Đà Nẵng xa rồi
Tôi xa Đà Nẵng năm 37 tuổi, hành trang mang theo là đứa con gái nhỏ mới mười tuổi và một quá
khứ hôn nhân đau buồn. Trong khi những đứa em tôi rơi nước mắt khi phải xa Đà Nẵng thân yêu, và
rồi những ngày đầu định cư nơi vùng đất mới không ai ăn uống hay thích thú gì mặc dù so với đời
sống của chúng tôi nơi quê nhà, Atlanta quả là một thiên đường, vậy mà ai cũng thẩn thờ nhớ nhung,
lòng buồn nên cảnh vật cũng chẳng có gì hấp dẫn. Chỉ có mỗi hai mẹ con tôi là hớn hở vui, nếu
không muốn nói đây là một chuyến ra đi đổi đời mà chắc nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến.
Tháng ngày qua đi, miệt mài với nỗi lo cơm áo, và cố gắng học hỏi mọi điều để hoà nhập vào nền
văn hoá mới khiến tôi ít có thời gian hồi tưởng về Đà Nẵng, hay nói đúng hơn, Đà Nẵng thuở ấy trong
lòng tôi là một miền ký ức buồn nhiều hơn vui. Hình như ngày ra đi tôi không mong giây phút trở lại.
Không phải hoàn cảnh thiếu thốn nghèo đói sau năm 1975 khiến tôi thành cánh chim biệt xứ mà tôi
nghiệm ra rằng chính những khắc khe của xã hội thời đó đã không cho tôi một niềm tin hay một chút
hy vọng để sống còn. Khi đời sống không có niềm tin để nuôi hy vọng thì còn có ý nghĩa gì? Vậy mà
tôi cũng đã hít thở bầu không khí ngột ngạt ấy hơn hai mươi năm. Tôi nhớ đến tựa một tác phẩm đã
học thuở trung học: Sống mòn!
Do đó, tôi cứ tưởng Đà Nẵng cũng hoàn toàn khép lại như lòng tôi đang cố quên một dĩ vãng
đớn đau. Có một nhạc sĩ đã diễn tả niềm nhớ, "Khi cố quên là ...khi lòng càng nhớ thêm". Đúng thật,
Đà Nẵng làm sao biến mất khỏi tâm thức tôi, bởi trong hồn tôi, tất cả những thi vị một thời, những đớn
đau hạnh phúc, những đắng cay tủi nhục hay niềm vui vở oà ... tạo nên hai chữ: kỷ niệm, ... đều ghi
dấu tại một miền đất tên gọi: Đà Nẵng.
Tôi nhớ gì? Căn nhà ấm êm thuở gia đình còn sum vầy cũng bị tịch thu, ngôi trường tôi ngầm
hãnh diện là cô nữ sinh áo dài tha thướt thuở nào cũng đã mất tên, con đường đẹp ngang trường tôi
không còn cây xanh bóng mát. Khu bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, nơi tôi làm việc mấy năm trước khi
ra đi nghe đâu cũng xoay mặt qua hướng khác; khu chợ Tam Giác, nơi tôi lăn lóc buôn gánh bán bưng
ngày mới ra đời cũng đã xoá tên lâu rồi.
Tôi còn nhớ gì nữa? Nhớ một thời dễ thương nơi ngôi trường rất đặc biệt có những dãy bạc hà
xanh mướt. Bạn tôi nhớ hai hàng kiền kiền già cổi trước cổng trường, còn tôi thì nhớ đoạn đường từ
trường Nữ rẽ phải đi xuống bờ sông. Ngang nhà sách Việt, đối diện là trường Phan Châu Trinh. Mỗi
chiều nghĩ học hai giờ sau là nhóm tôi kéo nhau xuống bờ sông, đi ngang qua hông trường Phan Châu
Trinh bước chân bỗng dưng cuống quýt, vài tiếng huýt sáo, vài tiếng nam sinh trường hàng xóm đếm:
một hai, một hai.... khiến các cô đỏ mặt, chỉ biết nhìn nhau, vội bước, thật là một nét e lệ dễ thương
thời mới lớn. Qua khỏi ngã tư Duy Tân - Thống Nhất một đoạn là bắt đầu xuống một con dốc, hai bên
đường là hai hàng dừa, bên phải sẽ có một cổng nhỏ rẽ vào khu cư xá Bưu Điện, nhà Quang Ấn trong
này, cùng dãy nhà với hoa khôi Thuỳ Trâm của trường tôi. Đoạn đường rất ngắn này chúng tôi đặt tên
là đường Hàng Dừa. Bên trái là Bưu Điện Đà Nẵng nằm chót vót trên mười mấy bậc thang cấp bằng
đá mài. Từ những bậc thang này chúng tôi có thể nhìn thấy một kiosk bán tem thư và sách báo của
mẹ Ấn, quay lưng ra hướng bờ sông. Cũng từ Bưu Điện tôi có thể phóng tầm mắt nhìn sang dãy Sơn
Chà, rada của đài truyền hình Đà Nẵng ẩn hiện sau màn mây, dòng sông Hàn nước trôi lờ lửng, dãy
ghế đá có những dây hoa giấy leo, lốm đốm những chùm hoa đủ màu. Xe nước mía, các chị bán hàng
rong ...Và còn nữa, những cặp tình nhân đang dạo bước, gió chiều thổi tung tà áo dài của các cô thiếu
nữ, quấn quýt vào chân các chàng trai mặc quân phục. Gió chiều còn thổi mơn man, đùa trên mái tóc
dài khiến những cọng tóc của thiếu nữ vướng vào bờ vai mạnh mẽ của chàng trai có phong cách hiên
ngang đầy nam tính, thật là một hình ảnh đẹp của các mối tình thời ly loạn.
Các cụ ngày xưa có lời khuyên kẻ xa quê:
Thương cha nhớ mẹ thì về,
Cầm bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng
Chắc ngụ ý rằng cảnh vật sẽ đổi thay theo thời gian, chỉ có tình cảm là tồn tại. Tôi nhớ ai khi nghĩ về
một Đà Nẵng xa xưa?
Tôi về thăm Đà Nẵng đôi lần, thấm thía lời dặn dò trong ca dao "thương cảnh nhớ quê thì
...đừng!" Một Đà Nẵng rất lạ, tuy rằng những đổi mới đã được mọi người nhìn nhận: sạch, đẹp, an
ninh, êm đềm ... Những con đường mới được mở ra, những khu đô thị được xây dựng kiểu Tây
phương, các siêu thị tên Tây, tên Hàn, ... Các tiệm bán thức ăn, quán nhậu mọc lên chen chúc. Riêng
vùng bờ biển, niềm tự hào của người dân Đà Nẵng thì chi chít những khu nghỉ mát không mang tên
Việt Nam nhưng lại trang trí, kiến trúc theo lối cổ truyền Việt Nam. Cũng có thể đây là một phong
cách mới để thu hút khách du lịch chăng? Những cây cầu lớn bé liên tiếp được mọc lên nối liền hai bờ
sông Hàn, tạo thuận lợi cho giao thông. Tôi nghĩ, không có một con sông nào ở Việt Nam chỉ trong
một đoạn ngắn lại có nhiều cầu như sông Hàn của Đà Nẵng. Hằng năm, lễ hội pháo bông huy hoàng
cả một góc trời, đây cũng là một niềm tự hào của người dân Đà Nẵng chăng?
Tôi được biết, hằng năm các trường đại học ở Đà Nẵng đã đào tạo được khá nhiều kỹ sư, chuyên
viên các ngành nhưng, rất hiếm người tìm được việc làm tại Đà Nẵng. Điều này có nghĩa là Đà Nẵng
không có những phát triển, về công nghiệp như các tỉnh phía nam. Đa số con cháu của bạn bè tôi
phải vào Sài Gòn thì mới có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Điều này còn có nghĩa là Đà Nẵng đẹp,
sạch, an ninh, vật giá tương đối dễ chịu ... Nhưng lại là một Đà Nẵng dường như không dành cho tuổi
trẻ, nếu không muốn nói Đà Nẵng là một thành phố yên bình ... để dưởng già. Bởi vì sau gần bốn
mươi năm thống nhất, không chiến tranh, chỉ có xây dựng với tốc độ chóng mặt, trong khi đời sống
người dân vùng ven vẫn còn lầm than, có gì để hảnh diện?
Đôi lần về thăm Đà Nẵng tôi có cảm giác như mình đang du lịch ở một chốn lạ. Đà Nẵng có
nhiều đổi mới mà lòng tôi thì cứ hoài cổ, cứ lang thang đâu đó về một miền ký ức xa xăm.
Tôi nhớ gì khi hồn tôi lang thang về Đà Nẵng? Tôi mường tượng đến một Đà Nẵng với nhiều con
đường rợp bóng kiền kiền. Những cây kiền kiền cao to, che mát một khoảng trời dài, sâu hun hút từ
đầu cho đến cuối đường. Ở một vài con đường, vào buổi trưa người ta có thể thấy vài bóng áo dài
trắng ẩn hiện xa tắp, thấp thoáng những bóng nắng lung linh di chuyển theo bước chân tà áo trắng, thật
là một hình ảnh mơ hồ. Trong tâm trí tôi còn nguyên hình ảnh những dãy villa xây từ thời Pháp ở
đường Quang Trung, nấp sau những gốc cây cổ thụ gốc già to tướng hay những cây liểu rủ buồn hiu.
Đây là những biệt thự cổ kính với lối kiến trúc quí phái, khoảng sân rộng nào cũng có trồng thật nhiều
cây hoa hoàng hậu, lá tròn, hoa vàng óng ả. Mỗi lần đi học về ngang qua dãy biệt thự này, lòng một
cô bé mười mấy tuôi như tôi thật tò mò và ao ước được một lân bước vào.
