Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Để lại gì sau lúc ra đi...

Tập cuối

Bà đưa mắt nhìn ra đường. Con đường vắng ngắt thỉnh thoảng mới có một chiếc xe máy phóng qua.
Nghiêng mắt nhìn vào chiếc đồng hồ treo tường, bà lẩm bẩm:

- Một giờ trưa rồi, sao tụi nó không kêu mình ăn cơm?

Bà chống tay vào thành ghế, run rẩy đứng lên. Hai đầu gối nhức buốt khi bà bước đi. Ui chao là đau,
cứ mỗi bước đi là đau như ai cắt thịt da vậy. Lần xuống tới bếp là hai chân bà rã rời. Bà giở nồi cơm
điện ra, định bới ít cơm ăn cho đỡ đói. Ủa, sao chẳng còn hột cơm nào vậy. Không lẽ vợ thằng Bá tệ
đến độ không cho bà ăn cơm nữa. Cái con bất hiếu chi mà bất hiếu. Bà thẩn thờ lê bước trở ra.

- Mẹ không ngủ trưa sao?

- Cho mẹ miếng cơm con. Đói quá...

Bá nhìn mẹ:

- Mới ăn trưa đó mà mẹ..

- Ăn hồi nào. Mẹ đói bụng quá con ơi.

Bá quay trở vào bếp. Nồi cơm hết nhẳn rồi. Vợ Bá thì đã đi làm, hai cô con gái cũng đã đi học. Bá
thì cũng phải đi bây giờ thôi, nếu không trể giờ làm phiền phức lắm. Thôi thì tìm cái gì đó trong tủ
lạnh đưa cho mẹ ăn tạm vậy.
Tủ lạnh cũng trống không, chỉ còn hai quả chuối nằm tênh hênh trong ngăn rau quả. Bá biết là vợ đã
ý tứ không để gì trong tủ lạnh, vì sợ mẹ ăn nhiều quá sẽ bị bội thực. Bá đưa một quả chuối cho mẹ:

- Mẹ ăn chuối đi, chiều Hoa về nấu cơm mẹ ăn nhé.

Đón quả chuối trên tay con, bà lột vỏ ăn ngấu nghiến. Ngon ơi là ngon. Khi thằng Bá đi rồi bà lại lê
chân ra chỗ ngồi cũ. Căn nhà im vắng lạ thường. Thiếu điều con muỗi bay qua bà cũng nghe tiếng nó
vỗ cánh. Bà ước chi mình không bị đau chân, ước chi đôi bàn tay mình mạnh mẽ, để lúc này bà có
thể đi lui tới lau nhà, dọn bếp. Để có thể đi chợ, nấu ăn như trước đây bà đã từng. Bà mà nấu ăn thì
khỏi chê. Mỗi lần ông ăn, bà ngó cái miệng ông nhóp nhép mà không kèm theo cái nhíu mày, thì bà
biết vậy là ông hài lòng lắm. Chịu khó quan sát như vậy, riết rồi bà biết món ăn nào là hợp khẩu vị
của ông ... Vậy mới là đầu bếp giỏi, chớ có đâu như vợ thằng Bá. Thức ăn nó nấu nói ra thì mất lòng.
Dỡ ẹc. Đó là chưa kể, nó hay bắt bà nhịn đói lắm. Như hôm nay nè, từ sáng tới giờ chưa cho được
cái chi vô bụng cả. Đói xót cả ruột.

- Ông ơi, ông ưa ăn chi nói đi tối nay tui nấu cho ăn.

Kêu ơi kêu hỡi cũng chẳng thấy ông trả lời. Bà đanh đá:

- Không ời là tối ni tui cho nhịn đói đó nghe.

Mà thiệt lạ, ông hiền khô, không còn trợn mắt trợn mũi như hồi trước. Ông đến ngồi bên bà, nói
giọng đầm ấm:

- Thì ời. Bà cho cái chi tui ăn cái đó. Chi cũng được.

- Thiệt nghe. Tui nấu rồi ông mà chê là ngày mai khỏi ăn đó.

Bà chưa bao giờ đanh đá vậy. Cứ tưởng ông cho bà ăn bạt tai, ai ngờ ông chỉ cười hiền. Bà thấy
mình hạnh phúc quá. Bà sợ nhất là cái trợn mắt và những cú đá của ông. Dữ dằn và độc ác.Vậy ra là
ông biết hối hận rồi. Thật là mừng quá là mừng.
Bà đứng dậy, lê bước vô căn phòng riêng của ông bà. Đi ngang qua cái tủ, bà bất chợt nhìn vô
gương. Ủa, ai đó. Ai mà ngó cái mặt nhăn húm vậy cà. Bà dí sát mặt mình vô, cố nhìn cho rõ xem là
ai.

