Thứ bảy, tôi đi làm. Cho dù công việc không thúc giục lắm nhưng tôi cũng phải làm nhiều hơn, vì cuối tháng này tôi đã xin nghỉ phép cả mười ngày để lo cho ngày Hội Hồng Đức.
Từ khung cửa sổ lớn nơi phòng làm việc, tôi nhìn ra bên ngoài. Giữa tháng tám, tiết trời vẫn còn nóng lắm và buổi chiều thường có mưa. Màn mưa lê thê, hàng thông bên đường thỉnh thoảng lay trong gió. Cây thông vốn là loài cây thẳng đứng, cứng cáp, nơi tôi sống thì lá thông bốn mùa xanh tốt. Giờ đây đang ẻo lả, cành lá rủ rượi trong màn mưa.Tôi nhớ đến hai câu thơ học hồi trung học:

                         Kiếp sau xin chớ làm người
                         Làm cây thông đứng giữa trời mà reo


Nhìn những cành thông đong đưa, tôi lẩn thẩn thầm hỏi, không biết cây cối có cảm giác không? Hay sự lay chuyển kia là do tác động của ngọn gió bên ngoài, khiến thân cây xao động.
Rồi tôi bỗng so sánh tâm trạng con người như cành cây ngoài kia. Khi yên tĩnh, khi cuồn cuộn, dường như do tác động bên ngoài là chính. Nếu không, thế giới này sẽ bình yên biết bao. Như hôm nay, lòng tôi chẳng thấy vui chút nào.

Tôi kể lể vài chuyện cho nhỏ bạn nghe. Con bạn an ủi:

- Ráng đi mi, càng gần đến ngày chừng nào là sẽ có nhiều chuyện xảy ra, buồn phiền làm mất tinh thần ... Ta cũng mong cho mấy chị giúp mình vui vẻ, đừng có ai khóc nhè là được rồi. Nhất là chị ..., y như ta, khóc nhè không có một bờ vai để dựa, không có ai dổ. Tội lắm!

- Ta chẳng buồn, chỉ không vui chút thôi. Rồi sực nhớ lại chuyện chị Phó, tôi báo tin:

- Ê mi, chị Cúc có áo dài xanh mặc vừa vặn, đẹp rồi.

- Ở đâu ra ...?

- Áo của ta, con cháu ở VN mới may gởi qua, bị hơi rộng. Ai dè chị Cúc mặc vừa y.

Con bạn chép miệng:

- Thiệt tình, mấy người lo toàn việc lớn, có cái áo dài đồng phục cũng để tới phút cuối mới để ý tới. Mi gọi hỏi luôn chị Hải thử có áo chưa. Không có thì cho chị ở trần luôn!
Tôi cười. Làm việc được vài phút, tôi phải gọi về nhà:

- Má ơi, đợi con về rồi gói bánh nghe!

- Được, nhớ ghé chợ mua thêm đậu xanh, mè ... để làm nhưng. Gần hai trăm cái bánh, chứ không phải ít đâu.

Tôi lãnh chức trưởng ban, khi phân công thì chưa thấy có việc gì nhiều, trách nhiệm là chính. Những việc khá trọng đại đã có các chị, các bạn tôi chia nhau làm dùm. Mấy tháng trước, có một chị khóa lớn nhất trong trường gọi sẽ ủng hộ hai trăm cái bánh ít lá gai. Tôi mừng khấp khởi, quảng cáo ... Món bánh ít lá gai, đặc sản Hội An sẽ góp mặt trong gian hàng quà vặt ngày Tiền Đại Hội. Tôi vui và muốn chia sẻ niềm vui cho khắp nơi biết. Bất ngờ, chị gọi xuống bảo không làm được nhưng sẽ giữ lời hứa bằng cách gởi lá gai tươi, xay nhuyển sẳn và chỉ cho cô con dâu của chị, đang sống tại Atlanta này làm dùm. Con bé có hai đứa con dại, khi soạn đồ nghề ra làm thì hai đứa nhỏ phá tưng bừng. Đứa phá lá chuối, đứa phá bột, phá đường. Má tôi nghe than thở bèn ... nổi máu anh hùng, đồ yêu, dễ ợt, để má làm cho. Tôi nghe mà phát lo, tuy nhiên, tôi nghĩ mình sẽ giúp má.
Còn hai tuần nữa là đến ngày hội, tối qua, má tôi đem lá chuối ra rửa, dùng kéo cắt thành từng miếng nhỏ. Má sai tôi đem lá gai đã xay nhuyển ra nấu với đường, để nguội. Ba tôi lãnh phần nhồi bột. Má vừa làm vừa nói:

- Kiếp trước tui cũng là nữ sinh Hồng Đức nên kiếp này góp chút công.

Ông ba tôi đang nhồi bột, hai tay lấm lem, cười nói:

- Còn tui, kiếp trước chắc là ông cai trường Nữ nên mới bị bà sai vặt hoài đây!

Tôi nhìn ba má đang lụm cụm bên thau bột mà thương. Ai cũng hết lòng hổ trợ và lo lắng dùm tôi. Nhớ con bạn chậm rì của tôi tâm sự:

- Ê mi, ta xem TV nghe bác sĩ nói ai lo âu hay căng thẳng quá thì sẽ bị nổi mụn từ cằm xuống cổ. Mi biết không, mấy bửa ni ta lo cho đại hội nên mặt ta mọc lên bốn cục hột xoàn rồi.

Tôi vẫn chưa hiểu con bạn nói gì:

- Mắc chi mà mi lo âu hè?

