Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Đi dưới bóng lá - Võ Hồng
Tôi ngồi chồm ra đằng trước bảo người tài xế:
- Ông cho xe chạy chậm lại. Rất chậm.
- Đoạn đường này tốt mà, người tài xế nói. Không có nguy hiểm gì đâu.
- Tôi biết. Nhưng tôi muốn được nhìn phong cảnh một chút.
- Cảnh này cũng thường thôi. Cũng ruộng, cũng tre, cũng núi.
Tôi muốn nói "nhưng đó là quê hương của tôi". Nhưng tôi không nói được. Chữ "quê hương" chỉ mới nghĩ đến đã làm xốn xang nơi hai khoé mắt tôi.
Quê hương của tôi đó thật. Ở phía bên kia quốc lộ, cách quốc lộ chừng một cây số. Tôi biết rõ con đường sẽ dẫn đến đó bằng cách nào. Nó đổ xuống một con dốc nhỏ, nó uốn lượn theo một đám ruộng, nó bò men theo những đám đất thổ. Bên tay mặt là hàng tre, hàng tre kéo dài, hàng tre bịt kín, làm ranh giới cho con đường, tỏa bóng mát âm u xuống con đường. Từng chặng, hàng tre bị đục thủng để một con lộ nhỏ chạy qua, chay dẫn vào một khu vườn, chạy vào một ngôi nhà. Tôi sẽ đi tới cái quán Cây Keo, đi qua cái lẫm Thiện Đức, đi trờ tới cái bến sông có bãi cát vàng phẳng lì. Bên kia bờ sông là nhà tôi, nhà của ông bà tôi.
Tôi chỉ đi tới bằng trí tưởng tượng. Bởi vì chỉ cách một cây số mà ngôi nhà tôi nằm ở vùng mất an ninh.
Xe chạy chậm nên tiếng nổ nghe nặng. Mùi xăng nồng nàn. Tôi dõi mắt nhìn qua cửa xe. Dãy núi A Man chạy dài ở sau nhà tôi lưa thưa cây thấp. Những ngày chiến tranh rộn rịp, quân đội bắt chặt bỏ hết những lùm cây lớn. Đầu núi A Man ngày xưa có những tảng đá thật lớn màu nâu non và màu vàng nhạt đứng sừng sững, chồng chất lên nhau, ở cách xa hơn mười cây số vẫn ngó thấy rõ. Người xóm tôi gọi là Đá Tượng. Dưới chân Đá Tượng có một khu rừng rậm toàn những cây cao, bao trùm một khoảng rộng chừng hai sào. Hôm nay thì khu rừng rậm đó đã bị chặt sạch. Những hòn Đá Tượng cũng đã bị tiêu diệt mất tích. Tôi nhìn ngọn núi của mình mà tưởng núi của ai đâu. Chiến tranh đã hủy diệt đến cả những tảng đá trên chỏm cao.
Xe chầm chậm lướt quá cầu Ngân Sơn. Dòng sông rộng làm cho khung cảnh khoáng đạt. Qua lùm cây xanh, mắt tôi nhìn thấy ẩn hiện bức tường trắng của ngôi nhà tôi. Kia kìa là cái bến sông. Những ngày nhỏ, ông tôi hay dắt tôi ra đứng đó, cho tôi dầm chân dưới nước rồi chỉ cho tôi xem cái câu dài, vừa nói:
- Hồi xưa ba mày còn nhỏ, ông cũng dắt xuống đứng chỗ này và chỉ cho ba mày coi cây cầu.
- Ba con có được dẫm chân xuống nước như thế này không?
- Không. Ông không cho đứng dưới nước.
- Thế sao bây giờ ông cho con đứng?
- Ờ ... ờ ...
Ông tôi không giải thích được và tôi cũng không nài nghe lời giải thích. Bây giờ đây ngồi nhớ lại, tôi nghĩ rằng có lẽ tại vì ông chiều ý tôi hơn là chiều ý ba tôi. Khi cầm dắt tay ba tôi thì ông hãy còn trẻ, khi cầm dắt tay tôi ông đã già hơn bảy mươi tuổi rồi. Tấm lòng của mọi người già đều chùng xuống, dễ dãi.
Tôi nói:
- Nếu ba thấy ông dạy con đứng dưới nước, chắc là ba la con.
