Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Cổng Trường Con Gái       Trương T. Kim Chi
Chin Bon
Chin Bon
Đã nhiều lần tôi ví von về ngôi trường con gái đầy thơ mộng của tôi thời mới lớn. Nếu xét về phương diện kiến trúc hay mỹ thuật thì chắc người ta sẽ thất vọng khi nhìn thấy ngôi trường tôi ngày đó, so với những trường lớn trong thành phố như Phan Châu Trinh bề thế nghiêm trang, cạnh đó có trường Phan Thanh Giản cũng khang trang có cổng trắng tường vôi. Xa xa hơn chút trường Sao Mai bên bờ sông Hàn thơ mộng, rồi thì trường Kỹ Thuật với hàng dương liễu vi vu trữ tình.  Riêng trường Nữ trung học của tôi (dạo đó) chỉ là một dãy lớp học trơ vơ nằm trên một miếng đất khiêm nhường với những hàng cây còn bé tí.

Mỗi khi nghĩ về trường mình tôi còn nghe được tiếng sỏi xào xạc dưới chân trong sân trường, những tà áo trắng tụm năm tụm ba e ấp của thời mới lớn.  Nhưng thôi đó là trong trí nhớ của những nữ sinh năm xưa như tôi, vui buồn nghĩ về trường cũ thì đã đành. Tôi chỉ thắc mắc là ngôi trường của tôi đã không đẹp về hình thức, lại sanh sau đẻ muộn hơn những trường khác nhưng không hiểu vì sao lại có rất nhiều người (không học trường tôi) nhớ đến và nhắc nhở một cách vấn vương sao sao đó!

Cứ mỗi khi nghe đến tên của trường tôi, thì những người (nhất là các anh nam sinh) cùng trang lứa và sống ở Đà Nẵng thuở đó, họ thường tỏ ngay thái độ, có khi thì chớp chớp mắt nói nhẹ nhàng (hình như có chút gì trách móc):

- Hồi đó cũng đã từng đứng trước trường NTH mỗi ngày…

Hoặc là:

- Nhớ hồi đó cũng đứng mòn hết cả cỏ trước NTH (rồi thở dài thườn thượt…) mà cũng không được gì!

Thỉnh thoảng thì cũng có những hờn trách vu vơ:

- Nhớ mỗi lần đi ngang qua NTH thì rất là khổ sở, hai chân cứ đánh vào nhau, cắm cổ mà đi…

- Hồi đó đóng đô ở quán “bà Mười” (quán này không bán gì ngon nhưng có điều lạ là rất nổi tiếng… chắc học trò 2 trường PCT và NTH ai cũng còn nhớ!) mỗi ngày, chỉ dám nhìn các cô từ đàng xa…

Nghe thoáng qua những câu trách móc như vậy, tôi cũng thấy ái ngại, mặc dù trường tôi có bao nhiêu nữ sinh, không biết các đương sự này dạo đó “tốn thì giờ” vì ai.  Đôi khi tôi cũng thấy có trách nhiệm trả lời những câu hờn trách này, nhưng thường thì tôi cũng chỉ biết thốt lên những câu chẳng đâu vào đâu như:

- Thời mới lớn “dễ thương” quá hả…

Câu nói vô tội của tôi có khi còn làm “nỗi niềm” ngày xưa bùng nổ bất chợt:

- Dễ thương gì… khổ lắm! Không ai hiểu được đâu!

- Hừm… có bao nhiêu thằng thất tình (trời) bỏ đi lính để quên… đời!

Đến đó thì tôi hoảng hồn vội vàng nói lảng sang chuyện khác cho yên, không dại gì mà khơi lại vết thương lòng.

Hình như những cuộc đối thoại như trên đều xảy ra với tất cả các cựu nữ sinh trường tôi.  Đôi khi chúng tôi cũng tụm năm tụm ba để tìm cách chống đỡ, biện hộ cho sự “ác tâm” của mình mấy chục năm trước. Thường thì là những câu rất ngây thơ… cụ:

- Ai cũng trách móc, tụi mình hồi đó ác… hồi đó làm khổ người ta… mà mình có làm gì đâu!

- Ừ, trường người ta “tự nhiên” đến đứng chật cả đường đi.  Tụi mình cũng khớp mỗi khi đi ngang qua cái “dàn chào” chứ bộ!

