Đà Nẵng
Cái nhìn đầu tiên về Đà Nẵng là biển. Cuối xuân 1964, khi xe vừa đổ đèo Hải Vân, thoát khỏi biển
mây trắng đang bao lấy đỉnh đèo, biển xanh thẳm ngoài kia nhấp nhô, lắc lư cùng tôi, cùng chiếc Traction
đen già nua chạy chuyến Huế - Đà Nẵng. Biển thoắt ẩn thoắt hiện bên hàng cây, rừng thông cho đến tận
chân đèo.
Biển hình vòng cung khi xuôi đèo là vịnh Đà Nẵng. Bãi biển Thanh Bình hiền hòa như tên gọi nằm
bên bờ vịnh. Cát trắng bên hàng phi lao xanh thẫm. Đêm trắng Đà Nẵng trong túp lều khuất sau hàng
dương, tôi nghe sóng vỗ …
Đêm tao loạn tháng 3/1975, bỏ Đà Nẵng mà đi, trên chiếc sà lan lênh đênh ngoài khơi Tiên Sa,
sóng bồng bềnh và những hạt mưa lất phất trên mặt làm tôi choàng tỉnh. Đầu óc còn váng vất vì đêm kinh
hoàng trên sà lan nên nhìn Đà Nẵng gần mà xa xôi quá. Cuối cùng rồi cũng leo thang dây lên tàu Pioneer
… Hướng về Nam, tưởng không bao giờ gặp lại Đà Nẵng.
Trở về Đà Nẵng, sau tháng 4/1975, thất nghiệp không biết làm chi, tôi xách cần câu ra biển Thanh
Bình câu cá đục, một loại cá lớn bằng ngón tay. Xa xa, còn thấy xác chiếc xe tăng những ngày di tản.
Biển vẫn xanh dù không khí nghi kỵ bao trùm. Tôi giã từ biển Thành Bình, ngôi nhà cạnh biển, khoảng
sân nhỏ, giàn hoa giấy, đẩy cánh cổng thân quen bước vào cuộc mưu sinh. Bây giờ, biển thật gần mà thật
xa.
Đến khi bắt đầu thấm mệt, chân đã bước qua những bến bờ, cũng thoáng mấy, dù muộn màng, Địa
Trung Hải và Đại Tây Dương, nước xanh màu ngọc bích như biến đông đên nhà, tuy bãi biển không đẹp
bằng biển miền Trung, Phú Quốc, Côn Đảo … Tôi lại đâm ra nhớ biển.
Thỉnh thoảng, chạy xe ra biển Thành Bình. Bây giờ ít ai còn nhớ tên này. Vòng cung màu xanh
tương ứng với vịnh Đà Nẵng bi gặm mất một phần. Dọc đường Nguyễn Tất Thành song song bờ vịnh,
những tấm pa nô bằng tôn che đi tầm nhìn ra biển, báo hiệu sự xuất hiện một đô thị mới. Giữa thế kỷ 19,
thời Nguyễn Công Trứ, Kim Sơn, Tiền Hải hình thành ý tưởng “quai đê lấn biển" biển vùng bùn lầy nước
đọng duyên hải Thái Bình, Ninh Bình thành "đất vàng, biển bạc". Vịnh Đà Nẵng tuyệt đẹp, thành phố đất
rộng, người chưa đông, vì sao lại muốn biến biển bạc thành nhà cao tầng che đi cái nhìn hướng nhìn đại
dương?
Từ bán đảo Sơn Trà xuôi về Nam men theo biển. Phong cảnh duyên hải miền Trung thường là cồn
cát chạy dài, rừng phi lao chắn gió, làng đánh cá vây quanh, bãi cát trắng vàng. Bây giờ, dọc đường ven
biển nối dài Đà Nẵng - Hội An, những khu du lịch, nghỉ mát, casino, sân goft … kề vai san sát. Đi dọc
biển, không thấy màu xanh đại dương, chỉ nối tiếp Life, Furama, Hyatt, Empire (tên những khách sạn, khu
du lịch biển) … Biển Đà Nẵng gần mà rất xa.
Dĩ nhiên người Đà Nẵng vẫn còn có biển. Bãi tắm công cộng kéo dài từ chân bán đảo Sơn Trà đến
viện Sao Biển ngày xưa, chiếm khoảng vài cây số trên chiều dài 30km từ Đà Nẵng đến Hội An. Bãi tắm
thoai thoải và sạch. Mở ngoặc, có lẽ sạch nhất nước(?). Bãi có cắm mốc và dây phao phân chia khu vực
tắm và giới hạn nguy hiểm, chòi quan sát và đội cấp cứu. Trên bờ, buổi sáng loa phóng thanh thật lớn tóm
tắt bản tin trong ngày, nhắc nhở giữ gìn vệ sinh chung, xen kẻ là nhạc cổ động về Đà Nẵng - Quảng Nam.
