Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
DÒNG ĐỜI CỦA MẸ
Thương gởi mẹ, nhân chuyến mẹ về thăm quê hương
Nguyễn Thị Lệ Thúy
Tết Mậu Tuất (2018)
Chin Bon & Bạn hữu
Chín bốn & Bạn hữu
Những tia sáng ban mai đang lên dần dần để xua đi màn đêm năm cũ báo hiệu những ngày đầu năm thật dễ chịu, êm đềm, có nắng ấm, mây bay, đàn chim ríu rít trên cành để chào đón một mùa xuân mới lại đến trên quê hương yên bình.
Sáng mồng một Tết Mậu Tuất (2018), trời đã thương dân mình, một trong những mùa xuân tuyệt đẹp nơi đất Thần Kinh. Sau buổi chúc mừng năm mới trong gia đình (nhỏ) có đủ con trai, con gái, dâu, rể, cháu nội, ngoại, chúng tôi trực chỉ hướng về Ngọc Anh, quê ngoại (của các con tôi). Nơi đó, mẹ và chị tôi từ bên kia bờ Thái Bình Dương về quê ăn Tết, đang ngóng chờ.
Ngọc Anh thuộc xã Phú Thượng, Huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên-Huế, xưa kia là một làng nhỏ, đẹp nhưng nghèo ở ven kinh đô Huế, dân chúng trong làng phần lớn làm nghề nông, từ ông nội tôi trở về trước cũng có người làm quan nhỏ trong triều đình, nhưng chủ yếu làm nông... Đến đời ba tôi đã thoát được cảnh nghèo ở nông thôn.
Mảnh vườn xưa, căn nhà nhỏ của ông nội tôi đã được ba mẹ tôi trùng tu lại nhiều lần, lần sau cùng (năm 2001) mẹ tôi đã xây dựng lại ngôi nhà như một biệt thự có vườn hoa, cây cảnh, bể cá, cây lâu niên ăn quả. Căn nhà trước có bàn thờ tổ tiên và phòng khách rộng rãi. Căn nhà sau gồm hai phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp... có đầy đủ tiện nghi để mỗi lần mẹ và anh chị em tôi từ phương trời xa xôi kia về thăm quê mẹ có nơi lưu trú.
Một thoáng nhớ về quê cha, mà xe đã đưa các con tôi về quê ngoại tự bao giờ. Mẹ và chị tôi đã chuẩn bị bàn thờ tổ tiên đèn rạng, trầm hương nghi ngút, đầy đủ áo, mão, giày dép cho ba tôi, bác Thoại và ông bà tổ tiên. Chắc là ba tôi và quý vị tiên tổ cảm kích cho tấm lòng của mẹ tôi, luôn luôn nhớ về ông bà tổ tiên, không ngại tuổi già sức yếu, vượt hàng chục ngàn cây số để về ăn Tết với tổ tiên, thăm quê cha đất tổ, thăm mồ mã ông cha, thăm các con cháu của mẹ và bà con, xóm giềng.
Sau buổi lễ thắp hương dâng lên ông bà, cầu nguyện cho con cháu sức khỏe, trên thuận dưới hòa, học hành tấn tới để tương lai trở thành những con người hữu ích cho xã hội; chúng tôi ngồi lại bao quanh mẹ, chúc Tết mẹ tôi. Sau lời chúc Tết mẹ ngọt ngào, đầy tình nghĩa của phu quân tôi, tôi thấy mẹ tôi khóc, nước mắt dâng trào, mẹ tôi không nói nên lời. Mẹ tôi, một người phụ nữ đầy nghị lực, đảm đang, thương chồng, thương con, cháu, giàu lòng nhân ái... Đây là một trong vài lần hiếm hoi tôi chứng kiến mẹ tôi khóc. Tôi tự hỏi sao hôm nay đang là mồng một Tết, đầm ấm hạnh phúc nơi quê nhà mà mẹ khóc? Trong đầu tôi biết bao giả định về tiếng khóc nghẹn ngào của mẹ: Phải chăng mẹ khóc vì hạnh phúc hay là mẹ sợ già rồi mẹ không còn mạnh khỏe để về thăm các con ở quê nhà, thăm quê cha đất tổ, hai, ba năm một lần? Mẹ khóc vì mẹ sợ một ngày nào đó không ai hương khói phụng thờ ông cha, vì các con trai, cháu trai của mẹ đều ở cách xa nửa vòng trái đất? Hay là mẹ khóc là vì các con của mẹ vẫn còn nhỏ dại, mặc dầu chúng con đã có cháu nội, cháu ngoại rồi, thế mà trong vòng tay của mẹ các con của mẹ vẫn còn bé bỏng như những ngày xưa.
