Mai này con sẽ ra sao?
Ngày con trai còn nhỏ xíu, nó hay gãi đầu khi bà la nó hư, và không bao giờ cải lại bà, dù là những lời đàng hoàng để thanh minh thanh nga việc nó làm. Ban đầu bà mừng thầm vì thấy nó ngoan. Gì thì gì không hỗn láo với cha mẹ là bà mừng rồi. Còn nó có làm bậy việc này việc nọ, thì lần lần bà uốn nắn, chắc cũng không đến nổi nào.
Lớn lên, nó vẫn vậy. Vẫn gãi đầu, vẫn im lặng nhưng bây giờ bà không còn mừng thầm vì điều ấy nữa. Té ra nó im lặng, là bởi nó chẳng để tâm gì đến những lời bà khuyên bảo. Nó nghe tai này cho ra tai kia. Nó ngồi đó, mắt vẫn nhìn bà nhưng mãi nghĩ ngợi điều gì xa tít. Khi bà nói mỏi miệng, hết ý rồi, chốt lại lời khuyên:
- Tí, con nghe mẹ nói nãy giờ, con có ý kiến chi không?
Nó vẫn làm thinh. Bà cao giọng:
- Tí!
Lần này nó mới chớp mắt, cúi mặt xuống không nhìn bà nữa:
- Dạ.
- Là sao? Con có nghe mẹ nói không?
- Dạ nghe chớ. Con hiểu rồi. Con đi rửa mặt cái đã.
Vậy là xong. Nó đứng dậy đi vội ra sau. Rồi chứng nào tật ấy.
Ngày con trai còn học cấp một, bà cho nó đến nhà cô em học chung với thằng em vì hai đứa cùng tuổi. Cô giáo kèm hai đứa rất thích vì đứa nào cũng thông minh. Giảng đâu hiểu đó. Mỗi lần chở con đến học, bà cũng vui vì trong khi hai đứa học, thì bà tán dóc với cô em. Nhà cô em hơi xa nhưng bà cố gắng chở con đi học đều đặn. Có anh có em, hai đứa ganh đua nhau học sẽ có kết quả tốt hơn là học một mình.
Lên cấp hai, nó không chịu đi học thêm nữa mặc cho bà nói ngọt nói nhạt. Tới giờ đi học là nó kêu đau bụng, khi thì than chóng mặt, nhức đầu. La nó nhác học thì nó làm thinh. Rồi bà cũng chịu thua, không cách gì bắt nó đi học ở nhà cô em nữa.
Năm nó lên lớp tám. Lần đầu tiên nhận được giấy mời của cô giáo CN yêu cầu phụ huynh lên gặp cô ở văn phòng, bà lo lắng đoán là con làm chuyện gì bậy ở lớp rồi. Hỏi nó, nó làm thinh. Hỏi gặng lắm thì nó kể, vừa kể vừa gãi đầu:
- Tại thằng A cà chớn chớ.
- Cà chớn sao?
- Thì…nó cà chớn nên con lấy cái cây gõ đầu nó. Ai ngờ chảy máu..
Bà nghe tới chữ máu là thấy xây xẩm cả mặt mày.
Rồi từ đó bà phải nhiều lần nhận giấy mời của GVCN. Có khi mấy ngày liền nó vẫn xách cặp đi học, vẫn về nhà đúng giờ, nhưng thật ra nó theo lũ bạn đi lang thang ngoài phố. Bà đâu biết nó trốn học đi bụi, cho đến ngày nhận được giấy mời của nhà trường. La rầy nó thì nó gãi đầu, làm thinh. Vậy là bà đành bỏ thời gian chở nó đến trường. Ngó theo cho đến khi nó khuất sau cánh cổng mới yên tâm đi làm. Vậy mà rồi vẫn nhận được giấy mời. Thì ra nó chỉ chờ bà quay lưng đi là nó bước ra theo.
