Như dòng sông, bắt nguồn từ một nơi thăm thẳm, nỗi nhớ tựa dải lụa mềm, len lỏi theo chiều dài của cuộc đời.
Trải qua bao nhiêu gập ghềnh của con suối, hòa nhập cùng những nhánh sông xa, cũng có khi chia lìa thành
những đoạn sông ở ngã ba, ngã tư cuộc đời. Dòng nhớ, khi êm đềm dìu dặt như ánh trăng vàng những ngày ấu
thơ vô tư không mộng mị, khi khắc khoải ưu tư chìm đắm trong miền ký ức khổ đau. Dòng nhớ trong tôi miên
man chảy theo quãng đời mà tôi thường tự hào là có đầy đủ các hương vị, màu sắc.

Tuy ra đời thuở đất nước đã phân đôi và lớn lên trong khói lửa chiến tranh hai miền nam bắc, tôi cũng ít nhiều
có được những phút giây êm ả thuở ấu thời. Đó là những dịp theo ba về làng quê nội cúng tế Thu, tế Xuân,
hay những ngày hè nghỉ học về quê ngoại vui với những thú vui dân dã nơi đồng quê. Thuở đó, đêm đêm ánh
hỏa châu rực sáng hay ì ầm tiếng đại bác vọng về không gieo vào trí óc non nớt của tôi một ấn tượng nào về
chiến tranh. Tâm hồn trong suốt của đứa bé bảy tám tuổi chỉ biết yêu quê hương mình qua hoa đồng cỏ nội
nơi quê nội, quê ngoại. Ánh hỏa châu hằng đêm khiến cô bé thấy làng quê mình như đẹp hơn, phong phú hơn.
Mọi ước mơ thuở thiếu thời cũng êm đềm, như bao đứa trẻ khác, ước mơ làm cô giáo được hình thành qua
hình ảnh các cô giáo thời tiểu học. Thời đó, cô giáo luôn là thần tượng trong tim các cô bé.

Mười ba mười bốn tuổi bắt đầu biết mộng mơ, thêm những nghịch ngợm thuở học trò. Trải qua giai đoạn giữa
ngây thơ và và dậy thì, có biết bao là kỷ niệm. Sau này mới biết, đó là khoảng thời gian đáng yêu nhất. Dăm
đứa bạn thời mẫu giáo, tiểu học tiếp tục đồng hành, kết thân, gắn bó tưởng như hơn cả chị em ruột thịt. Tôi
nhớ một mùa hè, chỉ chưa đầy ba tháng không gặp nhau mà hai đứa, tôi và Phương đã ôm nhau khóc thắm
thiết chỉ vì nhà nó từ xóm nhỏ Thuận Thành dời xuống gần Cầu Vồng. Tôi nhớ tôi đã trách trời, oán đất không
biết bao nhiêu mà kể. Nhiều khi tôi nghĩ, cũng lạ, những chi tiết rất nhỏ nhặt đó trong tình bạn, khiến tôi nhớ
hoài.

Tôi may mắn được trải qua vài năm dưới mái trường NTH Hồng Đức nổi tiếng, đây là ngôi trường đẹp nhất
trong quãng đời làm học sinh của tôi. Trong tôi đầy ắp hình ảnh những buổi sáng chào cờ trong không khí
trang nghiêm, dưới tàn lá cây bạc hà ẻo lả trong nắng gió sớm mai, có Bà Hiệu trưởng quí phái, nghiêm trang
nhưng không kém phần đôn hậu, có các cô giáo xinh đẹp, các thầy trẻ vui tính và có cả hai vị giám thị nam nữ
thật khắc khe. Nhưng nhớ nhất là các bạn thời trung học của tôi, những bạn đã cùng tôi chia xẻ bao kỷ niệm
suốt bốn năm chung lớp. Thời của ... rong chơi cuối trời quên lãng ... đầy mật ngọt dễ thương. Mà kỷ niệm
mênh mang, đầy ắp nhất là chuyện ăn chơi, phá phách của "đội làng nhàng". Tôi nhớ rất chi tiết nhóm chúng
tôi, xóm nhà lá trong lớp với bí danh "Xóm làng nhàng" là do chính cô giáo hướng dẫn, cô dạy môn Văn đã
đặt cho.