Từ đáy lòng cảm xúc, tôi nghe vọng lại bên tai câu hát “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/Từng câu chuyện ngày xưa”. Đúng là từng câu chuyện xưa, như những thước phim quay chậm về dòng đời của mẹ đã tràn về trong ký ức tôi mà mẹ tôi thường kể lại cuộc đời gian truân, ba chìm bảy nổi, bất hạnh từ lúc mới lọt lòng mẹ. Thế mà mẹ tôi đã vươn mình đứng vững trên cõi đời này để đưa chúng tôi đến bờ đến bến. Hôm nay ký ức thời gian dâng trào, thôi thúc tôi viết lại dòng đời của mẹ tôi như một món quà tinh thần nho nhỏ dâng lên mẹ để luôn luôn tri ân công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và cũng là bút tích để lại cho con cháu tự hào chúng mình có mẹ, có bà đã trải qua cuộc đời và sự nghiệp như thế.
Vào một chiều thu lá vàng rơi rơi năm Bính Tý (1936), thập niên 30 của thế kỷ trước, mẹ tôi cất ba tiếng khóc chào đời, cũng là những tiếng khóc vĩnh biệt bà ngoại tôi. Bà sau khi sinh mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi, bà chết vì dãi dầu sương nắng khi mẹ tôi vài ba ngày tuổi. Từ đó mẹ tôi bơ vơ giữa cõi đời, nghìn thu bóng mẹ biệt tăm hơi, con mất mẹ như mất cả bầu trời. Ông ngoại tôi như gà trống làm sao nuôi được em bé vừa mới chào đời.
Nhưng may thay, mẹ tôi đã trải qua những ngày bé bỏng và tuổi thơ ấu trong tình thương yêu, đùm bọc của ông bà nội mẹ ở trong thành nội. Chỉ là nước cháo, nước gạo thay cho dòng sữa mẹ, vòng tay ấm áp của ông bà cũng thay cho vòng tay cha mẹ, mẹ tôi được sống trong tình yêu thương của ông bà cố và lớn lên từng ngày.
Nhưng cuộc sống không phải khi nào cũng êm đềm trôi như dòng sông phẳng lặng, năm mẹ tôi lên mười một tuổi, sau năm 45-46, chiến tranh bùng nổ, sóng gió đã ập đến với ông bà cố tôi, cuộc sống trong nội thành kinh đô Huế không bình yên nữa, ông bà tạm lánh nạn về nông thôn, nơi quê cũ ở làng Kế Môn thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thùa Thiên.
Hoàn cảnh mẹ tôi, không thể về nông thôn, sợ gián đoạn việc học hành, nên ông bà cố tôi giao mẹ tôi lại cho ông ngoại, lúc này ông tôi đã tiến thêm một bước nữa nhiều năm rồi và đã có mấy người con riêng. Thời gian này ông ngoại, bà ngoại kế và mấy em (cùng cha khác mẹ) của mẹ tôi sống ở Huế, nhưng ông tôi bôn ba giữa thương trường nên hay vắng nhà.
Cuộc sống mới bên ba, mợ (mẹ tôi gọi mẹ kế là mợ) và các em, tưởng là êm ả, mẹ tôi đang thêu dệt những ước mơ của thời thơ ấu. Nhưng sự thực phủ phàng, mẹ tôi đã sống nơi này hai năm với bao nỗi đắng cay, thường hay ngồi khóc thầm cho thân phận mồ côi của mình.
Tôi xin mượn mấy câu thơ trong bài Mẫn Tử Khiên mà tôi đã học năm xưa để diễn tả số phận của mẹ tôi.
“... Xót nhà huyên* quạnh quẽ đã lâu,
Thờ cha sớm viếng, khuya hầu,
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn,
Trời đương tiết đông hàn lạnh giá,
Hai em thời kép áo, mền bông,
Chẳng thương chút phận long đong,
Hoa lau nở để lạnh lùng một thân...”
(Nhà huyên ở đây có nghĩa là mẹ)
Hai năm dài đằng đẳng đã trôi qua, lúc này mẹ tôi lên 13 tuổi, là cái tuổi thích ô mai, mộng mơ, biết thẹn thùng, nhưng mẹ tôi chưa bao giờ có được giây phút của cái tuổi thần tiên đó.
Định mệnh như đã mách bảo để rồi một sớm tinh mơ, mẹ tôi bỏ nhà ba-mợ ra đi, bỏ Huế lại, bỏ lại mảnh vườn xưa với bao kỷ niệm bên ông bà nội, giờ này không biết ông bà nội đang ở đâu. Mẹ tôi ra đi bằng một chuyến tàu “cọp” để vào Đà Nẵng. Nơi ấy, mẹ tôi có người chú ruột là thương gia giàu có, lại có luôn cả bệnh viện tư.
Đất lành Đà Nẵng có phải là nơi dung thân của mẹ tôi không? Mẹ tôi nghĩ như vậy.