- Ờ.
- Ông có sợ ba la không?
Giọng ông tôi chậm rãi:
- Mắc mớ gì sợ?
Ông tôi có một lối đối đáp lững dững như vậy.
Ông dắt tôi đi chầm chậm giữa khu vườn um tùm những thân cây chuối, cây cau, cây cam, cây xoài... Lá xanh lọc ánh sáng làm màu áo của tôi cũng xanh theo. Tôi hỏi:
- Ông trồng những cây chuối hay ba trồng?
- Ông trồng.
- Một mình ông mà trồng được nhiều cây vậy?
- Ông thuê tá điền tới trồng.
- Tá điền là cái gì?
- Đó là những người làm rẽ ruộng cho mình.
- Ruộng cũng giống như những cây chuối hở ông
Ông tôi cười ngon lành:
- Nói bậy. Nói bậy. Ruộng là chỗ người ta cấy lúa. Có bùn, có nước, có đỉa.
Câu trả lời lởm chởm những cái khó hiểu: Cấy Lúa? Bùn? Đỉa? Tôi không biết đó là những cái gì. Nhưng tôi không dám hỏi, sợ ông tôi lại cười.
Chúng tôi lại chầm chậm bước đi bên nhau. Những tàu lá chuối khô làm vướng bước chân, tôi kéo trì tay ông lại và ông cúi xuống nhặt tàu lá chuối, bẻ gấp làm đôi làm ba ném vào chân cây chuối. Thỉnh thoảng gặp một cái gai tre nhọn hoắt nằm chĩa lên đe dọa khiến tôi không dám bước tới. Tức thì ông tôi lại cúi xuống, nhón cái gai tre ném bỏ vào bụi tre. Ông nói:
- Cứ bước đi tới chớ!
- Con sợ nó đâm vô chân.
- Có mang giầy mà.
- Nó đâm lủng luôn đế giầy.
- Ờ
Chúng tôi đi dưới tàng một cây khế lớn. Những trái khế chín vàng rung rinh theo cơn gió nhẹ. Tôi nói:
- Ông hái cho con trái khế kia.
- Chi?
- Con ăn.
- Không được. Ăn đau bụng.
- Ở thành phố con cũng được ăn khế mà. Chị Hai mua khế dưới chợ về ăn.
- Về thành phố hãy ăn. Ở đây không được ăn.
- Sao vậy?
- Ăn rồi đau bụng, ba con la.
- Vậy là ông cũng sợ ba con la đó.
Ông tôi quay nhìn tôi:
- Mắc mớ gì sợ?
Năm 1968 ông tôi từ trần sau một cơn bệnh dài. ông nằm dưới một ngôi mộ nơi chân núi A Man. Tôi lớn lên không còn được ông dắt tay đi thẩn thơ giữa khu vườn xanh um cây lá nữa.
Ông tôi vừa mất thì chiến tranh ùn ùn xảy tới, xóm tôi mất an ninh, mọi người ồ ạt chạy loạn. Bà tôi vào thành phố ở với chúng tôi. Bà tôi dịu dàng, mua cho tôi những miếng mít, những trái dưa, những cái bánh ngọt... nhưng sao tôi vẫn thương vẫn thích sự săn sóc vụng về của ông tôi hơn. Bà tôi nói năng mạch lạc, dẫn giải rạch ròi nhưng sao tôi vẫn âm thầm nhớ nhung lối trả lời lủng củng của ông tôi. Có cái gì rộng lượng bao dung trong những sơ sót của ông khiến tôi thích thú coi ông như một người bạn.
Về ở thành phố nhưng bà tôi chỉ ngóng về quê cũ. Hễ có dịp là bà nhắc đến nó.
- A! Sắn nước! Ở trong này mà sắn nước cũng lớn củ dữ quá há? Nhưng chắc không ngọt bằng sắn nước ở ngoài mình. Ờ, tháng mười rồi. Không biết mấy đám rẫy ở Phường Lụa năm nay có ai trồng sắn nước không.