Sớm mai tắm biển vừa nghe thời sự trong, ngoài nước, tin tức giải túc cầu Euro 2012 …
Biển đẹp nhất lúc mặt trời lên. Hừng đông. Nắng bừng lên từ chân trời, viền quanh Cù lao Chàm,
ôm lấy Sơn Trà và nhảy múa trên cát …
"Chạy đi em, nắng gió bốn chân trời
Về chân đất dưới chân em mọc cỏ"
(Bùi Giáng)
Lưu Vĩ Lân, trong một bút ký ngắn, đã cảm được biển Đà Nẵng. “Như mọi người dân Đà Nẵng
chính gốc, mỗi khi có mặt ở chốn này tôi đều lần mò về thăm biển … Đó là biển của cuộc đời tôi …”
(LVL. Bức tĩnh vật của sương khói).
Người xa Đà Nẵng đã lâu, có dịp trở về, thấy thành phố đổi thay. Là người cố quận, cư ngụ thành
phố từ 1964, chưa bao giờ xa Đà Nẵng quá hai tháng, vậy mà lang thang lên bệnh viện Duy Tân cũ, nếu lơ
mơ không biết định hướng, cũng lạc lối về.
Đà Nẵng có những khu phố mới, đại lộ thênh thang, cao ốc bảng hiệu nước ngoài nghễng ngãng
như muốn chồm ra sông Hàn. "Đứng bên ni sông Hàn, ngó bên kia sông thấy mênh mông bát ngát".
Trong kế hoạch đô thị, nếu "bát ngát mênh mông" chỉ toàn là nhà cao tầng hai bên dòng sông, sông Hàn
chỉ còn là con lạch nhỏ, như con sông Cổ Cò ngày xưa vốn là thủy lộ quan trọng nối Hội An - Đà Nẵng.
Và sợ lắm mai này, từ bờ sông Hàn, không còn thấy cảnh chiều chiều mây phủ Sơn Trà đó nhà cao tầng
án ngữ phía Đông Bắc.
Từ hơn 25 năm nay, thành phố miên man quay cuồng trong khát vọng làm mới: giải tỏa, phân lô,
bán đất, xây mới nhân danh sự hiện đại và những lợi ích khác. Bộ mặt thành phố phần nào khang trang
hơn nhưng dòng chảy nuôi dưỡng quá khứ cạn kiệt.
Chiều. Thả bộ dọc bờ kề sông Hàn từ Bảo Tàng Viện đến cảng Đà Nẵng, lối đi lãng mạn nhất của
thành phố, công trình kiến trúc đẹp sau 1975, ngang nhà hàng Memory sang trọng đang duỗi chân trên
sông Hàn, lẩn thẩn tự hỏi thành phố bên sông Hàn có còn lưu giữ ký ức sau hơn 400 năm từ khi chúa
Nguyễn Hoàng rời Thuận Hoá vượt Hải Vân vào Quảng Nam.
Có thể, do tôi chủ quan hoặc vọng ngoại, qua bao nhiêu biến thiên của dòng đời, những kiến trúc
đẹp nhất của Đà Nẵng vẫn chỉ chừng đó: Bảo Tàng Điêu Khắc Chàm, Tòa Thị Chính nay là UBNHTH
Đà Nẵng), trường Nam Tiểu Học (nay là trường Phù Đổng), vài ngôi nhà kiến trúc những năm 30 của thế
kỷ trước còn lại …
Những kiến trúc mới, tuy … “nguy nga” nhưng xa lạ, còn thiếu một chút hồn thu thảo để người đi -
kẻ ở còn nhận ra Đà Nẵng, để mà quay về.
Những năm gần đây, Đà Nẵng hăm hở xây cầu sang sông Hàn. Những chiếc cầu nối lấy hai bờ.
Sang quận Ba ngày xưa phải qua sông lụy phà, nay trong vòng tay thành phố. Những chiếc cầu, dù là Cầu
Rồng đây xây, cũng không nối được quá khứ - hiện tại. Thành phố đánh mất dần quá khứ nên đành tìm
về quá khứ qua Bảo Tàng Viện Đà Nẵng mới khai trương khoảng 2011. Bảo Tàng Viện Đà Nẵng nằm
trong khuôn viên trường Blaise Pascal. "Trường xưa đã khép". Trước khi bước vào bảo tàng, dấu tích bờ
thành Điện Hải hoang phế nằm lọt thỏm giữa những kiến trúc mới và ngổn ngang công trường xây cất.
Bên phòng thành cố thủ thời Nguyễn Tri Phương, Ông Ích Khiêm, nhớ bâng quơ:
Lòng ta là những hàng thành quách cổ
Từ ngàn năm bỗng vắng tiếng loa xưa
(Vũ Đình Liên)
Viết về Đà Nẵng mà không nhắc đến trường Nữ Trung Học Hồng Đức ngày xưa quả là một thiếu
sót lớn. Năm ngoái khi Thư viện được tháo dỡ để xây tòa nhà mới, hình ảnh trường Nữ chỉ còn là kỷ
niệm. Đứng trước cổng trường Nữ, bây giờ là Đại Học Đà Nẵng, con đường Thống Nhất ngày trước nay
không một bóng cây. Nắng chan chan. Phải có óc tưởng tượng phong phú lắm mới có thể hình dung
được những tà áo trắng, phượng đỏ trước cổng trường trên hình bìa Đặc San Kỷ Niệm 45 Năm Ngày
Thành Lập Trường Nữ Trung Học Hồng Đức (1967 - 2012)
Thầy Tống Văn Thụy