Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon

Để lại gì sau lúc ra đi...

3
Hôm nay chị về nhà thăm cha. Mãi rồi mới thu xếp được một kỳ phép. Là người quản lý cho một văn
phòng đại diện của một hãng dược nước ngoài, công việc bề bộn quá chị không dứt ra được. Khi
bàn giao xong cho người trợ lý, thì chị biết cha chị đã được đưa về nhà. Mọi cố gắng của bệnh viện
đã không thể giúp ông hồi phục. Cha chị sẽ sống những ngày còn lại bất động và câm nín. Trong
điện thoại, giọng mẹ chị buồn bã:

  - Bệnh viện họ trả về rồi đó con.

Chị chia xẻ nỗi buồn với mẹ. Hứa với bà sẽ mua vé máy bay sớm nhất có thể. Bây giờ thì chị đã về.
Đã hơn hai mươi năm rồi, từ ngày lấy chồng rồi theo chồng đi xa, chỉ thỉnh thoảng chị mới về thăm
ngôi nhà cũ. Ngôi nhà đầy ấp kỷ niệm tuổi thơ. Ngôi nhà chị không trông mong trở lại, nếu nơi ấy
không có mẹ, và những đứa em vẫn luôn dành cho chị tình cảm tròn đầy.
Mẹ đón chị ở cổng. Chỉ mới một năm thôi mà bà đã thay đổi nhiều. Gương mặt của bà choắt lại,
nhăn nheo. Chị ôm vai mẹ, thấy bà thật tiều tuỵ. Có lẽ những ngày căng thẳng dõi theo bệnh của ông
đã làm bà kiệt sức. Âu đó cũng là nợ nần phải trả cho nhau, khi sinh ra làm người trong một gia đình.

Bá thu xếp cho chị căn phòng ở cùng con gái mình. Nó là đứa con trai duy nhất của ông bà. Ba đứa
con gái, kể cả chị đều đã lấy chồng, ra riêng. Vợ chồng Bá sống chung với ông bà từ lúc cưới nhau.
Bây giờ thì hai cô con gái của Bá đã lớn phổng lên, và đều xinh gái.

  - Chị chịu khó ở chung phòng với bé Ly nghe.

  - Được mà, ở chung càng vui chớ có sao đâu.

Có lẽ Bá áy náy vì nghĩ chị quen sống sung sướng rồi. Căn nhà của chị rộng hơn ba trăm mét vuông.
Trong ấy có hồ bơi và một khoảng vườn nhỏ, để buổi chiều ai đó có thể ngồi đọc sách, hưởng chút
không khí trong lành hiếm hoi từ đám cây cỏ lúc nào cũng xanh tươi. Căn nhà ấy được làm nên từ
công sức của vợ chồng chị. Bằng mồ hôi và nước mắt. Gia đình nhà chồng chị tuy giàu từ mấy đời
rồi, nhưng họ chỉ giúp chị đổi đời khi chấp nhận cho chị lấy anh, là người con được họ nuôi nấng,
dạy dổ đàng hoàng, tạo điều kiện để anh có thể theo đuổi ước mơ trở thành một nhà kinh tế được
đào tạo nước ngoài.
Khi anh giới thiệu chị với gia đình mình, họ thất vọng vì gia cảnh của chị nghèo. Họ có ý định ngăn
cản cuộc hôn nhân, nhưng cuối cùng vì tình cảm anh dành cho chị sâu đậm nên họ đành chấp nhận,
với một điều kiện vợ chồng chị phải tự xoay xở lấy cuộc sống riêng.
Chị không oán trách cha mẹ anh, vì suy cho cùng, họ hoàn toàn đúng. Chị là con gái nhà nghèo, dẩu
rằng chị khá xinh và thông minh, biết nắm bắt khi cơ hội đến. Khi về nhà chồng, của hồi môn chị
mang theo chỉ là chiếc va ly cũ, và một bí mật gia đình chị nghĩ sẽ không bao giờ dám thổ lộ cùng
anh.
Chồng chị là người đàn ông tuy không đẹp nhưng nam tính. Anh rộng lượng và yêu thương chị rất
nhiều. Khi những đồng tiền hai vợ chồng làm ra, dù ban đầu chưa là nhiều, anh vẫn vui vẻ để chị gởi
tiền về cho mẹ đều đều mỗi tháng. Khi thấy chị có vẻ không thoải mái khi đề cập đến chuyện này,
anh trấn an:

  - Em là chị cả mà. Với lại ba mẹ cũng già rồi, thì phải cậy con thôi.

Chị thầm cám ơn anh vì đã không để chị phải dấu diếm anh như người ta thường phải vậy khi muốn
giúp đỡ gia đình riêng của mình. Lấy chồng, đến một nơi xa, anh không biết chị đã như một kẻ sắp
chết đuối vớ được phao. Khi lớn khôn, càng trưởng thành chị càng sợ hải khi nghĩ đến ngôi nhà chị
đã sống từ thưở ấu thơ. Cảm giác bất an đeo bám chị từ những ngày còn rất bé.
Thuở ấy chị hay bị mộng du. Từ khi mẹ sinh đứa thứ hai, chị phải ra phòng ngoài ngủ với cô Tư,
nhưng đêm đêm, trong cơn say ngủ, chị lần mò vào phòng  cha mẹ, nằm chèo queo dưới chân
giường ông bà, để rồi đôi khi tỉnh giấc, chị mơ màng nghe tiếng khóc của mẹ, tiếng gầm gừ của cha.
Lớn lên một chút, chị tỉnh ngủ hẳn những lúc ấy để nghe tiếng ông rít qua kẻ răng. Ông nhắc đến một
người đàn ông nào đó kèm theo lời văng tục. Sau đó thường là mẹ chị phải chịu những cú đấm thụi
có lẽ không nhẹ nhàng gì. Đôi khi chị nghe tiếng mẹ khóc, đôi khi là sự im lặng nặng nề. Sáng ra, chị 
thấy mình đang nằm ở giường của cô Tư. Sắc mặt mẹ chị vẫn bình thường. Bà vẫn chu toàn công
việc của người nội trợ. Chị ngỡ tất cả chỉ là mơ. Thời ấy, chị không biết để giữ vẻ bình thản ấy, đối
với bà không dễ dàng gì. Một  ngừoi đàn bà chưa tròn ba mưoi tuổi, yêu và lấy chồng rồi biết cuộc
đời mình sẽ hiếm có ngày vui.
Tuổi thơ của chị thật sự đen tối khi một ngày, trong cơn say và giận dữ của cha, ông gọi chị vào và
nói huỵch toẹt ra rằng ông không phải là cha chị. Lúc ấy hình như chị chỉ đang học lớp đệ lục thì
phải. Thật khó chấp nhận điều này. Chị không biết hai người lớn ấy nghĩ gì, nhưng với chị, tất cả sụp
đổ sau ngày ấy. Một đứa con hoang. Chao ơi là kinh khủng. Bệnh mộng du trở lại, đêm ấy chị đi lang
thang trong nhà cho đến khi được cô em gái phát hiện dẫn chị về giường ngủ. Sáng mai nó hỏi ngay
khi chị vừa thức giấc:

- Hồi đêm chị ghê quá. Cứ đi lui đi tới...

- Hồi nào, chị đâu biết..