Tôi đã thấy những đám rẫy sắn đó. Chúng nằm ở triền núi, nằm thoai thoải bám vào da núi. Người ta đánh đất thành vồng, bón phân rồi gieo hột sắn nước. Khi lá sắn nứt xanh um, những miếng rẫy như dược gạch những đường kẻ dọc màu xanh đều đặn. Một sườn núi như vậy được chia ra thành từng đám rẫy, phân cách nhau bởi một ranh giới bằng những bụi cây xanh, được gạch đều đặn bằng những đường thẳng màu xanh. Nhiều sườn núi nối tiếp nhau trên một quãng dài ba bốn cây số thì quang cảnh không thể gọi là không đẹp.
Ba tôi thường đợi dịp bà tôi nhắc nhở quá khứ như vậy để góp lời chuyện trò.
- Hồi nhỏ không biết sao đứa nào cũng ham ăn sắn nước - lời ba tôi. Cứ mỗi buổi chiều chuyến đò nào đi từ Phường Lụa sang Lò Gốm cũng chất đầy gánh sắn nước.
- Chớ sao? Gánh tuốt xuống chợ Xổm, dưới Hàng Dao, dưới nhà thờ Măng Lăng, dưới Hội Tín mà bán.
- Gánh sắn nước đến bến đò, họ gánh thẳng đặt xuống nước, dồi cho sạch đất. Củ sắn trở nên trắng trẻo, mơn mởn.
- Cũng nhờ cái bến đò...
Khi câu chuyện bắt đầu nhạt, ba tôi quay sang tôi:
- Trồng sắn nước phải qua hai giai đoạn. Đem củ trồng xuống, củ sinh ra một dây đậu có hột. Đem hột đậu đã khô trồng xuống, hột sinh ra củ sắn nước.
Lần đầu tiên tôi được biết một lối sinh sản kỳ diệu và bất thường như vậy. Phải bao nhiêu khó khăn mới thành một củ sắn nước dòn tan và ngọt mát dưới răng.
Ba tôi tiếp:
- Quê mình kêu là củ sắn nước, ngoài Bắc gọi là củ đậu. Tôi so sánh hai chữ củ sắn nước và củ đậu. Tôi thấy thương cho cái tên củ sắn nước. Nó quê mùa, chuyền trên miệng những người lam lũ chất phác của quê tôi, từ thế hệ này chuyển giao qua thế hệ sau. Nó hiện diện một cách vững chắc, bất chấp qui luật ngữ pháp hay văn phạm. Nó mang cá tính của một miền nên nghe nó, người ta hình dung đến một miền. Một miền với đầy đủ quá khứ hiện tại và tương lai.
Mỗi lần Tết đến, bà tôi hay mua những chậu cúc vạn thọ bày ở trước sân. Tôi hỏi:
- Sao bà không mua hoa khác đẹp hơn lại mua chi cúc vạn thọ?
- Uở, hễ Tết thì phải có bông vạn thọ chớ.
Ba tôi lại phải nhẫn nại giải thích:
- Người ta thường trồng vạn thọ vào dịp Tết vì nó dễ trồng, nở nhiều hoa và màu hoa đậm đà. Thêm một lẽ là vì tên nó là vạn thọ, có nghĩa là chúc sống lâu.
Sau này khi lên trung học, trong một bài giảng văn tôi nghe có tên cây Tang cây Tử. Chắc chẳng ai dám trồng trong sân nhà. Vừa để tang, vừa chết - cố nhiên là hiểu theo nghĩa đồng âm - thì quá chu đáo trong việc gợi ý bi thảm. Tôi nghĩ mông lung đến việc đặt tên những giống thảo mộc. Giá có đầu óc lý tài một chút, các nhà vườn đã không đặt tên hoa mõm sói mà đặt là hoa Ngũ Phúc chẳng hạn, thay tên hoa loa kèn bằng hoa Tam Đa chẳng hạn, hoa rẻ quạt bằng hoa Song Hỉ chẳng hạn. Sự tiêu thụ sẽ ồ ạt biết bao vào dịp Tết.
