Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Tammy viết truyện ngắn này khi đi ngang qua thị trấn Bakersfield của miền quê California, vào đổ xăng, gặp cô bé thâu ngân duyên dáng, tự nhiên có chất xúc tác, thế là CỌNG CỎ MAY XA XĂM ra đời...
Từ freeway N-405 ở Los Angeles, Khang cho xe chạy nối qua đường số 5 để về San Jose. Phùng, người bạn thân lúc còn học hành với Khang tại UCLA, có gia đình đang cư ngụ phía Bắc Cali, đã tận tình hướng dẫn cho Khang nên chọn con đường này sẽ nhanh hơn là lấy freeway 101. Chỉ chừng sáu tiếng đồng hồ lái xe là đã đến nơi. Đúng ra thì Khang muốn đi máy bay, nhưng cuối cùng Khang quyết định mang theo chiếc xe của mình, để có phương tiện đi lại trong thời gian ký contract với hãng Sun Micro System ở Fremont, có thể là từ ba tháng đến sáu tháng, hoặc nhiều khi một hai năm cũng không chừng...
Khi Khang lái gần đến thị trấn nhỏ Bakersfield thì cây kim báo mực xăng trong xe chỉ còn nhích trên đường vạch cuối một chút, nhìn đồng hồ thấy đã quá mười hai giờ trưa, Khang vội rẽ vào exit để đổ xăng và dự định sẽ tìm chỗ ăn uống, nghỉ ngơi trong chốc lát rồi tiếp tục hành trình về phương Bắc. Vì trạm xăng nằm ngay bên cạnh freeway nên Khang không cần lái xe lòng vòng xa xôi tìm kiếm, khi vào bên trong để trả tiền, Khang trông thấy một cô bé có mái tóc màu đen rất đặc biệt và đôi mắt nâu hạt dẻ, sống mũi cao thẳng tắp của người bản xứ. Cô bé có dáng vẻ nhỏ nhắn măng tơ, chắc là còn học ở các lớp đầu tiên của high school, đang đứng đằng sau quầy thâu ngân, mỉm cười thân thiện. Khang hỏi:
- Hi, làm ơn chỉ giùm tôi một chỗ để ăn trưa. Cám ơn.
Cô bé sốt sắng đưa tay chỉ về phía bên phải, nơi góc tiệm:
- OK, anh có thể ăn tại đây.
Nhìn theo hướng tay của cô bé, Khang thấy một tủ kiếng đựng đầy thức ăn rất ngăn nắp và sạch sẽ, từ những cái sandwiches thông dụng của Mỹ, bánh mì kẹp hot dog, đến các loại bánh ngọt , bắp rang... Chợt Khang reo lên khi trông thấy những đĩa gỏi cuốn Việt Nam và những đĩa chả giò chiên vàng óng được xếp ngay ngắn ở tầng thứ nhì:
- Ô, lại có thức ăn Việt Nam tại đây nữa, thật là thú vị.
Rất bất ngờ, cô bé thu ngân hỏi Khang bằng tiếng Việt:
- Có phải anh là người Việt Nam không?
Khang giật mình ngẩng lên:
- Em biết tiếng Việt sao, anh thấy em giống như người gốc Mỹ mà.
Cô bé cười:
- Mẹ em là người Việt Nam, bố em là người Mỹ, gia đình bên nội của em là người ở thị trấn này mấy đời rồi anh à.
- Hèn gì anh thấy tóc của em màu đen như người Á châu mà sống mũi thì lại cao. Em nói tiếng Việt rành lắm đó.
- Mẹ em bảo phải biết nói tiếng Việt chút ít để mai này còn về Việt Nam thăm ông bà ngoại của em nữa.
Khang lấy một đĩa gỏi cuốn và một đĩa chả giò ra ngồi ở cái bàn nhỏ kê gần bên tủ kiếng:
- Em tính hết cả tiền xăng và thức ăn cho anh luôn nhé.
Cô bé cúi xuống tính tiền thì Khang lại hỏi:
- Không có ai phụ giúp em ở ngoài tiệm này hay sao? Bố mẹ em đâu?
- Bố em mất đã lâu, tại vì hôm nay thứ bảy em nghỉ học nên ra phụ ông nội chút xíu thôi, hiện giờ mẹ và em ở chung với ông bà nội, trạm xăng này là của ông nội em, ông mới vừa về nhà trồng cải xà lách ở đằng sau vườn rồi, mẹ em thì cũng sắp ra tới, mẹ về nhà nấu cơm mang ra đây cho em.
