Dì
Đó là dì của chồng tôi. Dì 92 tuổi, không có chồng, không có con. Một người già neo đơn, bịnh tật, mắt không thấy, tai không nghe được.
Tôi là cháu dâu. Ba mươi năm trước, lúc mới quen chồng tôi, dì không hoan nghênh tôi, vì lúc đó dì đã định sẵn cho anh một cháu dâu khác, không phải là tôi. Ngày đám cưới chúng tôi, dì cùng má chồng tôi đến đón dâu tại nhà ba mẹ tôi. Nhưng lúc về nhà, dì ngồi thù lù ở góc bàn, chứ không hăng hái ra vào trong ngày vui của cháu mình. Tôi chỉ thoáng buồn thôi, vì mình lấy chồng. Mẹ chồng và chồng thương yêu là được rồi, dì không thương cũng không sao. Thực tế, trước đây, dì có chồng, hai người không có con, dì cưới cho chồng một bà vợ to béo. Ba người ở chung một nhà, về sau, cảm thấy buồn tủi cảnh chồng chung, dì về ở với em gái, tức là má chồng tôi. Người ta nói chủ tàu cá thì giàu lắm. Dì có nữa chiếc tàu, làm chung với một người cháu gái, mà lúc nào tôi cũng thấy dì quần ống thấp, ống cao, chẳng ra vẻ gì là chủ tàu giàu có. Hàng ngày dì làm việc nhà, giặt giũ chăm sóc mấy đứa cháu nhỏ, con của cô em gái của chồng tôi, khi tàu cá về, dì phải ra bến cá, bán mua cùng với người cháu gái. Khi tàu cần phải sửa chữa, dì cùng với thợ sơn phết tàu, một tay cầm ổ bánh mì để gặm, tay kia vừa sơn vỏ tàu. Đó là tôi nghe kể lại, chứ lúc tôi về làm dâu, thì dì đã già hơn 60 tuổi, nên chỉ làm việc nhà.
Hai vợ chồng tôi ở riêng sau 3 năm cưới nhau. Cô em gái của chồng tôi, lấy chồng có 3 đứa con, lúc đó là thời kinh tế khó khăn, cô muốn ở trong nhà má, để nhờ đở dì và má. Tôi nghĩ là mình tự lập là tốt, không ở chung đụng trong nhà. Tuy không được sự giúp đỡ của nhà chồng, thì cũng có tự do riêng của mình. Vất vả nuôi con thì tôi chở con về nhà ngoại, nhờ mẹ ruột tôi trông cháu lúc mình đi dạy. Thật lòng, đôi lúc tôi cũng hơi ganh tỵ với cô em chồng về chuyện cô được ở trong nhà, có dì và má lo về kinh tế, chăm sóc, giặt giũ cho các con. Rồi tôi lại tự an ủi mình, cô là con gái ruột, là cháu ruột, bây giờ cô nhờ dì thì mai sau cô phải chăm sóc cho dì.
Thế nhưng sự đời không như tôi nghĩ. Chồng của cô em gái bị mất cách đây 6 năm, cô phải nuôi 3 đứa con ăn học. Nuôi con mình cho đầy đủ, chứ có đâu mà nuôi dì lúc già yếu. Trước đây, chồng tôi giúp cho con cô vào làm việc trong xưởng sản xuất chế biến cá, để mấy cháu có lương. Về sau, công việc làm ăn càng ngày càng khó, chồng tôi không làm kinh tế nữa. Các con cô bây giờ đã có việc làm chỗ khác, đứa thứ hai lấy chồng, thằng út con đi học. Tôi nghĩ đã đến lúc cô và các con cô đã từng được bà dì chăm sóc, bây giờ phải trả ơn bằng cách chăm sóc lại bà dì mới đúng đạo làm người. Má tôi chỉ có hai người con là chồng tôi và cô em gái. Má tôi nay đã 87 tuổi, bị tiểu đường, suyễn kinh niên, dĩ nhiên là không chăm sóc được bà chị rồi. Cô em gái thỉnh thoảng mua tả giấy cho dì. Vợ chồng tôi kiếm người chăm sóc cả hai bà. Lúc người làm về quê thì tôi làm hộ lý cho dì. Tôi học cách chăm sóc của y tá: đeo khẩu trang, bao tay vào thay tả cho dì, lau người, cho ăn. Sau đó quay ra giặt giũ, nấu cơm trong ngày cho má chồng. Bà dì chứ có phải em bé đâu! Không thoải mái là bà hất tay mình ra, chứ chẳng để yên cho mình làm. Hai tai dì điếc nặng, không nghe được, mắt không thấy, nên cùng lúc đưa ly nước cho dì súc miệng, thì phải cầm sẵn cái bô cho bà nhổ ra, nếu không, bà sẽ phun tùm lum đầy nhà, lúi húi dọn, còn mệt hơn nữa! Tuy nhiên, tôi chỉ làm công việc hộ lý một tuần, trong dịp Tết. Sau đó người giúp việc nhà trở lại.
Bây giờ vợ chồng tôi chỉ còn việc lo lắng để có tiền trang trải cho bà dì và má chồng. Mỗi lần đến thăm, thấy dì nằm cô đơn, tôi thật buồn cho số phận dì. Rồi nghĩ đến cảnh mình lúc về già. Tôi héo cả ruột. Cuộc đời còn dài lắm. Gánh lo chưa thả xuống được .....
Nguyễn thị Thu Sương