Đánh đổi

Hắn ngồi đó. Một mình, cô đơn và lạnh lẽo, lạnh lẽo đến ghê người trong buổi hoàng hôn ảm đạm đang ập về nhanh chóng. Ngoài kia, chim đã bay về tổ, nhà nhà đã quây quần quanh mâm cơm đoàn tụ, vợ chồng con cái hạnh phúc đầm ấm bên nhau. Còn hắn, chỉ một mình và một mình, hắn miên man suy tưởng về quá khứ và cứ mãi băn khoăn: mình đã sai hay không sai nhỉ?

Ngược thời gian khoảng tám năm trở về trước, hắn cũng có một gia đình ấm êm hạnh phúc bên người vợ hiền và ba đứa con ngoan, hai trai một gái. Vợ hắn nhanh nhẹn, biết buôn bán tảo tần và cuộc sống gia đình hắn cũng tương đối không đến nỗi nào. Nhưng rồi đàn con lớn dần, bao nhiêu là nhu cầu hàng ngày của cả nhà chỉ chờ vào cái cửa hàng tạp hoá bé nhỏ. Người khôn của khó, chợ đò ế ẩm, người bán đông hơn kẻ mua. Gia đình hắn bắt đầu ăn thâm dần vào vốn liếng, cái cửa hàng cứ teo tóp hẳn đi. Đáng lo quá!

Rồi một ngày vợ hắn về quê ngoại tận miền Bắc thăm chơi. Ở đây đang có phong trào đi xuất khẩu lao động, phụ nữ trong làng ồ ạt ra đi làm kinh tế, thậm chí có làng chỉ còn lại đàn ông. Nghe nói đi làm nước ngoài lương cao lắm, gấp mười lần đồng lương chết đói ở VN. Thế là vợ hắn nức lòng, ao ước được ra đi một chuyến để đổi đời. Vợ hắn dò hỏi địa chỉ những công ty môi giới, nghe đâu chỉ có ở thành phố lớn như Hà Nội hoặc Sài Gòn. Lúc trở về chị nỉ non tỉ tê với hắn về viễn cảnh tươi đẹp nếu được đi nước ngoài làm việc. Rồi nào là con cái đang tuổi ăn tuổi lớn, rồi nhà chúng ta đang ở mối mọt xông lên cả rồi, cần phải kiếm tiền làm nhà mới:
- Anh chịu khó ở nhà chăm con, em đi chỉ ba năm là về thôi anh nhé! Anh thấy các con ngày càng lớn, chúng như đoàn tàu há mồm, của bao nhiêu cũng không vừa. Anh nhìn mấy chị ngoài quê em kìa, người ta đi gần hết cả xóm đó, có sao đâu. Ở đây làm suốt đời cũng không dư dả được anh ơi!

Hắn nghe cũng xuôi tai. Thôi thì cứ nhắm mắt cho vợ đi, ba năm cứ coi như là một giấc mơ. Thôi thì hy sinh ba năm xa vắng còn hơn là ở nhà ba mươi năm cũng chẳng được gì. Các bậc vĩ nhân ra đi tìm đường cứu nước, còn vợ mình thì ra đi tìm đường cứu nhà ... Hắn nghĩ đi nghĩ lại và tự an ủi.

Sau khi lo đầy đủ thủ tục giấy tờ và tiền bạc nạp cho công ty môi giới, vợ hắn lên đường vào SG học tiếng. Chỉ ba tháng sau nàng có tên trong danh sách bay. Ngày nàng ra phi trường hắn cũng đi đưa tiễn, cũng có nước mắt chia ly, cũng có hẹn hò thề thốt thực sự như một đôi uyên ương cách trở. Hắn trở về, buồn, nhưng đong đầy hy vọng ...


Thời gian đầu cả gia đình hắn như hụt hẩng vì thiếu bàn tay dịu hiền của người phụ nữ. Nhưng hắn vẫn vượt qua nỗi cô đơn tột cùng nhờ vào những lá thư mặn nồng mà vợ hắn cứ nửa tháng gởi về một lượt. Rồi mọi ước muốn của hắn khi cho vợ ra đi cũng được như ý. Nàng đã có tiền gởi về và còn nhiều hơn hắn mong đợi nữa là đằng khác. Nàng vốn là người lanh lẹ mà ... Bây giờ trong nhà hắn đã có đủ tiện nghi sinh hoạt, cả những thứ xa xỉ đối với vùng nông thôn như tủ lạnh, máy giặt ... nàng cũng gởi tiền về sắm tất. Nàng gởi hình cho hắn, ôi chao hắn nhìn không ra. Nàng mặc váy đầm, đeo mắt kính, đứng bên những toà nhà cao tầng đẹp lộng lẫy. Nàng kể, nàng quen rất nhiều chị em VN lấy chồng nước ngoài ở đó, cuộc sống họ thần tiên lắm, sung sướng lắm anh à ... Và gần đến ngày hết hạn làm việc thì nàng bỗng manh nha một tư tưởng ... động trời.

