Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chiếc bus khởi hành lúc 6pm từ Adelaide dừng lại trong đêm, bỏ xuống ba người rồi rồ ga chạy thẳng hút trong sương. Gió sa mạc hiu hiu lạnh cóng. Nhìn quanh quất không một hình thể di động ...im ắng, lạnh lùng. Lâu lâu có tiếng gà gáy rất xa, xa lắm như đâu tận quê nhà. Tôi nghi ngờ hỏi chàng : “Anh có nghe tiếng gà? Có! Anh nói như thấu hiểu “Gà ở đâu gáy cũng giống nhau nghe gần nhưng lại rất xa. ”Nhìn vào di động nơi tin cậy cuối cùng, góc phải hiện lên biểu tượng nhỏ xíu SOS thay cho cột sóng di động. Gì lạ vậy! Trước giờ đi đã cẩn thận cài đặt 4 g. Bấm tới xoá lui vẫn hiện nguyên SOS đầy đe dọa và thách thức.

Ba hành khách xếp thẳng hàng co ro, lặng thinh nhìn tới nhìn lui, tất cả đều hút mất trong sương hiu hắt ánh đèn vàng. Có tiếng chó sủa nhưng không thấy nhà cửa, xe cộ. Chỉ lùng chùng đất đá.

Coober Pedy hiện ra khác xa trong tưởng tượng mơ mộng lãng du, trong quảng cáo của những trang du lịch. Là phút giây tôi tự vấn “Mình vượt muôn trùng đến đây để làm gì? Không wifi, không điện thoại, không bất kì một phương tiện đi chuyển nào. 2 pm khách sạn mới cho check in, biết định vị khách sạn ở hướng nào giữa chốn đồng không mông quạnh?
Thằng cu đồng hành người Nhật trạc tuổi con trai tôi  tụi trẻ đi phược chắc có nhiều thông tin và kinh nghiệm). Hắn đứng một mình không kẻ đón người đưa cũng ngơ ngác không biết gì hơn lúc tôi hỏi chuyện.

Hai già lần theo ánh đèn đi đến một trạm xăng, hi vọng kiếm được ai đó hướng dẫn thông tin  (information). Đang lóng ngóng thì một chiếc four well drive trờ đến. Trên xe bước xuống là một lão tra tra cục mịch đi chân đất. Tôi hỏi: “Ông làm ơn ... bằng cách nào tốt nhất để tôi có thể đến khách sạn này?“. Nhìn cái bộ dạng lơ ngơ của tôi ông bảo: “À! Cách tốt nhất là tụi bây lên xe tao chở cho đến đó”. Khi xe vòng trở lại, lẫn trong màng sương tôi thấy dáng cậu thanh niên đứng như tượng, lẻ loi.

Xe chạy lòng vòng lên xuống một hồi rồi dừng lại trước một ngọn đồi toàn đất đá. “Đấy! Khách sạn của tụi bây trong kia “. Tôi hỏi trả ông tiền xe nhưng ông cười khoác tay bảo: “Nơi này có view rộng, đẹp nhất là lúc hoàng hôn và bình minh. Enjoy your trip! Now, I have to go. Good bye”.

Ẩn mình sau mái hiên thấp là cái cửa nhỏ ra vào khách sạn, một dãy dài hành lang hiện ra, lộng lẫy nhưng cũng như những nơi khác ở Coober Pedy, vắng lặng không một bóng người. Tôi muốn gửi hành lí để dạo quanh nhưng không thể. Chừng 6h00 sáng, từ cuối hành lang có cô gái bước ra, cô lần lượt kéo lê, chất đầy hành lí lên chiếc xe vốn đã chật ních ních. Lần cuối khi bước ngang qua tôi cô chậm lại mỉm cười: “Tạm biệt! Trông bạn như đang cần sự giúp đỡ ?“. Sao hay vậy ta! Tôi bảo tôi cần cái toilette, đã tìm nhưng không thấy ở đâu. Cô đưa tôi chìa khoá bảo: “Phòng 12, hãy vào đấy sưởi ấm nếu không muốn bị cảm lạnh. Tao phải đi trước khi mặt trời mọc để còn kịp chụp một vài tấm hình“. Nhìn quanh không thấy ai khác ngoài cô, tôi hỏi: Cô đi một mình? Ừ! một mình nhưng đến giữa hè thì tao phải về nhà để đón Xmas với mẹ. Bà ấy cũng một mình! Tôi ngớ người một chặp ... ai lại đón giáng sinh vào mùa hè ... rồi cũng kịp nhận ra rằng đây là đất Úc, thuộc Nam bán cầu nên thời tiết đảo ngược. Như vậy là cô ấy đã và sẽ ở trong sa mạc hằng tháng trời.

Tám giờ sáng khách sạn mới làm việc. Họ nhận hành lí rồi trao cho tôi một sơ đồ đánh dấu bằng số thứ tự những vị trí có sinh hoạt của Coober Pedy như nhà thờ, trường học, quán bar, tiệm sách, Art Gallery và những hầm mỏ khai thác Ngọc Opal cũ, mới v. v ...tất cả đều ẩn sâu trong lòng đất dọc theo con đường loằng ngoằng chói chang nắng trong chập chùng đồi trọc màu nâu đỏ, với lưa thưa vài bóng cây bạc hà xam xám bạc.

Lòng tôi ngao ngán, bắt đầu nhận ra cái sự phiêu lưu lãng mạn, kịch tính là sản phẩm tưởng tượng đầy vô duyên của mình. Khuôn mặt Mai Hương hiện ra trong veo nhìn tôi với nụ cười chế giểu: “ Dì Thơ đi tàn phá nhan sắc hả? Ui điên loạn, điên loạn! “. (MH là cô bạn nhỏ, tỉnh táo, luôn âm thầm dõi theo những hành trình dại dột của tôi).

Dẫu sao mặc lòng, cũng phải xuống phố kiếm gì bỏ bụng. Lang thang ngoài đường đã hai đêm một ngày rồi, đói!
Phố là gì? Là những ngọn đồi bao la trọc lóc, bên trên cắm rải rác những tấm biển quảng cáo khá thô sơ, tua tủa những ống thông khói, một siêu thị lộ thiên bán đầy đủ những thực phẩm thiết yếu. Đi đâu làm gì trong cái nắng gió hoang vu này? Thay vì chửi thề thì tôi lại hát:

Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do.

Tôi phất phơ vào một quán ca phê Ý để làm thân lá cỏ, tự do hát ca chờ đến giờ được nhận phòng khách sạn. Mệt mỏi lắm rồi, một espresso cho chàng và một trà xanh cho nàng. Năm phút lục đục sau quầy, anh cao bồi gầy đét bước ra, bám theo sau là lũ ruồi. Ruồi ở đây đã lì lợm lại ồn ào, chúng cố tình kêu to như đám thanh niên hay hùa nhau nẹt ga ngoài phố, đuổi hoài không chịu đi.

Anh cao bồi tỏ chút ngạc nhiên khi trao cho tôi tách trà xanh ($5 cho tất cả các loại nước uống thì hà cớ chi mà chọn món uống dễ ẹc này) ngược lại tôi cũng rất ngạc nhiên với đôi cánh tay phủ đầy bụi bạc mốc của anh. Bối rối đập hai bàn tay vào nhau anh cười nụ cuời hiền lành, đám bụi bung ra trông như khói súng làm tôi lại nhớ Lucky Lucke, anh chàng cao bồi thiện nghệ nhứt thế gian: “Không sao! Nó sẽ luôn như vậy “. Chỉ tay vào tờ poster trên tường anh bảo: “Tao ở trong mỏ đá này cả ngày để tìm Ngọc, đó là việc làm hết sức nặng nhọc“. Thầm nghĩ: Hơn ai hết tôi là người cảm thông sâu sắc cùng anh, bởi đôi bàn tay tôi cũng lấm lem màu nước ngày này qua tháng nọ, sinh nghề tử nghiệp mà. Trên poster là hình ảnh anh đang soi tìm những viên Ngọc Opal trong bãi đá. Sau đó anh chỉ cho chúng tôi thế nào là viên đá đẹp, giá trị và hướng dẫn cách tìm ra chúng giữa mịt mù đất đá.

( Còn tiếp )
Chín bốn & Bạn hữu
COOBER PEDY (Phần 1)
Chín bốn & Bạn hữu
Chàng cu bồi đang tìm Ngọc Opal trong đống quặng tuyển
Vừa tìm quặng, vừa chế tác, vừa bán Ngọc thành phẩm, bán luôn cafe và thức uống không cồn.
Nội thất  khách sạn
Vỉa Opal trong mỏ
Hành lang khách sạn dưới lòng đất