Khi con trai lên cấp ba, vì sức học kém nên nó phải đăng ký vào trường ngoại ô thành phố. Mỗi ngày phải đạp xe hơn mười cây số đi về. Bà run trong bụng mà đâu dám nói ra. Trường gần trong phố mà nó còn trốn học, nay học xa vậy, nó không trốn học mới là lạ đó. Hai vợ chồng bàn bạc, chia phiên nhau đưa đón nó. Bây giờ cẩn thận hơn, ông bà chờ nghe tiếng trống vào lớp đánh thùng thùng, cánh cổng trường khép lại mới ra về. Bà mừng thầm khi thấy thằng con thôi không trốn học nữa. Đến đón con về, thấy đầu nó nhấp nhô lẫn trong đám học sinh túa ra khỏi cổng, bà nghẹn ngào với niềm hy vọng nó đã nghĩ lại, đã hiểu ra những lời khuyên của bà ngày ngày vẫn rót vào tai nó. Bà nghĩ, kệ, mưa dầm thấm đất, nói mãi nói hoài rồi thì có lúc nó cũng hiểu.
Đâu được hơn tháng thì nó tuyên bố không đi học nữa. Trong bữa cơm nó gãi đầu nói:
- Con học không vô. Ba mẹ đừng ép con nữa làm chi.
Trời đất ơi! Có nằm mơ bà cũng không nghĩ rồi có ngày con trai bà bỏ học khi mới mười sáu tuổi. Bỏ học ở nhà làm chi con ơi! Rồi sau này lớn lên không bằng cấp, lấy chi mà sống hả con? Rồi thì suốt đời phải làm những công việc nặng nhọc để kiếm miếng ăn. Khổ lắm con à!
- Con thông minh có kém chi thằng B con dì Năm. Sao nói học không vô. Con có nhớ hồi học cấp một không? Con có thua chi thằng B đâu nà! Mà chừ con coi đó, thằng B vô trường chuyên cái một, còn con thì đòi bỏ học là sao?
Nó gãi đầu, làm thinh. Nhưng nó vẫn giã từ đời học sinh. Bà bất lực nhìn thẳng con lêu lỏng. Nói nó không nghe, ba nó giận quá bợp nó một bạt tai thì nó làm thinh bỏ chạy. Nói ngọt không được, ông bà xoay qua doạ:
- Nếu không đi học, con phải kiếm việc làm, ba mẹ không nuôi con ở không.
- Con sẽ đi làm.
Nó nói vậy rồi đi xin việc làm thật. Bà làm thinh mặc kệ nó. Mười sáu tuổi, không học hành, nó dĩ nhiên không thể xin được việc thong dong. Bà xót xa thấy thằng con mặt còn búng ra sữa phải ngày ngày đu bám theo mấy chiếc xe bồn chở xăng, phụ cho người ta để mót được ít xăng đem bán lại. Bán đuợc đồng nào là tối đó đàn đúm bạn bè hết cả.Bà dổ dành:
- Không học chữ nữa thì thôi. Mẹ xin cho con đi học nghề nghe. Đi theo chú Ba học nghề hàn tiện cũng được.
Nó lắc đầu:
- Thôi, con không đi đâu.Con không thích nghề đó.
Vậy là bà đành chịu. Một năm sau là nó thay đổi hoàn toàn, người ốm tong, nước da thì đen kịt. Có khi đi cả đêm không về, bà hỏi thì nó bảo tại đi chơi hơi khuya nên ở lại luôn nhà bạn.Nó như con ngựa bất kham lồng lộn sống theo cái cách không cần ngày mai, không cần tương lai. Chỉ duy có một thói quen không thay đổi là khi ông bà la mắng thì nó vẫn chỉ gãi đầu im lặng. Thương con đứt ruột mà giận con cũng tím gan. Cả đời này bà chỉ ước ao có một điều là thấy con cái học hành tới nơi tới chốn. Có đêm nằm mơ thấy nó xách cặp, mặc áo veston đi làm. Trong giấc mơ bà sung sướng khóc tấm tức. Tỉnh dậy rồi bà cũng khóc, mà là giọt nước mắt đắng cay.
Một ngày, bà đi làm về thì thấy trong nhà có một chú công an. Thằng con đứng xớ rớ một bên. Chồng bà thì mặt mày tái mét ngồi đó. Thì ra là người ta đang đọc lệnh bắt tạm giam nó vì có dính líu tới một vụ giật dây chuyền. Bà ngộp thở khi thấy cái còng số tám siết chặc cổ tay thằng con. Lúc nó rời khỏi nhà, đầu cúi gầm không dám nhìn những người hàng xóm tò mò chen lấn phía trước cổng, thì bà đã nằm bất tỉnh duới dất rồi.