Một buổi chiều cuối tuần, hắn nhận được thư nàng kèm theo tờ đơn xin ly dị. Hắn giật mình run rẫy và choáng váng mất một hồi lâu, nhưng sau khi đọc kỹ lá thư nàng gởi thì hắn hiểu ra. Nàng nói rằng thân phận đi làm thuê bên đó hay chịu áp bức và bị môi giới ăn bớt tiền lương nhiều quá. Nay em có quen với một ông chú khoảng sáu mươi tuổi nhận em làm ''cháu'' kết nghĩa, ông ấy không có vợ và nói nếu em muốn qua đây hợp pháp thì ông ấy sẽ làm kết hôn giả cho em lấy ông ta và rồi bảo lãnh cho em qua. Nếu được vậy thì mình làm việc lương cao như người nước họ và chỉ vài năm ổn định em sẽ ly hôn với ông ấy. Sau đó em cố gắng làm thêm vài năm kiếm thật nhiều tiền, xong em về VN và chúng mình lại như xưa anh nhé! Nhưng trước tiên anh hãy ký vào đơn này cho em để em làm dần thủ tục nghe anh!

Hắn đọc kỹ lá thư, nghiên cứu, nghiền ngẫm ''sáng kiến'' của vợ mất mấy ngày. Rõ ràng là nàng vẫn chung thuỷ với hắn, vẫn lo tròn trách nhiệm với con cái bằng những đồng tiền liên tục gởi về. Ôi tiền! Tiền đã làm mờ mắt mũi, lý trí của hắn. Nhưng khi hắn đưa lá thư nàng ra cho anh chị em trong nhà đọc thì không ai đồng ý, họ trách nàng thậm tệ, sao lại có tư tưởng lạ kỳ như thế và ngăn hắn: coi chừng mất vợ đó! Hắn ngần ngừ suy đi nghĩ lại và trả lời cho nàng là: không, không bao giờ anh ký đơn để em làm việc mạo hiểm ấy đâu. Thôi, hết hạn thì em cứ về đi đã nhé!

Ngày nàng về nước, hắn đưa mấy đứa con vào tận sân bay TSN đón nàng, có cả hoa tươi và đầy ắp tiếng cười. Chưa vội về nhà, nàng thuê xe cho cả gia đình đi chơi khắp SG rồi ghé nhà người bạn gái có chồng nước ngoài (cũng về thăm nhà cùng chuyến bay với nàng) cha mẹ cô ấy ở tận Long An. Ở lại đó mấy ngày, hắn nghe vợ và cô bạn thuyết phục về việc kết hôn giả:
- Anh à, có người giúp mình như vậy mà tội chi không đi hả anh. Mình sống cho mình, lo cho con cái ăn học mặc kệ người ngoài, họ có cho mình được gì đâu ...
Hắn nghe nói riết rồi cũng xiêu xiêu lòng.
Về nhà, vợ hắn tổ chức liên hoan mời bà con, anh em đến ăn mừng. Vợ hắn khéo léo mua quà cáp cho tất cả mọi người, rồi sau đó mấy cô, chú bên chồng có nhu cầu vay mượn tiền bạc, nàng đều nhiệt tình giúp đỡ. Khi mọi người đều có ơn nghĩa với vợ chồng hắn qua những món tiền vay thì nàng mới nhỏ to đặt vấn đề kết hôn giả đó ra. Lạ một điều là ai cũng thấy chướng mà không ai phản đối mạnh mẽ, chỉ ừ ừ cho qua chuyện. Thêm mấy đứa con hắn cũng tỉnh queo, chẳng hề nói lấy một câu không đồng ý cho mẹ đi. Chắc tụi nó nghĩ nhờ mẹ đi mà nhà mình thoải mái tiền, tội chi cản mẹ ...