- Trời ơi, ta là người lo lắng nhiều nhất đó!

- Hả? Mi biết làm chuyện gì đâu mà lo?

Con bạn lý sự:

- Mi nghĩ coi, hai người ngồi trên xe hơi chạy vùn vụt. Người biết lái xe, biết luật lệ, biết nơi nào nào đến thì yên tâm rồi. Còn ta, như người ngồi một bên. Không biết chi mới lo đụng xe, mới sợ cảnh sát, mới phát hoảng khi xe chạy nhanh chớ! Nói thiệt đó, ta là người lo nhất trong bọn đó.
Tôi đang còn ngẩn ngơ thì con bạn động viên:

- Ráng lên nghe mi, đừng làm mất mặt Atlanta nghe.

Rồi hắn tiếp:

- Nếu mọi chuyện suông sẽ thành công, ta nấu một bữa ăn đải cả nhóm liền. Ta không biết làm được trò trống chi, nên không có tự tin, đâm ra ... lo âu đủ thứ. Lo từ hồi mới khởi đầu cho đến ngày kết thúc.

Sau khi tôi gởi Thư Mời đăng lên tờ tuần báo địa phương, có rất nhiều người gọi hỏi thăm người này người nọ, những người quen biết thuở xưa học ở Hồng Đức. Tôi làm sao biết hết nhưng cũng khéo léo mời quí vị cùng đến tham dự. Thật ra, tiểu bang tôi ở, cuối tuần nào cũng có những bữa cơm gây quỹ, họp mặt các hội đoàn, những buổi ra mắt sách, hội thảo ... của cộng đồng người Việt. Tuy nhiên, lễ Vinh danh Thầy Cô và họp mặt bạn cũ là một ngày hội có ý nghĩa văn hóa, nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo, lần đầu tiên được tổ chức tại Atlanta. Một vị cựu hội trưởng hội đồng hương Quảng Nam nhận được thư mời đã ân cần hỏi thăm chúng tôi và hứa sẵn sàng giúp đở. Theo ông, đây là một ngày hội khá qui mô ông sẽ kêu gọi thanh niên đồng hương yểm trợ chúng tôi. Tôi nghe và cũng cảm thấy vui lòng, ít ra tình đồng hương cũng được thể hiện, khi cần.

Những ngày tiếp theo, điện thoại email liên tục. Những tin giật gân thường đến vào giờ phút cuối nên dù bận làm việc tôi cũng phải len lén mở phone ra. Có tin vui thì thông báo hết cho mọi người để được lên tinh thần, gặp khó khăn thì cùng nhau đóng góp ý kiến để giải quyết.

Đàng sau đại hội có muôn vàn chuyện để kể. Những chị lớp lớn tuy không ra tranh cử chức tổng thống nhưng cũng gần giống vậy! Phải bỏ biết bao thời gian, tâm huyết và tiền bạc cho những chuyến bay đi bay về các tiểu bang, sang tận nước láng giềng Cananda để "vận động", những chị khác tranh thủ khi đi Việt Nam thăm gia đình đã bỏ tiền túi ra, mua sắm những vật dụng cần thiết cho ngày tiền đại hội. Những lúc gọi phone nhau ơi ới kêu réo gởi số đo may áo dài, áo bà ba ... bà bốn. Những chị có tâm hồn văn nghệ dành bao công sức để tập múa, tập đi đứng trong màn trình diễn áo dài. Đàng sau đại hội còn có những giận hờn vu vơ cho đời thêm ý nghĩa, có bài diễn văn khai mạc được viết khi TB đang chạy trên máy tập thể dục hay khi đang lái xe đi làm về. Có màn tập kịch qua điện thoại. Kẻ ở trên núi, người dưới biển rủ nhau tập dợt. Có những hạt mụn mọc lên vì lo lắng của bạn tôi, có hình ảnh đôi vợ chồng già cặm cụi làm bánh ít lá gai góp phần cho hàng quà vặt ngày tiền đại hội. Có ông xã tôi luôn ở bên cạnh chia sẻ những âu lo, gánh vác dùm cho tôi tất cả những gì anh có thể làm được. Đàng sau đại hội còn có những đêm trăn trở, chị phó gọi chị trưởng; cuối cùng hai chị bảo nhau mong cho đông vui là mừng rồi, tiền bạc thiếu hụt không thành vấn đề. Bên cạnh đó còn có những căng thẳng đời thường, những lần lái xe đi ra ngoài không khóa cửa nhà hay tranh thủ lăn ra ngủ khi tiệm nail vắng khách ... Có những khó khăn của nhóm bạn từ Việt Nam, cố gắng mang hình ảnh của thầy cô trong nước gởi ra hải ngoại. Một việc làm thật ý nghĩa và vị tha nhân vô điều kiện, thật đáng cảm phục!

Chỉ còn một tuần nữa thôi, hy vọng mọi cố gắng của chúng tôi sẽ hình thành hai ngày đại hội thật vui. Có những mái đầu bạc bên cạnh những mái tóc nhuộm đủ màu vì bụi thời gian. Trường xưa không còn, phố xưa đã đổi tên. Thầy trò chúng tôi tuy chỉ gắn bó với nhau vẻn vẹn tám năm, nhưng truyền thống kính thầy mến bạn đã là động lực làm nên ngày hội Hồng Đức rộn ràng niềm vui và tiếng cười tại xứ sở cuốn theo chiều gió vào những ngày đầu thu.

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta 8/2012
Đằng Sau Đại Hội
Cựu nữ sinh Hồng Đức làm bánh ít lá gai