- Em phải dẫn chị về giường lại đó. Mộng du bà ơi!
Bây giờ thì chị biết,hể cứ có chuyện sang chấn tâm lý là chị bị mộng du. Có lẽ bộ não quá nhạy cảm
của chị dễ bị tổn thương. Từ ngày đó, chị bỏ thói quen đối diện với cha mình. Chị ghê sợ khi nhìn
vào gương mặt lạnh lùng của cha. Trong thâm tâm từ những ngày thơ bé, chị đã biết mẹ chẳng mấy
khi bước ra đường, chẳng mấy khi giao du với ai. Mẹ sống nhẫn nhục và mẹ chiều chuộng thương
yêu chồng.Chị không tin mẹ có thể làm điều ấy. Có thể yêu một người nào khác và đổ trách nhiệm ấy
cho cha chị. Càng lớn chị càng không tin.
Mẹ chị sau đó nhiều lần giải thích với chị đó chỉ là lời nói càn lúc say của cha, chứ không phải là sự
thật. Nhưng thật khó để chị không suy nghĩ, đau đớn vì câu nói ấy.
Càng lớn lên, càng trưởng thành chị càng thương mẹ khi dần rồi chị hiểu. Nỗi ám ảnh của chồng đã
khiến bà một đời đau khổ. Và chị cũng không còn đôi khi thầm trách mẹ khi thấy sự hờ hững của bà
với những đứa con. Bà chỉ biết lo cho các con ngày ba bữa. Ngoài ra tất thảy chúng đều phải tự lớn
lên, tự giải quyết mọi khó khăn con gái của mình. Chị cũng vậy và  hai đứa em gái của chị cũng vậy.
Vẽ vật vờ, hờ hững ấy của bà cũng là điều dễ hiểu. Để có thể chấp nhận cuộc sống nhìn bên ngoài
thì phẳng lặng, nhưng thật ra chưa một ngày êm ả, bà làm sao còn đủ tỉnh táo để nghĩ cho người
khác. Hay bao nhiêu năm đầu ấp tay gối với người chồng tàn nhẫn ấy, bà đã dần không còn là chính
mình rồi? Chị cũng không biết, nhưng chị hiểu và thông cảm cho mẹ.
 
Càng lớn lên, càng trưởng thành chị càng hiểu vì sao mẹ chị không biết ghen tuông. Có lẽ vô thức bà
sợ hãi điều ấy. Một thời, khi mẹ chị chưa sinh thằng Bá, người ta đồn đại ông có đứa con riêng với
một chủ chứa, nơi ông vẫn thường đến để đánh bài thâu đêm suốt sáng vào những ngày cuối tuần. Bà
vẫn bình tâm không một lời, dù chị nhớ, lúc ấy bà nội đã có ý muốn đem đứa nhỏ ấy về nuôi, vì nó
là con trai, vì nó có vẽ ngoài giống cha chị như đúc. Bà nội thì muốn nhưng cha thì không. Ông
khẳng định đó không phải là con ông. Thời đó thì chị nghĩ cha mình vô tội, nhưng khi lớn lên, hiểu
nỗi khổ tâm của mẹ, chị biết nếu cha nhìn nhận thằng bé là con ông thì đó mới là điều không tưởng.
Càng lớn lên, càng trưởng thành, chị càng nhận ra sự cư xử bất thường của cha dành cho chị. Trong
nhà có ba cô con gái, nhưng ông chỉ chằm hăm kiểm soát mọi đi đứng, quan hệ của chị. Chị nhớ, khi
mới chỉ học lớp năm, chị rất muốn tham gia câu lạc bộ văn nghệ của thành phố nên đã xin ông đồng
ý để chị đi học thanh nhạc ở đó. Con bé mười một tuổi khá là dễ thương, hát hay nên thầy giáo rất có
thiện cảm. Một lần khi thấy chị đi bộ về sau buổi học, thầy đã vui lòng chở chị về nhà. Chao ôi. Từ
ngày đó là chấm dứt hát hò, sinh hoạt câu lạc bộ. Chị nhớ đã khóc mấy ngày liền, đã dỗi hờn lẫy
cơm mấy bửa, nhưng vẫn không lay chuyển quyết định ấy của ông.
Ông khắc khe với chị đã đành. Ông không quan tâm đến chị mới là điều dễ hiểu. Nhưng càng lớn lên,
chị càng nhận ra ông chưa bao giờ ghét bỏ chị. Ông vẫn cho chị cuộc sống vật chất bằng như những
đứa con còn lại của ông. Chỉ có ý muốn sở hửu chị của ông là khiến chị sợ hãi. Khi chị lớn lên, có ai
để ý đến nhà chơi thì đều vấp phải vẻ mặt lạnh như tiền của ông. Rồi khi khách ra về thì chị lập tức
sẽ phải chịu sự la rầy của ông vì một lý do cỏn con nào đó.
Một lần, bây giờ chị vẫn nhớ, như một vết thương không bao giờ lành sẹo. Là chị em cô cậu ruột nên
khi nói chuyện với Hùng con cô Tư kém mình hai tuổi, hai chị em tự nhiên vỗ vai, ngắt véo nhau,
cười nói ồn ào. Bất chợt thấy nhột nhạt, nóng bỏng từ phía sau gáy, chị quay vào và bắt gặp tia nhìn
dữ dội của cha. Ngày ấy chị không thấy mình có lỗi gì nên quyết định vẫn điềm nhiên nối tiếp câu
chuyện. Khi Hùng ra về, chị quay vào nhà, thật bất ngờ, phải lãnh một cái bạt tai toé lửa từ cha.