Những năm tháng ở Đà Nẵng, mẹ tôi vào làm việc trong BV Bảo Toàn (BV tư nhân của ông chú), nhờ vào tư chất thông minh, tháo vát, chăm việc, chăm học được mọi người trong BV thương chỉ bảo, chẳng bao lâu mà mẹ tôi đã trở thành một nữ hộ sinh thực thụ không bằng cấp.
Cám cảnh thân cô bé mồ côi, dặm trường, ông ngoại chú tôi rất thương mẹ, chăm sóc, giáo dục mẹ tôi từng ngày. Ông cũng nhờ các vị trong BV cầm tay chỉ việc về y tế cho mẹ tôi làm, nhờ đó mà mẹ tôi tiến bộ nhanh chóng trong công việc của BV. Mẹ tôi dần dần chiếm được cảm tình của y, bác sỹ, nhân viên và bệnh nhân trong BV. Bà thường tâm niệm lấy đạo đức nghề nghiệp làm trọng, luôn luôn học hỏi để được phục vụ bệnh nhân, mang lại hạnh phúc cho người bệnh và gia đình họ. Được tin tốt lành như vậy, ông ngoại chú tôi rất sung sướng, yên tâm, kỳ vọng vào mẹ tôi. Ông ấy rất thương mẹ tôi, mẹ tôi cũng rất thương yêu và quý trọng tài năng kinh doanh và đức độ của ông ấy.
Mỗi lần về thăm quê hương, mẹ tôi đều lên thăm mộ ông ấy nằm trong khuôn viên chùa Quốc Ân (Huế). Bà thường hay kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và sự nghiệp của ông ấy. Mẹ tôi luôn luôn nhớ ơn, chính nhờ ông ấy mà ba mẹ tôi xây dựng nên cơ nghiệp để có một vị trí nhất định trong xã hội.
Thời gian dần trôi, mẹ tôi có một cuộc sống ổn định, hướng về tương lai, là một cô y tá xinh xắn, nhỏ nhắn, thùy mỵ, đoan trang, chăm làm, chăm học được nhân viên và bệnh nhân thương mến. Mẹ tôi làm việc có hưởng lương vừa để ăn, để dành mà còn để diện cho xứng là cháu của ông chủ bệnh viện.
Những ngày đầu xuân năm ấy, không khí Đà Nẵng rất dễ chịu, hoa lá đâm chồi nảy lộc, bầu trời trong xanh, có những đám mây trắng lững lờ bay bay thật nên thơ, như những ngày đầu xuân của Huế năm nay. Đang giờ làm việc trong bệnh viện đột nhiên mẹ tôi gặp một nam y tá lịch lãm, đẹp trai, nghe nói anh ấy là người Huế, làm y tá ngoài Quảng Trị mới xin vào làm việc ở BV này. Bốn mắt nhìn nhau, mặt đối mặt bâng khuâng không nói nên lời, mẹ tôi, đôi má ửng hồng, thẹn thùng quay gót bỏ chạy.
Mẹ tôi sinh ra và lớn lên rất thiếu tình thương, chưa bao giờ biết gọi một tiếng mẹ ơi, ông ngoại rất thương mẹ tôi, muốn chăm lo mẹ được ăn học đàng hoàng, nhưng vì hoàn cảnh nên cha con cũng ít có cơ hội để ngồi bên nhau. Mẹ tôi phải tự lập lấy thân lúc tuổi còn là vị thành niên, cái tuổi đáng ra còn ở trong vòng tay ôm ấp, che chở, dạy bảo của cha mẹ. Mẹ tôi sống một mình, cô đơn, thiếu tình thương, thiếu bạn bè, chính vì vậy mà mới lần đầu gặp anh y tá ấy mà đã đem lòng cảm mến, thầm thương trộm nhớ, lúc bấy giờ mẹ tôi 16 tuổi, cái tuổi trăng tròn, đẹp nhất của thời con gái, tuổi mơ tuổi mộng thêu dệt biết bao hoài bão cho tương lai... Chàng y tá ấy chính là ba của chúng tôi.
Tình yêu theo năm tháng, nở dần như cánh hoa, cả hai cùng làm trong bệnh viện nên thường hay gặp nhau, những món quà nho nhỏ cũng tay trong tay trao nhau, những cánh thư tình mộc mạc, đơn sơ đã chuyển cho nhau, ba tôi viết thư tình rất hay, chữ lại đẹp càng làm cho mẹ tôi xiêu lòng, mến phục. Từ đó mẹ tôi đã đón nhận những cảm xúc tình yêu nồng cháy đầu đời ở tuổi 16. Cô, cậu nam thanh, nữ tú yêu nhau say đắm, và đã cùng nhau dệt xây mộng vàng, quyết định đi tới hôn nhân. Câu chuyện tình đó nhanh chóng đến tai ông chú và ông ngoại tôi.
Cuộc tình của ba-mẹ tôi tưởng là thuận buồn xuôi gió như bao cuộc tình khác, nhưng ai đâu ngờ tình yêu đó bị phản kháng từ phía ông ngoại tôi. Ba tôi chỉ là một y tá bình thường, sinh ra lớn lên ở nông thôn trong một gia đình nghèo, bố mẹ làm nông, chân lấm tay bùn, trong khi mẹ tôi, mặc dầu mồ côi mẹ lúc tuổi còn thơ, nhưng lại là con trong gia đình quyền quý, ông ngoại tôi là thương gia giàu có ở Huế. Chính vì vậy ông ngoại sợ mẹ tôi lấy chồng nghèo, tương lai sẽ khó khăn, vất vả...
Thiên tình sử giữa ba-mẹ tôi éo le trắc trở, nhiều lúc hai người tưởng như không vượt qua nổi. Ông ngoại tôi buộc mẹ tôi phải chấm dứt chuyện tình này, nếu không ba tôi bị mất việc. Ba tôi làm việc không chỉ nuôi thân mà còn nuôi bố mẹ già và đứa cháu trai mồ côi cha còn thơ dại đang sống ở Huế. Ba mẹ tôi buộc lòng phải đóng kịch không còn qua lại yêu thương nhau nữa để cho ba tôi vẫn tiếp tục làm việc trong bệnh viện.
Ép dầu, ép mỡ, ai nở ép duyên. Ai có thể ngăn nổi tình yêu đôi lứa, ai có thể chia lìa tình trong lứa đôi; ba mẹ tôi quyết đấu tranh cho tình yêu trong sáng và chân thật của mình.
Mẹ tôi còn nhớ mấy câu trong lá thư ba tôi gởi cho ông ngoại tôi:
Thưa ông,
Tôi nghèo không phải là cái tội
Ông giàu tôi không hề nghĩ đến
Tôi yêu Hồng* với tình yêu chân thật (Hồng là tên mẹ tôi)
Cuối cùng tình yêu của ba mẹ tôi đã chiến thắng, ông ngoại phải chấp nhận cho ba-mẹ nên duyên vợ chồng. Mẹ tôi lúc đó 17 tuổi, ba tôi ở tuổi 22, đám cưới được tổ chức tại Huế năm 1952. Sau khi lấy nhau, của hồi môn nội ngoại trao tặng đã làm một vận tốc đầu nhỏ nhỏ cho đôi vợ chồng son khởi nghiệp.
Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn, sau khi yên bề gia thất ba-mẹ tôi chung lưng đấu cật, quyết chí làm ăn, sinh con đẻ cái.
Ba tôi vừa làm y tá, vừa làm thư ký cho hãng xuất nhập cảng quế của ông chú tôi và giúp mẹ tôi trong việc kinh doanh.
Mẹ tôi vừa làm y tá trong bệnh viện vừa đi chích thuốc, điều trị bệnh nhân bên ngoài. Mẹ tôi không chịu dừng chân với nghề y tá mà tiến bước theo con đường kinh doanh như ông ngoại. Mẹ tôi đã tham gia nhiều lãnh vực kinh doanh từ thời đệ nhất cọng hòa cho đến đệ nhị cọng hòa, lúc quân đội đồng mình vào Đà Nẵng nhiều, mẹ tôi còn nhảy vào thầu cung cấp rau quả cho quân đội Mỹ, nhận giặc ủi áo quần của quân đội Đồng Minh, việc gì làm có tiền mà lương thiện mẹ tôi đều tham gia. Khi kinh tế gia đình khá vững vàng mẹ tôi dốc toàn lực xây dựng nhiều biệt thự cho người nước ngoài thuê. Cũng nhờ trời thương, trời cho, thiên thời địa lợi, nhân hòa như vậy mà kinh tế gia đình trở nên khá giả.
Ba mẹ tôi chung sống hạnh phúc bên nhau, hai ông bà đã có với nhau 8 người con 4 gái, 4 trai nhưng có một em gái xấu số của tôi đã về bên kia thế giới lúc mới lên ba.
Bảy chị em tôi chung sống hòa thuận thương yêu nhau, được ba mẹ nuôi nấng tử tế ăn học đàng hoàng gia đình hạnh phúc, hanh thông. Ngoài nuôi con, ba mẹ tôi còn nuôi một người cháu trai gọi ba tôi bằng chú. Chúng tôi xem anh ấy như anh ruột, anh ấy cũng được học hành thành tài. Hiện nay gia đình anh ấy định cư ở Mỹ, các con anh ấy cũng thành danh trên xứ cờ hoa.
Nhưng ai đâu ngờ sự kiện 30/4/1975 đến, vật đổi sao dời, mọi sinh hoạt trong gia đình tôi hầu như bị đảo lộn hết.
Việc kinh doanh bị đình trệ, khu biệt thự phải bán dần dần. Mẹ tôi chuyển qua buôn bán lương khô, cà phê, dệt vải... nhưng cũng không khả quan mấy.