Thỉnh thoảng những người cùng quê cùng chạy giặc ghé lại thăm bà tôi. Những lúc đó bà tôi lấy lại được giọng nói ung dung chậm rãi của những ngày huy hoàng cũ, khi lúa nếp ngoài đồng chảy thành suối vào kho nếp, lẫm lúa. Bà tôi tiếp họ nơi phòng khách với cả ống nhổ và cái cối giã trầu bằng đồng. Những người khách đó uống trà và uống xong cứ đổ hắt phần nước trà còn lại xuống mặt gạch y như "hồi còn ở ngoài quê". Bao giờ cũng vậy, sau khi khách ra về chị Hai phải lo lau chùi những mảng nước trà đóng khô màu nâu. Ba tôi dặn không ai trong nhà được tỏ ý khó chịu đối với cái cử chỉ đổ hắt nước trà đó Ba tôi nói:
- Cứ để bà con thoải mái tự nhiên. Hãy cố gắng cắt y nguyên cái mảnh sinh hoạt ngoài quê đem lắp vào nơi này. Đừng tưởng bộ ghế xa-lông và cái quạt trần và cái tủ búp-phê làm họ thích thú. Mà họ thích được ngồi xếp chân trên bộ ván, trước mặt có cơi trầu và cái bình vôi, dưới chân bộ ván có ấm nước bằng đất sét nung ngồi gọn trong một cái giỏ bằng tre đan. Và thoảng qua cửa sổ là mùi thơm của hoa cau và tiếng chim se sẻ.
Bà tôi đau yếu trong những năm cao tuổi. Bà khẩn khoản nói với ba tôi:
- Để tao về ngoài đó.
- Đâu có dược. Ngoài đó tản cư hết.
- Tao xuống ở dưới chùa Châu Lâm. Tao ở với bà cô trụ trì.
- Nhưng tuổi già đau yếu không có ai săn sóc.
- Có bà cô.
- Ăn uống, giặt giũ, thuốc men, hầu hạ... chẳng bà cô nào lo nổi đâu.
Bà tôi ngồi ứa nước mắt vì đuối lý. Bà nói nhỏ với tôi:
- Ông chết chôn ngoài đó nên bà cũng về ngoài đó mà chết. Để được chôn gần ông.
Tôi không biết nên trả lời sao. Đành chỉ vuốt ve mái tóc bạc của bà mà nói:
- Bà ở đây để ba con săn sóc thuốc men. Ở ngoài đó đâu có thầy thuốc? Thầy thuốc cũng chạy đi tản cư hết.
Bà tôi lấy khăn lau nước mắt:
- Cũng có chớ. Họ tản cư vô Chí Thạnh. Cũng còn tiệm thuốc Bắc nơi Chí Thạnh.
- Nhưng ai đi mời thầy và đi bổ thuốc cho bà? Ở đây có bác sĩ kề bên và tiệm thuốc tây kề bên. Uống thuốc Bắc thì có ông thầy Nguyễn Học Sanh cũng ở kề bên.
Bà tôi im lặng.
Một hôm bà tôi gọi ba tôi lại:
- Tao chịu ở trong này nhưng khi trăm tuổi rồi thì tụi bay phải chở về chôn ở gần bên mộ ông.
Ba tôi ngần ngừ:
- Nếu tình hình yên ổn thì điều đó không khó. Chỉ sợ chiến tranh kiểu này thì không biết chừng nào yên.
Tình thế không yên đúng như lời ba tôi tiên đoán. Bà tôi từ trần vào giai đoạn sôi động nhất nên không ai trong gia đình tôi thắc mắc về việc có nên đưa linh cữu bà tôi về quê chôn cất hay không. Mọi người an lòng để bà tôi nằm ở nghĩa trang thành phố, dưới chân một ngọn núi không phải là ngọn núi A Man. Thoát ra sự ràng buộc của thân xác, chắc linh hồn của ông tôi và bà tôi có thể gặp gỡ nhau dễ dàng, thường xuyên, bất chấp những qui luật thiên nhiên và xã hội.
Như vậy là tôi bị đứt hết những ràng buộc với quê hương tôi, ngoại trừ ngôi nhà bị tàn phế, khu vườn bỏ hoang và những kỷ niệm. Ngồi trong chiếc xe lao đi vun vút, tôi cảm thấy mình nghèo nàn đến cùng cực, bơ vơ đến buốt nhức. Giữa lúc đó tôi mới nhận chân sâu xa rằng quê hương là cái gia tài của mỗi con người, mọi người đều bình đẳng trong sự thụ hưởng cái gia tài ấy.
