ĐỊA TRUNG HẢI VIỄN DU
Phần hai: Florence-Pisa-Venise
Trần Đức Thái
Đoàn hành hương về đến Florence trời đã nhá nhem tối, phố xá lên đèn tự bao giờ, sau bữa ăn thuần Ý trong khách sạn, chúng tôi về phòng, đánh một giấc ngủ ngon lành. Sáng hôm sau tôi vẫn dậy sớm để hưởng chút hương vị mùa thu tại đây. Florence đã sang thu, sương xuống lạnh, lá vàng rơi nhiều, cây cối cũng chuyển sang màu thu vàng, rất thơ mộng.
Phố thu ở Florence
Florence chỉ là một thành phố nhỏ, cổ kính đã được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 1982. Xe du lịch không vào trong trung tâm, nên chúng tôi có cơ hội rảo bộ qua từng con phố để đến điểm tham quan. Đường phố hẹp, có phố lát đá như nhiều thành phố cổ khác ở châu Âu, nhà cửa xưa, thuần túy, không thấy đan xen những khu nhà kiểu mới, xe cộ xếp hàng đúng quy định nên không ảnh hưởng giao thông công cộng. Ở Florence cũng như nhiều TP khác của Ý, người dân đi mô tô và xe đạp rất nhiều, nhưng đặc biệt không thấy xe đạp điện như bên xứ An Nam mình.
Những con phố hẹp ở Florence
Trước tiên đoàn chúng tôi đến chiêm ngưỡng Thánh đường Santa Maria, được xây dựng vào cuối thế kỷ13. Đây là thánh đường lớn nhất Florence, nhưng lại không có khuôn viên rộng nên khó lòng có được bức ảnh đẹp.
Thánh đường Santa Maria
Rời Thánh đường đoàn lũ lượt đến Quảng trường Michelangelo, tôi choáng ngợp khi thấy lượng du khách tham quan rất đông, ước gì quê hương tôi cũng có lượng khách du lịch đông đúc như thế. Trên quảng trường này cũng có nhà thờ và rất nhiều tượng đá, tượng đồng, trong đó có tượng chàng David nổi tiếng của Michelangelo (1475-1564) nhà điêu khắc-họa sỹ-nhà thơ kiêm luôn KTS và kỹ sư lừng danh của Ý thời Trung Cổ-Phục Hưng cùng thời và là bạn của Leonarde de Vinci.
Quảng trường Michelangelo
Tượng ở quảng trường Michelangelo, tượng David (ở trên giữa)
Thưởng thức kem Ý
Đoàn hành hương của chúng tôi đang trò chuyện và say sưa với kem Ý vừa ngon, ngọt lại vừa thơm, còn tôi đi lang thang khám phá, tình cờ nhìn lên chiếc đồng hồ lớn đang chạy ở mặt trước tháp chuông, đồng hồ chỉ có một kim giờ mà thôi, các chữ số La Mã đánh từ 1 đến 12 theo kiểu ly tâm, riêng 4 La Mã là IIII chứ không như cách chúng ta thường viết IV. Mãi mê với chiếc đồng hồ này làm tôi hồi tưởng lại trong thời gian làm việc tại Pháp, tôi đã đến thăm Rouen (Pháp) vào một chiều thu 1996, và cũng được chiêm ngưỡng chiếc đồng hồ Gros-Horloge một kim đang chạy, nằm trên nhà vòm bắt qua con phố cùng tên. Đồng hồ ở Rouen được Jourdain Del Leche chế tạo năm 1389 vào cuối thời kỳ Trung Cổ. Tôi cũng không hiểu tại sao lại có sự giống nhau với chiếc đồng hồ ở đây như vậy.
Đồng hồ một kim ở Florence (Ý) và Rouen (Pháp)
Rời Quảng trường Michelangelo, chúng tôi đi dọc theo con sông Arno huyền thoại, sông được nối đôi bờ bằng những chiếc cầu cổ. Đặc biệt là cầu Ponte Vecchio (Cầu Cũ) cổ nhất châu Âu, được xây dựng từ năm 996 bằng đá vòm vào thời Trung Cổ, cầu chỉ dành riêng cho người đi bộ, có nhà trên cầu, xưa kia là những hàng thịt, nay được thay thế bằng những cửa hàng kim hoàn và đồ lưu niệm để bán cho du khách. Cầu này còn nổi tiếng là chiếc cầu tình nhân, những đôi nam nữ yêu nhau khắp thế giới đến đây mua ổ khóa, ghi tên hai người, khoá vào cầu, ném chìa khóa xuống sông Arno. Họ tin rằng làm như vậy sẽ giúp mối tình của họ bền vững trăm năm duyên đẹp, giống như cầu tình nhân ở Paris vậy.