   - Mày liệu hồn...

Chỉ vậy thôi. Không một lời giải thích.
Chị lớn dần lên trong nỗi khiếp sợ cha mình. Ngày thi đậu vào trường đại học dược Sài Gòn, chị
bước chân ra khỏi nhà mình mà lòng vui như mở hội. Xa nhà có nghĩa là xa gương mặt lạnh lùng của
cha, sự âm thầm của mẹ, và vậy là xa những ám ảnh nặng trĩu lòng.
Buổi tối hôm trước ngày chị đón chuyến xe sớm dự định khởi hành lúc sáu giờ cô em Út quàng tay
ôm eo chị:

- Không biết vào trong đó khi chị mộng du ai sẽ dẫn chị về giường? Em lo nhất cái đoạn đó.

- Thì chị tự về thôi.

- Nếu lỡ mà chị ...

Chị vổ vổ vai em, thầm cảm ơn tình cảm của em gái dành cho mình. Trong ba  đứa em, chị thương
và gần gũi với bé Út nhất dù nó thua chị nhiều tuổi. Bé Út tính tình nhạy cảm, nên chị chẳng bao giờ
dám thổ lộ nỗi lòng với nó. Chỉ một mình chị chịu đựng nỗi đau này cũng đã là quá nặng nề rồi....
Khi đã lấy chồng và ở một nơi xa, chị biết ông trời đã ưu ái chị. Ông trời đã giúp chị rủ bỏ một quảng
đời tăm tối. Chị ngỡ mình có thể bỏ mà đi, không bao giờ quay lại ngôi nhà ấy, dính dáng tới con
người đã khiến tuổi thơ của chị trở nên như một cơn ác mộng. Chị ngỡ mình có thể lạnh lùng nhìn
người đàn ông ấy xuống dốc khi tuổi già ập đến..
Vậy mà chị không thể không quay về. Vậy mà chị không thể dứt bỏ quá khứ. Vì mẹ, vì các em chị
đã quay trở lại, đã làm tròn chữ hiếu như bao đứa con khác. Thậm chí chị còn nặng gánh hơn vì chị
dư dả nhất trong mấy chị em. Chị tự nguyện làm điều ấy dù đôi khi ngạc nhiên với chính mình...Dẫu
sao cha vẫn là người nuôi chị lớn, dù là lớn lên trong niềm sầu tủi, đã nuôi chị ăn học cho dù càng
trưởng thành, cầm đồng tiền cha cho chị càng cay xè con mắt.
Bởi vậy người ta vẫn cho rằng nghiệp chướng của mỗi người, nợ của mỗi người trong kiếp đời đâu dễ
gì trả hết...
Gần đây chị nhận được một bức thư của cha. Chị choáng váng với nội dung bức thư mà chị đã phải
vội vàng xé bỏ vì sợ chồng chị đọc được.