Lời trách qua, tiếng than thở lại… cũng chả vào đâu, có lần con bạn tôi ngẫm nghĩ nát óc và đi đến kết luận:

- A… biết rồi! Chắc tại trường mình xây trên nghĩa trang của Tây ngày trước, nên… ma hiện về hớp hồn mấy ông kia…

Rồi chúng tôi cười cho qua chuyện. Nhưng riêng các “nạn nhân” (!) của chúng tôi ngày xưa thì có lẽ không chịu “bỏ qua”, cứ vương vấn “ân óan giang hồ”! Luôn nhắc nhở để chúng tôi đừng quên là:

các em đi - lúc lên trời
đừng quên những đứa có thời theo em
các em đi - có vui thêm
đừng quên những đứa kênh kênh một thời
với nhau lúc đó vì người
không đứa nào được giờ ngồi ngó lên

(Nguyễn Nam An)

Họ diễn tả đoạn đường trước trường chúng tôi thật là cam go hiểm trở:

Đã bao lần đi ngang qua đó
Không dám nhìn vào dãy lầu cao
Sợ gặp phải những tà áo trắng
Nửa thiên thần và nửa yêu ma

(Trương Đình Tuấn)

Nhưng người ta thường nói “tình chỉ đẹp khi còn giang dở, lấy nhau rồi… lắm em ơi!” cho nên chúng tôi vẫn còn thưởng thức những vần thơ ưu ái, thơ mộng như là:

Gặp nhau sau buổi trường tan
Em nhu mì bước nhẹ làn gió thu
Hồn nhiên bay vẻ thanh thư
Đôi tà lụa trắng như từ hôm qua…

(áo trắng-Trương Đình Tuấn).

Hoặc chen lẫn chút lãng mạn, hẹn hò tình tứ:
mỗi ngày đi qua trường em
lòng anh cảm thấy chênh vênh thế nào
mặt nhìn thẳng, mắt liếc vào
chân bước run rẩy thấp cao bất thường
trong muôn ngàn vạn mùi hương
vẫn nhận ra được mùi thương nhớ mình
và đôi mắt ướt xinh xinh
bất thần liệng cái hữu tình trúng vai
(Lê Hân)


Hình như trong trí nhớ của những người đã từng làm “mòn cỏ” trước trường tôi, hoặc là một thời tựa gốc cây “nhìn thôi mà không nói” (bây giờ mới biết tại sao hàng cây trước trường tôi chả có cây nào mọc thẳng thớm!) thì chúng tôi là những hình bóng hiền dịu dễ thương (!), nên cho đến bây giờ trong những cuộc họp mặt hay gặp gỡ vẫn luôn dành cho sự ưu ái, cứ mỗi lần ai hỏi “hoc trường nào” mà câu trả lời là NTH thì luôn luôn phản ứng của người đối diện nếu là nam giới thì sẽ là:

- Chà… NTH hả… mấy cô hồi đó… ác lắm!
Câu nói lửng lơ nhưng ít làm cho chúng tôi bực bội vì thái độ lúng túng của họ thật dễ thương!
Như một lần trong cuộc họp mặt, đứa bạn tôi đang đứng lang thang trên hành lang chờ bạn đến thì một cựu nam sinh trường bên đến bên thỏ thẻ:

- Xin lỗi… thấy quen quen…

Bạn tôi cười mỉm chi điệu đàng trả lời:

- Dạ tôi học NTH hồi đó…

- Tôi biết… Tôi thấy “chị” hoài… Hồi đó cứ theo mỗi ngày nhưng không bao giờ dám nói chuyện…
Bao nhiêu năm rồi tôi không quên!

Dù là có thêm mấy chữ rất ăn tiền “bao nhiêu năm rồi không quên” nhưng con bạn tôi vẫn nổi cơn tam bành kể lể với chúng tôi là:

- Sao lại “kính cẩn” thế kia! Gọi đến bằng chị…

Chúng tôi bèn xúm xít lại an ủi hắn ta, thì người ta lịch sự… hoặc là người ta tôn thờ nể nang (chứ không phải kính cẩn…) nên mới ra… nông nỗi!
Riêng tôi thì nghĩ “người ta” có thể lính quýnh nên đâm ra vụng về.  Như có lần đang đứng ghi tên mình vào danh sách tham dự, tôi nghe tiếng thì thầm sau lưng:

- Cô bé… cho anh hỏi thăm hồi đó có phải nhà ở…

Tôi vội vàng viết tên mình thật nhanh và đứng tránh qua một bên, cũng muốn tỏ ra lịch sự để anh này nói chuyện với “cô bé” nào đó.  Thì anh ta lại tà tà theo tôi:

- Không nhớ anh hay sao?

Tôi ngỡ ngàng quay lại nhìn người đàn ông chắc cũng gần sáu mươi lụm cụm nhìn tôi như chờ câu trả lời, tôi lắp bắp hỏi:

- Ông… a, Anh hỏi tôi hả.

Chắc là bắt đầu quạu, anh ta buông thỏng:

- Chứ ai nữa.