Đời sống ở thị trấn miền quê nhỏ bé có vẻ êm đềm bình dị như cô bé vừa kể, Khang bất chợt thấy lòng mình nao nao nhớ về quê nhà miền Trung mà mình rời khỏi khi tuổi mới lên mười. Ở tuổi đó, Khang chỉ còn chút kỷ niệm với những buổi trưa ra biển rong chơi cùng đám bạn nhỏ...
Khang tự giới thiệu:
- Anh là Khang, nhưng anh lại thích tên Sao Biển, còn em?
- Tên thật của em là Christine, khi ở nhà mẹ em thường gọi em là Cỏ May.
- Cỏ May! Tên em thật là dễ thương...
Cỏ May đi đến quầy và lấy ra một mảnh giấy nhỏ màu xanh đem đến đưa cho Khang:
- Đây là bài thơ của mẹ em viết tặng trong ngày sinh nhật mười sáu tuổi ngọt ngào của em vào tháng trước, em chỉ thuộc lòng thôi chứ không đọc được anh ạ, mẹ em nói, tiếng Việt hay lắm, mình phải kiên nhẫn thì học mới được. Nhưng em lại thấy tiếng Việt khó quá đi!
Khang đỡ lấy bài thơ từ tay Cỏ May:
Cỏ may
Anh gọi em là hoa cỏ may
Hồn nhiên như nắng, nhẹ như mây
Anh về hái tặng em sương biếc
Ướp vào đôi mắt tuổi thơ ngây...
(Thơ TTH)
Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, Khang chạy nhanh ra xe, tìm cây permanent marker màu đen loại nét lớn mà Khang thường hay dùng để phác thảo những họa đồ trong công việc, và lấy thêm một tấm giấy bìa màu ivory có những đường vân trắng mờ rất thanh nhã, rồi Khang mang tất cả trở vào tiệm. Trong phút chốc, dưới bàn tay tài hoa của Khang, bài thơ nhẹ nhàng Cỏ May đã viết xong với nét chữ thật bay bướm. Bên góc trái, Khang ký tên Sao Biển, và Khang cũng không quên ghi thêm hôm nay là một ngày đầu tháng chín của năm 2000.
Cỏ May rất vui mừng:
- Anh viết chữ Việt Nam đẹp quá, tuy em không đọc được nhưng em cảm thấy đây giống như là một bức tranh.
- OK mà, tùy em nghĩ thôi nhé.
- Cám ơn anh nhiều lắm, anh Sao Biển à, em sẽ xem nó như một kỷ niệm đẹp.
Cỏ May cầm bài thơ trở lại quầy thâu ngân, Khang bắt đầu ăn thì chuông cửa kêu leng keng, rồi cánh cửa mở ra và một người phụ nữ bước vào, tiếng Cỏ May vui mừng:
- Mẹ đã đến, hôm nay mẹ cho con ăn gì thế hở mẹ?
- Bé con ham ăn ghê chưa, mẹ nấu bún riêu đó, được không con?
- Ôi, nhất mẹ rồi, món ruột của con mà, nhưng...
Theo hướng mắt của con gái, người mẹ nhìn tới thì nhận ra một người thanh niên còn rất trẻ, đồng hương với mình qua đĩa gỏi cuốn:
- Chào cháu.
Khang ngừng ăn, lịch sự:
- Dạ chào cô, dọc đường xa xôi nhưng gặp được gia đình cô, cháu rất vui...
Người mẹ nhã nhặn:
- Cám ơn cháu, cháu về đâu?
- Dạ cháu đến Fremont, hướng bắc Cali để nhận công việc, lúc trước cháu làm việc ở Los, gia đình cháu cũng đang ở đó, nhưng cháu sẽ cư ngụ ở San Jose trong nhà một người dì vì hợp đồng với hãng mới này có thể dài hạn. San Jose và Fremont chỉ cách nhau có mười lăm phút thôi. Cháu còn độc thân nên cũng dễ lắm.
- Vậy hả, mà cháu ơi, tôi mời cháu, có thể ăn thêm bún riêu với chúng tôi không?