Linh con,

Mấy mươi năm rồi, trong lòng ba vẫn đắng một câu hỏi. Ba nghĩ con cũng mong có câu trả lời.
Ba gởi kèm mẩu tóc của ba, con hãy đi thử DNA.
Con có biết ba mong con không phải là con của ba, vì ba thương nhớ con rất nhiều....?

Khi chị nhận bức thư viết tay gởi bằng đường bưu điện này thì ba chị đang ở bệnh viện vì bị xuất
huyết não. Chị ngao ngán nhưng cũng bình tĩnh để nhận ra sự bất thường của nó. Hình như, có điều
gì đó thật lạ trong suy nghĩ của cha chị. Người đàn ông chị vẫn tin chính là cha ruột của mình. Hình
như có gì đó xộc xệch trong suy nghĩ, nhận biết vấn đề của ông.
Lần về thăm nhà này chị đã tâm sự rất nhiều với mẹ.

- Mẹ à, mẹ kể thật cho con biết đi, chuyện ngày xưa của mẹ đó. Kể hết đi mẹ, con thông cảm với mẹ
mà...

Mẹ chị đã ngập ngừng rất lâu. Bà không muốn nhắc đến nỗi đau đớn chưa bao giờ nguôi trong lòng,
nhưng chỉ mỗi riêng bà biết. Bà không chia xẻ với ai, và nghĩ mình sẽ đem theo xuống mồ nỗi đau
này. Nhưng khi chị kể cho bà nghe về bức thư thì bà tá hoả. Ôi chao trời đất ơi...

- Ông ơi là ông, ác chi mà ác...

- Ông nghi con là con của ai vậy mẹ?

Dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt nhúm lại vì đau khổ. Chị chưa bao giờ thấy nỗi đau trong lòng
có thể ứa tràn ra trên vẽ mặt như mẹ chị lúc ấy.

- Là cậu Thoan đó con à.

Khi quay về phòng mình, chị đã lên Internet tìm hiểu, sau đó gọi điện thoại hỏi thăm một người bạn
trong ngành Y, mới vỡ lẽ thì ra ba chị bi bệnh. Một chứng bệnh tâm thần làm cho người bệnh luôn bị
ám ảnh về thứ tình cảm huyết thống bệnh hoạn, và lúc nào cũng cảm thấy mình bị phản bội. Căn
bệnh thầm lặng đã đưa cả một gia đình đến cảnh bất hạnh, trong đó ba chị, mẹ chị, và chị là những
nạn nhân chịu nhiều đau khổ vì nó, mà chẳng ai dám hé ra một lời khóc than.
Đâu đó ngoài xã hội, thỉnh thoảng chị vẫn đọc được trên báo chí, những nghịch cảnh gia đình khi có
những người cha, người anh không kềm chế được dục vọng bệnh hoạn ấy, đã gây ra bao bất hạnh
cho gia đình mình. Có người phải vướng vào vòng lao lý, bị người đời khinh rẻ. Nay thì chị hiểu, họ
cũng là nạn nhân, họ cũng đau đớn và bị dằn vặt, nhưng chẳng mấy ai thấu hiểu để có thể tha thứ cho
những hành động trái với luân thường đạo lý ấy.

… Chị nhìn gương mặt phẳng lì của cha, thấy lòng bình thản, nhưng khi dòng nước mắt chảy tràn
xuống hai bên thái dương ông, chị nhận ra tình cha con chưa bao giờ phai tàn trong lòng chị. Chị thấy
lòng thổn thức khi nghĩ đến cảm giác của cha lúc này. Có lẽ ông khổ lắm vì đã chịu nhiều nỗi đau thể
xác, và cả tâm hồn.

Chị cầm bàn tay ông, hy vọng ông có thể cảm nhận điều ấy, để ông biết, dù ông đã đối xử tệ với chị
như thế nào, giờ phút này chị cũng đã tha thứ cho ông. Tất cả.

Tuyết Hằng
ĐN 3/23/2013