Trong một giờ Việt văn, khi học về nhà thơ Nguyễn Khuyến, bài thơ Tự trào. Cô  rất đắc chí khi giảng những
câu thơ:
                    Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
                    Chẳng gầy, chẳng béo chỉ làng nhàng,
                    Cờ đương dở cuộc không còn nước,
                    Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
                    Mở miệng nói ra gàn bát sách,
                    Mềm môi chén mãi tít cung thang.
                    Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
                    Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.

Cô Thu Nga sang trọng, có nụ cười rất duyên dáng, đã tròn mắt ngạc nhiên khi một bạn trong đội, Trần thị
Tịnh, tháng đó được xếp hạng nhất, qua mặt nhà vô địch Liên Hương. Cô ngạc nhiên là phải. Vì một học sinh
không có gì đặc biệt như bạn Tịnh, nếu không muốn nói là lu mờ, bỗng dưng leo lên vị trí thứ nhất trong lớp,
đội một chúng tôi được ké là đội giỏi nhất tháng đó. Cô cười rất to, nói:
      
- Úi giời ơi, làng nhàng như cụ Nguyễn Khuyến ấy mà!
Kể từ đó, xóm nhà lá có tên là "Đội làng nhàng" và tôi làm đội trưởng, không phải vì học giỏi mà chắc vì ...
biết bày lắm trò nghịch ngợm. Nhóm chúng tôi chủ trương đi lang thang, ăn hàng phá phách, còn học hành thì
đúng là ... làng nhàng hết chỗ chê!

Chưa kịp chạm đến tuổi mười sáu thì lịch sử sang trang. Tuổi dậy thì ngỡ ngàng với những cảnh "đói rách lầm
than". Văn chương thi phú, thơ ca nhạc họa chỉ nhằm phục vụ lao động sản xuất. Một chút lãng mạn cũng bị
ghép vào thành phần chậm tiến. Tôi nhớ đến một câu hát, hình như là nhạc Trịnh: "Những hẹn hò, từ nay khép
lại ... ", thời vàng son của chúng tôi hầu như cũng khép lại. Hầu như cả thế hệ chúng tôi, những cô bé mười
lăm mười bảy tuổi không hề có cơ hội mộng mơ, những “áo vàng qua ngõ”, “Trông vời áo tiểu thư” hay “anh
theo Ngọ về …” đều lén lút thì thầm, không dám nghĩ đến. Ngay cả những phát triển tình cảm tự nhiên cũng bị
dồn nén, giấu diếm … Rồi... mỗi đứa một đường, may rủi tùy số phận.

Tôi lăn lóc ra đời với vốn liếng tinh thần là dăm ba đứa bạn thời còn đi học. Có đứa gắng giúp tôi tập tành
buôn bán, có đứa chia xẻ với tôi những khó khăn chồng chất vì cùng chung một số phận "lý lịch xấu", lại có
đứa bạn khác sẵn sàng chia với tôi một bữa cơm chiều, một vài viên thuốc khi trái nắng trở trời. Nói chung,
dẫu khó khăn trăm bề tôi cũng luôn hạnh phúc là có bạn bè bên cạnh.

Những tháng ngày lang thang kiếm sống ở các bến xe, nhà ga hay những đêm ngủ bờ ngủ bụi ở Xa cảng miền
tây, bến xe Liên tỉnh miền đông, bến phà Mỹ Thuận ... tôi ao ước được một lần trở về tuổi hồn nhiên. Tôi nhớ
cảm giác đau điếng khi Phạm thị Ba lần đầu tiên tỉa dùm tôi hàng lông mày, thời con gái. Nhớ những buổi tập
văn nghệ, ngẩn ngơ trước giàn hoa ty gôn đầy những nụ hoa "dáng như tim vở" bao quanh vườn nhà Tuyết
Hằng thuở đó; nhớ những chiều vàng đứng ở Bưu Điện Đà Nẵng, cùng Thu Nguyệt ngắm mây trôi, nhớ những
buổi trưa ở lại trường đùa giởn um sùm với “thỏ con” Thanh Vân, Oanh bà la sát, Huệ ròm, ... Nhớ con đường
Quang Trung rợp bóng mát ngang qua trường Bồ Đề, tôi, Thu Vân đít chai, Thu Hà, Kim Liên cùng đi bộ về...
nói đủ thứ chuyện không đầu đuôi. Nhớ Quang Ấn, nhỏ bạn có đôi lông mày rậm và đôi mắt to, đen hay tự
hào là ở gần nhà người đẹp Thùy Trâm khu chung cư Bưu Điện. … Nhớ những trò nghịch ngợm, cùng với Võ
thị Nghĩ ghẹo Phương ruồi đến phát khóc. Tôi nhớ cả những đứa bạn ít thân thiết, cả năm học chung chắc
chưa nói chuyện một lần như Nguyễn Đăng Ngọc Anh, nghe đâu là con của thầy hiệu trưởng trường hàng xóm,
nhớ Châu Mỹ Lợi, có mái tóc vàng hoe ... Dòng nhớ miên man đưa tôi về đêm lửa trại ngày Hội Hai Bà Trưng,
tháng ba năm 1975. Chấm dứt một đoạn phim đẹp; sau đó tài tử, diễn viên, vai chính, vai phụ … bất ngờ sang
vai diễn mới, lắm bi thương.