Và một vở kịch mà hắn và vợ là diễn viên chính được dựng lên.
Vợ hắn về được vài tháng thì trong nhà thường xảy ra lục đục, tiếng to tiếng nhỏ. Rồi nàng đưa đơn ra toà ly dị với lý do lãng xẹt là ... hai bên không hợp nhau. Chính quyền thôn, xã, huyện mất công kêu cả hai lên hoà giải nhưng không có kết quả. Nàng quay ngoắt 180 độ, kể lể đủ chuyện xấu về hắn trước toà. Còn hắn, hắn chỉ ngồi im thin thít và một hai xin toà cho ly dị như ý vợ. Cuối cùng thì toà cũng đồng ý cho cả hai ly hôn đúng y như kịch bản. Vợ hắn về tách hộ khẩu các con chuyển ra Bắc, quê ngoại, ý là dứt tình với hắn luôn cho hợp tình hợp lý. Bà con làng xóm lên án, thoá mạ nàng -sau lưng- không tiếc lời, còn phần hắn họ nói mỉa: đến vợ mà cũng đem bán nữa thì hết nói. Nhưng đã chuẩn bị tư tưởng nên cả hai đều phớt tỉnh. Kệ, miệng thế gian mà, ta sống cho ta, phải biết đạp lên dư luận ... Cũng có khi bị mất mặt quá hắn vớt vát một câu y như trong truyện Tàu: ''muốn biết sự việc thế nào, hồi sau sẽ rõ''.

Ly hôn xong, vợ hắn chuyển về quê mẹ, mấy đứa con thì vẫn ở lại với hắn để học hành. Một thời gian sau nàng làm thủ tục kết hôn với ông chú ấy và bay ...

Nàng vẫn đều đặn gởi tiền về lo cho hắn và con cái như đã hứa. Hắn trở thành người ỷ lại và ăn bám vào vợ. Bây giờ cứ sáng sáng, hắn lên đồ láng o rồi vào quán cafe ngồi nhâm nhi ăn uống và đánh số đề. Tiền bạc đánh đổi được từ vợ hắn ''nướng'' không thương tiếc vào những con số hằng tối tối. Mà công nhận nàng lắm tiền thật, gởi về một lần ba cái máy tính xách tay cho ba đứa con với hy vọng tạo điều kiện cho tụi nó mở mang kiến thức. Đúng là hy sinh đời mẹ cũng cố đời con. Nhưng thật là đau lòng, thằng con lớn sau khi tốt nghiệp cấp ba, thi đại học hoài không đậu đành đi học nấu ăn với mơ ước trở thành đầu bếp. Mẹ nó tiêu tốn không biết bao nhiêu là tiền cho nó học nghề, thế mà ... Nó học xong về không lo làm ăn lại sinh ra cờ bạc (chắc là ỷ vào tiền mẹ làm ra dễ quá). Vậy là ba chiếc laptop lần lượt được nó đưa vào tiệm cầm đồ. Chiếc xe máy cũng cùng chung số phận, hắn phải cắn răng chuộc đi chuộc lại mấy lần và ... đành bỏ luôn. Hắn đánh thằng nhỏ một trận, nó liền bỏ đi đâu mất biệt, hắn chán quá cũng chẳng thèm tìm. Còn hai đứa nhỏ sau vợ hắn cho ra Bắc ở với ngoại luôn lấy lý do là đã cắt hộ khẩu về ngoài ấy rồi. Thế là tan tác một gia đình, con một nơi, vợ một nơi, chồng một nẻo. Ôi, sao mà nên nông nỗi vậy?
Thỉnh thoảng vợ hắn gọi điên thoại về cho mấy cô em chồng nhắn khéo: ''mấy cô động viên anh V lấy vợ khác đi chớ ở một mình tội lắm''. Nhưng hắn vẫn nuôi hy vọng. Vài năm, chỉ vài năm nữa thôi, nàng sẽ về tái hợp với mình như đã hứa thôi mà ... Thật là mơ hồ, liệu hắn có nghĩ rằng nàng như chim đã xổ lồng đâu còn chi ràng buộc với hắn nữa. Nàng gởi tiền cho hắn chẳng qua là trả cái ơn hắn đã ký vào đơn xin ly dị đó mà. Cuộc sống phồn hoa đầy ánh sáng nơi xứ người chắc sẽ giữ chân nàng mãi mãi ...

... Hắn uể oải đứng dậy bật công tắc đèn. Đã hơn bảy giờ tối rồi kia à! Gìơ này đã có kết quả xổ số rồi đây, không biết tối nay con số 52 có về không nhỉ?

Mối bận tâm lớn nhất của hắn bây giờ là những con số biết nhảy múa hằng đêm ...

01/07/10