Chuyện tình cô Ba

Phần II: ĐOẠN ĐƯỜNG ĐỜI

Nhận được lời mời của thầy Nguyên, nhóm chúng tôi hẹn đến thắp nhang, tưởng niệm 100 ngày cô Khuê ra đi. Đám học trò cũ Hồng Đức không khỏi bùi ngùi khi nhìn cảnh thầy Nguyên cô đơn, lẻ loi trước bàn thờ người vợ thân yêu vừa nằm xuống sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật.

Sau buổi lễ tưởng niệm trong khung cảnh trang nghiêm, nhóm học trò cũ đã cùng thầy dùng bữa cơm tối và trò truyện rất thân tình ấm áp. Chúng tôi có dịp ôn lại những kỉ niệm về ngôi trường Hồng Đức, về cô Khuê và những tháng ngày xưa cũ.

Tôi ngồi nghe thầy đọc lại phần di chúc của cô mà lòng đau xót vô tận. Có đoạn, giọng thầy nghẹn ngào như đầy nước mắt, tôi tưởng chừng như đó là tiếng nấc của một chú sáo lẻ bạn cất tiếng kêu bơ vơ, thống thiết. Tôi miên man nghĩ đến đoạn đường dài mà tôi và người bạn đời của mình cũng từng gian nan trải qua …

… Ngày đó, sau lần lấy hết dũng khí từ Phan Châu Trinh “đánh thẳng” qua Nữ Trung Học Hồng Đức lấp ló đưa thư, Hiệp đã lọt vào tầm ngắm của bọn tiểu yêu Kim Liên, tụi nó đã làm cho Hiệp một phen đỏ mặt, y như lời thơ của Đỗ Trung Quân đã phổ thành bản nhạc Phượng Hồng nổi tiếng: Bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về … Nhưng anh chàng Hiệp cũng không bỏ cuộc … nhờ sự kiên trì của anh cuối cùng thì lá thư tình đó cũng đã đến được tay Ba.

Đọc những lời thơ chân thành đầy yêu thương đó, trái tim tôi đã sẵn sàng mở rộng cánh cửa lòng để đón nhận tình yêu say đắm ấy từ anh.
   
Ngày đó, gia đình Hiệp cũng không khá giả mấy, hàng ngày anh đi học, đêm tối phải xe thồ thêm để kiếm tiền tiêu dùng. Tôi thương Hiệp ở nét lãng mạn trong tâm hồn và sự cần cù ít thấy ở những chàng trai cùng tuổi anh. Tôi làm sao quên được dạo mới quen Hiệp, năm tôi học lớp chín, những buổi tối tôi ngồi học bài, bàn  học kê gần cửa sổ, đêm nào Hiệp đi xe thồ về cũng ghé qua “tiếp tế” cho tôi khi thì ổ bánh mì, khi thì gói me, gói kẹo. Có một buổi chiều nọ Hiệp mang đến cho tôi vài trái ổi, vì vội vàng phải về cho kịp đón khách, anh chạy xe quá nhanh ra hẻm, anh đâm sầm vào một người từ ngoài đi vào, xui cho Hiệp, người đó là…ba tôi! Ông quát lên om sòm “Thằng này, con nhà ai, đi đâu mà không có mắt hả? Tôi điếng người khi thấy Hiệp lúng túng nên vội vàng ra giải vây: Ba ơi, đây là anh Hiệp, bạn con đó ba. Ba tôi lúc đó “yêu đời” hay sao mà không sừng sộ hay gây khó khăn gì mấy, ông chỉ hỏi gằn: Bạn con Ba hả, lần sau đi đứng cẩn thận nghe không, còn một lần nữa là tau chặt giò đó nghe! Hiệp xanh mặt, vội vàng xin lỗi và biến mất cả tuần mới dám ló mặt đến gặp tôi.

