Cuốn Sổ Nhỏ
Cặp sách của tôi có một ngăn rất kín, luôn được kéo lại cẩn thận, trong đó tôi tôi có giấu một
cuốn sổ tay nhỏ, nhàu nát. Đối với người khác thì nó chỉ là một cuốn sổ nhỏ, cũ mèm, chẳng có gì
đặc biệt thậm chí có thể nói dễ dàng vứt đi. Nhưng với riêng tôi thì nó lại là một vật vô cùng quí giá.
Cuốn sổ nhỏ chỉ bằng bàn tay này đã gợi lại cho tôi biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu.
Năm tôi lên chín tuổi, mới bắt đầu niên học lớp ba bậc tiểu học, tôi đã phải tạm ngưng, không
được phép tiếp tục đến trường vì … gia đình ông Ngoại trong đó có cả hai mẹ con tôi vừa trải qua
cuộc phỏng vấn để định cư tại USA theo chương trình H.O. Trong trí óc non nớt của một đứa bé, tôi
không thể nào hiểu được tại sao mình không được tiếp tục đến trường học hành và vui chơi với các
bạn cùng lứa tuổi?
Tôi vẫn còn nhớ, ngày cuối cùng tôi đến lớp, thật ngạc nhiên khi các bạn nhỏ trong lớp và cô
giáo lớp ba, cũng là người quen biết với mẹ tôi đã tặng cho tôi một cuốn sổ nhỏ, bé bằng bàn tay của
cô giáo. Mỗi trang giấy có nét chữ hoặc hình vẽ của mỗi bạn trong lớp. Chỉ là một đứa bé chưa tới
mười tuổi, tôi không mấy thích thú khi nhận món quà lạ lùng này. Với tôi, một gói kẹo hay một cái nơ
kẹp tóc chắc là thích thú hơn nhiều. Vậy mà hôm đó, cô giáo lớp ba đã ôm tôi vào lòng thật chặc và
nói: “Cô chúc em luôn luôn gặp may mắn, món quà nhỏ này là tất cả yêu thương của lớp học dành
cho em. Nó sẽ nhắc em nhớ về cô và các bạn trong mấy tháng học chung. Cô rất tiếc là không tiếp
tục làm cô giáo của em nữa, mai này em sẽ có cô giáo mới và các bạn học mới, nhưng … đừng quên,
đừng quên …”. Cô giáo tôi mắt nhòa lệ, các bạn nhỏ của tôi, những khuôn mặt thường ngày nghịch
ngợm, phá phách ồn ào, bây giờ ai cũng im lặng, trố mắt nhìn chúng tôi, buồn hiu, khiến tôi cũng rơm
rớm.
Tôi mang cuốn sổ nhỏ về nhà, lòng không vui, không biết vì buổi chia tay lặng lẽ không có nụ
cười, chỉ có nước mắt của cô giáo và đứa học trò nhỏ hay là vì món quà không được như ý lắm.
Những ngày sau đó, sau khi cô giáo nói chuyện với mẹ thì tôi phải ở nhà, không được phép đi học
nữa (!). Nhà bà ngoại đối diện cổng trường nên ngày ngày tôi thường ra trước cổng trường nhìn vào
các dãy phòng học, nhìn vào khoảng sân trường ngập ánh nắng, lắng tai nghe tiếng giảng bài của
Thầy Cô văng vẳng từ các phòng học, tiếng vui đùa cải cọ của đám bạn, lòng tôi như mất mát, như
thiếu thốn, trống vắng khó tả. Không được vào lớp học, đối với tôi như là một hình phạt, trẻ con
chưa lên mười ờ nhà lê la trong khi mẹ tôi phải lặn lội từ sáng đến tối để mưu sinh, đúng là không gì
buồn chán bằng. Mãi đến gần nửa năm sau, gia đình tôi mới lên tàu rời ga Đà Nẵng để vào Sài Gòn
chuẩn bị cho chuyến đi xa, đến một nơi mà ai cũng mơ ước nhưng với tôi lại là một chốn hoàn toàn
xa lạ. Nhớ lời cô giáo lớp ba, tôi nhét cuốn sổ nhỏ vào ngăn nhỏ bên hông chiếc vali, tôi thầm nói với
mình "Đây là lớp 3A trường tiểu học … và cô giáo có mái tóc dài hay đưa mình đi thi "Học Sinh Kể
Chuyện Thành Phố". Đừng quên, đừng quên …".
Vậy mà tôi đã quên… Nhiều năm sau ngày định cư ở quê hương thứ hai. Miền đất USA quả thật
có lắm điều thú vị, hơn nữa vì quá bận rộn trong việc hòa nhập vào đời sống, ngôn ngữ, nếp sống
phù hợp cho một nền văn hoác mới …Thêm nữa, tôi có nhiều bạn mới, thầy cô giáo mới tôi quên
mất, các đây không lâu, mình đã từng là một cô bé, đã thèm thuồng đứng trước cổng trường tiểu
học, lòng ước ao được hòa nhập vào các cuộc chơi trong sân trường với các bạn cùng lứa.