Khang còn ngần ngừ thì người mẹ vồn vã:
- Cháu đừng ngại nhé, hiếm khi gặp được người Việt của mình ở thị trấn nhỏ đầy hoa cỏ may này, tôi vẫn thường mời những người khách qua đường ăn lót dạ trước khi tiếp tục cuộc hành trình dài...
Người mẹ nói tiếp:
- Chút đỉnh thôi, không có gì lớn lao lắm đâu!
Người phụ nữ nhanh chóng sắp ra ba tô bún, trên mặt xếp vài lát cà chua đỏ, những tảng riêu vàng và hành ngò xanh cắt nhỏ, Cỏ May giúp mẹ vắt vào tô những miếng chanh tươi rồi rắc hạt tiêu vào sau cùng, mẹ Cỏ May nói:
- Từ đây lái xe đến San Jose khoảng chừng hơn ba tiếng đồng hồ nữa, còn kịp mà, cháu đừng vội vã làm gì, thế nào rồi cũng đến nơi thôi. Ăn đi cháu.
Mẹ Cỏ May nói tiếp như để giới thiệu thị trấn nhỏ của mình:
- Cháu biết không, thị trấn này đi vài bước là hết, chỉ có một con đường lớn với vài trường học, tòa thị chính, sở cảnh sát, bệnh viện, vài shopping đơn sơ, có một trạm xăng lâu năm của gia đình bên nội Cỏ May. Dân chúng hiền hòa và biết rõ về nhau, ai cũng quen nhau. Cuối tuần chúng tôi thường đi lễ ở ngôi nhà thờ độc nhất nơi đây, cùng sinh hoạt, ai muốn nấu món ăn gì thì cứ mang đến, góp lại ăn uống vui vẻ thân thiện lắm. Thỉnh thoảng chúng tôi có về Santa Ana mua thức ăn Việt Nam, bố mẹ chồng tôi cũng thích nếm thử thức ăn tôi nấu. Phía sau kia núi rừng trùng điệp, còn lại chung quanh là những cánh đồng bát ngát với hoa cỏ may mọc đầy, nếu không có freeway này ngang qua thì đời sống của chúng tôi hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài...
Những câu cuối cùng mẹ Cỏ May buông ra có vẻ ngậm ngùi, Khang nói:
- Bố mẹ cháu có nói rằng, nếu sống được ở những nơi yên tĩnh thì rất tốt cho tâm hồn con người phải không cô?
- Cũng đúng...
Cỏ May nói với Khang:
- Ở đây chỉ có hai mẹ con em là người Việt nên khi gặp đồng hương, mẹ em mừng lắm, mẹ thích mời họ ăn những món mẹ nấu, và giữ lại nói chuyện nếu họ có thì giờ.
Khang cười:
- Vậy cháu là người may mắn khi gặp cô...
- Có dịp ngang qua, cháu cứ ghé chơi, Cỏ May rất thích nói tiếng Việt. Đến chơi rồi đi, không có phiền hà gì đâu...
- Dạ, cám ơn cô nhiều lắm.
Khi bữa ăn kết thúc, Khang đứng lên định dọn bàn thì Cỏ May nhanh nhẹn nói:
- Để em lo chỗ này, không sao đâu anh.
- Cỏ May rất ngoan, cô khéo léo lắm khi dạy dỗ con gái.
Mẹ Cỏ May mỉm cười, tỏ vẻ cám ơn Khang một cách thầm kín.
Ít phút sau Khang đã sẵn sàng để tiếp tục cuộc hành trình, tuy là giữa buổi trưa nhưng trong một tiệm bán tạp hóa phía bên kia đường, đang vọng ra khúc nhạc đồng quê Nam Mỹ ồn ã, như điểm xuyết để nổi bật thêm cho một góc phố của thị trấn tịch mịch. Khang nghĩ, nếu không có những giai điệu vui tươi này thì có lẽ khách lạ tưởng rằng mọi người đang say giấc trưa trong một ngày hè thanh bình nào đó. Cỏ May tiễn chân Khang vài bước ra bên ngoài:
- Đó anh thấy không, phía sau của tiếng nhạc ầm ầm đó là những cánh đồng cỏ may, hoang sơ và vắng lặng...
Khang tiếp lời:
- Vì thế cho nên mẹ em mới gọi tên em là Cỏ May đúng không?
Cỏ May mím môi, không nói gì, trong đôi mắt nâu của cô bé thoáng ẩn chứa một chút buồn bã khó gọi tên. Cỏ May cũng không biết tại sao nữa...