Buổi chiều tôi trở về thành phố kể lại cho ba tôi nghe cuộc viếng thăm bất ngờ. Ba tôi ngồi im lặng châm liên tiếp hai điếu thuốc lá. Khi tôi dứt lời, ba tôi nói:
- Ba biết tình trạng của ngôi nhà mình. Những cánh cửa bị tháo gỡ trước. Những cây đòn tay, những cây kèo và rui mè bị gỡ tiếp theo. Sau đó họ cạy những tấm ván lót rầm. Cuối cùng là cạy các khung cửa.
Ba tôi ngưng lại một lát.
- Hiện giờ cây táo nhơn mọc đầy sân, sân trước và sân sau. Nhiều cây vông đồng cũng thi đua nhau mọc.
- Còn những cây chuối, cây cam dưới vườn?
- Quân đội "quốc gia" đã khai quang.
- Những bụi tre?
- Thân tre thì chặt để rào ấp chiến lược. Gốc tre thì dân chúng lắc đem về đun bếp. Điều đáng phiền muộn là thiếu những bụi tre rễ tre đó nước trên nguồn tràn xuống xoi mòn lở dần doi đất phù sa tạo nên thành hang hốc ở dưới và đất sụp đổ lần hồi.
- Có cách nào để ngăn chặn sự tàn phá?
- Lại phải. trồng lại những gốc tre, những bụi tre. Diện tích đất bị xoi lở bị mất đi thì phải coi như mất vĩnh viễn. Chỉ có thể bảo vệ phần còn sót lại. Và một cách khó khăn.
- Việc tu bổ lại ngôi nhà chắc khô ng khó.
- Tưởng vậy! Ngày xưa ông con có tật làm cái gì cũng đồ sộ kiên cố. Nhà trên, nhà dưới, nhà ngang, lẫm lúa, nhà bếp, nhà kho... muốn tu bổ lại bao nhiêu cơ sở đó, số tiền không phải là nhỏ. Xi măng bữa nay đã lên ba ngàn tám trăm đồng một bao rồi. Sẽ tới một ngày mà giá một viên ngói sẽ là số giấy bạc một đồng xếp bằng thể tích của nó.
Đêm ở ngoài trời đen như cái viễn tượng ba tôi vừa phác họa. Ba bổng ngập Ngừng:
- Chiến tranh kéo dài, ai cũng mong hòa bình. Bỏ nhà cửa chạy tản cư người ta càng mong hòa bình hơn. Nhưng khi hòa bình thật sự đến, người tản cư sẽ cụng đầu vào một trái núi khốn khó, đó là việc xây cất lại nhà cửa. Chẳng lẽ chỉ che một cái chòi tranh nhỏ. Còn lời dị nghị khen chê của kẻ đồng hương nữa. Cho nên nhất định là hiện giờ có người đang chui rúc ở thành phố, vừa nuốt cái khổ hiện tại, vừa nếm trước cái vị đắng cay khi nghĩ đến một ngày mình trở về ngôi nhà cũ.
- Nhưng chẳng lẽ bỏ quê đi luôn?
- Cố nhiên. Chính vì vậy mới phải nếm đắng cay.
Đêm vẫn đen ở ngoài trời. Sao cuộc đời đến thế hệ ba tôi và thế hệ tôi lại rối rắm khó khăn như vậy? Muốn yêu một quê hương cũng không phải dễ. Sao không thong thả như con chim bay về cái ổ của nó?
Đêm đã khuya, ba tôi ra dấu hiệu chia tay đi nghỉ. Tôi về phòng tôi nhưng trí óc cứ lãng đãng ở bụi chuối, bờ tre, cây cam, cây khế. Bỗng tôi nhớ có đọc nơi một quyển sách nào đó người ta khám phá ra rằng thảo mộc cũng biết xúc cảm, tuy với một trình độ thô sơ. Cái lá biết rung động khi có người mân mê săn sóc. Tôi tự hỏi biết đâu vào giờ này cây bưởi mọc ở vại nước hay cây khế chi chít trái rung rinh, hay bụi chuối hay thân cau còn sót lại sau mấy vụ khai quang chẳng đang ngẩn ngơ nghĩ đến tôi, nhắc thầm đến tôi, tôi, con bé đi biệt tăm đã năm sáu năm nay không hề trở lại, con bé mới ngày nào cầm tay ông nó thẩn thơ đi dưới bóng lá cây xanh.