Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Từ chỗ ngồi trong vườn của quán cà phê, tôi có thể nhìn thấy Đập Đá ẩn hiện sau khóm tre xanh viền quanh bến nước. Chiếc “cầu” đá bắt qua con sông Như Ý hiền hoà là lối về quê ngoại quen thuộc của tôi ngày xưa. Buổi chiều tháng năm ở Huế, trời nóng oi ả, thỉnh thoảng có một chút gió từ sông bay lên, thật nhẹ, làm mắt tôi ríu lại. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng xe cộ chạy nườm nượp ở ngoài kia, như từ một thế giới thật xa xôi, pha lẫn với tiếng ve kêu râm ran, tiếng bầy sẻ gọi nhau ríu rít trong sân nhà. Giật mình mở mắt, trong một giây phút ngắn, tôi quên, không biết mình đang ở đâu. Tôi nhìn qua bên cạnh, Tuyết, người bạn thân của thời trung học ở ĐK, đang ngồi im lặng nhìn ra sông vắng, mắt duỗi theo chiếc thuyền con trôi lửng giữa dòng.

Hai năm trước, trong chuyến đi về VN đầu tiên, tôi gặp lại Tuyết ở Saigon, sau hơn ba mươi năm xa cách. Thời gian về quê lần đó ngắn ngủi, với bao nhiêu công việc của gia đình phải làm, tôi hẹn Tuyết, sẽ dành một ít ngày trong chuyến tới, về lại thành phố cũ, để đi với nhau trên những con đường của ngày xưa. Lời hẹn năm đó, giờ đã thành hiện thực. Để chuẩn bị cho chuyến đi Huế ngày hôm nay, hai đứa tôi đã chạy ra chợ Bến Thành tìm mua lụa để may áo dài. Cầm chiếc áo tím trên tay, nghĩ đến dự định của ngày sắp đến, hai đứa cười khúc khích như trẻ con.

Tuyết về thăm và ở lại với mẹ tại căn nhà của bà ở Vỹ Dạ. Tôi mướn khách sạn, nhỏ nhưng vừa mới được sửa sang lại, trong con hẻm của đường Nguyễn Công Trứ. Ngày trước tôi vẫn thường đạp xe đi loanh quanh khu Chợ Cống này, nhưng bây giờ thay đổi và xa lạ quá. Nhà cửa san sát bên nhau, tràn ra mặt đường. Những khu vườn rộng, đầy cây trái của ngày xưa, bây giờ đã nhường chỗ cho các quán ăn bán món Huế: bánh nậm, bánh bèo, bún bò, cơm hến, đủ thứ cả. Những người du khách tóc màu lúa mì lên xuống trên đường, đông như ngày hội. Một thanh niên chạy xe cyclo, cứ đi theo mời mọc, mặc dù tôi đã lắc đầu từ chối. Tôi đang thèm được ngồi trên chiếc xe đạp, như những buổi chiều năm xưa, sau cơn mưa giông mùa hạ, đạp xuống nhà Tuyết để rủ hắn qua cồn, ăn chè bắp non mới hái. Tôi nhớ con đường về Vỹ Dạ ngày trước thật vắng người, một mình tôi với chiếc xe màu xanh ngọc, hai bánh quay tròn trên mặt đường nhựa óng ánh, khi nắng vàng hanh đã trở lại trên hàng cau cao vút, và cơn gió nào thoảng nhẹ, đem lại mùi đất nồng nàn...

Buổi sáng mới bảy giờ, mặt trời đã lên cao, và cơn nóng đến ồ ạt, nặng nề. Như đã hẹn, Tuyết đón tôi ở khách sạn và hai đứa tôi chạy xe lên ngôi trường của thời con gái. Trường vắng hoe không một bóng người. Mấy cây phượng lớn trong sân đang ra hoa đỏ thắm. Hai dãy lầu dài chạy song song, quét một màu vôi hồng tươi thắm với những cửa sổ màu nâu sẩm, khép kín. Nhớ những ngày xưa, đứng bên khung cửa, trên lầu cao, nhìn xuống sân trường, mảnh đất vuông đó đã có lần giữ những nấm mồ, chôn vội sau biến cố Mậu Thân. Bây giờ thì chỉ còn cỏ xanh mướt, với những con chim sẻ nâu nho nhỏ đang bay nhảy, từ sân lên những tàng cây có thân lớn quét vôi trắng.

