ĐỊA TRUNG HẢI VIỄN DU
Phần một: Hyeres-Rome
Trần Đức Thái
Chuyến tàu cao tốc (TGV) đã đưa tôi rời Paris để về miền cực nam của Pháp. Tôi dừng chân và lưu lại tại Hyeres một tuần vào kỳ nghỉ hè năm 1996 để thực hiện một cuộc lãng du dọc theo bờ biển Địa Trung Hải như một phượt thủ thời nay. Ngày đầu tiên nơi xứ lạ này, tôi đã vượt biển ra đảo Porqueroles-một hòn đảo nhỏ, còn hoang sơ, nhiều rừng cây, mõm đá chen nhau với bãi biển cát trắng mịn màng, nước trong xanh, ấm áp rất hấp dẫn cho du khách đến đây tắm biển, nhất là các cô gái Tây tuổi mười tám đôi mươi tha hồ khoe sắc nước hương trời.
Bãi biển Porqueroles (Hình mượn trên Internet)
Với chiếc xe đạp thuê trên đảo, tôi đi khám phá khắp hang cùng ngõ hẻm, lên tận trên đỉnh Porqueroles chiêm ngưỡng ngọn hải đăng hùng vỹ soi bóng cho tàu thuyền qua lại. Tôi đã trải qua một ngày sống với thiên nhiên và biển cả thật tuyệt vời.
Đảo Porqueroles (1996)
Những ngày tiếp theo, tôi đi lang thang khắp thành phố Hyeres, tắm biển, xem đua thuyền buồm, trượt ski nautique mà cứ nghĩ về quê hương biết bao giờ dân mình có được cuộc sống như bên này.
Ngày cuối của kỳ nghỉ, tôi theo chuyến xe bus đi thăm Nice-thành phố du lịch lớn của Pháp được mệnh danh là nữ hoàng của vùng Côte d"Azur và đi thăm vương quốc Monaco.
Đến với thành phố cảng biển xinh đẹp và hiền hòa Nice, tôi thật sự đã bị thu hút bởi cuộc sống yên bình và khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp tại nơi đây, nhiều nét kiến trúc độc đáo với những tòa nhà cổ kính được xây dựng trên sườn đồi trông ra biển khơi, những con đường nhỏ ngoằn ngoèo nằm trong phố cổ, bờ biển xanh xanh trải dài với nhiều đá cuội. Tại đây tôi đã đi thăm Aquarium, đây cũng là lần đầu tiên tôi biết Aquarium là gì, ở đó nuôi nhiều loại thủy sản rất đẹp, lạ mắt.
Trên Viện Aquarium. Dưới TP Nice (1996)
Rời Nice, xe thẳng tiến về công quốc Monaco-một quốc gia nhỏ nằm trong nước Pháp, chỉ có một mặt giáp biển. Nhiều du khách đến đây để chờ xem màn đổi lính gác, tôi cũng là một trong những du khách đó. Monaco, không cách xa Ý bao nhiêu, nhưng tôi đã không có cơ hội để đi thăm nước Ý, thăm thủ đô La Mã với nhiều huyền thoại, thăm Venise, thành phố của tình yêu và kênh nước, tôi đành phải lỡ hẹn.
Lính đổi gát tại Monaco (1996)
Trở về Paris cùng một lời hứa với chiếc Botte của Địa Trung Hải rằng tôi sẽ đến thăm đất nước này vào một ngày đẹp trời chưa báo trước. Thời gian trôi đi, bánh xe lãng tử vẫn quay đưa tôi lang thang khắp đó đây nhưng chưa một lần trở lại bờ biển Địa Trung Hải.
Mãi đến 20 năm sau (2016), do duyên kỳ ngộ mà chúng tôi được Công ty Tầm Nhìn Mục Tiêu Việt Nam (Vina Vistra) ở TP HCM và Kính thuốc Quang Optic Đà Nẵng tài trợ cho Kính thuốc Phương Optic Huế, thì bánh xe lãng tử ấy mới có cơ hội dừng chân trên đất nước của thiên tài Leonard de Vinci. Trong chuyến viễn du này công ty Vina Vistra cũng tài trợ cho một số lượng lớn du khách trên 70 người đến từ Hải Phòng, Hà Nội, một số tỉnh miền Trung, Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Nam đến tận Hà Tiên và đất mũi Cà Mâu. Thật là một cuộc hạnh ngộ kỳ thú của ba miền mười khuôn mặt. Phần lớn du khách thuộc thành phần kinh doanh kính thuốc, một số bác sỹ nhãn khoa, khúc xạ học. Tuổi nhỏ nhất của đoàn là cô bé con xinh xắn vừa lên 6, lớn nhất là bà cụ 81 đã từng đi đó đây, phần lớn còn lại đều nằm trong độ tuổi lao động, kinh doanh tốt.
Công ty TST tourist do hai nam hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình, giàu kinh nghiệm, am hiểu về lịch sử, xã hội, phong tục tập quán xứ người và có khả năng tiếng Anh tốt đã đưa đoàn hành hương của chúng tôi về miền đất Thánh, cái nôi của Đạo Công Giáo rất là lý thú. Bên cạnh đó TST và VINA-VISTRA còn tặng cho mỗi thành viên một tập tài liệu rất hữu ích về những thông tin cần thiết cho chuyến đi Italy.
Tài liệu thông tin cần thiết
TST đã chọn Thai Airways làm đường bay mang chúng tôi về La Mã, hai đoàn Bắc-Nam gặp nhau ở Bangkok, cùng lên con đại bàng TG944, đã lướt gió trong đêm đen cho đến tờ mờ sáng 24/10/2016, con chim khổng lồ này đã hạ cánh an toàn đưa chúng tôi đến Thành Rome thủ đô của nước Ý.
Trong cái tiết trời se lạnh mùa thu, vào một buổi sáng tinh mơ ở Rome, nhìn từng đoàn người lũ lượt check out ra khỏi phi trường, từng đoàn xe nườm nượp trên cao có, dưới thấp có đã khiến tôi hoài niệm lại 24 năm xưa (1992) khi lần đầu tiên xuất ngoại đặt chân đến châu Âu. Cũng cái không khí này, cảnh tượng ấy của phi trường Charle De Gaulle, Paris, nhưng tâm trạng lần này thì hoàn toàn không lo âu, sợ sệt, không lạ lẫm, không đến đây đất nước lạ lùng, con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng lo, mà là tâm trạng của du khách đi du lịch, khám phá…
Ra khỏi phi trường, hai chiếc xe bus đã chờ sẵn, chúng tôi lên hai xe theo hai HDV của TST, xe lăn bánh trực chỉ trung tâm La Mã. Thành Rome là một thành phố mang nhiều nét kiến trúc cổ kính, những tòa nhà với vách tường bằng đá, nhiều hoa văn, phù điêu, cửa sổ và cửa chính phần lớn là cửa lá sách, không thấy những công trình cao tầng hiện đại. La Mã vẫn mang dáng dấp của nền văn minh điêu khắc đá cổ xưa.
Xe thứ nhất đang băng nhanh trên đường cao tốc hướng về Rome
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là đấu trường La Mã (Colosseum) được xây dựng bởi Hoàng đế Vespasian vào khoảng năm 70 SCN. Nơi đây, xưa kia là điểm thi đấu của các võ sỹ giác đấu và nô lệ cho công chúng thưởng ngoạn. Việc đầu tiên của đoàn là chụp ảnh lưu niệm toàn đoàn, sau đó tự do đi tham quan. Vì không có nhiều thời gian, nên chúng tôi không vào bên trong mà chỉ đi ngắm cảnh bên ngoài thôi. Bên cạnh đấu trường cũng có Khải Hoàn Môn gần giống Khải Hoàn Môn ở Paris nhưng không bề thế bằng.
Ảnh lưu niệm toàn đoàn hành hương
Đấu trường La Mã và Khải hoàn
Rời Colosseum với bao luyến tiếc, chúng tôi phải lên đường đến thăm đài phun nước Trevi nổi tiếng với truyền thuyết ném đồng xu ngược lui sau lưng vào hồ nước để cầu nguyện cho ước mơ và hy vọng, do TST có nhã ý tặng cho toàn đoàn nên mọi thành viên đều có đồng xu để ném. Người người đông đúc chen chúc nhau, ai ai cũng cố tìm một vị trí đẹp để ném đồng xu cầu mong hạnh phúc.
Trên: Đài phun nước Trevi. Dưới: Thúy ném đồng xu cầu nguyện
Sau một tuần hành hương về đất Thánh tôi thấy lời cầu nguyện của toàn đoàn được Chúa ban phước lành thật sự. Mặc dầu di chuyển nhiều, nhưng không ai đau ốm gì cả, chuyến tham quan an toàn đi đến nơi về đến chốn, không một ai bị lầm đường lạc lối, cũng chẳng có ai mất mác gì đâu, mặc dầu đã có 2 thành viên nữ quên túi xách chứa đầy Euro, thẻ tín dụng tại nhà hàng khách sạn và một nam quên ví tiền dưới gối nằm nhưng đều tìm lại được.
Ngày trở về ai ai cũng hớn hở, vui tươi tay xách nách mang, có người ra sân bay Milan quyết tâm lấy lui Euro của Ý lên đến cả ngàn (hoàn thuế 10-15%). Vợ chồng tôi chỉ mang về vài món quà lưu niệm, tư liệu và một ít bánh kẹo, trái cây làm quà cho người thân. Riêng tôi còn mang về một món quà rất đặc biệt, bà xã tôi thì không, đó là hơn một cân cả thịt lẫn mỡ. Nghĩ lại cũng thật buồn cười, từ khi còn trẻ cho đến bây giờ cứ mỗi lần xuất dương khi về lại lên cân. Có khi lên hơn cả chục cân thịt là tùy thuộc thời gian lưu lại xứ người dài hay ngắn. Cơ thể mình nó vọng ngoại như thế đó, dễ nuôi lắm, cơm Tây, Tàu, Âu, Á, Mỹ, Úc gì cũng tốt hết.
Mặt trời đã ngã về Tây, anh chị em ơi đi ăn trưa thôi để chiều còn đi shopping nữa. Chúng tôi được ăn cơm nhà mình và đây cũng là bữa cơm Việt Nam duy nhất trong chuyến hành trình này. Chủ nhà hàng người Huế, quê ở gần chùa Thiên Mụ (Huế), họ qua Ý sinh sống cũng lâu rồi. Nhà hàng khá lịch sự, chung quanh cảnh vật nên thơ, xa chốn thị thành. Bữa ăn với cá tôm biển Địa Trung Hải tươi ngon, chúng tôi dân miền Trung đói hải sản nhiều tháng nay do hiểm họa Formosa nên tôi tha hồ thưởng thức thực phẩm biển một cách ngon lành.
Nhà hàng Việt Nam ở Rome
Sau bữa cơm trưa đậm tình quê hương, mọi người lại tiếp tục vui vẻ lên đường hướng về outlet. Mặc dầu, tôi thích đi khám phá phong cảnh hơn là đi siêu thị, nhưng thôi thì người đi tớ cũng đi. Một buổi chiều tại đây, người ta mua sắm nhiều lắm, còn tôi chỉ cỡi ngựa xem hoa. Outlet một tầng, được xây dựng theo kiểu như chợ Bến Thành ở Việt Nam, đi loanh quanh rồi trở về chốn cũ, sạch sẽ, đẹp, nhiều hàng hóa, mẫu mã, nhưng khách hàng không đông lắm có lẽ vì hôm đó chưa phải cuối tuần. Tham quan một hồi nhưng vẫn chưa đến giờ tập trung, chúng tôi không biết làm gì để giết thời gian, mới nghĩ ra một cách là đi “kéo ghế”, vào nhà hàng mua một hộp kem lạnh hỗn hợp mang ra giữa sân ngồi trên chiếc ghế, đôi tình nhân cùng ăn cho đượm tình già. Kem thơm, ngon, ngọt ngào đầy bản sắc Ý, ăn gần xong ly kem bỗng nhiên nhìn xuống dưới ghế thấy hố thoát nước cống, Thúy nhìn tôi tỏ vẻ bất ngờ, lạ thiệt không thấy có mùi hôi gì hết, nước cống xứ người là như thế đó.
Outlet ở ngoại ô Rome
Ánh tà dương đang dần dần buông xuống, anh chị em ơi về đi thôi kẻo cái bụng đang biểu tình. Sau bữa cơm tối đầu tiên trên đất Ý, chúng tôi về khách sạn, không cần cao sang, miễn có chăn ấm gối êm, ngủ say là tốt, bởi vì khách sạn chỉ là quán trọ cho người lữ khách qua đêm mà thôi. Theo thói quen mỗi buổi sáng tôi dậy sớm đi cà phê sáng với các bạn già bên dòng sông Hương quê tôi, hôm đó cũng vậy, ngoài trời tờ tờ sáng, người tình trăm năm vẫn đang say sưa với giấc mộng vàng, tôi rón rén rời khỏi giường, ra ngoài khách sạn, hít thở không khí trong lành, gió bên thềm hiu hiu thổi, những chiếc lá thu vàng rơi trên bãi cỏ xanh long lanh những hạt sương mai dưới ánh đèn màu. Tôi lang thang trong cái se lạnh mùa thu đất Thánh mà nhớ về mùa thu Paris, Bruxelles, mùa đông giá lạnh của một lần vượt vòng đai bắc cực ở Lapland (Phần Lan), nhớ mùa xuân ấm áp ở Niagara falls, ở San Francisco, nhớ mùa hè xanh lơ, đầy ánh mắt ở biển đảo Hạ Uy Di (Hawaii) thơ mộng… Ôi nhớ lắm, nhớ những vùng đất xa lạ mà tôi may mắn để lại dấu chân.
Những vùng đất xa lạ-thân quen
Giờ lên đường đã điểm, đoàn hành hương đã check-out náo nức lên xe chờ lăn bánh. Từ giã KS Holiday Inn nhé, hai xe du lịch đang hướng về đất nước nhỏ nhất thế giới, dân số chỉ vài trăm người, nằm gọn trong thủ đô Rome, nhưng lại đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Hình như xe đang chạy chậm, phóng tầm mắt ra ngoài, phố xá thành Rome đều cổ kính, thỉnh thoảng lại có từng nhóm công an, quân đội oai phong lẫm liệt, súng ống cầm sẵn trên tay, có lẽ họ đang giữ gìn an ninh cho chúng tôi đi hành hương chăng? Đang nghĩ bâng quơ mà thành Va. đã hiện ra trước mắt.
Lực lượng giữ gìn an ninh ở Rome
Trước khi xuống xe, HDV dặn dò rất kĩ nào là không được mang hành lý cồng kềnh vì qua cổng an ninh người ta sẽ giữ lại, chúng ta vào một cửa mà ra cửa khác nên không nhận lại được hành lý ký gởi (ví như vào cửa đông mà ra cửa tây), không được nói to, HDV không được cầm cờ, cố gắng giữ đội hình nhìn người đi trước, mỗi đoàn viên phải đội mũ của TST để nhận ra nhau, chỉ được nghe HDV qua tai nghe mà không nói lại, nếu các thành viên không tôn trọng lạc lối không biết đường về, thì chịu khó đón tàu đi về thành phố Florence tối nay nhé. Chúng tôi nghe răm rắp, bản thân tôi đi tham quan, du lịch khá nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên nghe những lời dặn dò khá nghiêm túc như vậy. Tôi chẳng mang gì nhiều ngoài chai nước, máy ảnh và chân máy ảnh (tripod).
Mặc dầu, khởi hành khá sớm, nhưng khi đến Vatican du khách xếp hàng khá dài, chúng tôi mang đai, đội mũ nối đuôi và theo lệnh của HDV như là chỉ huy trưởng trong quân đội (quân lệnh như sơn, sinh hoạt tập thể phải như thế mới được chứ). Phút chốc, đoàn đã đến cửa thành, tại đây có hai HDV người nước ngoài một nam và người kia là nữ đang chờ, họ phát cho mỗi thành viên tai nghe và máy đàm ai nấy đều mang vào cổ, thử tai nghe có rõ không? Và nhận vé/16 Euro có mã vạch đi theo 4 HDV (2 VN và 2 Ý) vào cửa phải qua hàng rào an ninh hơn qua phi trường. Đoàn của chúng tôi, ai cũng qua được, riêng tôi bị giữ lại vì cái tripod (tôi đã mang từ VN qua Ý theo hàng xách tay không sao cả), mặc dầu đã được hai HDV Ý can thiệp, nhưng không hiệu quả. Thôi thì đành phải chia ly, dù đã nhiều năm cùng chủ có mặt trên từng cây số đành phải ở lại thành Va. để cho chủ tiếp tục theo kiếp giang hồ. Nhưng đã chung thủy rồi thì không thể chia tay phủ phàng kẻ ở người đi như vậy được, hình như tripod đang buồn làm động lòng hai 2 HDV Ý, cuối cùng nữ HDV Ý đã không đi theo đoàn, chấp nhận hướng dẫn tripod đi du lịch ngoại thành và gặp lại chủ của nó ở cửa bên kia, lại cùng nhau chu du đó đây, chủ và tớ xin cám ơn các HDV Ý tốt bụng.
Vé vào viện bảo tàng
Vatican vừa là một thành phố có tường thành bằng gạch cao bao quanh và cũng là một quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, diện tích 44 hecta (0,44km2), dân số khoảng 840 người, nằm gọn trong thủ đô Rome của Ý. Vatican là một quần thể có nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật, viện bảo tàng trưng bày rất nhiều tác phẩm lừng danh trên thế giới. Năm 1984,Vatican được UNESCO công nhận là di sản của thế giới.
Do thời gian có hạn, ở đất nước Vatican chúng tôi chỉ được tham quan viện bảo tàng Vatican, nơi trung bày nhiều hiện vật quý giá được sưu tầm từ Giáo hội Công Giáo La Mã. Tiếp đến thăm nhà nguyện Sistine nơi Hội đồng Hồng Y bầu chọn tân Giáo Hoàng, khi vào nhà nguyện không được chụp hình và phải bỏ nón mũ ra. Cuối cùng tham quan Đại thánh đường và quảng trường Thánh Peter, đây là nơi Đức Giáo Hoàng thường gặp các giáo dân.
Du khách tham quan thành Va. đông như kiến, chen chân không lọt, ai ai cũng chỉ ngắm tranh, nhìn tượng, chụp ảnh, chẳng ai có thời gian để suy gẫm, lâu lâu tôi lại nhìn nhóm mũ gạch của mình đâu rồi không thì lạc bầy mất thôi. Khi ra quảng trường Thánh Peter hơi có chút không khí để thở, có chỗ dừng chân, giải lao, chụp ảnh, chờ đợi những người khách cuối cùng của đoàn, chia tay 2 HDV địa phương, lên đường đi ăn trưa và tiếp tục hành trình đến Florence ở về phía bắc cách Rome gần 300km.
Đường vào Vatican
Du khách thăm viện bảo tàng Vatican
Vài tranh và tượng trong viện bảo tàng Vatican
Đại thánh đường Peter
Quảng trường Thánh Peter
Rời thành Va. với bao tiếc nuối, không diện kiến được với Đức Giáo Hoàng dù chỉ qua khung cửa sổ. Xe đưa chúng tôi đi qua những con phố cổ, tôi chuyển máy ảnh sang chế độ chụp thể thao ghi nhanh phong cảnh của thành Rome, để rồi từ giã La Mã mà không biết bao giờ trở lại, hy vọng trái đất vẫn tròn chúng mình vẫn còn cơ hội gặp nhau. Xe dừng tại bãi đỗ, chúng tôi cùng nhau đến một nhà hàng Thái lúc này đồng hồ đã điểm 13 giờ chiều.
Rome (Chụp nhanh khi xe di chuyển)
Rời thành Rome, xe băng nhanh ra xa lộ, đường cao tốc ở La mã không nhiều tầng, lớp như ở Mỹ, tốc độ không nhanh như bên Đức, xe chạy rất êm ái đã ru anh chị em vào giấc ngủ bình yên.
Tôi không ngủ được, ngồi ngắm cảnh đẹp hai bên xa lộ, nghĩ về đấu trường La Mã, những tòa lâu đài cổ xưa mà lòng cứ hoài niệm về những phim giác đấu, người nô lệ nổi dậy của một Spartacus, của con trai Spartacus...