Có một bầy chim núi vừa mới bay ngang, buông những tiếng kêu rời rạc trong không trung rồi mất hút sau dãy nhà cũ kỹ, để lại âm vực buồn vắng. Tự nhiên Khang buộc miệng nói ra như một lời an ủi Cỏ May:
- Chỉ cần em còn ở đây, khi nào trở về, anh sẽ ghé đến thăm em...
Hình như là Cỏ May gật đầu, Khang lên xe, Cỏ May đưa tay vẫy nhẹ, Khang thấy cô bé mấp máy đôi môi, có lẽ định nói điều gì đó nhưng xe của Khang đã ra tới ngoài đường, phút chốc hòa nhập vào với dòng xe lớn nhỏ bên ngoài freeway chạy hối hả về hướng bắc. Cỏ May vẫn còn đứng đó nhìn theo hồi lâu, nhưng bóng dáng của cô bé đã khuất trong tấm kiếng chiếu hậu của xe Khang từ lúc nào.
Khang nhấn chân ga, chiếc xe lao tới phía trước, mỗi giây một xa những cánh đồng ngút ngàn, xa những bờ cỏ vàng cháy dưới ánh nắng chói chang của mùa thu tháng chín, đồng nghĩa với mình cũng mới vừa rời khỏi cọng cỏ may ngát xanh thôn dã mà Khang tình cờ gặp gỡ trên đường...
##########
Sau khi chất hết hành lý vào thùng xe van phía sau một cách gọn ghẽ, cả gia đình của Đào Như sẵn sàng lên đường xuôi Nam Cali. Bé Christine hỏi mẹ:
- Chiều nay mình đến nhà ông bà nội xong rồi ngày mai mẹ cho con đi chơi Disneyland với cậu Viễn nha mẹ.
- OK, sure! Con lên xe trước đi, mẹ sẽ cùng ngồi với con ở dãy ghế sau, nhớ cài seatbelt nhé.
Đào Như đem theo ba bốn cái gối nhỏ đủ màu, đủ kiểu dáng để Christine kê đầu ngủ cho thoải mái đôi chút vì xe chạy đường quá xa, hơn nữa trời cũng đang còn lờ mờ tối. Viễn nói:
- Chúng ta khởi hành lúc sáu giờ sáng, khoảng hai giờ chiều sẽ đến Santa Ana. Em dự tính cho xe nghỉ ba lần để đổ xăng và ăn uống, chị thấy sao?
Đào Như vừa đưa cho con gái chai nước lọc để uống dọc đường, vừa trả lời em trai:
- Tùy em, đây là lần đầu hai mẹ con chị về thăm gia đình anh Khang bằng xe hơi nên chị đâu có rành đường, em biết đó, thường lúc trước chị và cháu đi máy bay thôi à.
- Không sao đâu, lần trở về San Jose thì chị và Tina đi bằng máy bay rồi, coi như lần này chị tháp tùng em để ngắm cảnh cho vui thôi!
Viễn quay xuống hàng ghế phía dưới hỏi Christine:
- Tina, có phải lần này nữa là lần thứ hai con được đi chơi ở Disneyland không vậy?
- Đúng rồi, lần đầu khi con lên bốn tuổi, bố Khang có dẫn con đi một lần, nhưng con không nhớ đâu! Con chỉ nghe mẹ nhắc thôi!
Đào Như nói:
- Lúc còn anh Khang, cả hai anh chị sao cứ bận bịu với công việc nên cứ khất lần con bé, mãi không đi được, đến bây giờ thì...
Viễn vội vàng khỏa lấp vì ngại khơi dậy nỗi buồn của chị:
- Coi nhẹ đi chị à, ngày mai em sẽ bù lại cho cháu, OK nghe Tina!
Christine reo lên:
- Cám ơn cậu Viễn nhiều nghe. Khi về San Jose con sẽ viết report cho cô giáo để lấy điểm.
Viễn mở nhạc nhè nhẹ trong xe để chị và cháu dễ chịu, rời khỏi San Jose hơn một tiếng đồng hồ thì Christine đã ngủ khá say, Đào Như lấy tấm chăn mỏng mang theo để đắp cho con gái. Trời đã sáng hẳn, Viễn nhìn chị trong kiếng chiếu hậu:
- Chị cũng nên nghỉ một chút cho khỏe đi chị.