Tôi lật đật:

- À… xin lỗi đông người tôi tưởng…

Tôi ngượng ngập trả lời. Thật ra mỗi lần họp mặt thì tôi thường bị lầm lẫn với giáo sư ngày xưa hơn là “cô bé”… hôm đó ra về tôi cũng thấy vui vui, sống lại thời “cô bé”.
Đó là những chuyện hiểu lầm đáng tiếc thôi, chứ thật ra các “nạn nhân” (!) của chúng tôi thì giờ đã lớn nên cũng gan dạ hẳn đi rồi, các anh rất rõ ràng và cương quyết, như có lần một anh nam sinh trường áo xanh (tôi tạm dấu tên anh ta để bảo vệ sự an tòan cho đương sự) đã vui vui mà phát biểu ý kiến là:

- Sau đây tôi xin hát một bản nhạc tình để riêng tặng cho các cô NTH… Những người đẹp mà chúng tôi luôn ái mộ… xin chia vui với các anh rể… là những người diễm phúc nhất trên đời…

Chúng tôi nghe anh nói mà xúc động vô cùng rồi vui buồn lẫn lộn, vui vì đựơc nghe những lời mát ruột và buồn vì những ánh mắt gừm gừm từ các ông chồng…:

- Diễm phúc… hừm… chỉ có trong chăn mới biết chăn có rận…

Chúng tôi chỉ biết ngồi im vờ như không nghe thấy cho xong. Con bạn lì lợm của tôi thì nhất định thì thầm:

- Chỉ có “con rận” mới biết sợ cái chăn.

Cũng có nhiều lần trong những ngày họp mặt, có đứa đi lang thang qua với các nhóm khác thăm người quen xong thì hớt hải chạy về, mặt mày có vẻ giận dữ:

- Tao có tin này sốt dẻo.

Cả đám xúm xít lại để nghe tin giật gân:

- Mấy đứa trường khác nói tụi mình “đỏng đảnh”…

- Cái gì? Ai nói… tiếng hỏi lại nhao cả lên.

- Thì tụi nó nói mấy đứa NTH đỏng đa đỏng đảnh làm như “ngon” lắm!

Chao ôi là cả đám mặt mày giận dữ, bao nhiêu cái miệng chu lên, giống như hồi xưa còn đi học mà bị phạt hay bị zéro không bằng. Rồi tôi nghe có giọng nói thật yếu ớt:

- Chuyện gì mà phải giận dữ… đỏng đảnh là xấu hay sao…

Tiếng đứa khác hùa theo:

- Ừ thì tụi mình ưa chưng diện, làm bộ làm tịch… người ta quở vậy mà mình không đỏng đảnh thì thôi!

Đương nhiên là bao cái miệng ồn ào lên cãi vả um sùm… Ngừơi đưa tin như chợt nhớ ra “bổ túc” thêm:

- Rồi người ta cũng nói, trường mình có nhiều người đẹp nhất!
Vậy là im lặng, cười tủm tỉm khoái chí…

Riêng tôi thì khen hay chê, tôi và các bạn lúc nào cũng hãnh diện là cô học trò của ngôi trường con gái dễ thương đó.  Ngôi trường mà từ đàng xa nhìn lại, dù chỉ đứng bên ngoài cổng người ta cũng thấy được những tà áo tha thướt, những bóng dáng yêu kiều của một thời.

Những khi có dịp vượt đường xa về đứng lại trứơc ngôi trường cũ, tựa vào cổng trường, tất cả đã đổi thay nhớ lại ngày xưa mà buồn rưng rức:

trở lại đường xưa Thống-Nhất
mới hay đời mất như trường
nụ cười em buồn đã muộn

Hương Thời Gian đâu năm đó
trong trí nhớ có quay về
con đường kiền kiền dâu bể

tên đã đổi từ ngày chia
trường và đường đều lạ
tên là tên của người ta

các em từ một lần xa
đời tuột sao nhanh quá
dẫu kỷ niệm chưa nhòa

giờ biết đâu là nhà
chẳng biết đâu là trường
cả hai đều vay mượn

ngay chính trên quê hương

(Nguyễn Nam An)

Xin cảm ơn cổng trường xưa đầy kỷ niệm, cảm ơn những hình bóng “mặt nhìn thẳng, mắt liếc vào” đã tô điểm cho cuộc đời nữ sinh của chúng tôi.
Mấy chục năm sau, thôi thì cũng đành thú thật nếu lúc đó các anh đi chậm lại chút xíu và bình tĩnh nhìn vào bên trong cổng trường thì chắc sẽ thấy:

Bên hiên cũ ánh hoa vàng rực rỡ
Mùi hoa xưa thơm ngát tuổi học trò
Tôi ngồi học lòng nôn nao chờ đợi
Cám ơn anh đi qua lại mỗi ngày

Có lẽ vậy tôi bỗng thành siêng học
Không ngẩng nhìn nhưng vẫn biết anh qua...
Nếu đi chậm chắc là anh đã thấy
Tôi nhìn theo và xao xuyến tâm hồn...
(Kim Chi)

Cũng cảm ơn những dòng thơ ưu ái (chút xíu trách hờn), các cô nữ sinh năm nào dù cho ở đâu thì cũng sẽ nhớ về ngày tháng cũ, nhớ về thời con gái và bóng hình lờn vờn bên cổng trường năm xưa mà mỉm cười e thẹn cho dù không còn là “cô bé”, cảm ơn… cảm ơn…

KimChi