Bà Nguyễn Khoa Diệu Liễu
1924 - 2011
Điếu văn của Nguyễn Quí Đức, Thứ nam của Giáo Sư Nguyễn Khoa Diệu Liễu
Theo tục lệ ở Huế, chúng tôi gọi bà là “Mạ”.
Chúng tôi may mắn được gọi bà như thế, may mắn có được bà làm mẹ. Chúng tôi là những đứa con
không bao giờ thiếu vắng tình thương của bà, ngay cả khi ở xa nửa vòng trái đất.
Cuộc đời của bà rất nhiều đổi thay-trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Có một điều không thay đổi-bà luôn
luôn can trường: sóng gió không xóa được nụ cười bà dành cho chồng, con, người thân, và cả những
người mới gặp. Bà, như Cha chúng tôi, đã độ lượng với người chung quanh, và cả với những thách đố
của đất nước.
Thế kỷ 20 là thế kỷ đã thử thách, rèn luyện bao nhiêu thế hệ con dân Việt Nam.
Mạ và Cha thuộc thế kỷ 20, và như bao người, Mạ và Cha đã trải qua nhiều sóng gió thời cuộc.
Ở Huế, thời còn con gái, Mạ sống trong sự đùm bọc thương yêu của Ông Bà chúng tôi và các anh chị em
của bà. Mạ cũng trải qua những sợ hãi với những đội quân viễn chinh, những đe dọa trước những cố gắng
của Ông chúng tôi để gầy dựng đất nước độc lập. Ông cũng còn là một nhà giáo, và Bà cũng theo dấu
chân ông để giữ truyền thống gia đình, đóng góp cho ngành giáo dục, trước tiên là ở trường Đồng Khánh
của các nữ sinh áo tím cạnh dòng sông Hương. Cuối thập niên 1940, theo Ông ra Hà Nội, Mạ và Cha hân
hoan với những ngày đầu cưới hỏi, và niềm kỳ vọng được sống an lành cạnh nhau. Họ hân hoan với người
con đầu lòng, chào đời tại Hà Nội.
Đất nước lại đầy bão táp. Cha Mạ cố tránh chiến chinh, cam kết đào tạo các người trẻ, và nuôi dạy chúng
tôi. Để sống lương thiện, trong trắng trong thời nhiễu nhương, họ chấp nhận nhiều, và chỉ làm những việc
dân sự trong một nước đã thấm mùi binh đao, đạn dược. Mạ đi dạy và trông coi trường nữ sinh Bùi Thị
Xuân ở Đà Lạt. Cha đi làm ở huyện xa, Mạ lo cho con học hành, và bảo bọc cho một người con gái suy
yếu tâm thần.
Sự phân ly của đất nước cũng là phân ly của Cha Mạ. Mạ cứ nuôi con, hài hòa với đồng sự, giúp đỡ nạn
nhân chiến cuộc, và không xao lãng nhiệm vụ nhà giáo trong suốt 12 năm Cha bị giam cầm ở vùng núi
Việt Bắc vì những ý tưởng và lý tưởng không xuôi chiều. Đó là sau Tết Mậu Thân 1968 ở Đà Nẵng, nơi
Mạ gầy dựng trường nữ trung học Hồng Đức và trở thành một nữ nhân sĩ tích cực trong công tác xã hội
và giáo dục.
Hết chiến tranh, Mạ vào Sài Gòn, tiếp tục phấn đấu, làm công nhân hãng phấn. Rồi Mạ lại phải chịu tang
con gái, trước khi chế độ trả tự do cho Cha chúng tôi 5 năm sau chiến thắng. Và như hàng vạn người phụ
nữ Việt Nam, bà tiếp tục tần tảo cho đến khi được đoàn tụ với các con đã ra nước ngoài. Không trở lại
được với bảng phấn, bục gỗ, ở California Mạ xin làm việc xã hội, giúp những bà mẹ trẻ người Việt đang
cố xây dựng cuộc sống ở Mỹ. Lúc đó Mạ 60 tuổi.
Sau khi nghỉ hưu Mạ sống trầm lặng trong lúc Cha kể lại trên trang giấy những chịu đựng cá nhân, chuyện
tù đày, và chuyện người Việt tha hương.
Thế kỷ 20 khép lại: Mạ cầm tay Cha hằng ngày trong cơn bịnh, rồi Mạ vuốt mắt ông. Mạ lại lui tới với cái
bóng của chính mình. Rồi Mạ lâm bịnh, trí não dần dà bị huỷ hoại.
Đưa bà trở về Việt Nam, chúng tôi cố gắng tạo cho Mạ những thời khắc an bình, tìm lại tiếng Việt thân
yêu, tình láng giềng ở Hà Nội, rồi không khí sơn cước Tam Đảo với núi đồi xanh tươi như Đà Lạt, nơi Mạ
đã có giai đoạn yên bình.
Khi cơn bịnh nhường cho bà ít giây phút nhẹ trí, Mạ lại vẫn nở nụ cười, lại giương ánh mắt sáng trong,
không lộ dấu nghị lực phi thường. Mạ lại bình thản đến lúc chịu thua cơn bịnh. Mạ bình tĩnh trút hơi thở
cuối sau thìa sữa chua, lát chuối buổi sáng.
Mạ để lại khoảng trống chói chang. Ai không biết bà thì may mắn không phải gánh chịu cái khoảng trống
đó. Nhưng biết Mạ là biết bà đã trung thành với ý chí can trường, không oán trách ngang trái, không cau
có với hoàn cảnh, cười đón tất cả cho đến hơi thở cuối cùng.
Ở Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Tam Đảo, ở đây, mãi mãi về sau, có một người tươi cười, hy sinh, yêu thương-
một người đàn bà Huế dai dẵng và tuyệt diệu. Mạ.