Việc học hành của chị em tôi theo chính sách mới, không xáo trộn nhiều, chỉ có người chị cả đang học luật tại Sài Gòn phải chuyển ngành học.
“Gặp thời thế, thế thời phải thế”, vài năm sau 1975, theo trào lưu của xã hội, nhiều gia đình cho con cái ra nước ngoài không chính thức để sinh sống, mẹ tôi cho hai em trai tôi ra đi, cuối cùng các em cũng định cư ở Canada.
Thời gian cứ trôi đi, cuộc sống ở Đà Nẵng càng ngày càng trở nên khó khăn, ba mẹ tôi quyết định đưa cả gia đình vào Sài Gòn để sinh sống, chỉ có chị tôi đã lập gia đình ở lại Đà Nẵng, tôi đang làm việc tại Huế và chuẩn bị lập gia đình nên ở lại Huế.
Mục đích gia đình vào Sài Gòn sinh sống là để tìm kế sinh nhai và dễ tiếp cận với các em tôi sống bên Canada để nhận thư từ, đôi khi nhận được những thùng quà gởi về.
Một vài năm sau ở trong nước rộ lên chương trình ra đi có trật tự đó là chương trình HO dành cho quân nhân, cán chính của chế độ cũ được bảo lãnh sang định cư ở Mỹ và chương trình ODP để cho cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em... ở nước ngoài bảo lãnh người thân trong nước ra nước ngoài sinh sống với mục đích nhân đạo là đoàn tụ gia đình. Theo chương trình ODP, hai em ở Canada bảo lãnh gia đình tôi sang định cư ở Canada chia làm hai đợt (1989 Và 1993). Ở trong nước còn lại gia đình chị tôi ở Đà Nẵng và gia đình tôi ở Huế.
Những năm tháng trên đất khách quê người lạnh giá. Vừa đặt chân đến thủ đô Ottawa, Canada, mặc dầu khả năng tiếng Anh của mẹ tôi khá khiêm tốn, nhưng bà đã lao vào công việc làm ăn, chỉ là công nhân may mặc, làm bánh mỳ... đi từ hãng này đến hãng khác của tây lẫn ta của nhà nước để dành dụm trong tài khoản đủ tiền bảo lãnh chị tôi còn kẹt lại ở Sài Gòn; mà còn kiếm tiền lo cho các em tôi tiếp tục ăn học; không chỉ có thế mà thôi, mẹ tôi còn gởi tiền về giúp chị em tôi ở trong nước đang rơi vào thời kỳ kinh tế kiệt quệ vào những năm đầu của thập niên 90.
Mùa đông ở Canada băng tuyết kéo dài nhiều tháng trong năm, nhiệt độ ngoài trời âm 20-30 độ C, nhưng mẹ tôi vẫn vươn mình trong băng tuyết, đôi khi thoáng qua nỗi buồn cô quạnh cho thân phận của một phụ nữ Việt Nam da vàng, để nhớ về những ngày xưa là một bà chủ oai phong ở Đà Nẵng, ngồi trên tiền trên bạc mà bây giờ chỉ là một công nhân bình thường ở tuổi ngoài năm-sáu mươi. Một chút hoài niệm thoáng qua nhanh, mẹ tôi lấy lại nghị lực ngay lập tức và tiếp tục tiến bước trên đường xa vạn dặm.
Mẹ tôi đi làm bằng xe bus, những mùa đông lạnh giá, ngồi đợi xe bus, nhìn thủ đô Ottawa một màu trắng xóa bao phủ, những hàng cây trơ trụi lá, buồn hiu hắt, đường sá không một bóng người qua lại, mẹ tôi vừa ngồi chờ xe, ngắm cảnh vật và ngâm nga mấy câu thơ để đời:
“Trên tuyết, dưới tuyết, xung quanh tuyết
Mặc tuyết phủ thung dung ta cứ bước
Lạnh buốt xương ta vẫn bước hiên ngang
Già như ta kể cũng thật gan lì”
Dù trải qua muôn vàng khó khăn gian khổ nơi xứ người, nhưng mẹ tôi vẫn hăng say công việc làm ăn kiếm tiền, dù rằng lúc này chị tôi cũng đã qua đoàn tụ với gia đình và bắt đầu tự lực cánh sinh kiếm sống. Cuộc sống của đại gia đình tôi bên Canada tương đối ổn định, an cư lạc nghiệp, các em cũng có công ăn việc làm, có nhà có cửa, con cháu chăm lo học hành. Hai chị em tôi ở bên Việt Nam kinh tế gia đình cũng khá lên, con cái chăm ngoan học tốt.
Nhưng ai tính được chữ ngờ, tai họa như trên trời rơi xuống cho gia đình tôi, ba tôi đang khỏe mạnh, mới hưởng thụ ánh sáng văn minh chưa bao lâu đã lâm bệnh nặng, tai biến mạch máu não vô tình ập đến. Ba tôi đi vào hôn mê vào một ngày mùa thu Ottawa năm 1993, khi lá vàng rơi từng chiếc từng chiếc.
