Nhóm Chín bốn & Bạn hữu - Hồng Đức - Đà Nẵng
Tôi gặp anh lần thứ hai khi tôi du lịch Pháp.
Câu xã giao đầu tiên tôi hơi ngớ ngẩn khi buộc miệng khen: anh quá đẹp trai! Mà anh đẹp thật, cao khoảng 1m8. Chắc thời thanh niên của anh biết bao đoá hồng phải ngẩn ngơ.
Anh là người Pakistan nhưng được sanh ra tại đất nước Việt Nam. Năm nay anh mới 66 tuổi. Anh sống một mình trong căn nhà thuê, một chung cư tại quận 18 - Paris. Nhà khoảng 60m vuông có 2 phòng ngủ, một phòng khách và 1 phòng bếp. Anh đang mang trong người căn bệnh đau nhức và run tay.
Mỗi buổi sáng, sau khi người phục vụ mang cơm từ Viện chăm sóc sức khỏe của chính phủ đến; sau đó cô y tá đến đo huyết áp, cho uống thuốc... rồi lại một người đến tắm cho anh và sau cùng có người đến lau chùi dọn dẹp nhà cửa đâu đó ngăn nắp sạch sẽ. .. Nhưng rồi sự yên lặng, trống trải vẫn bao phủ lấy ngôi nhà.
Căn bịnh, những loại thuốc uống cứ làm anh ngủ mãi. Anh ngủ quên ăn, quên ngày giờ. Những người phục vụ do chính phủ đưa đến đều có chìa khoá. Họ tự đến, tự làm và tự đi về. Tội nhất cô y tá và cô giúp tắm rửa phải đánh thức anh dậy mới làm tròn nhiệm vụ.
Cuộc đời anh sao buồn vậy!
Những ngày trời đẹp, anh khoẻ ra, có thể ngồi ăn, ngồi xem tivi, uống caphe. Những lần nói chuyện với anh, tôi được nghe anh kể về quá khứ, tuổi thơ, công việc, gia đình... Những đoạn phim hào hùng của một thời vàng son. Địa vị, danh vọng, tiền tài rồi cũng một thoáng đi qua. Cuối cùng ... cô độc trong bóng tối, một mình ... gặm nhấm với cái gọi là “số phận” để tự an ủi cho chính mình!
Anh sinh ra ở Việt Nam, trong một gia đình người Pakistan giàu có. Năm 4 tuổi anh theo gia đình trở lại quê hương. Sau đại học, anh đi Hoa Kỳ định cư cùng gia đình. Sau lần đi du lịch bên Pháp; tiếng gọi tình yêu đã réo gọi. Anh theo vợ về Pháp sống.
Là người đàn ông có học, anh biết thông thạo bảy ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Anh đẹp trai, làm sếp cho một hãng máy bay. Ngoài ra anh còn có hãng may tư nhân. Vợ đẹp, con học giỏi giang ... còn gì hơn? Cuộc đời thăng hoa. Anh có tất cả: biệt thự, xe sang, nhân viên, người giúp việc ...
Nhưng... cuộc sống đâu mãi màu hồng? Bước qua tuổi 50 anh mắc phải căn bịnh run tay do tiểu não, rồi ... chuyện gì đến, phải đến. Vợ chồng li dị. Anh giao hết nhà, ký giấy cho vợ nuôi con.
Sau lần phẩu thuật não, bịnh tình tương đối chậm phát triển, anh về VN quen với một cô gái nhỏ tuổi hơn con anh. Một cô gái trẻ muốn thoát cảnh nghèo, một người đàn ông thích trẻ đẹp. Ôi! đâu cũng là nghiệp số. Anh cưới cô vợ thứ hai vừa trẻ vừa đẹp như ý!
Về lại Pháp được 3 năm, giấy tờ hoàn tất bảo đảm. Đã xây nhà cửa cho cha mẹ. Đời sống cha mẹ ở VN được ổn định... Cô vợ nhỏ thua anh 36 tuổi (!) đành đoạn bỏ anh ra đi vì sự cách biệt tuổi tác, hơn nữa cô nhận ra anh là người bịnh, tánh tình lúc buồn lúc vui ...
Sự ra đi của người vợ khiến căn bịnh của anh nặng hơn, anh mất tất cả niềm tin vào phụ nữ, anh căm thù ... Cuối cùng, chung thủy với anh là căn bịnh mỗi ngày mỗi tăng.
Những cơn đau nhức được chửa bằng những loại thuốc ngủ cho quên đi sự đau đớn thể xác và tâm hồn.
Quyền lợi Y tế của dân Pháp rất cao. Cơ quan Xã hội quan tâm đến người bịnh hơn cả người thân. Chị em của anh bên Mỹ rất khá giả, họ muốn mang anh về Mỹ để chăm sóc những ngày cuối đời. Nhưng anh nói với tôi, dù anh chị anh có giàu cũng chỉ lo cho anh ăn, ở còn thuốc thì người ta không thể lo nổi cả đời cho anh. Tôi hiểu tận tường sự lựa chọn của anh, nhưng tôi biết sự lựa chọn này buồn và sẽ làm kết thúc cuộc sống của anh nhanh hơn.
Một hôm, rất tế nhị, tôi hỏi về 3 đứa con của anh. Những đứa con đã trưởng thành khi ba mẹ chia tay. Đứa lớn là thạc sĩ, đứa kế tiến sĩ; đứa nhỏ giáo sư nghiên cứu y khoa. Khi nói về con, đôi mắt anh long lanh niềm hãnh diện. Chúng nó đều có cuộc sống riêng.
Tôi không biết văn hoá của Pháp hay có sự bất đồng giữa cha con, hay vì bận bịu công việc mà con anh không về thăm cha cuối tuần, không đến thăm cha thường xuyên .... Tôi không dám đụng chạm cuộc sống riêng tư của anh, nhưng nhìn anh với nỗi cô đơn cuối đời ... lòng tôi thật xót xa!
Bạn bè thời anh còn vàng son rất đông. Lúc anh mới bịnh một số vẫn đến, cùng nấu ăn, tán ngẫu ... Ngày đó anh còn đi chợ được, họ còn ra vào, nhà luôn đầy thức ăn. Hôm nay anh mệt mỏi chỉ biết uống thuốc và đi nằm. Bạn bè cũng thưa thớt dần. Thỉnh thoảng cũng còn đôi người bạn thương anh, họ đến cũng một mình ngồi xem tivi, vì anh uống thuốc rồi ngủ hoài.... cũng phải thông cảm cho họ ...
Đã vậy, những đồng tiền hưu trí anh nhận được từ chính phủ Pháp sau nhiều năm làm việc, đóng thuế ... anh chi tiêu khá tiện tặn; để dành gởi về Việt Nam làm từ thiện giúp cho những mảnh đời thương tâm mà anh đọc được trên FB. Tôi hoàn toàn bị “sốc” khi đọc những biên lai gởi tiền! Nhân đó, còn có vô số tin nhắn mong được anh bảo lảnh đi Pháp với lời hứa hẹn ngọt ngào: Em sẽ chăm sóc anh hết quãng đời còn lại ... Anh cười chua chát trước khi mở điện thoại cho tôi xem các tin nhắn.
Chẳng biết nói gì, tôi mở bản nhạc “Một mình” của Lam Phương ...Sớm mai thức giấc nhìn quanh một mình, ngoài kia nắng loé, ...
Tôi cảm thông cho người nhạc sĩ tài hoa nhưng cũng bạc mệnh. Tôi nghĩ đến người đàn bà thép, nữ thủ tướng nước Anh Margaret Thatcher, và trước mắt tôi là anh, người tôi biết hôm nay.
Vẫn biết cuộc sống thật vô thường, Cuối cùng vẫn còn ta với ta. Nhìn anh hôm nay tôi cảm ơn những người thân yêu của tôi đã cho tôi cuộc sống trọn vẹn đầy màu sắc. Chưa biết đoạn cuối đời mình ra sao nhưng thôi, hãy vui với những gì tôi đang có. Tôi ơi!
Ngọc Nga
Paris, mùa thu 2018
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu
Cuối cùng ...