- Ông ơi, ai vô nhà mình kìa.

Không thấy ông trả lời, bà quan sát thật kỷ gương mặt người đó. Ai mà bà thấy quen quen...
Khi Ly về thì thấy bà nội đang đứng thẩn thờ trước gương. Thấy Ly bà mừng rỡ:

- Con, con , ai đây con?

Ly đã quá quen với vẽ ngớ ngẩn của bà nội rồi, nhưng cũng trả lời bà:

- Bà chớ còn ai vô đây nữa.

- Không phải đâu con, chỉ là ai giống bà thôi. Bà đâu mà già dữ vậy.

Từ ngày ông nội mất, sức khoẻ bà nội xuống rất nhanh, và lú lẫn thì thay đổi từng ngày. Bây giờ thì
bà không còn nhận ra ba nếu ba đi công tác năm bảy ngày không về. Hôm thấy ba ôm cái xách từ
ngoài đi vào, bà hỏi liền:

- Thằng nào mà đi vô nhà tui nghênh ngang vậy chớ

Lần đầu tiên nghe vậy ba hoảng hốt, cứ cầm mãi cánh tay bà day day:

- Mẹ giởn hả mẹ. Bá đây mà.

Bà nội nhìn sửng ba, cuối cùng nở nụ cười hiền:

- À, thằng Bá...

Còn các cô thì bà nội khi quên khi nhớ. Có hôm cô Ba đến gõ cửa lúc nhà không có ai, thì bà nội
nhất định không mở cửa vì bảo đó là ăn trộm. Cô Ba đứng ngoài chờ mẹ, chờ mãi vẫn không thấy
cửa mở. Còn bà nội đứng trong lấp ló sau tấm rèm nhìn ra.Với các cháu, bà chỉ còn nhớ Ly và em
Na. Ngoài ra cứ mỗi lần cháu đến thăm, bà lại xán tới gần, tò mò nhìn ngó rồi hỏi:

- Con cái nhà ai mà vô đây?

Bà nội như một đứa con nít vậy. Thấy Ly vừa coi TV vừa ăn ly kem, bà lân la đến ngồi gần, nhìn
mãi, cuối cùng bà chép miệng một cái thiệt to, xin:

- Cho bà miếng, con.

Ly mở tủ lạnh, lấy từ trong hộp kem hai ký mẹ mua để sẳn,múc cho bà nội một ly.Bà giống y chị em
Ly, mê ăn kem. Mà trời đất ơi, chỉ đến tối hôm ấy, khi đi học về,bé Na mở hộp kem ra thì chỉ còn có
cái hộp không. Ly hỏi bà

- Bà ăn kem dữ vậy, đau bụng sao bà.

Thì bà ngạc nhiên:

- Đâu có, kem đâu mà ăn hả con?

Tối hôm ấy bà lạnh bụng đi cầu hoài. Mẹ bắt bà mang bỉm thì bà không chịu. Vậy là suốt đêm ấy ba
và mẹ hầu như thức trắng theo bà. Từ đó mẹ biết ý không để đồ ăn trong tủ lạnh nữa.
Ly thấy bà thật tội nghiệp, nhưng bé Na thì nhăn, vì bà nội đã ăn hết phần kem của nó, vì bà bị đau
bụng mà không chịu mang bỉm cho ba mẹ nó bớt vất vả. Nó hay chỉ trích khi bà nội nhìn nó nhai
kẹo singum một cách thèm thuồng:

- Kỳ hông? Bà có ăn được đâu mà con ăn bà cứ ngó hoài?!

Ai trong nhà cũng la Na, nhưng nó không bỏ được cái tính đúng sai rạch ròi đó. Nó dần không gần
gũi bà nội nữa, vì thấy bà nội...quá kỳ.
Vậy nên khi có Ly ở nhà, bà đeo theo Ly nói chuyện. Bà nội kể nhiều chuyện xưa rích, từ hồi mới đẻ
ba, mà một chuyện ấy, kể đi kể lại như cái máy cassete nhả băng:

- Thằng Bá ngó vậy mà lì lắm nghe. Hồi bà đẻ nó, đau bụng hai ngày rồi mà nó vẫn không chịu ra....