Rơi vào hôn mê, không một lời trăn trối, ba tôi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, tưởng chừng như không qua khỏi. Ba tôi qua một ngày chúng tôi mừng một ngày, rồi từng ngày qua đi, từng tháng, từng năm qua đi. Ba tôi nằm bệnh viện ròng rã suốt mười năm. Trong mười năm ấy, không chỉ bị hôn mê, ba tôi đã trải qua thêm hai lần mổ lớn là gãy xương đùi và phình động mạch chủ bụng bóc tách.
Mùa thu Canada, năm 2003, cơn gió nhẹ thổi qua, chiếc lá cuối cùng rụng xuống. Dòng máu trong huyết quản ngừng chảy, quả tim yêu thương ấy ngưng đập, ba tôi đã vĩnh viễn ra đi về bên kia thế giới ở tuổi 73, để lại nỗi nhớ thương vô hạn cho mẹ tôi các chị em tôi cũng như dâu, rể cùng các cháu...
Mười năm chăm sóc chồng đau nặng trong bệnh viện, không có ngôn từ nào mà tôi có thể diễn đạt hết được tình yêu thương mà mẹ tôi đã dành cho ba tôi. Biết bao khó khăn vất vả mà mẹ tôi gặp phải trong thời gian chăm sóc ba tôi, mẹ tôi cũng cam lòng. Các chị em tôi ở bên Canada bận công ăn việc làm, còn lo cho con cái nên thì giờ dành cho ba có phần giới hạn. Chị em tôi ở VN xa xôi, thư từ, điện thoại khó khăn, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện ơn trên phù cho ba tôi tai qua nạn khỏi, chóng bình phục, mẹ tôi dồi dào sức khỏe, ổn định tinh thần để chăm sóc ba tôi.
Từ khi ba tôi ngã bệnh, mẹ tôi nghỉ việc trong các hãng, dành nhiều thời gian chăm sóc ba tôi. Trong 10 năm nằm viện ba tôi khi tỉnh, khi mê, đôi khi tưởng như hồi phục. Những lúc sức khỏe khá hơn, BS cho ba tôi về nhà những ngày cuối tuần. Nhờ sức khỏe ba tôi tạm ổn như thế trong nhiều năm, nhưng cũng phải nằm bệnh viện, nhờ vậy sinh hoạt gia đình ổn định dần dần. Mẹ tôi lại tiếp tục lao vào công việc làm ăn, nhưng chỉ làm ở nhà. Là cô nuôi dạy trẻ rất có uy tín, như là người mẹ chăm sóc con cái; có khi mẹ tôi trông nom đến 7-8 đứa trẻ trong nhà. Bà là người nội trợ giỏi, nấu ăn rất ngon, làm đủ loại bánh bèo, nậm, lọc. Mẹ tôi làm bánh (món Huế) để cung cấp cho người Việt Nam tại Ottawa có khi phục vụ tiệc bánh lên đến 20-30 người. Nhờ kiếm được tiền kha khá, mẹ tôi mua nhà, sắm cửa, định vợ cho các con trai.
Khi cuộc sống bên Canada tạm ổn định, mẹ tôi phóng tầm mắt về quê hương, nơi đó có hai gia đình con gái đang sinh sống. Mặc dầu biết kinh tế của các con bên VN đã ổn định, nhưng hằng năm cũng gởi tiền, quà về cho chúng tôi, đúng là lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, nước mắt luôn luôn chảy xuống mà.
Mẹ tôi lúc nào cũng nhớ đến tiên tổ, quan tâm đến mồ mã ông cha, vì thế khi dành dụm được ít tiền, mẹ tôi gởi tiền về xây nhà thờ, cải tạo lại mảnh vườn xưa cho ông bà cha mẹ có nơi thờ phụng trang nghiêm, ấm cúng. Con cháu về kỵ giỗ, có sân chơi, có bóng mát, ngôi nhà ấy thỉnh thoảng gợi nhớ cho tôi đã có một thời ấu ngắn ngũi sống với ông bà nội tại nơi căn nhà nầy.