Những năm về sau, bạn bè tôi tương đối có được đời sống yên ổn. Trong số những người cùng thời và cùng
hoàn cảnh, có lẻ tôi là người mang nhiều bất hạnh nhất. Dường như tất cả những rủi ro, tai ương cùng đổ ập
xuống một lần. Mới ngoài hai mươi tuổi, lây lất bán buôn lặt vặt ở lề đường, đôi khi gặp một người bạn thuở
xưa, mặc cảm thua sút khiến tôi muốn chạy trốn. Đời như một cơn ác mộng, với riêng tôi, lối đi nào cũng là
ngõ cụt tối tăm.

May mắn thay, đồng hành vói tôi trong khoảng đời tối tăm này vẫn còn những người bạn thời trung học: Quang
Ấn, Tuyết Huệ, Phương ruồi, Thanh Thủy, Kim Liên...thỉnh thoảng rong ruổi trên vỉa hè, kiếm gạo, bương chải
nuôi con tôi cũng gặp Bạch Nhạn, Thu Hà ... Còn biết bao bạn khác vẫn đang sống ở Đà Nẵng nhưng tôi chưa
hề gặp sau ngày rời trường xa lớp.

Cũng có thể vì cuộc hôn nhân không trọn vẹn nên kỷ niệm trong tôi hầu hết là nhớ về một thời nữ sinh hoa
mộng, về bạn bè thời trung học. Khi có cơ hội để tìm lại bạn xưa, tôi hăng say như đi tìm báu vật. Bạn tôi ai
cũng ngạc nhiên khi nghe "chuyện đời tôi", éo le nhiều gay cấn. Ai cũng ngạc nhiên vì tôi nhớ nhiều "chuyện
xưa" quá!

Theo dòng nhớ, tôi tin rằng mình có duyên lành đi chung đoạn đường dài với rất nhiều bằng hữu. Tôi có duyên
được trời ban, không ...  không phải trời, cha mẹ thì đúng hơn. Cha mẹ đã ban cho tôi một trí nhớ rất chi li,
chính dòng nhớ cuồn cuộn này đã là niềm an ủi, là động lực cho tôi vượt qua mọi khó khăn.