Khi trong nhà chỉ có Na, bà nội nói chuyện một mình. Bà cũng không thích nói chuyện với ba và mẹ
vì cho rằng hai người xử tệ với bà, bắt bà nhịn đói.
Ly thương bà vì nhớ những chăm sóc trìu mến ngày trước bà dành cho hai chị em Ly. Một tay bà nội
lo cho hai đứa khi chị em Ly còn bé. Nghe mẹ kể lại thì thay vì gởi Ly và Na đi nhà trẻ sau khi mẹ hết
phép sinh, phải đi làm lại, bà nội đã tình nguyện trông coi cháu cho đến khi hai đứa được ba tuổi mới
cho đi học mẫu giáo. Trong tuổi thơ của Ly, bà nội gần gủi hơn cả mẹ, chiều chuộng Ly hơn cả mẹ.
Khi bà ôm Ly vào lòng, ru à ơi dổ cháu ngủ chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau
chín chiều, bà buồn rướm nước mắt rồi bối rối dấu chúng khi cúi xuống hôn hai cái má phúng phính
của Ly.Bây giờ bà kể lại, đôi mắt Ly nhìn bà lúc ấy đầy cảm thông, làm như cháu đồng cảm với nỗi
buồn của bà nội. Mà thật ra cháu vô tư có biết gì đâu.

Ly không còn nhìn thấy bà nội nhanh nhẹn như hồi ông nội còn sống. Lúc nào bà cũng thẩn thờ,
chậm chạp. Bà hay ngồi ngẩn ngơ nhìn ra đường hàng giờ, rồi lê gót vào phòng, và lúc nào cũng than
đói bụng. Khi trời trở gió, bà đau nhức người không gượng dậy được. Nhưng dù nằm bẹp trên
giường, bà vẫn không quên câu nói quen thuộc:

- Cho mẹ miếng cơm con, đói quá.

Thương bà nội quá đi thôi.
Rồi bà ho, tiếng ho nặng nề, đứt khoảng, lại kèm sốt cao. Ba mẹ đưa bà đi bệnh viện rồi bà ở lại luôn
vì bác sĩ nói bà bị sưng phổi. Bà nằm nhà thương nửa tháng, chị em Ly mỗi ngày đều vào bệnh viện
thăm bà. Khi tỉnh táo mở mắt ra được thì câu đầu tiên bà nói cũng là cho mẹ miếng cơm con, đói
bụng quá. Mấy cô và mẹ nghe bà nội nói vậy chảy cả nước mắt.
Khi được xuất viện về nhà thì sức khoẻ bà xuống hẳn. Bà không còn nhớ ai, tất cả. Suốt ngày bà chỉ
nằm, hoặc đôi khi đứng trước cái tủ đứng trong phòng, chăm chú nhìn vào gương mặt mình trong
gương. Bà cuốn mấy sợi tóc mỏng mảnh, lưa thưa lại thành búi, rồi lại tẩn mẩn gở ra. Và bà nói, nói
nhiều lắm mà tiếng của bà đã líu ríu khó nghe rồi nên đôi khi tò mò lắng tai, Ly vẫn không thể hiểu bà
nội nói gì. Bà cũng rất hay cười, dù cái cười trở nên méo mó trên khuôn mặt hốc hác và nhiều nếp
nhăn. Quay qua thấy Ly đứng bên, bà nói, tại câu này nghe quen rồi nên Ly hiểu:

- Cho mẹ miếng cơm con, đói quá.

Một buổi sáng, Ly theo thói quen đảo qua phòng bà trước khi đi học thì chột dạ vì dáng nằm khác
thường của bà. Bà nằm nghiêng về một bên, hai chân co lên gần tận đầu gối. Mái tóc bạc trắng của
bà xoả tung trên gối, rối bời.
Ly đến bên lay bà, nhưng bà bất động...
Vậy là bà nội đã ra đi, trong đêm. Ai trong gia đình cũng khóc thương bà. Khóc nhiều nhất là cô Hai,
và Ly. Chỉ có một mình bà là cười mỉm chi khi từ trên cao, bà cúi xuống nhìn cảnh ấy. Bà cười vui
vì khi ra đi, bà để lại trần gian mọi đau khổ, buồn tủi bà từng nếm trải. Bà đã quên, thậm chí đã quên
bà là ai. Bà rủ sạch nợ trần. Nên bà ra đi thanh thản. Ly tin là vậy.

Hết
ĐN 1/4/2013