Tôi không biết trên đời này có người con dâu nào, người phụ nữ nào lại quan tâm đến mồ mã ông cha như mẹ tôi không? Lúc còn nhỏ, tôi thường nghe mẹ bảo xây lăng ông nầy đắp mộ bà kia trong dòng tộc của ba tôi. Khi tôi lớn lên, lập gia đình sinh sống ở Huế mới biết mẹ tôi quan tâm đến mồ mã ông cha như thế nào? Tôi chỉ tính nhẫm thôi là đã có 9-10 lần xây lăng đắp mộ trong lúc ba tôi còn sống cũng như khi qua đời. Đặc biệt lăng mộ ba tôi được xây dựng trên triền đồi, ở vùng Ngũ Tây (TT-Huế) chiếm một khu đất rộng làm thành khu lăng mộ cho các thế hệ sau này. Mộ ba tôi thật đẹp, nằm trên đồi thông, suốt ngày nghe tiếng thông reo vi vu, tiếng suối róc rách, sớm sớm, chiều chiều nghe tiếng chuông chùa ngân vang từ đền thờ Huyền Trân vọng lại. Bên ngoại, mẹ tôi sửa lại mộ ông ngoại, di dời hài cốt của bà ngoại tôi (người mẹ xấu số) từ trong Quảng Ngãi về Huế xây lăng bà bên cạnh lăng ông ngoại và ký tự di ảnh của bà vào chùa Hiếu Quang (Huế) để hằng năm kỵ bà ở trên chùa vì bà ngoại tôi chỉ có một mình mẹ tôi thôi.
Quan tâm đến người đã khuất, mẹ tôi bỏ tiền ra lập quỹ hiếu đạo lấy tiền lời lo hương khói phụng thờ ông bà; mỗi năm trên dưới mười lần kỵ giỗ. Đặc biệt có 2 dịp lớn là ngày Tết và kỵ ba tôi đều có đầy đủ con cháu, bà con, bạn bè đến dự. Hằng năm mẹ tôi cũng gởi tiền về kỵ giỗ bên ngoại tôi, nhất là kỵ ông bà nội của mẹ, người đã nuôi nấng, dạy bảo mẹ tôi từ lúc còn bé bỏng. Mỗi lần, đi thăm mộ ông bà ở trên đồi cao, mẹ tôi thường kể cho tôi nghe về tuổi thơ được sống bên ông bà nội. Mẹ tôi rất thương nhớ và biết ơn ông bà nội đã cưu mang mẹ tôi trong nhưng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời mẹ. Mỗi lần sắp đến kỵ ai đó là mẹ tôi gọi điện về nhắc nhở, sợ tôi quên, mẹ còn báo cho tôi biết lúc sinh thời ba tôi, ông bà tôi thích ăn, uống gì thì bây giờ cố gắng cúng các món ăn đó cho tiên tổ được hưởng...
Tấm lòng nhân ái, mẹ và chị tôi còn lập quỹ nhân đạo nho nhỏ, để giúp bà con, người nghèo ở quê nhà gặp khó khăn hoạn nạn, giúp bệnh nhân nghèo khổ trong bệnh viện vượt qua lưới nguy nan.
Cũng khá lâu rồi, tôi còn nhớ mẹ và chị tôi đã gởi tiền về giúp cho người em gái cùng cha khác mẹ của bà xây dựng một căn nhà để sinh sống khi gia đình dì gặp phải cảnh khó khăn cùng cực.
Mẹ tôi thường nhắc nhở chúng tôi, sống là phải biết thương người, giúp đời, sẵn sàng ra tay giúp họ dù chỉ là một việc nhỏ và luôn luôn nhớ ơn những ai đã giúp mình dù họ chỉ giúp một đồng.
Cổ nhân có nói “Thế gian được vợ mất chồng”, câu nói ấy rất đúng với ba mẹ tôi. Lúc nghèo tôi không biết ba tôi thế nào? Khi kinh tế gia đình khá lên, tôi nhận thấy ba tôi là người đàn ông hào hoa phong nhã; chỉ làm thư ký trong một hãng buôn, nhưng rất lịch lãm, thích ăn diện áo quần, giày dép, đầu tóc khi nào cũng xức dầu thơm bóng láng, thích chơi xe vespa, ô tô, ít quan tâm đến kinh tế gia đình, sống cuộc đời vô tư, thảnh thơi thơ túi rượu bầu. Tội nghiệp ba tôi khi qua Canada chưa hưởng thụ được bao lâu thì lâm bệnh nặng. Ngược lại mẹ tôi như là người chủ trong gia đình lo toan mọi việc, chăm sóc chồng, con từng miếng cơm tấm áo, dạy dỗ con cái cho đến bôn ba giữa thương trường. Thực vậy là một y tá giỏi mà không qua một trường lớp nào; làm kinh tế, kinh doanh giỏi mà không hề học về kinh tế hay kinh doanh gì. Làm cô giữ trẻ (baby-sitter) bên xứ Canada, mẹ tôi chăm sóc, yêu thương con cái họ như chính con mình nên rất được tín nhiệm. Không một công việc làm ăn nào mà mẹ tôi không dám nhúng tay vào ở trong nước trước và sau 1975 cho đến sau này khi định cư ở Canada cũng vậy. Cho đến bây giờ tuổi đã ngoài 80 máu kinh doanh của mẹ tôi vẫn còn bốc cháy trong tim
Mẹ ơi! con thương mẹ vô cùng,
Con khâm phục nghị lực phi thường của mẹ,
Con đồng cảm nổi gian truân, bất hạnh của mẹ,
Con cảm kích tình thương của mẹ dành cho ba và các con,
Con thấu hiểu tấm lòng bao dung nhân ái của mẹ
Mẹ ơi! Con cảm động, con khóc khi viết về dòng đời của mẹ.