Ponte Vecchio bắt qua sông Arno
Mặt trời đứng bóng, bụng cũng đã cồn cào, chúng tôi đành chia tay thành phố Florence đáng yêu để đi ăn trưa, tiếp tục hành trình thăm tháp nghiêng Pisa và tối nay phải có mặt ở Venise - Thành phố của những kênh đào mà tôi hằng mơ ước được đặt chân đến.
Bách bộ trên đường đến nhà hàng ăn trưa tôi ngạc nhiên khi thấy một bốt điện thoại vẫn còn tồn tại đang đứng cô đơn không ai vào gọi, làm tôi nhớ đến những ngày sống bên Pháp đầu thập niên 90, thường đến các bốt điện thoại công cọng, để gọi điện cho ai đó, nhất là gọi điện về thăm vợ con đang sống ở quê nhà. Paris, thời đó bốt điện thoại ở khắp mọi nơi, nhưng đôi khi cũng sắp hàng chờ đến phiên mình, nhất là chờ các cô đầm đang lên tay, múa ngón thao thao bất tận trong bốt điện thoại. Từ khi điện thoại di động xuất hiện trên trái đất này, thì người ta ít sử dụng phương tiện liên lạc công cộng nơi các điểm này và như thế các bốt điện thoại dần dần biến mất.
Trời chiều, bóng ngã về tây rồi, anh chị em ơi nhanh chân lên vì đường về Venise còn xa lắm (gần 400km), dù có xa bao nhiêu thì cũng ghé đến tháp nghiêng Pisa chỉ cách Florence 100 cây số. Xe băng băng trên dặm đường trường phút chốc mà tháp nghiêng khi ẩn, khi hiện dưới bầu trời xanh xanh.
Thời gian thăm Pisa chỉ một giờ thôi, mà quãng đường từ trạm đỗ xe ca đến tháp khá xa nên chúng tôi phải dùng tàu siêu tốc từ thời “Trung Cổ”. Đúng là Trung Cổ chạy cà giật cà tàng, thời gian đi về hết 20 phút, nói nhỏ một tý là thua xe điện đưa du khách trong kinh thành Huế, quê tôi.
Bốt điện thoại ở Florence (2016), Paris (1992)
Tàu đưa khách ở Pisa và xe điện đưa khách ở kinh thành Huế
Tháp nghiêng Pisa được khởi công xây dựng vào cuối thế kỷ 12, bằng đá cẩm thạch, ngay khi xây tầng thứ nhất đã có biểu hiện lún, nhưng nhờ những biện pháp địa kỹ thuật giữ cho tháp ổn đinh. Tháp được xây dựng qua 3 giai đoạn kéo dài trong thời gian khoảng 174 năm. Tháp nghiêng là tháp chuông nằm sau và trong quần thể của nhà thờ lớn nhất Pisa.
Chúng tôi không có nhiều thời gian tham quan tháp nghiêng nên chỉ đi quanh một vòng bên ngoài rồi tiếp tục lên đường hướng về Venise.
Tháp nghiêng Pisa
Trời chiều buông xuống, chúng tôi đến Venise khi phố xá đã lên đèn, vì qua đêm trong đất liền nên tôi chưa thấy Venise của những con kênh là gì, phải đợi đến sáng hôm sau, cùng nhau vượt biển ra đảo xa mới đến Venise, thành phố sông nước.
Theo truyền thuyết thì Venise được thành lập từ thế kỷ thứ V bởi những người La Mã chạy trốn người Goth. Xưa kia đây là vùng đầm lầy đã được con người góp công xây dựng nên những khu phố trên những hòn đảo độc đáo có một không hai ở thế gian này.
Thành phố trải rộng trên nhiều hòn đảo nhỏ, trong khu vực phá Venezia dọc theo biển Adriatic trông ra biển Địa Trung Hải ở miền đông bắc nước Ý.
Phố xá, nhà cửa, nhà thờ, đường sá, cầu cống... hầu như xây dựng, chung sống cùng với nước biển, chịu ảnh hưởng lên xuống của thủy triều, khi thủy triều lên cả Venise có thể bị ngập lụt. Lúc đến Venise, điểm tham quan đầu tiên là Vương cung thánh đường Thánh Marco, tôi tận mắt thấy nước biển dâng lên từ từ như dòng hải lưu tràn ngập sân của Thánh đường Marco. Tại đây, người ta đã bố trí những dãy bàn chắc chắn dùng làm lối đi cho du khách, nên thủy triều lên không ảnh hưởng đến khách tham quan mà còn tô thắm thêm vẽ đẹp của Venise đang từ từ chìm trong biển nước.