Một hôm, dọn dẹp đồ đạc trong phòng, cái vali bé nhỏ, cũ kỹ đã trở thành vô dụng, tôi cẩn thận
lục soát tất cả các ngăn trước khi mẹ đem ra cho lại gian hàng của các nhà từ thiện, ngăn kéo bên
hông vali hình như có vật gì hơi cộm lên. Tôi tò mò mở dây kéo một cách khó khăn, vật tôi nhặt ra là
… cuốn sổ nhỏ. Cả một vùng trời tuổi thơ như hiện ra trước mắt tôi. Trang đầu tiên là nét chữ của cô
giáo có mái tóc dài, tôi bồi hồi như còn cảm nhận được vòng tay và hơi ấm của cô, bên tai tôi như
còn nghe lời cô giảng bài, những bài học đầu tiên dạy tôi làm người. Lớp học năm xưa như hiện ra
theo từng trang giấy. Thằng Tí vẽ cho tôi một cây kẹo lớn bằng nguyên một trang giấy. Tên nó là Tí
mà nó là đứa bự con nhất lớp. Con nhỏ Kim ở gần nhà, là bạn học, cũng là bạn hàng xóm, Kim vẽ hai
ngôi nhà cạnh nhau, có tên tôi và tên nó trên nóc nhà, kèm theo dòng chữ, "Tao và mày luôn ở gần
nhau như hai cái nhà này, không dời chỗ nghe". Trang giấy dơ bẩn nhất, tôi chưa đọc đã hình dung ra
khuôn mặt và hình dáng thằng Lê, ngày nào nó cũng đến trường với bộ áo quần dính đầy mực, xốc
xếch, mặt mày tèm lem, nó trông giống như một chú mèo ăn vụng. Buồn cười quá, nó vẽ trên trang
giấy là một cây Chewing gum với dòng chữ: ‘Từ nay tau sẽ không ném Chewing gum lên tóc mày nữa
đâu. Xin lỗi. Chữ xin lỗi nó viết bé tí tẹo như sợ người ta đọc được, và nó ký tên là Thằng không tên.
Đó là thằng bạn nhỏ ngày xưa đã ném kẹo vào tóc tôi, mẹ gở hoài không ra, báo hại dì tôi phải lấy
kéo xởm mất một phần tóc của tôi bên vai phải trông rất kỳ cục. Sau đó nó bị phạt ở nhà mấy buổi
học. Tôi nhớ sau đó mỗi khi ra đường gặp tôi, nó thường giơ nắm tay lên hù dọa, vậy mà trong cuốn
sổ nhỏ này, nó còn biết viết lời xin lỗi …Và còn nhiều nữa, có đứa không biết viết gì, chỉ để lại một
chữ ký nguệch ngoạc rất oai phong dưới dòng ghi ngày tháng, tôi đọc ra là tháng … năm 1994.
Khi tôi đọc được những lời xin lỗi của thằng Không tên thì chúng tôi đã cách xa nửa vòng trái
đất. Tôi bồi hồi tự hỏi, nếu không tìm được cuốn sổ nhỏ này hôm nay thì làm sao tôi biết được tình
cảm của cô giáo và đám bạn nhỏ ngày xưa. Mười mấy năm trôi qua, quay cuồng với đời sống mới
đầy hấp dẫn, bận rộn với chuyện học hành, tôi không có thời gian hay điều kiện nhớ lại chuyện xưa,
chuyện vui lẫn chuyện buồn. Trang quá khứ mười năm đầu đời sống ở quê hương Đà Nẵng như khép
lại, giấu một góc nào đó trong tâm hồn tôi, bây giờ hiện ra như một cuốn phim chiếu chậm. Tôi nâng
niu cuốn sổ nhỏ như một vật quí. Tôi nhớ là mình đã phải trải qua một quảng đời rất khó khăn, đầy
thiếu thốn. Ngày tôi rời quê hương với trình độ một cô bé chưa học xong lớp ba bậc tiểu học, đến
quê hương mới xa lạ, ngơ ngơ ngác ngác, nhưng nơi đây đã cho tôi cơ hội đến trường bình đẳng như
những đứa trẻ bản xứ. Và cũng chính nơi đây, cánh cửa đi đến thành công cũng mở ra cho tất cả mọi
người, những ai có quyết tâm, kiên nhẫn và lòng cố gắng muốn vươn lên. Tôi cảm thấy mình thật may
mắn. Cuốn sổ nhỏ còn nhắc lại cho tôi hình ảnh ngôi trường đầu tiên trong đời, nơi chưa có đến ba
năm gắn bó mà thật nhiều điều để nhớ. Từ ngày tìm ra cuốn sổ nhỏ, tôi luôn giữ nó trong cặp sách
mang trên vai những ngày lên giảng đường Đại Học. Tôi xem hoài không biết chán vì tôi hiểu, đó là
một vùng trời tuổi thơ êm đềm không thể nào tôi quay trở lại được.
Món quà ngày tôi ròi trường xưa chắc là một sáng kiến của cô giáo, nó không phải là một vật
trang sức quí giá, cũng phông phải là một món quà đắt tiền, chỉ là một cuốn sổ nhỏ, cũ mèm, những
dòng chữ phai màu mực theo năm tháng, nhưng nhờ nó, tôi giữ lại được hình ảnh của từng người bạn
trong lớp học 3A ngày nào. Nó khiến tôi vui lại với những trò nghịch ngợm tuổi thơ, nó khiến lòng tôi
nghẹn ngào nhớ đến một cái nắm tay, nâng tôi đứng dậy khi tôi vấp ngã của những người thầy đầu
tiên trong đời mình. Và quan trọng hơn hết, cuốn sổ nhỏ luôn nhắc nhở tôi rằng những may mắn và
cơ hội tôi đang có được không phải ai ai cũng dễ dàng có được, tôi không được để cơ hội qua đi,
không thể đánh mất niềm tin mà những người thân của tôi đã kỳ vọng.
Nâng niu cuốn sổ nhỏ trong tay, lòng tôi vô cùng hạnh phúc.
Nguyễn Diệu Thiên Thư (2003)