“ Phía bên ngoài nhiều mưa hay nắng
Chim chóc có cười bay theo những hàng cây
Chàng đi qua đó, chàng về ngang đây
Có nhìn ra em, sân trường nhỏ buồn này
Phía bên ngoài làm sao chàng biết được
Áo trắng, tóc nâu và mắt nai buồn ướt...”

Tự nhiên mà hai đứa cùng nhớ một bài thơ đăng ở tờ báo Tuổi Ngọc ngày nào. Có phải tác giả là một người con gái với bút hiệu thật dễ thương - Nguyễn Mây Thu - không?
Chúng tôi ngồi xuống trên chiếc ghế đá màu xám tro, nhìn ra con đường lớn, nhớ lại mỗi chiều tan học ngày xưa, với hàng loạt áo dài bay tung tăng như bươm bướm:

“Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá
Không biết là mưa hay nắng đây?”
(Vẫn Vơ của Nguyễn Bính)

Nhớ khuôn mặt của các anh học trò, đứng bên lề, hay chạy xe, ngẩn ngơ nhìn theo, có lẽ đang tự nhủ thầm: “Đã quyết không, không... được một ngày...”

Cơn nóng đi theo chúng tôi vào công viên trước mặt trường. Mồ hôi chảy dài, thấm vào lưng áo lụa, nhưng hai đứa vẫn tung tăng đến cạnh bờ sông, như ngày xưa, vẫn thường đứng nhìn dòng nước trôi nhẹ nhàng, trong những giờ đầu không có lớp học. Giàn hoa giấy bên cạnh đài Chiến Sĩ Trận Vong đơm hoa tím dày đặc. Đó là hàng rào “biên giới” của bầy con gái chúng tôi ngày nào, không bao giờ bước qua bên kia, địa phận của mấy cậu con trai QH.

Từ cái bến cũ gần căn nhà (nay không còn nữa) của gia đình tôi đến cầu Trường Tiền là con đường nhỏ, ngày trước đầy hoa hổ ngươi, nhưng nay đã được lát gạch, sạch sẽ. Chúng tôi ngừng xe, thả bộ một quãng ngắn, qua công viên Tứ tượng. Cây phượng cuối đường, ở ngay chân cầu, thả cành hoa đỏ thắm xuống trên mặt nước trong xanh, phản chiếu nhịp cầu cong như chiếc lược trên tóc nàng tiểu thư của Huế xưa. Sau lưng chúng tôi, bên kia đường là khách sạn Morin, ngày trước là Đại Học Văn Khoa, ngôi trường đã chứa chấp tôi trong một thời gian rất ngắn. Tôi nhớ những buổi chiều học xong, đi bộ từ lớp qua phố, qua mấy nhịp cầu, áo dài tím tung bay trong gió, diễn lại hình ảnh trong một bài hát viết riêng cho Huế.

Hôm nay đứng ở đây, bên cạnh giòng sông “huyền thoại” đó, giữa thành phố đang nóng hừng như một lò lửa, với tà áo tím ướt đẫm mồ hôi:

“...Người áo tím qua cầu
Tà áo tím phai màu...”

...chúng tôi tìm lại một thời đã mất, một thời “khi những giấc mơ được giữ rất gần bên gối, khi đời sống vẫn còn ngọt ngào, và tình yêu chỉ là những mảnh than hồng âm ỉ cháy”(🌸), tìm lại một thời làm con gái Huế dịu dàng và dễ thương như chiếc áo dài lụa tơ tằm mặc đi học mỗi ngày.

❤️ viết cho một lần về thăm Huế với Tuyết.

Footnote:
(🌸) lời của bài hát có tên “Try to Remember” trong nhạc kịch “The Fantasticks”.
ĐI TÌM MỘT THỜI ĐÃ MẤT
Chín bốn & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu