Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Đón Tết
Khi cây bàng bên kia đường bắt đầu trút lá, tôi biết mùa xuân đã mon men trở lại. Sáng nay thức giấc trong tiếng mưa tí tách rơi trên mái, những giọt mưa xuân thì thầm rơi. Nếu không nhuận, thì hôm nay là sáng mồng một Tết rồi. Chào một năm mới đang đến, với hoa đào, hoa mai nở sớm theo khí trời ấm áp. Năm nay mùa đông hình như còn đang ẩn mình đâu đó, ngày lạnh lẽo nhất chỉ đủ để mọi người khoe áo khoác mới, và vài chiếc khăn quàng làm duyên bay bay trong gió. Còn ra nắng vẫn lên, trong trẻo và êm ả như trời còn đang thu. Vậy mà mùa xuân đã về rồi.
Con trai gọi điện về nhắc mẹ mua vé máy bay để cu cậu hồi gia ăn Tết.
- Mẹ ơi, mua sớm đi không hết vé bây giờ.
Tôi ờ ờ với con nhưng ba nó thì la:
- Hết vé thì đi xe đò mà về.
Doạ vậy thôi, chứ nếu có thể, để mua sự an toàn cho cu cậu, vợ chồng tôi chưa bao giờ dám để nó về bằng xe đò. Ôi, những chuyến xe tử thần càng gần cuối năm càng lắm tai nạn. Tài xế lái xe như lái máy bay, còn hành khách như ngồi trên quả mìn nổ chậm. Phó thác sinh mạng mình như chơi trò xổ số, chỉ mong được mau mau về nhà đón xuân. Chỉ cần một tích tắc hơn thua, chiếc xe có thể lao xuống hố sâu, hay húc đầu vào nhau trong những cú vượt mong rút ngắn vài phút đường dài. Tôi thà nhịn sắm bộ váy đẹp diện ngày Tết, mua vé máy bay cho con, còn hơn thắc thỏm lo âu để cố tập cho con biết thế nào là khổ(?). Mà thật, con cái thời nay sao mà sung sướng quá trời. Muốn gì là mẹ ơi, ba ơi. Hai phần ba yêu cầu đều được đáp ứng. Chỉ là không nuông chiều thôi, chứ mọi nhu cầu của con cái cha mẹ đều lo đủ. Đời sống hôm nay không còn cơ cực như ngày xưa, nhưng ai cũng nghĩ tới quảng đời ấy, mà cố cho con cái sung sướng hơn mình, đầy đủ hơn mình. Cả tội bọn nó (không biết là tội cái chi?). Chứ như mình ngày xưa, cực ơi là cực. Đi làm thì bằng chiếc xe đạp cà tàng, ăn thì cơm độn sắn, bo bo dài dài, ngày tết đến lo cho có được vài nắm hạt dưa đãi khách, hoặc chút ít mứt dừa, mứt gừng cho khác mọi ngày cũng là khó. Nói gì đến áo quần đẹp, xe máy, xe hơi chạy vi vu như hôm nay. Cả một thế hệ không có tuổi xuân, không biết mình đang ở lứa tuổi đẹp nhất đời người. Cũng vì hoàn cảnh cả thôi. Còn bây giờ, từ lúc những bài hát giáng sinh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, thì những tiệm bán áo quần bắt đầu đông nghẹt khách. Mọi người ra vào, chộn rộn, kéo dài cho đến tận những ngày cuối năm, khi người ta chỉ còn đếm từng ngày để đón chào Tết.
Đã bước qua tháng mười hai. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi ngày rằm qua đi, là những người như tôi, những bà chủ gia đình, bắt đầu một cuộc đua với đủ thứ nhiệm vụ. Tới nơi làm việc, gì thì gì cũng phải nhớ thăm dò đồng nghiệp:
- Nè, ngày nào cúng tất niên thì tốt hè?
Người nói ngày này, kẻ nói ngày kia, thôi thì chọn một ngày tiện cho mình nhất, như là ngày chủ nhật chẳng hạn, còn nếu không, cũng phải cố thu xếp một ngày rảnh rỗi, chuyện cúng quẩy phải thành kính, đâu phải chuyện đùa. Mà ngày đó, trước cúng đất đai nhà cửa, sau cũng nhân dịp mời anh em, bạn bè thân đến cụng vài ly cho vui cửa vui nhà. Ai cũng vui vẻ, chỉ có bà chủ nhà là mệt bở hơi tai, tiễn khách về rồi chỉ muốn đặt lưng xuống giường làm một giấc. Nhưng đâu được, một đống chén dĩa phải rửa, bàn ghế phải thu dọn. Nếu ông chủ chưa say, có thể giúp chút chút, cũng an ủi cánh phụ nữ, còn nếu như đã ngáy pho pho sau chầu cụng ly rôm rả, thì... . Tôi vẫn hay liều mình để đó, mai tính, ngủ cho lại sức cái đã, đâu ai thương mình bằng mình, Tết nhất tới nơi rồi mà đau ốm là khổ (mà cái này phải nói thêm một chút, nếu còn làm dâu thì chuyện này hơi khó, không thể để đó mai làm, mà đành phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tối đó thôi, vì đâu được lười nhác vậy, quen thói xấu là không được. Còn nếu đã là bà gia, chắc là ní việc này cho con dâu rồi.)
Sau đó, còn phải đi mua quà cho gia đình hai bên, bạn bè thân thiết. Ông nội thích uống ruợu vang, bà nội thích mứt sen hạng nhất, ông ngoại thích trà Thái Nguyên (thứ thiệt), bà ngoại thì thích bánh chưng (đặt ở chỗ đó, mới ngon). Bà chị mang đến cho chục tré, thằng em ghé ngang thảy vào két bia. Bạn thân thì gọi điện:
- Ê, mi đi mô hồi chiều ta tới mà nhà đóng cửa, ghé ta chở can nước mắm ngon về dầm thịt nghe.
Vậy là tất tả đầu này, chỗ nọ để vui vẻ cả làng. Đâu đã hết, còn phải nhớ ngày đưa ông táo lên trời, rồi rước về nữa chớ. Chuyện này cũng không thể làm qua loa, đại khái được. Từ bao đời nay rồi, lệ này không thể bỏ, và không bao giờ mai một trong nhân gian Việt Nam. Sau khi tiễn ông táo lên đường rồi, là bắt tay vào việc chuẩn bị cho ngày Tết. Ngày trước thì đi chợ, bây giờ văn minh hơn tí, các bà thẳng tiến siêu thị cho đỡ xách giỏ cồng kềnh. Nào chả lụa, chả bò, thịt heo ngâm mắm, dưa món, củ kiệu, kẹo ngọt, kẹo chua, mứt mãng cầu, mứt me, hạt dẻ, hạt dưa, đủ thứ hầm bà lằn (à, mà năm nay không mua hạt dưa nữa, vì nghe đâu có chất gây ung thư, và dầu nhớt, thay bằng hạt bí cũng được há?). Sau vụ ăn uống, còn một nhiệm vụ cuối cùng là dọn dẹp, lau chùi, trang trí nhà cửa. Tôi nhớ có năm hai mươi mấy tháng chạp rồi, mà không hiểu sao còn dư năng lượng, hai vợ chồng khệ nệ vác về mấy thùng sơn Dulus, rồi cả vợ chồng, con cái hì hụi sơn sơn, quét quét, ban đầu định chỉ sơn lại phòng khách cho sáng sủa một chú,nhưng rồi thì nhà bếp, nhà vệ sinh,…đều đổi màu. Đẹp thì có đẹp, nhưng tình cảm gia đình hơi sứt mẻ, vì đang làm thì có điện thoại mời đi tất niên, vậy là ngó nhau, ní nài ai là người đi, ai ở nhà. Người đi thì hỉ hả, người ở nhà bực bội gì đâu.
- Bày ra rồi đi mất tiêu. Chi lạ.
Thằng con nhắc ba từ ngày mới chân ướt chân ráo về nhà:
- Năm nay ba nhớ đi mua quật sớm sớm nghe. Cho có cây đẹp.
Nhưng ba nó nghĩ khác, để đó chờ hai chín, ba mươi, giờ đó đi mua, hoa cũng rẻ, quật cũng rẻ, mắc chi mua sớm cho đắt đỏ, tốn tiền zô ziêng. Mà cũng thiệt ngày cuối năm thì hoa cũng rẻ, quật cũng rẻ, chỉ có điều không được đẹp lắm thôi. Mà đẹp lắm làm chi, tàm tạm là được rồi, miễn sao năm mới có mùi thơm trái chín trong nhà, có hoa cúc, hoa hồng trước sân, để gia đình luôn gặp vui vẻ là tốt rồi. Mua sớm có khi đắt hơn cả trăm ngàn bạc một cây quật, cũng uổng. Tiền đó để dành mua chục hoa lay ơn, hay hoa tulip, chưng trong phòng khách, ngày Tết khách đến thăm nhà, khen một tiếng là mát lòng mát dạ.
À, còn một việc nữa, khi ngày ba mươi đến, sáng sớm phải tất tả đi chợ lần cuối cùng trong năm, để chuẩn bị mâm cơm rước ông bà về ăn Tết với con cháu (nếu có) và nào rau tươi, quả tươi để dành ăn ba ngày không đi chợ. Mặc dù bây giờ chợ đã đông từ mồng hai tết, nhưng đi chợ sớm thấy cứ sao sao, có vẻ tất bật quá, không khéo cực cả năm thì khổ.
Và sau cùng là chuẩn bị mâm cúng giao thừa, tiễn ba trăm sáu mươi lăm ngày đã qua, đón ba trăm sáu mươi lăm ngày mới đang đến. Lạy trời, xin được một năm mới an lành và hạnh phúc!
Huyền TN Tuyết Hằng
Tháng giêng, 2010