(Xin mời xem tiếp phần hai)
Trần Đức Thái
Mùa thu năm Bính Thân (2016)
Thủy triều đang lên ngập lối đi ở quảng trường, những chiếc bàn chắc chắn đang chuẩn bị lót thành đường đi cho du khách.
Nhìn cảnh Venise chìm dần xuống trong nước làm tôi nhớ đến tòa lâu đài-tu viện-pháo đài Mont Saint-Michel (vùng Mormandie-Pháp)-Một trong mười tòa lâu đài đẹp nhất thế giới. Khi thủy triều hạ là bán đảo có đường để đi đến M.S.M, đến lúc nước biển dâng lên nhà thờ trở thành ốc đảo trên biển Manche. Tôi có may mắn đặt chân đến đây hai lần (1993&1996) để chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt vời này, nhưng phải nhanh chân chạy về đất liền, nếu không kịp thì có thể trở thành tu sỹ của tu viện trên ốc đảo. Ngày nay Pháp đã xây dựng chiếc cầu gổ thuận tiện cho du khách tham quan tòa lâu đài Mont Sain Michel khi thủy triều dâng lên ngập lối đi.
Mont Saint-Michel (Pháp)-Hình tư liệu của tác giả và hình internet
Đường phố ở Venise hẹp, chằng chịt, băng qua những con kênh nhỏ bằng những cầu vòm (như dân Huế thường gọi là cống để chỉ những cầu vòm trong nội thành).
Những con hẽm hẹp ở Venise
Giao thông ở đây chủ yếu là đi bộ và đường thủy bằng thuyền, cano, tàu... Tôi không thấy một chiếc xe nào lưu thông dù là xe đạp.
Chúng tôi chỉ có một buổi sáng vừa di chuyển, ăn trưa, tham quan, đi thuyền Gondola để ngao du, nghe nhạc, thưởng thức tài nghệ lái thuyền của dân chèo ở đây.
Đoàn chúng tôi được chia thành từng nhóm nhỏ 4-8 thành viên lên những chiếc thuyền gondola, mỗi thuyền có một thuyền trưởng (lái thuyền) thiện nghệ đưa chúng tôi đi du ngoạn trên sông nước, mặc dầu không mặc áo phao bảo hộ, nhưng không ai mảy may lo lắng. Chúng tôi chỉ có một giờ lênh đênh trên kênh nước để thưởng ngoạn phong cảnh đặc sắc này. Nhà cửa đều cổ xưa, không cao lắm, xây dựng san sát nhau, có nhiều bức tường đã bị bào mòn bởi thời gian sóng vỗ làm lộ ra toàn gạch, đá, nằm sát bên bờ kênh. Phố xá ở đây cũng có cửa hàng, tiệm ăn, hướng mặt ra kênh, nhiều nhà có thuyền, cano neo đậu dọc theo bờ kênh, nước trong xanh, mát lạnh, tôi chú ý xem có rác thải trên mặt nước không? Nhưng hầu như không có một cọng rác. Phần lớn nhà cửa ở đây có hai mặt tiền, một mặt hướng ra đường nhỏ, mặt kia ra kênh. Trong suốt buổi du ngoạn, tôi không thấy con đường nào chạy dọc theo hai bờ kênh, mà chỉ thấy rất nhiều cầu vồng bắt qua kênh, vòm cầu không cao, mỗi lần thuyền vượt qua dưới cầu, người chèo thuyền phải khom lưng xuống. Chỉ một giờ thôi, mà chúng tôi vượt qua nhiều kênh, nhiều cầu vồng, có nhiều con kênh rất hẹp, thuyền chỉ đi một chiều? Cũng có nhiều chiếc gondola trang trí rất đẹp, lộng lẫy, thuộc hạng sang chỉ có hai ghế ngồi dành cho những đôi tình nhân rất đẹp đôi. Thời gian trôi qua nhanh, phút chốc mà thuyền đã cập bến, chúng tôi từ giã thuyền trưởng, lên bờ tiếp tục hành trình.
Thưởng ngoạn trên du thuyền Gondola
Venise còn có biết bao nhà thờ, thánh đường nhấp nhô trên biển cả, uy nghi giữa trời cao đất rộng thật là hữu tình thi vị mà tôi chưa có cơ hội tham quan và vào bên trong thánh đường để cầu nguyện xin Chúa ban phước lành.
