hình thức tạm ứng, có thể tu chính được. Tôi xin lo phần tu chính với điều kiện phải có sự tham gia tích cực của Viện ...”.

Thấy mọi người đang hoang mang, tôi giải thích:

- “Trên dạng bản của cuốn ngân sách nầy, Viện làm một cuốn dự thảo ngân sách mới. Do Viện mới thành lập, chưa chi nhiều, nên chưa thể đánh giá chương nào là ít, chương nào là nhiều đươc. Vì vậy phương pháp nhanh nhất là tăng đều các chương, theo tôi nghĩ chúng ta nên xin tăng gấp đôi là hợp lý. Thí dụ: Cấp mua 10 cái bàn thì xin mua 20 cái, cấp mua 20 hộp phấn thì xin mua 40 hộp phấn, cho mời 5 giáo sư thỉnh giảng thì xin mời 10 giáo sư thỉnh giảng ... Như vậy ngân sách từ 240 triệu sẽ được nâng lên thành 480 triệu ... Còn mười ngày nữa là Quôc hội họp ngân sách rồi, chúng ta phải làm thật nhanh, nội trong hai ngày phải làm cho xong bản dự thảo. Tôi biết chuyện nầy là cực cho thầy Ngọc đây, nhưng chuyện gấp quá, mong thầy thông cảm.”.

Tôi nói tiếp:

- “Riêng về chi phí cho lễ khai giảng, trong ngân sách không có chương nào nói về chuyện nầy, mà mục “bất thường chi” của ngân sách thì bao giờ cũng quá ít. Chúng ta phải chia nhau vận động, Thầy Viện trưởng vận động với Đại tá Thị trưởng, Bác Viên đặt vấn đề với Hội đồng Thị xã. Còn tôi sẽ trình bày với Bộ quốc gia Gáo dục”.

Tất cả mọi người đều đồng ý với kế hoạch nầy.

Nói là đồng ý như vậy, nhưng nhìn qua nét mặt của từng người, tôi biết chỉ có GS Ngô Đồng, Thầy Ngọc, LS Hồ công Lộ và Trung tá Duy Lam là “tạm tin” ở tôi, còn những vị khác, thấy tôi còn quá trẻ, mới hai mươi lăm tuổi, kinh nghiệm nghị trường chưa có bao lăm, chắc chỉ là loại “ngựa non háu đá” mà thôi.

Hai ngày sau, trước khi lên phi trường vào Sài gòn, tôi ghé Đại học Quảng Đà, thầy Ngọc đã chờ sẵn, giao cho tôi cuốn dự thảo ngân sách mà thầy vừa đánh máy xong, Thầy vỗ vai tôi và nói:

- “Cố gắng lên nghe anh Phước, cả trường đang đặt niềm tin vào anh đó”.

Tôi trả lời:

- “Dạ thưa thầy, con sẽ cố gắng”.

Thầy lại vỗ vào vai tôi mạnh hơn rồi cười:

- “Đó, lại xưng con nữa, tật không chịu bỏ, chưa thành người lớn đươc”.

Tôi bối rối, chỉ biết gải đầu cười theo.

Ngồi trên máy bay, tôi suy nghĩ phải làm thế nào để Quốc hội thông qua bản “Tu chính ngân sách”. Đây là điều quá khó, vì từ trước đến nay, khi bên Hành pháp đưa dự thảo ngân sách qua thì thường bị Quốc hội cắt giảm, có năm cắt giảm đến 17%. Chưa có khi nào Quốc hội tăng ngân sách cho Hành pháp, nghĩa là chưa có tiền lệ. Tôi biết là khó, nhưng phải cố gắng, phải thành công, không được thất bại. Vì nếu thất bại thì không còn mặt mũi nào mà đến trường Quảng Đà để thăm thầy Ngọc nữa. Tôi nghĩ việc nầy muốn thành công thì phải biết làm lobby (vận động hành lang) cho thật khéo. Vì vậy, đến Sài gòn, tôi không về nhà mà đến văn phòng Quốc hội để gặp DB Phạm duy Tuệ, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ nghị viện. Sau vài câu chào hỏi xã giao, tôi đưa cuốn dự thảo cho ông Tuệ và đặt ngay vấn đề là tôi muốn tu chính ngân sách cho Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà. Sau khi đọc lướt qua bản dự thảo, Ông Tuệ nói ngay:

- “Được rôi, tôi ủng hộ ông trong tu chính án nầy ... nhưng với điều kiện”

Tôi hỏi:

- “Điều kiện gì?”