Vừa qua, có dịp đi Cali thăm các bạn, nhỏ Hương Bắp mà tôi gặp hôm đó vẫn mang hình ảnh một Ngô Thu
Hương đơn giản mà rất duyên dáng, thật thà như một dịp ngày xưa tôi từng theo Hương leo lên những bậc
thang dẫn lên căn phòng nhỏ của Hương ở tiệm xe đạp Ngã năm. Thu Vân và ông xã cư ngụ ở một thành phố
quá êm đềm, tôi cứ thắc mắc là tại sao Thu Vân không trở thành thi sĩ khi ngày ngày cùng ông xã đi bộ qua
những con đường dễ thương như thế? Tôi vẫn nhớ một Nguyệt Nga hiền hòa nhưng câu nói nào cũng nói lên
khối kiến thức bao la, như một nhà bác học. Và cách chăm sóc bạn bè của Nguyệt Nga cũng thật đằm thắm,
dễ thương. Người bạn nhỏ mà tôi cố tình phải gặp cho được là Huệ ròm, đã thay đổi hoàn toàn, rất vui tươi
hoạt bát. Tuy nhiên, tôi linh cảm Huệ có một điều gì đó bất an trong lòng, tôi thầm cầu cho Huệ được luôn vui
tươi, không phải là một đóa Huệ trong héo ngoài tươi. Lạ nhất là khi tôi gặp lại Ngọc Anh, vui quá chừng, tôi
không ngờ là cô nàng khéo bày trò quá. Tuy bận rộn chồng con, việc làm ... nhưng Ngọc Anh và cô em Ngọc
Châu cũng dành cho tôi rất nhiều thời gian. Chúng tôi đi chơi cả ngày, nói chuyện rất thân tình, tôi tưởng rằng
khoảng thời gian gần bốn mươi năm chỉ như là một dấu phẩy trong câu văn. Những câu chuyện, những kỷ niệm
chúng tôi chia sẻ nhau cứ tiếp nối ... cảm giác như hai đứa vẫn gặp nhau hằng ngày. Và qua những câu chuyện
tôi mới biết Nhóm Làng nhàng của chúng tôi thuở xưa … càng nghịch ngợm càng có nhiều kỷ niệm để nhắc
lại. Ngọc Anh than, nó chưa hề biết bánh bèo trường Nam là gì. Hình như cô nàng từ Huế theo gia đình vào Đà
Nẵng, có ông bố chức cao quyền trọng, cuộc sống khép kín với dăm đứa bạn bên trường Nguyễn Hiền gần
nhà. Khi nghe tôi nhắc đến nhiều địa danh trong thành phố, cô nàng ngẩn ngơ, như chưa hề đến Đà Nẵng. Chỉ
đơn giản những chuyện này thôi, tôi đã cảm thấy mình “giàu có” hơn Ngọc Anh nhiều rồi.
Nhắc lại những ngày chúng tôi rủ nhau về Atlanta đại hội Hồng Đức kỳ hai, nhìn chung, các chị hơn chúng tôi
một vài lớp (ngày nay đã là các cụ U 60), vậy mà chị nào cũng thướt tha lượt là, tóc tai chăm chút, model hết
cở. Mỗi buổi sáng thức dậy, điều đầu tiên là các chị dành ra cả gần hai giờ đồng hồ chăm chút dung nhan.
Trong khi đó buổi tối đã tốn cả giờ để chăm sóc da mặt. Ăn món gì cho trẻ, cho đẹp, … các chị truyền nhau
bí quyết ngay! Các chị thường nói: Ở tuổi này, người đẹp nhờ lụa. Trong khi nhóm chúng tôi, em nào cũng
đơn giản, tà tà. Gặp nhau chủ yếu là nói chuyện, giởn cười cho đã. Ngay cả trưởng ban tổ chức là tôi mà giờ
cuối mới được Thu Vân và Hương Bắp kéo xuống chấm cho tí son môi làm dáng. Trả lời cho những nghịch lý
này, tôi xin thưa, vì lớp chúng tôi thuở mười lăm mười sáu chưa biết là duyên đã phải chạy theo những tiêu
chuẩn: “phấn đấu”, “vượt chỉ tiêu”, … gắng làm sao đạt tiêu chuẩn trong khi bụng dạ đói mốc meo, gia đình ly
tán, tương lai mờ mịt. Có đâu thì giờ mà chăm chút dung nhan tuổi dậy thì. Thế nên, ngày nay chúng tôi cứ
“Làng nhàng như cụ Nguyễn Khuyến”.


Càng nhắc đến tôi càng muốn gặp bạn bè, để vui với những gì chúng tôi đang có và chia xẻ những gì đã qua,
không phải nhắc lại để chua chát hay châm biếm. Ai cũng có một thời để yêu, để nhớ, để rút kinh nghiệm hay
để tự hào. Những gì đi qua trong đời mình như dòng nước chảy qua chân cầu, chẳng dừng và không bao giờ
lặp lại. Tôi nghĩ rằng mình càng nhớ đến những khó khăn, oan trái đã qua mình càng thêm trải nghiệm, và càng
nhận ra được những vô thường trong cuộc đời. Cám ơn những người đã cùng tôi đi một đoạn đường, mỗi
người đều để lại trong dòng nhớ của tôi những kỷ niệm khó phai.
                                                 
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta tháng 10/2013


Dòng Nhớ