Thánh đường tháp tròn và nhọn
Thánh đường tháp nhọn
Một buổi sáng đẹp trời ở Venise qua đi nhanh quá, chúng tôi không thể nào thưởng thức hết những vẻ đẹp thơ mộng của thành phố bên bờ những con kênh nước mặn độc đáo, thi vị này. Sau bữa ăn trưa tại một nhà hàng Ý bên bờ kênh với những món ăn đặc sắc địa phương, chúng tôi lên đường chia tay Venise xinh đẹp hướng về Milan, ra đi không quên hẹn ngày tái ngộ.
Xe băng nhanh trên đường cao tốc, hướng về Milan, với khúc nhạc du dương đã đưa đoàn hành hương vào giấc ngủ mơ màng. Phần tôi vẫn suy suy nghĩ nghĩ về cái vòng tròn dưới tháp chuông ở quảng trường Marco, phải chăng đó là chiếc đồng hồ cổ xưa? Tôi đã nhìn kỹ mà không thấy kim đồng hồ, không thấy rõ số mà chỉ thấy hình tượng như 12 con giáp, nhưng cũng không phải, vì có nhiều hình người, mặc dầu thời gian rất eo hẹp, nhưng tôi đã đến tháp chuông hai lần, cố gắng ghi lại hình ảnh cái vòng tròn ở những thời điểm khác nhau và mong rằng lúc trở về nhà suy gẫm những tấm ảnh thì sẽ tìm ra sự thật của cái vòng tròn này.
Đúng vậy, đó là chiếc đồng hồ cổ dưới tháp chuông, như bao chiếc đồng hồ khác trên các nhà thờ ở Việt Nam cũng như nước ngoài mà tôi đã gặp. Nhưng đây là chiếc đồng hồ khá đặc biệt có 24 giờ, chỉ có một kim gồm hai vòng tròn, vòng trong chạy theo kim, trên vòng này có 12 hình ly tâm vừa người vừa vật? Vòng ngoài ghi 24 giờ bằng số La Mã ly tâm cũng rất đặc biệt các số 4 (IIII), 9 (VIIII), 14 (XIIII), 19 (XVIIII) và 24 (XXIIII). Phía trên đồng hồ lại có hai cửa sổ, bên trái chỉ giờ ghi số La Mã, bên phải số nguyên chỉ phút. Tôi đã bấm máy hai lần biểu thị hai giờ khác nhau, phù hợp với giờ trên máy ảnh của tôi. Nhìn xuống chiếc đồng hồ vị trí của kim cũng khác nhau. Tra cứu trên Google, tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nói về chiếc đồng hồ này.
Tháp chuông có chiếc đồng hồ một kim
Đồng hồ một kim có 24 giờ ở Venise
Xe vẫn tiếp tục hành trình, gió hiu hiu đã đưa tôi vào giấc mộng lành. Đột nhiên tiếng anh HDV thông báo đã đến vùng Verona văng vẳng bên tai như tiếng chuông đánh thức tôi dậy. Cảnh vật hai bên đường rất nên thơ, những đám mây lững lờ bay bay, hòa quyện vào những dãy núi nhấp nhô xa xa, dưới bầu trời quang đãng. Ở nơi đây, tại vùng đất này xưa kia vào thời Trung Cổ đã xảy ra một câu chuyện tình đau thương có thật giữa Romeo và Juliet yêu nhau say đắm nhưng đôi trai gái lại sinh ra trong hai dòng họ có hận thù với nhau nhiều đời. Do đó Romeo và Juliet không thể nên duyên vợ chồng và kết cục chuyện tình đã đưa đến cái chết đau thương của cả đôi trẻ. Chuyện tình này đã làm xúc động William Shakespeare (1564-1617) nhà văn vỹ đại của nước Anh sống vào thời Phục Hưng viết thành kịch. Nhiều thế kỷ sau, năm 1968 vở kịch này được đạo diễn Franco Zefirelli, chuyển thành phim với nữ tài tử Oliva Hussey trong vai Juliet lúc lên 17 tuổi và Leonard Whiting vai Romeo mới chỉ 18 thôi. Chuyện tình Romeo và Juliet đã được chiếu rộng rãi khắp các tỉnh, thành tại miền Nam trước 1975. Chúng tôi là những học sinh-sinh viên đã chết mê, chết mệt với phim này, có nhiều bạn đang yêu nhau đi xem 2-3 lần. Phim Romeo và Juliet đã trở thành một hiện tượng tình yêu lãng mạn của thế hệ trẻ miền Nam một thời xa vắng.
Những cảnh trong phim Romeo và Juliet (1968). Hình mượn trên internet
(Xin mời xem tiếp phần cuối)
Trần Đức Thái
Mùa thu năm Bính Thân (2016)