Ông Tuệ trả lời:

- “Đơn giản thôi, Ông giúp đỡ tôi và Ủy ban Ngân sách bằng cách vận động bên phe đối lập của ông đừng gây trở ngại cho việc thông qua ngân sách năm nay”.

Tôi làm bộ cao giá:

- “Chuyện nầy hơi khó, nhưng tôi sẽ cố gắng...Còn một vấn đề nữa tôi nhờ ông giúp đỡ”.

Tưởng tôi sẽ xin xỏ điều gì, ông Tuệ nhíu mày cao giọng:

- “Gì nữa đây?”

Tôi nói ngay:

-  “Theo luật ngân sách, khi đề nghị gia tăng phần chi, thì phải đề nghị gia tăng phần thu tương ứng, mà tôi thì không biết phải đề nghị gia tăng phần thu nào cho hợp lý mà không bị dân chưởi”.

Ông Tuệ trả lời ngay:

- “Chuyện đó ông để tôi lo. Ủy ban Ngân sách chỉ cần tăng một tỷ lệ rất nhỏ trong mục thuế “tiêu thụ đặc biệt” (luxury tax) đánh vào xa xỉ phẩm, là có thể cân đối rồi. Ông đừng lo, mấy tay nhà giàu không giám chưởi ông đâu, họ cũng phải tỏ ra quan tâm đến ngành giáo dục nữa chứ !!! “ .

Cả hai chúng tôi cùng cười thoải mái.

Như vậy là đã có bước khởi đầu thành công, được Ủy ban Ngân sách ủng hộ là đã đi hơn nửa chặng đường. Nhưng để chắc ăn, tôi lại tiến hành bước lobby thứ hai. Trong phiên khoáng đại đầu tiên họp về ngân sách, tôi đã mang cuốn Dự thảo ngân sách Quảng Đà đến thuyết phục từng người ký tên để trở thành tác giả tu chính án. Cánh đối lập thì tương đối dễ, vì phần lớn là dân miền Trung, nên sẵn sàng hỗ trợ VĐH Quảng Đà. Cánh thân chính và trung hữu thì khó hơn, nhưng cuối cùng tôi cũng có được chữ ký của các ông Phạm văn Út, trưởng khối Cọng hòa, Trần thắng Thức, trưởng khối Độc lâp, Nhan minh Trang, trưởng khối Dân quyền và Nguyễn văn Binh, trưởng nhóm Quốc gia.
                            
Trong phiên khoáng đại họp về ngân sách của Bộ Giáo dục, Tôi lên diễn đàn với tư cách đại diện cho 27 dân biểu là tác giả để thuyết trình về Tu chính án Ngân sách cho Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà (Thực ra, theo quy trình lập pháp, chỉ cần một dân biểu là tác giả là đủ rồi.). Tôi đã trình bày các yếu tố cần thiết để gia tăng ngân sách cho Viện Quảng Đà và sự mong đợi của cư tri tỉnh Quảng Nam và thị xã Đà Nẵng. Tiếp theo ông Phạm duy Tuệ phát biểu nhận xét tốt về tu chính án và cho biết Ủy ban Ngân sách đã có dự trù phần thu tương ứng. Sau đó Quốc hội đi vào biểu quyết. Tôi choáng ngợp trước một rừng tay đã đưa lên, 76% chấp thuận, Một tỷ lệ cao bất ngờ. Cánh đối lập chạy đến bắt tay chúc mừng tôi. Tôi sướng quá như bay lên mây. Đột nhiên một nhân viên cảnh lại đến báo tôi có điện thoai. Tôi vào phòng đọc báo để nghe. Thật bất ngờ, đầu dây bên kia là ông Tổng trưởng Ngô khắc Tĩnh, Ông cám ơn và chúc mừng tôi đã thành công trong việc gia tăng ngân sách cho Quảng Đà. Ông hứa sẽ ra Đà Nẵng để dự lễ khai giảng đầu tiên. Nghe ông đề cập đến lễ khai giảng, tôi như được mở cờ trong bụng, tranh thủ nói ngay: Ngân sách không dự trù chi phí lễ khai giảng nên đề nghi Bộ Giáo dục hỗ trợ. Ông Tĩnh trả lời là đã chuẩn chi và sẽ gửi chi phiếu ra Đà Nẵng trong ngày mai. Sướng quá đi thôi! Bất chiến tự nhiên thành. Tin vui nối tiếp tin vui. Ôi, “Song hỷ lâm môn” là đây.

Có thể nói, Tăng ngân sách cho ĐH Quảng Đà là thành công lớn nhất trong suốt bốn năm làm công tác lập pháp của tôi. Không biết có phải do ảnh hưởng của triết lý Phật giáo hay không, mà tôi nghĩ cuộc đời tôi đã gặp nhiều duyên may. Riêng về chuyện nầy. Duyên may đã cho tôi được học trường Phan châu Trinh do Thầy Ngọc làm hiệu trưởng. Duyên may đã đưa đẩy Ba của tôi làm bạn với Thầy. Duyên may đã xui khiến tôi đã gặp Thầy tại Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà. Duyên may của tôi đã khiến Thầy than phiền về ngân sách. Và cũng chính vì Thầy mà tôi đã mạnh dạn, hay nói đúng hơn là đã liều mạng, đưa ra những lời hứa hẹn tưởng chừng như không bao giờ thực hiện được, nhất là đối với một dân biểu đối lập như tôi. Nhưng tôi đã thành công. Tôi cám ơn duyên may và Con cám ơn thầy.

Hơn 10 giờ, Anh Huỳnh phước Toàn đến đón tôi. Anh không thay đổi nhiều, chỉ có hói đi một chút, lại thêm đôi kính trắng ra dáng chửng chạc và trí thức hơn. Vẫn dáng người thấp đậm, mạnh mẽ. Vẫn đôi lông mày đen đậm giao nhau trước trán mà ngày xưa chúng tôi thường chọc quê anh là có đôi lông mày “mi nhược ngọa tằm” của nàng Thúy Vân. Tôi hối Toàn đi thăm thầy Ngọc ngay, nhưng Toàn bảo tôi phải về nhà Toàn ăn sáng uống cà phê. Tôi nói tôi đã ăn phở rồi. Toàn nói đã chuẩn bị ở nhà rồi, ăn sáng rồi thì ăn thế buổi trưa cũng được. Tôi đành phải lên xe theo Toàn về nhà. Nhà của Toàn rộng và đẹp, ở trong một khu yên tĩnh có nhiều cây xanh, nhà sơn toàn màu trắng quý phái thanh cao. Từ trong ra ngoài đều lót thảm. Phía sau nhà lại có hồ bơi khá lớn, Nếu nhà nầy mà ở Việt nam thì gọi là biệt thự của đại gia. Chỉ có các bạn Đoàn ngọc Tri, Tuấn An Nguyễn ngọc Thôi, Phạm sĩ Liêm mới có thể với tới mà thôi. Toàn kéo tôi vào phòng ăn. Trên bàn đã dọn sẵn hai dĩa spaghetti, một dĩa salad khoai tây, một chai rượu vang, hai cái ly, muổng nĩa bằng bạc, khăn bàn trắng tinh. Tôi buột miệng kêu lên:

- “Sao mà thịnh soạn thế nầy ? Ông làm hay ông mua đây ?”.

Toàn cười trả lời:

- “Ở bên nầy thì đừng nói chuyện đi mua. Order thì cũng phải ngày sau mới có”.

Tôi phát hiện:

- “Thì ra, sáng nay ông bảo bị bận công chuyện đột xuất là để ở nhà nấu mấy món nầy đấy à
!”.
Toàn cười giả lả:

- “Thì cũng phải sửa soạn một chút để đón bạn vàng từ phương xa chứ”.

Chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Tay nghề của Toàn thuộc loại khá, nên dù đã no, tôi đã ăn gần hết dĩa spaghetti và uống hai ly rượu vang. Ăn xong, Toàn và tôi lên xe đến thăm Thầy Ngọc. Nhà của thầy ở trên ngọn đồi không cao lắm, nhỏ mà xinh. ở trong khuôn viên rộng, Nhà không có cổng và hàng rào, chỉ có một bồn hoa nhỏ chạy dài từ ngoài đường vào trong. Tôi hăm hở theo con đường nhỏ trải đá đi vào. Tôi hơi ngạc nhiên và thất vọng khi các cửa đều đóng im ỉm, cửa chinh lai có thêm ổ khóa bấm ở bên ngoài. Như vậy là không có thầy ở nhà. Không biết thầy đi đâu vào giờ nầy. Toàn và tôi đều không có số điện thoại cầm tay của thầy, đành phải chờ thôi. Chờ gần một tiếng đồng hồ mà thầy vẫn chưa về. Toàn và tôi đang ngồi nhổ cỏ trong mấy bồn hoa, thì anh Tú A gọi điện thoại cho biết đã khám bệnh xong, yêu cầu tôi trở lại phòng khám để lên xe về Santa Ana. Như vậy là dành chịu thôi. Tôi vội lấy tờ giấy viết cho thầy:

- “Thưa Thầy. Con là Phước, từ Việt Nam mới qua, Anh Huỳnh phước Toàn chở con đến thăm Thầy Cô, nhưng rất tiếc Thầy Cô đi vắng. Con đi nhờ xe của người bạn nên phải trở về Santa Ana ngay. Số điện thại của con là (408) .... Học trò của Thầy”.

Tôi nhét tờ giấy vào ổ khóa. Toàn đưa tôi về phòng khám của Tú A.

Xe đang chạy được 20 phút trên đường số I5 để trở về Santa Anathì điên thoại của tôi reo:

Alo, Anh Phước phải không? Tôi, thầy Ngọc đây”.

Tôi reo lên mừng rỡ:

- “Thưa Thầy, Thầy khỏe không thầy. Anh Toàn và con đến thăm thầy mà thầy đi vắng“.

- “Anh đang ở đâu, Trở lại nhà thầy đi”.

- “Con đang ở trên đường về Santa Ana. Con đi nhờ xe của người bạn nên không trở lại được. Con còn ở Mỹ ba tháng, thế nào con cũng sẽ đến thăm Thầy cô”.

Ngần ngừ một lát. rồi Thầy nói:

- “Thôi được rồi, 9 giờ sáng ngày thứ bảy tuần sau, Tôi sẽ đi khám tại phóng răng của chị Liên Hương, Nếu anh có rảnh thì đến đó cho tôi gặp”.

- “Thưa thầy, Chắc chắn con sẽ đến”.

Thói quen trở thành thông lệ, sáng chủ nhật nào cũng vậy, bọn đàn ông 56-63 hẹn gặp nhau tại tiệm Phở 54 trên đường Brookhurst. Các khứa lão đã nghỉ hưu, không có việc gì làm ngoài việc giữ cháu để kiếm chút tiền còm gửi về Việt Nam cho người thân hoặc làm từ thiện cho đỡ nhớ quê nhà. Các khứa lão thường trực gồm có: Võ Công, Nguyễn vân Hồng, Quách Thưởng, Lê văn Thẩm, Phùng ngọc Thọ. Đôi lúc còn có thêm Phạm sĩ Giới và Ngô phước An nữa. Sáng chủ nhật hôm đó, tôi thông báo cho các khứa biết chuyện Thầy Hiệu trưởng sẽ đến phòng răng của chị Liên Hương vào thứ bảy tuần tới. Các khứa mừng lắm, bàn nhau chuyện tiếp đón thầy. Phùng ngọc Thọ xung phong tổ chức buổi tiệc tại nhà.

Đúng 9 giờ sáng thứ bảy, tôi đên phòng răng của chị Liên Hương, một phòng răng bề thế nhất ở quận Cam. Thầy và Cô đang ở trong phòng khám, tôi ngồi chờ. Có lẽ do chị Liên Hương đã báo trước, nên khi khi vừa bước ra, Thầy đã la to:

- ”Anh Phước đâu!”

Tôi chạy đên ôm chầm lấy thầy rồi nói:

- “Con đây, con đây”.

Thầy cũng ôm tôi, vỗ lưng tôi bình bịch, nói nhỏ vào tai tôi:

- “Giỏi, Tốt quá, tốt quá”.

Tôi quá xúc động, mắt hẳn ý niệm thời gian nên thấy thầy già đi nhiều quá. Tóc của thầy đã trắng xóa, lông mày cũng trắng theo. Nhưng khi giật mình nhớ lại, năm nay thầy đã gần 90 tuổi. Lần cuối cùng tôi gặp thầy tại ĐH Quảng Đà thì cũng đã cách đây 40 mươi năm rồi. Thời gian tàn phá không chừa một ai. Hơn nữa. So với thầy, tôi thua thầy gần 20 tuổi, nhưng nếu tóc của tôi không nhuộm, và với khuôn mặt ốm o, dài nhằng với quá nhiều nếp nhăn của tôi, thì chắc ai cũng sẽ nói tôi già hơn thầy. Thầy đột nhiên hỏi tôi:

- “Hai bác ở nhà có khỏe không?”

Tôi líu nhíu trả lời:

- “Thưa thầy, Ba con đã mất từ năm 1999 rồi”.

Thầy thở dài và
trầm giọng xuống:

Xin lỗi.  Một người bạn nữa lại ra đi !!!”

Chị Liên Hương lái xe chở Thầy, Cô và tôi đến nhà anh Phùng ngọc Thọ. Nhà anh Thọ ở trong khu biệt lập dành cho “Mô bồ hôm”, không lớn nhưng khang trang và tiện nghi. Dân 56-63 đã tụ tập ở đây hơn mười người, ngoài ra còn có khóa đàn em thua một lớp như Hồng Vân, Hồ mạnh Xuân, thua ba lớp là Ngô thị Phước Khánh. Thầy và Cô ngồi sofa ở giữa, chúng tôi lấy ghế ngồi chung quanh, đứa nào cũng tíu ta tíu tít tranh nhau ngồi cạnh thầy cô để được ôm thầy cô chụp hình. Đứa nào cũng tranh nhau nói, ồn ào như vỡ chợ. Chắc là thầy cô nhức đầu lắm nhưng vẫn nói cười vui vẻ. Đặc biệt là thầy nhớ tên từng đứa một, không sót đứa nào. Đột nhiên Thầy đứng dậy, nhìn quanh tất cả rồi nói:

- Hôm nay, Tại đất khách quê ngừời, các anh chị khóa 56-63 tập họp đông đủ như thế nầy là tôi vui lắm. Âu cũng là cái duyên. Tôi làm hiệu trưởng đúng khoảng thời mà các anh chị vào trường và ra trường. Nên tôi nhớ rất nhiều và có rất nhiều kỷ niệm với lớp nầy...”.

Rồi thầy kể tên mấy đứa học rất giỏi như Lương mậu Dũng, Nguyễn Tùng, Thái Thanh, Ngô Phước An, Ái Liên, Hoàng đại Đồng, Võ Công, Phạm sĩ Liêm.... Thầy cũng không quên những đứa học được nhưng quậy phá, thường xuyên đứng cột cờ như Hồ dương Minh, Đỏ Bá, Phan Độ, Nguyễn văn Phước, Trần Đạo ... Thầy còn nhắc đến những đội thể thao, những đêm văn nghệ... Chúng tôi ngồi lắng tai nghe từng chữ từng lời của thầy, không ngờ ở tuổi gần chín mươi mà thầy có trí nhớ tốt và nhớ nhiều như vậy. Cuối cùng thầy kết luận:

- “Từ khi ra trường, tôi đã đi dạy nhiều nơi, làm việc nhiều nơi, nhưng có lẽ thời gian bảy năm tại trường Phan châu Trinh, đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp nhất, mà chính các chị các anh ở đây đã cho tôi những kỷ niệm đó”.