Nghĩ về Rome, tôi nhớ về nữ tài tử lừng danh một thời, Sophia Loren là người Ý sinh năm 1934 tại Rome hiện tại vẫn yêu đời đang tuổi 82 đã cùng với nam tài tử Charlton Heston (1923-2008) người Mỹ đóng vai chính trong phim Le Cid do Mỹ dựng thành phim vào năm 1961, phỏng theo vỡ kịch cùng tên của Pierre Corneille (1604-1684) nhà viết kịch nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ 17. Phim được chiếu rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành của miền Nam trước 1975. Tác phẩm Le Cid cũng được học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) dịch ra tiếng Việt in trên tạp chí Nam Phong vào năm 1932 với nhan đề là Tuồng Lôi Xích.
Sophia Loren và Charlton Heston (mượn Internet)
Program phim Le Cid (tư liệu của tác giả trước 1975
Xe băng băng trên dặm đường trường làm cho tôi ngày càng xa Rome, nhưng trong đầu vẫn hiện ra một La Mã cổ kính, kiến trúc phố xá, lâu đài mang đậm dáng dấp xưa..., làm tôi nhớ đến một kiến trúc sư người Việt Nam đã từng đoạt giải Khôi Nguyên La Mã năm 1955 (Premier Grand Prix de Rome in Architecture). Đó là Ngô Viết Thụ (1927-2000), người con của Huế, gốc huyện Hương Thủy cùng quê tôi. Ông là KTS nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài và đã để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị như Chợ Đà Lạt, Viện Nguyên tử Đà Lạt, Đại học Y Khoa Sài Gòn, Nhà thờ Phủ Cam (Huế), Đại học Sư Phạm Huế... Nổi nhất là Dinh Độc Lập (nơi làm việc của các Tổng Thống miền Nam), nay là Dinh Thống Nhất, điểm du lịch nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh.
Dinh Thống Nhất và KTS Ngô Viết Thụ (Ảnh của KTS Ngô Viết Nam Sơn, con trai của KTS Ngô Viết Thụ)
Về mặt nghệ thuật với những bức tranh tuyệt vời trong viện bảo tàng Vatican, gợi tôi nhớ đến anh Vĩnh Phối, học mỹ thuật ở Rome, một trong những người bạn cà phê sáng của tôi trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, bên dòng Hương Giang thơ mộng của đất thần kinh. Họa sỹ Vĩnh Phối đã là 80, cũng là người con của Huế, đã từng là Hiệu Trưởng Đại học Nghệ Thuật Huế và cũng để lại cho đời biết bao tác phẩm nghệ thuật ghi tên anh.
HS Vĩnh Phối (Hình mượn từ Internet)
Anh Vĩnh Phối và bạn bè uống cà phê sáng bên bờ sông Hương
Xe lao nhanh trên đường cao tốc, nhưng vẫn êm ả đã ru tôi vào giấc ngủ mơ về quê mẹ. Nơi đó là kinh đô xưa của đất nước tôi, cũng có thành quách lâu đài tráng lệ, cũng có chùa chiền cổ kính, lăng tẩm thơ mộng của các vị vua Nguyễn..., có sông Hương, núi Ngự. Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Đại Nội nằm trong Kinh thành Huế có diện tích # 0,36 km2 gần bằng tổng diện tích của Vatican. Đại Nội là trung tâm hành chánh, chính trị của triều đình Nguyễn và là nơi sinh hoạt của nhà vua và hoàng gia. Đại Nội có hàng trăm công trình kiến trúc mang đậm dáng dấp văn hóa Đông phương của nền văn minh gỗ, gạch, ngói... Mặc dầu những kiến trúc này đã bị hủy hoại nhiều bởi chiến tranh và thời gian, tuy thế đến nay, Đại Nội đã trùng tu lại khá nhiều công trình kiến trúc như xưa, nhưng tôi không rõ hằng năm có đón được hàng triệu khách du lịch như Vatican hay không?
Đại Nội, Kinh đô Huế
(Xin mời xem tiếp phần hai)
Trần Đức Thái
Mùa thu năm Bính Thân (2016)