Đà Nẵng trong tôi cũng có một dòng sông rất hiền hòa, giản dị. Dọc bờ sông lác đác có những
tàn cây sà la đà xuống mặt sông, nơi tôi và nhóm bạn hay lang thang ngắm mây trôi, đến điểm dừng
chân cuối là khu Cổ Viện Chàm, thoảng đâu đây hương hoa sứ trồng ở sân Cổ viện dìu dịu trong gió.
Tôi nhớ cả những con đường lá me ngắn và rất im vắng Trần Qúy Cáp, Nguyễn Du, con đường Gia
Long rợp hoa phượng đỏ lá xanh khi hè đến, con đường Hùng Vương, Khải Định tấp nập ngay khu
ngã tư chợ Cồn mà kéo dài ra phía biển Thanh Bình là đường Ông Ích Khiêm nơi tôi có rất nhiều bạn
chung lớp. Đà Nẵng còn có những con đường nhộn nhịp làm nên khu thị tứ ngã năm: Phan Chu Trinh,
Hoàng Diệu, Thành Thái … Riêng hai con đường Lê Lợi và Thống Nhất thì làm sao tôi không nhớ?
Vì đó là nơi gắn liền với một thời đáng yêu của tôi: thời tôi còn đi học. Không thể nào quên những
món ăn thời đi học, quán bánh mì của bà Tàu đối diện cổng sau trường Nữ, bánh bèo trường Nam,
những quán chè tấp nập bao tà áo trắng … và làm sao để quên được Đà Nẵng với những rạp xi nê mà
đôi lần tôi từng hò hẹn.
Sau cuộc biển dâu 1975, hoàn cảnh đã để lại trong tôi những vết thương lòng khó phôi phai
nhưng cuối cùng tôi cũng vượt lên được nhờ những cơ hội mà vùng đất mới đã trao tặng, kèm với chút
nổ lực của bản thân. Tôi về Đà Nẵng vài lần, cảnh xưa đã đổi thay nhưng bạn tôi vẫn còn đó, đa số
bây giờ đời sống gia đình đã ổn định, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Ban đầu thì kể lể về chồng con, làm
ăn sinh sống, sau thì tâm sự về gia nương, rồi dần dần chia xẻ nhau về cách nuôi dạy con cái, gởi cho
nhau những thông điệp hay, bổ ích về đạo làm người, nhân cách sống hay truyền cho nhau kinh
nghiệm bảo vệ hạnh phúc gia đình. Từ đó, chúng tôi rủ rê nhau giúp đở bạn bè gặp khó khăn …
Khoảng cách không gian và thời gian đã không còn ảnh hưởng hay hạn chế nữa.
Đến nay, lứa chúng tôi đã lên chức ông bà, tình bạn không thu hẹp trong một lớp học ngày nào,
chúng tôi có những sinh hoạt, gặp gỡ với các bạn lớp hàng xóm và cả những chị học trên vài lớp.
Những buổi họp mặt thân tình khiến chúng tôi như trở về những năm tháng ngày xưa. Cùng đùa
nghịch, cùng chia xẻ niềm vui nỗi buồn, vì như một bạn tôi đã nói: “Chúng mình cùng có chung
những kỷ niệm”. Hay nói rõ hơn là chúng tôi đã tìm thấy nhau trong kỷ niệm. Sau nhiều năm xa cách,
gặp lại nhau, tôi nhận thấy những thay đổi của bạn bè chỉ là hình thức bên ngoài, những nếp nhăn,
những càm ràm, những căn bệnh tuổi tác … đứa nào cũng như nhau chỉ có sớm hay trễ, nhiều hay ít.
Nụ cười vẫn vậy, cách nói chuyện không thay đổi và tình cảm bạn bè thì chắc chắn là chan chứa hơn.
Khi tuổi đời chạm quá cột mốc năm mươi, dường như người ta chín chắn hơn, sâu lắng điềm đạm
hơn, vì ít nhiều chúng tôi đã thấu đáo được lẽ vô thường của tạo hóa. Đà Nẵng, vì thế còn lại trong tôi
là những tình thân thời còn đi học.
Nếu có được một ước mơ cho Đà Nẵng, tôi không mong Đà Nẵng sẽ hóa Rồng hóa Phượng để
bay ra biển lớn, chỉ mong cho người dân quê tôi có đủ cơm ăn, áo mặc, trẻ con thôn quê, miền núi
được đến trường trong an toàn. Thay vì sáu cây cầu cho một đoạn sông, ước sao những con suối,
con sông nơi miền hẻo lánh cũng có được một chiếc cầu nối liền đôi bờ, đem chút chữ nghĩa, văn
minh đến cho dân nghèo đã bao nhiêu đời sống trong khốn khó, đây mới đáng là một Đà Nẵng với
niềm tự hào đầy nhân bản.
Những ngày xa xứ, ngắm nắng vàng hiu hắt bên thềm, lòng tôi như chùng xuống,
“… Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa?
… Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi.
….Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi.
Tình có ghi lên đôi môi.
Sầu có phai nhòa cuộc đời.
Người có thương yêu loài người và yên vui sống cuộc sống vuị.
Ðời êm như tiếng hát của lứa đôi.” (Hương Xưa - Cung Tiến)
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta 11/2014