Chúng tôi quá xúc động, đồng loạt đứng dậy vổ tay mà trong lòng đứa nào cũng muốn nói câu: ”Cám ơn Thầy”.

Thấy hàn huyên như vậy đã đủ, Anh Phùng ngọc Thọ đến trước mặt Thầy Cô, khoanh tay mời Thầy Cô vào tiệc. Thức ăn ê hề, chủ yếu là các món miền Trung, được đặt trên bàn dài ở khoang bên cạnh. Mặc dù mới qua Mỹ lần đầu, nhưng tôi đã nghe nói Anh Thọ là đầu bếp siêu hạng, thường thích khoe tài để chiêu đãi bạn bè. Vậy mà trong buổi tiệc nầy, chẳng ai có nhận xét gì về tài năng của anh Thọ, chỉ tranh nhau ôn lại chuyện xưa. Tiếng cười nói càng lúc càng lớn. Thầy Cô ngồi đầu bàn, một vài bạn tranh thủ đến đứng sau lưng để hỏi đủ thứ chuyện, làm thầy phải trả lời liên tục, không ăn uống được gì. Thấy vậy, anh Thọ la lớn:

- “Yêu cầu các bạn trở về chỗ ngồi và giữ yên lặng, để Thầy Cô dùng bữa”.

Thực ra, lòng tôi vẫn nôn nao, cũng muốn đến bên thầy để “tâm sự” với thầy về đặc san “Trường Xưa”. Nhưng nghe anh Thọ la như vậy, tôi không dám nữa.

Mười giờ đêm, tiệc tàn. Chị Liên Hương lãnh trách nhiệm đưa Thầy Cô về nhà. Bãi đậu xe cách nhà anh Thọ gần 200 mét. Khi đưa Thầy Cô ra xe, tôi “tranh thủ chen lấn” để được đi bên Thầy. Tôi năm tay thầy rồi nói nhỏ:

- “Thưa Thầy, con xin lỗi thầy”.

Thầy ngạc nhiên hỏi lại:

- “Anh Phước có lỗi chi mà xin lỗi?”

Tôi định nói về nội dung của đặc san Trường Xưa, nhưng thấy các bạn chung quanh đều muốn nghe tôi nói gì, đột nhiên tôi lúng túng, e ngại không dám nói nữa, mà nói trớ qua chuyện khác:

- “Con xin lỗi thầy vì hôm ở San Diego, con không quay trở lại để thăm thầy”.

Thầy cười xuề xòa:

- “Thì bữa nay được gặp nhau là vui rồi ...”.

Tôi vẫn năn nỉ:

- “Dù sao con cũng muốn xin lỗi thầy”.

Sợ tôi cù cưa, Thầy vỗ vai tôi rồi nói:

- “Anh nầy lôi thôi quá. Thôi được, tôi nhận lời xin lỗi của anh”.

Tôi cười như đã được thỏa mãn:

- “Con cám ơn thầy”.

Khi tôi đưa thầy lên xe, chị Liên Hương bảo tôi lên xe để chị đưa về luôn. Tôi bảo, tôi đang ở nhà cậu em trên đường Roosevelt gần đây, tôi muốn đi bộ cho mát.

Đêm Cali trở lạnh, tôi kéo cao cổ áo, châm điếu thuốc lá, tôi một mình lang thang trên đường phố vắng tanh miên man nghĩ đến Thầy. Việc Thầy đã nhận lời xin lỗi của tôi, dù chẳng liên quan gì đến lỗi lầm của Trường Xưa, nhưng tôi vẫn thấy ấm trong lòng. Tôi nghĩ, sau nầy, khi biết ra chuyện nầy, thầy cũng sẽ bao dung, sẵn sàng tha thứ cho chúng tôi. Tôi tiếp tục lẩm bẩm một mình:

- “Thầy ơi, Con xin lỗi Thầy”.

Đà Nẵng, Ngày 18 tháng 4 năm 2016