Sóng gió là thế đó, cuộc tình của Ba và Hiệp bắt đầu từ tình bạn, tình thơ, tình yêu đầy hoa đầy bướm, đầy ắp những tiếng cười … rồi yêu thương, rồi những cuộc hẹn hò đã diễn ra thật lãng mạn … mà cũng thật éo le. Éo le gay cấn nhất là lần hai đứa đi ăn chè mà Hiệp lại không mang theo cái bóp đựng tiền, tôi thì không có tiền. Thế là Hiệp phải để tôi ngồi “gồng mình” ở quán, Hiệp chạy về nhà lấy tiền xuống để “chuộc” tôi về. Thành phố Đà Nẵng nhỏ bé chất chứa bao kỷ niệm của mối tình đầu đời của tôi. Từ những góc phố nhỏ, những quán cà phê ấm áp, những lời quan tâm ngọt ngào đã tô điểm cho tình yêu của tuổi học trò mới lớn thêm sâu đậm và đáng nhớ. Có lần, cả bọn rủ nhau lên Phú Thượng đi dã ngoại, cùng nhau tổ chức những cuộc vui nào là hái hoa, thả diều. Tôi còn nhớ, cành hoa sim mà Hiệp đã cài lên tóc tôi là cành hoa đẹp nhất mà tôi được nhận, niềm hạnh phúc bồi hồi ấy vẫn làm tôi xao xuyến mỗi khi nghĩ đến. Khó quên làm sao những cái cảm giác của tuổi mới lớn, biết yêu, biết giận hờn vu vơ, biết nhớ nhung. Mỗi khi nghĩ về anh và tình yêu đầu đời tâm hồn tôi còn rung động mãi cho đến bây giờ.
  
Bỗng nhiên Tuyết Hằng cắt ngang dòng suy nghĩ bằng một câu hỏi làm tôi sực tỉnh:

- Nè Ba! Hằng nghe nói vợ chồng Ba trúng vàng trong lốp xe phải không? Kể lại cho Hằng nghe với.

Lúc đó Quang Ấn và Thu Sương cũng hùa theo:

- Ừ đúng đó, kể đi Ba. Tụi ta nghe dân tình đồn thổi nhiều lắm đó.

Bé Hương con gái út của tôi cũng xen vào:

- À mẹ ơi! Mấy đứa trong lớp con cũng nói nữa đó, nhà mình trúng vàng thiệt hả mẹ?

Nhìn về phía xa xăm, tôi mơ màng nhớ lại …

Sau đám cưới, Hiệp đưa tôi về lại Đà Nẵng để lập nghiệp, sợi tơ hồng đã buộc chặt cuộc đời tôi và anh vào nhau, bắt đầu những ngày rau mắm có nhau, dù nghèo khó gian khổ, hai vợ chồng tôi vẫn thường nói với nhau rằng: “Hãy cố gắng rồi chúng ta sẽ thành công”.

Dưới sự đùm bọc và lòng yêu thương của người dì họ anh Hiệp, vợ chồng tôi được ở nhờ một phòng nhỏ trong gia đình. Từ đó, vợ chồng tôi bắt đầu cuộc sống mới với công việc mà dì đã hướng cho chúng tôi.

Nhờ có chút chữ nghĩa, Hiệp xin được một chân thư ký của hợp tác xã chuyên sản xuất dép cao su, là một loại dép dành cho đa số dân lao động rất được thịnh hành sau năm 1975. Công việc hàng ngày của anh là liên hệ với các cơ quan có xe để mua lại những lốp đã quá mòn, cần được thanh lý, mang về tổ hợp để cắt xén, cho ra đời những đôi dép su đưa ra thị trường để tiêu thụ. Là dân lao động, lúc nào anh cũng ăn mặc xuềnh xoàng, áo mai-dô, quần lúc nào cũng có hai miếng vá ở mông, người trong xóm đặt cho anh  biệt danh là “Hiệp tivi”. Ban ngày anh làm thư ký, tối đến tranh thủ đạp xe thồ kiếm thêm tiền để chi dùng trong gia đình.

Quả là trong cái khó ló cái khôn, anh quyết tâm thực hiện hoài bão của mình với câu châm ngôn: “buôn Ngô buôn Tàu không bằng giàu hà tiện”. Hiệp cố gắng dành dụm chắt chiu từng đồng mang về cho vợ, ngày nào trúng mánh ít thì mua năm phân, lúc khấm khá thì mua một chỉ, để dành vun xới cho lâu đài tình ái mà anh xây đắp bấy lâu nay. Hiệp không chi tiêu gì nhiều cho riêng anh, mỗi năm tiêu chuẩn của anh là bốn cái quần, loại quần công nhân, rách đâu vá đó.

Riêng về tôi, sau khi theo chồng cũng muốn chung tay góp sức với anh để xây dựng cho gia đình của mình trong những ngày đầu gian khổ ấy, thế là hàng dép cao su ở đầu đường rầy chợ Cồn đã được bày ra. Nói là hàng dép cho oai vậy chứ thực ra chỉ là mượn hàng rào trước đồn công an chợ Cồn để treo mấy đôi dép lên bán cho khách qua đường, nhờ tính tình hoạt bát vui vẻ, hàng dép của tôi lúc nào cũng đông khách nhộn nhịp. Nhưng không phải cái gì cũng suông sẻ, hàng dép của tôi cũng bị cạnh tranh bởi những người bán hàng kế bên. Nhưng chủ của những hàng dép đó lại là con của người dì mà vợ chồng tôi mang ơn, nên tôi đành phải bỏ hàng dép từ dạo ấy. Vì miếng cơm manh áo, tôi phải bương chải tìm việc làm khác, rồi tôi sang một nghề mới là làm khung xe đạp, công việc hơi dù nhọc nhằn vất vả nhưng cuộc sống gia đình cũng có phần khấm khá hơn.

Tôi còn nhớ như in cái lần tôi sinh bé Hảo ở Bảo Sanh Viện, Hiệp đã tập tành nhậu nhẹt cùng đám bạn bè say bí tỉ, quên cả lối về, quên luôn cả người vợ trẻ và đứa con bé bỏng đang mong chờ anh từng giây, từng phút. Khi anh đến thăm, tôi đùng đùng nổi giận, cái giận như chưa bao giờ có trong đời. Mặc cho tôi trách móc đủ điều, anh vẫn vui vẻ lè nhè.

                             Em ơi! Chiều chiều có dĩa lòng heo
                             Có chai rượu gạo có nghèo cũng vui

  Rồi lại:

                             Mỗi ngày anh nhậu một lần thôi
                             Nhậu từ sáng tinh mơ cho đến lúc trời chiều
                             Mỗi ngày anh chọn một người yêu
                             Chọn đến trăm năm thấy cũng nhiều

Những câu thơ hài hước bông đùa càng làm cho tôi thêm bực bội, nhưng rồi anh làm tôi dịu lại nhờ một câu nói: “anh chỉ nhậu thôi chứ không chọn ai ngoài em cả”.

Anh còn dỗ dành tôi bằng những câu thơ đầy yêu thương:

                             Có phải chăng em là tiên giáng thế
                             Xuống trần gian với sứ mạng tìm anh
                             Kết duyên nhau cho tâm hợp ý thành
                             Bởi thượng đế biết thân anh côi cút

Hiệp khéo léo o bế, lời ngọt ngào đó đã đổi lại được nụ cười của người vợ trẻ. Ngay tối hôm đó, về đến nhà sau chầu nhậu, anh lại lăn ra ngủ không biết gì đến trời trăng mây gió. Lợi dụng sơ hở, bọn trộm đã lẻn vào nhà, sẵn chùm chìa khóa anh để lăn lóc trên bàn, chúng cuỗm sạch tất cả toàn bộ gia sản hai đứa dành dụm bấy lâu, từ chiếc xe để làm ăn cho đến vàng bạc để dành mua nhà, tay trắng lại hoàn trắng tay. Sanh bé xong tôi trở về nhà không còn áo quần để mặc nữa. Thế mà:

Lộc nhiều năm lại tiếp năm
Nhà cao cửa rộng thêm phần vẻ vang

Cùng với sự nỗ lực vươn lên từ cái nghèo khó, đến năm 1987 vợ chồng tôi quyết định rời khu dân cư lao động trong xóm đó, chúng tôi mua được ngôi nhà ở Điện Biên Phủ và bắt đầu kinh doanh lốp ô tô. Thời ấy là thời bao cấp, chỉ cần mua được lốp là giàu to chứ không cần bán.