Giọng Đào Như không buồn không vui:
- Nếu ngủ được thì chị đã ngủ rồi, không sao, chị muốn nói chuyện để em bớt chán với cảnh đường dài đó thôi.
Viễn cười:
- Em quen thuộc con đường này lắm, đôi khi em nghĩ hoàn cảnh của con người cũng lạ, anh Khang ở dưới Nam lại phải lên trên này làm việc, còn em ở trên này lại phải xuôi về đây.
- Bố mẹ vẫn nói với mình đó là cuộc sống mà.
Ở trạm dừng chân đầu tiên, hai mẹ con Đào Như xuống xe, cùng Viễn ăn uống những thứ mà Đào Như đã mua sẵn từ San Jose mang theo, sau đó cả ba tiếp tục lên đường. Trên xe Viễn nói với chị:
- Em sẽ chạy liên tục chị nhé, nếu đi ngang những thị trấn nhỏ, có thể mình ngừng giây lát để đổ xăng rồi chạy nốt, nhất định là chúng ta đến nơi sớm cho chị và cháu nghỉ ngơi.
- OK tùy em.
Khi xe qua những cánh đồng rộng ngút ngàn, gió thổi lồng lộng làm xô dạt những đám cỏ hoang về một phía, trông như những làn sóng dài chao gợn không ngừng, Đào Như chợt nhớ ra một điều gì đó và nói:
- Lúc trước anh Khang thường nói với chị, không biết là nơi nào trên đoạn đường này nữa, anh có một kỷ niệm đẹp ở đó, nhưng anh không nói cho rõ là chuyện gì. Vả lại những năm sau hôn nhân, chị đang say với hạnh phúc của mình, chị đâu có để ý đến những chuyện khác ngoài mình ra. Nên bây giờ có thể câu chuyện được xem như là chôn vùi luôn Viễn à.
- Ồ vậy sao. À, khi đến exit này em cho xe vào đổ xăng chị nhé.
Nhìn đồng hồ đeo tay, Đào Như nói với con gái:
- Bây giờ mới giữa trưa, cậu Viễn hay thật đó, hai giờ là mình đến Santa Ana rồi Tina ơi.
Christine vỗ tay reo vui, cho xe vào trạm xăng kế bên freeway trong khi hai mẹ con Đào Như bước xuống, Đào Như có ý muốn đi bộ một lúc cho thư giãn đôi chân vì ngồi trên xe khá lâu, nhưng Viễn nói:
- Em biết đây là nơi duy nhất của tuyến đường Nam - Bắc Cali có bán thức ăn Việt Nam chị ạ, vì chủ tiệm là một phụ nữ người Việt, rất hiếu khách và lịch sự, chị nên vào xem thử có cần cho Tina ăn uống chút gì không, vì từ đây là em chạy luôn đến nhà ông bà nội của cháu rồi, không ngừng ở đâu nữa.
Đào Như cảm thấy hơi là lạ vì lời giới thiệu của Viễn, liền kéo con gái cùng bước vào bên trong trạm xăng. Người phụ nữ trung niên có nét mặt dễ mến đang đứng tại quầy thâu ngân nhanh miệng chào khách:
- Hi, cô khỏe không?
- Cám ơn, tôi muốn mua chút thức ăn cho con gái.
Người phụ nữ chuyển sang tiếng Việt:
- Chắc cô là người Việt Nam, cháu bé muốn thức ăn loại nào hả cô?
- Xin bà cho cháu một ít chả giò, và chúng tôi ăn uống tại đây được không ạ?
- Được chứ, mời cô ngồi.
Người phụ nữ vồn vã lấy thức ăn và dọn bàn cho khách, rồi ân cần hỏi Christine:
- Cháu đang học lớp mấy?
Christine trả lời rất ngoan:
- Dạ lớp ba ạ.
- Như vậy cháu khoảng tám, chín tuổi, đúng không? Cháu tên gì vậy?
- Thưa cháu là Christine.
Người phụ nữ khựng lại mấy giây rồi nói:
- Tôi có một con gái, cũng tên là Christine.
Đào Như đỡ lời:
- Tên này do bố cháu đặt cho, anh ấy rất là thích.
- Thế ạ...