Mẹ ơi! Chúng con biết lấy gì đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của ba mẹ.
Mẹ ơi! Một nén hương lòng dâng lên ba thương nhớ của chúng con.
Mẹ ơi! Con xin mượn lời bài hát Lòng Mẹ để nói lên tấm lòng của mẹ.
https://www.youtube.com/watch?v=2gmEMauh93w
Mùa xuân năm Mậu Tuất (2018)
Hai con Nguyễn Thị Lệ Thúy&Trần Đức Thái
HOÀI NIỆM
Trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc vừa qua có những dấu ấn lịch sử không thể nào quên.
+ Biến cố Tết Mậu Thân (năm 1968), nhất là ở Huế, biết bao người nằm xuống một cách oan ức, không biết đến bây giờ, 50 năm đã trôi qua, những linh hồn đó đã siêu thoát hay chưa?
+ Mùa hè đỏ lửa năm 1972, cuộc chiến tàn khốc ở Quảng Trị. Dân Quảng Trị và Thừa Thiên chạy loạn vào Đà Nẵng.
+ Và sự kiện 30/4/1975, chấm dứt chiến tranh.
Từ ký ức thời gian đó, chị Thu Sương (chị họ của tôi) ở Calgary, Canada đã viết một vài kỷ niệm về mẹ tôi, tôi xin phép chị được đăng lại nhé.
Xin mượn lời của nhạc sỹ TCS để nói lên những lời nhắn nhũ của mẹ tôi: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”
Lệ Thúy
-------------------------------
Thuý, Thái thân mến!
Em viết về dòng đời của mẹ hay và cảm động lắm, chị đọc mà muốn rơi nước mắt đây nì. Những chuyện em kể về mẹ, chị cũng đã từng thấy.
Hồi năm 2002, từ Calgary, chị qua thăm chú, lúc này chú nằm viện đã gần 10 năm, mà thím chăm sóc chú thật dịu dàng, tinh tế từ cái ăn, cái mặc. Thức ăn bới lên BV cho chú, chị tính bỏ vào hộp để dễ mang đi mà thím đã nói một câu làm chị nhớ mãi. Thím bảo: “Bỏ thức ăn vào dĩa đi con, bỏ hộp giống cơm tù, tội chú”. Trên cõi đời này, khó có người vợ nào chăm sóc chồng bệnh suốt 10 năm mà vẫn yêu thương, ngọt ngào đến như vậy. Tụi mình còn phải học hỏi lớp tiền bối nhiều lắm.
Thúy ơi!
Chị còn nhớ thêm một vài chuyện về thím. Hồi ba chị làm việc ở Đà Nẵng trước năm 1968, cuối tuần nào không về Huế được (đường bị giật mìn, pháo kích...) thì ba thường về nhà các em ở lại. Mỗi lần như vậy, thím rất vui vì có ba chị thì chú nể tình ở nhà với ba chị. Hai ông trà đàm, tửu đạo, cùng nghe đài BBC, bàn luận chính trị...
Năm 68 nếu ba chị nghe lời thím thì chắc không chết thảm thương trong biến cố Tết Mậu Thân. Gần Tết, cơ quan ba có lệnh cắm trại 100% nên định ở lại Đà Nẵng. Thím nấu cúng 30 Tết và dặn ba "Tí nữa nhờ anh bày lễ cúng giao thừa giùm em". Ba ừ, xong rồi lang thang ra ngoài phố chơi, nghe có lệnh ngưng bắn là ba nhảy xe về Huế, để rồi mắc kẹt ở Huế trong biến cố Tết Mậu Thân và vĩnh viễn ra đi về miền đất lạnh.
Mùa hè đỏ lửa năm 72, cả gia đình bác Lãng và GĐ chị chạy loạn vào Đà Nẵng, đến trú ngụ ở nhà chú thím. Hai gia đình gần 20 người vậy mà thím cũng lo gạo cơm đầy đủ trong khi phải bận rộn với mấy building cho Mỹ thuê. Sau thấy đông quá nên GĐ chị về khu kỹ nghệ Hoà Khánh ở (có cậu làm ở đó).
Thím yêu chồng thương con và rất hết lòng với bà con bên chồng, chị rất nể phục!
Họ Nguyễn Nhất mình có phước được những nàng dâu như bác Lãng gái, mạ chị và thím. Những nàng dâu chăm lo chồng con và luôn cả gia nương bên chồng. Lớp hậu sinh tụi mình còn phải học hỏi mẹ mình nhiều lắm Thuý à!
Chị Thu Sương