Theo thường lệ 4 giờ sáng, khi mọi người vẫn còn say ngủ. Hiệp đã phải lên đèo, mặc cho sương mù dày đặc, cái lạnh thấm vào xương, anh đón những chiếc xe quá cảnh từ Lào chở hàng sang, ráp những chiếc lốp đắp (tức là lốp đã cũ, đắp lại) vào xe để đổi lấy những chiếc lốp mới về bán cho khách. Chúng tôi có lời được hai chiều, cả mua lẫn bán.

Thời mở cửa hội nhập, lốp đổ về tràn lan, cửa hàng “Hiệp Lốp” ra đời từ đó, hàng về chưa kịp nhập kho đã bán hết, việc kinh doanh của vợ chồng tôi phất lên như diều gặp gió, tiếng tăm của “Hiệp Lốp” vang danh nhiều vùng từ năm 1987 đến năm 1995, chấm dứt mọi vất vả bon chen. Hiện nay vợ chồng tôi có cửa hàng lốp ổn định với thương hiệu:

                                         DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN HÒA HẢO
                                         chuyên kinh doanh lốp ô tô các loại sỉ và lẻ.

Xin mời các bạn nhóm 9/4, ai có xe con, xe tải, xe containner thì ghé lại cửa hàng lốp của vợ chồng tôi.

Địa chỉ: 195 Điện Biên Phủ - Đà Nẵng

Tình yêu và sự nghiệp của vợ chồng tôi đã khởi đầu và kết thúc như vậy đó. Hiệp là người đàn ông chăm chỉ làm ăn, đối với anh vợ con là trên hết, trong đời anh hình như không có thú vui nào hơn là chắt chiu dành dụm để lo cho con, cho vợ. Anh không ham du lịch, không bạn bè đàn đúm, anh là người đàn ông rộng lượng, là người con hiếu thảo. Anh giang đôi tay rắn chắc ra để giúp đỡ, cưu mang đàn em của tôi khi mẹ tôi nằm xuống ở độ tuổi bốn chín.

Nói như thế không phải là đoạn đường đi chung của tôi và Hiệp không có sóng gió, chúng tôi cùng tuổi, nhưng lại khắc khẩu. Tôi biết anh nóng tính nên khi anh phát hỏa thì tôi dịu dàng. Tôi tâm niệm, hơn thua với người ngoài, trong nhà thì nên nhường nhịn để giử hòa khí. Vợ chồng hiểu ý nhau thì tình thương sẽ càng nên sâu đậm, tôi nghĩ thế.

Bạn bè và dư luận trong giới buôn bán lao xao đồn rằng chúng tôi may mắn đã trúng vàng trong lốp xe. Tôi xin trả lời với các bạn, Tuyết Hằng, Quang Ấn, Thu Sương … rằng đó chỉ là câu nói bông đùa của bạn anh Hiệp mà thôi. Điều may mắn nhất mà chúng tôi trúng được là ông Trời đã sắp đặt hai vợ chồng đến với nhau bằng yêu thương, gắn bó nhau bằng nghĩa tình, tâm đầu ý hợp chí thú làm ăn, biết dành dụm cọng với một chút lanh lẹ nhạy bén trời ban và trên hết cả là nhờ hồng phúc tổ tiên, một điều nghe thật mơ hồ nhưng đó là câu giải thích thỏa đáng nhất. Biết bao nhiêu thương nhân, thừa hưởng bao tài sản vốn liếng, cơ ngơi đồ sộ, ra thương trường, nếu không có thời và không biết dè sẻn thì Trời cũng đành bó tay. Các bạn có đồng ý không?

Đà Nẵng ngày 5 tháng 11 năm 2010
Phạm Thị Ba