Người phụ nữ đột ngột lặng im và quay về làm việc nơi quầy, Đào Như bắt đầu ăn nhưng bỗng nhiên chú ý đến một bức tranh, không nổi bật lắm, được lồng vào cái khung bằng gỗ nâu, treo trên tường kế bên chiếc bàn nhỏ dùng để khách qua đường dùng chỗ ăn uống tạm. Nhìn kỹ là một bài thơ ngắn, được viết tay trông như thủ bút thì đúng hơn, song nét chữ rất bay bướm, lã lướt. Bài thơ bằng tiếng Việt và có vẻ tao nhã, rất đặc biệt là đang hiện diện trong bối cảnh của một trạm xăng ở nơi đìu hiu, xa xôi như thị trấn miền quê Cali này...
Tự dưng Đào Như cảm thấy như mình đang bị bức tranh thôi miên, bị thôi thúc giống như có một cái gì đó mà Đào Như không thể giải thích được, khi Viễn đã bơm xăng vào xe xong, cùng vào ngồi xuống ăn chung với chị và cháu thì Đào Như nói:
- Viễn à, em xem bức tranh kia kìa, sao chị thấy có đôi chút quen quen gì đó, nhất là nét chữ.
- Sao kỳ lạ vậy, để em xem kỹ lại rồi hỏi thử bà chủ cho chị.
Viễn nhìn bức tranh một lúc xong quay lại hỏi người phụ nữ:
- Bài thơ này thật là hay và người viết chữ thật đẹp đặc biệt. Có phải của bà không ạ?
Người phụ nữ trả lời, giọng hơi khàn đục:
- Bài thơ thì của tôi riêng tặng con gái, nhưng nét chữ là của một người khách qua đường đã viết cách đây mười hai năm...
- Đã mười hai năm rồi hả bà, thời gian giữ lại cũng khá lâu đấy.
Vừa nói, Viễn vừa đứng lên và lại gần bức tranh, đột ngột Viễn gọi chị:
- Chị hãy xem ở góc trái của bức tranh nè. Hình như đây là chữ ký tên của anh Khang.
Đào Như đứng lên:
- Thật sao? Không lẽ là...
Nhìn chăm chú bức tranh, Đào Như đọc thấy cái tên Sao Biển, một bút hiệu rất được Khang yêu thích, Khang thường ký vào trong những cuốn sách ở nhà mà Đào Như vẫn bắt gặp trên bàn làm việc của chồng, và bên dưới là ngày tháng ghi dấu lúc Khang đi qua đây. Đào Như nhẩm tính, có thể ngày tháng này là khởi điểm của chuyến lên San Jose nhận công việc, để rồi mấy năm sau Khang gặp gỡ Đào Như và ở hẳn trên này luôn. Đào Như nói:
- Chị nghĩ là nét chữ của anh Khang, có phải là một lời giải nghĩa cho câu chuyện anh không bao giờ kể...
Người phụ nữ chen vào:
- Xin hỏi đây có phải là vợ và con gái của Khang hay không?
- Thưa đúng ạ...
Giọng người phụ nữ kể lể:
- Mười hai năm trước, có một thanh niên còn trẻ, trong lần dừng chân nghỉ ngơi tại đây, đã để lại cho con gái tôi, tên Christine - tức là Cỏ May trong bài thơ - một chút kỷ niệm yêu dấu chen lẫn ngọt ngào kia, cùng với lời hứa là sẽ trở lại thăm. Con gái tôi lúc đó mới mười sáu tuổi, còn ngây thơ và đơn sơ lắm, cứ chờ đợi anh Sao Biển của nó từng ngày, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Nhưng bóng chim tăm cá, người ra đi, không để lại chút gì ngoài những dòng chữ, tôi không biết làm sao để giúp con tôi, đêm ngày chỉ cầu mong Sao Biển còn nhớ lời hứa năm nào...
Đào Như nôn nóng:
- Xin cho cháu hỏi, bây giờ cô Cỏ May ra sao rồi hở bà?
- Thì như thế này, từ từ cho tôi được kể nốt câu chuyện, sau đó, khi tốt nghiệp trung học, Cỏ May nhất định phải về San Jose để vào đại học ở đó, đồng thời bắt đầu tìm kiếm Sao Biển, nhưng chỉ hoài công. Có khi, qua điện thoại từ San Jose, Cỏ May mừng rỡ báo tin cho tôi biết sắp tìm được anh ấy, nhưng rồi lại buồn rầu nói là mình đã bị nhầm lẫn. Bốn năm học trôi qua với hi vọng ảo và sự vô vọng, Cỏ May trở về nơi bắt đầu và vẫn kiếm tìm Sao Biển không ngưng nghỉ, bây giờ Cỏ May đang làm việc tại ngôi trường duy nhất ở đây, với niềm tin là sẽ có một ngày được gặp Sao Biển. Cỏ May có ý muốn treo bức tranh bài thơ ở ngoài tiệm đây, mục đích là để nếu Sao Biển có trở lại thì còn có chút gì dấu tích của ngày xưa mà nhận ra con bé. Nhưng mà...