Từ đó bệnh tim lúc nào cũng quấy rầy bà. Bà thường xuyên mất ngủ và khó thở. Cứ nằm xuống là bà cảm thấy như ai đang bóp chặc trái tim mình. Vậy là thao thức, trăn trở nghĩ về thằng con đang phải chịu án hai năm trong tù vì tội cướp giật. Bây giờ thì bà không còn mong chi có lúc con bà nghĩ lại, trở về trường học để có chút kiến thức sau này nuôi thân cho đỡ cực, và học biết phải biết trái cho nhân cách của nó. Tất cả đã sụp đổ rồi khi cái còng số tám tra vào tay. Mai này hết hai năm tù tội, nó trở ra đời thì người ta đã nhìn nó bằng con mắt khác, cư xử với nó theo một kiểu cách khác. Có ai còn có thể đặt lòng tin vào con người vào tù ra tội vì ăn cướp? Ngay cả bà, con bà đứt ruột đẻ ra, mà bà cũng còn hoài nghi nhân cách của nó nữa là người dưng.
Khi con người ta tuyệt vọng, thì hay nghĩ đến các đấng thần linh. Bà thu xếp công việc để tuần nào cũng đi chùa lễ Phật, cầu nguyện cho thằng con bớt nghiệp chướng. Thắp một nén nhang, quỳ dưới bệ thờ, bà chảy nước mắt nghe tiếng mõ gõ đều đều của vị sư già đang nhật tụng. Cũng thấy lòng nhẹ bớt buồn đau.
Khi con trai trở về, ông bà chạy vạy xin cho nó vào làm ở một xưởng gỗ. Người chủ thương bà xác xơ vì con, nhận nó với một điều kiện là phải chăm chỉ làm việc. Nếu nó lười nhác thì ông sẽ đuổi, bà không được trách móc gì ông hết. Nó chịu đi làm.Và cũng ít đi chơi. Vậy là hai năm trong tù cũng không phải là vô ích. Con bà hình như đã biết sợ những đắng cay mà nó gây ra cho chính cuộc đời nó. Bà phấp phỏng dõi theo sinh hoạt của con. Thấy nó trở nên vui vẻ, áo quần láng lẫy, tóc tai nghiêm chỉnh, bà lại le lói hy vọng. Giờ đây bà không còn mong con bà học hành đổ đạt nữa. Chỉ cần nó sống đàng hoàng là bà mãn nguyện rồi.
Nó dẫn bạn gái về, báo với bà là con bé đã lỡ có bầu ba tháng. Con bé mặt mày trắng trẻo, con nhà đàng hoàng, đang làm lễ tân cho một khách sạn. Thằng con của bà hai mươi tuổi, còn con bé chỉ mới mười chín. Vậy mà đã trở thành ba, thành mẹ. Gia đình con bé chắc cũng buồn như vợ chồng bà. Ngày đưa dâu, mẹ con bé khóc như tiễn con về cõi chết. Bà cũng ngậm ngùi lây. Bà hiểu nỗi lòng của bà sui lắm. Thương con đứt ruột mà giận con cũng tím gan. Nhưng thật lòng bà cũng có chút hy vọng. Tuy nó còn quá nhỏ để biết phải làm chồng, làm cha như thế nào. Nhưng dẫu sao thì bây giờ bên cạnh nó cũng đã có con vợ nhỏ to bầu bạn. Bà đở phải lo lắng nó đi sớm về khuya. Có gì thì đã có vợ nó khuyên bảo rồi. Thôi, coi như bà cũng nhẹ bớt lòng. Nó có vợ con rồi thì sẽ đổi tính, lo làm lo ăn. Bà chỉ cầu mong có vậy. Lạy Trời Phật thương con trai bà, độ trì cho nó được sống một cuộc đời bình yên …
ĐN 05/2011
Mời các bạn chấp bút cho đoạn sau cuả câu chuyện. Bạn ơi, liệu con trai của người đàn bà này có thể sống phần đời còn lại một cách đàng hoàng?