Viễn nói:
- Có thể là ngày ấy, khi lên đến San Jose, vì bị cuốn hút vào guồng xoáy của công việc, và ý định lập nghiệp hẳn ở nơi chốn mới, rồi mấy năm sau đó đám cưới với chị của cháu, nên có thể anh Khang đã quên mất lời hứa ghé thăm cô Cỏ May của bà. Xin bà đừng trách anh ấy.
- Tôi không trách móc ai đâu, tôi không có quyền đó, chỉ tại Cỏ May là người mơ mộng hão huyền, ai lại đi đợi chờ một lời hứa suông của kẻ qua đường phải không? Trí nhớ con người ngắn lắm, ai cũng mau quên cả, và cũng biền biệt như là cánh chim, đất trời rộng bao la, biết đâu mà tìm chứ, mà gặp rồi chắc gì đã được! Con gái tôi rất hiền hòa, chỉ là một cọng cỏ may đồng nội, giản đơn và bé bỏng, thật tội nghiệp Cỏ May của tôi trong mười hai năm qua. Một mối tình không kết quả, tại sao lại phải cho ra tình cảm của mình sâu đậm đến thế.
Viễn nắm tay Christine:
- Cháu nghĩ là anh Khang cũng có dành chút tình cảm nhỏ bé của anh ấy cho cô Cỏ May, bằng cớ là anh đã lấy tên Christine để đặt cho con gái đây bà ạ, điều này thì chị của cháu bây giờ mới biết, xin bà hãy xem như đó là một hồi đáp muộn màng của anh Khang với tấm chân tình nồng nàn của cô Cỏ May.
Người phụ nữ chắc đang đau xót thầm lặng cho con gái mình nên quên nói một lời cám ơn đáng có với Viễn, giây lát bà thở dài não nuột:
- Rồi không biết trong tương lai Cỏ May sẽ ra sao khi biết tin này...
Đào Như nói với em trai:
- Cuộc đời quá kỳ diệu, thì ra nơi này là nơi mà có lần anh Khang nhắc với chị về một kỷ niệm đẹp của chính anh ấy, chị cứ tưởng là mình không có cơ hội để biết về chút kỷ niệm đó, không ngờ chị còn được đến tận nơi, thấy tận mắt...
- Vâng, quả thật là kỳ diệu.
- Dù sao đi nữa, tôi cũng rất cám ơn cô đã cho chúng tôi biết tin của Sao Biển. Đã qua lâu rồi một cuộc gặp gỡ chớp nhoáng không tính trước của đời người mà lại là định mệnh nghiệt ngã cho số phận Cỏ May, tôi cũng không biết nói sao, nhưng hôm nay thì coi như là đã có kết thúc.
Khoảng trống yên lặng một lúc, Viễn đưa mắt nhìn chị, ngụ ý hỏi Đào Như có nên rời khỏi nơi đây bây giờ hay không, Đào Như gật đầu nhè nhẹ và cùng con gái đứng lên ra cửa:
- Cám ơn bà đã tiếp đãi gia đình cháu với thức ăn ngon, cho cháu thành thật xin lỗi, và gửi lời hỏi thăm cô Cỏ May, chúc bà luôn mạnh. Xin chào bà.
Người phụ nữ hỏi với theo:
- Nãy giờ tôi quên, làm ơn cho tôi được hỏi cô câu cuối cùng, sau mười hai năm, Sao Biển bây giờ ra sao?
Đưa tay đẩy nhẹ bé Christine ra cửa theo Viễn lên xe trước, Đào Như nghẹn ngào mất mấy giây rồi mới quay lại trả lời:
- Dạ thưa, vì lâm bệnh nặng, hai tháng trước đây anh ấy đã qua đời...
Có âm thanh nào đó rất khô, vụn vỡ, hình như là tiếng của một chiếc ly thủy tinh vừa rơi xuống, tan tành...
Tammy Tran
4/2012