Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Duyên                                            Hà Thi Thu Vân                 
Chin Bon
Chin Bon
Tôi và hai người bạn vừa đi trong sân trường college vừa nói chuyện huyên thuyên, thì bỗng nghe đằng sau có tiếng người nói nhại theo giọng Huế của tôi:

"O mô mà nói giọng Huế hay rứa hè?"

Quay lại nhìn thì ra đó là một phụ nữ khoảng 60 tuổi, mặc bộ áo quần vạt hò màu nâu, đầu đội mũ len cũng màu nâu, trên cổ có đeo chuỗi tràng hạt, và tay xách đến 2, 3 cái giỏ đựng sách vở cùng các thứ lỉnh kỉnh khác. Bác tươi cười tiếp tục hỏi han chúng tôi nhưng bây giờ thì với giọng của người xứ Quảng, giọng thật của Bác: "Con là người Huế hả?"

Bác để ý đến tôi vì tôi nói giọng Huế. Bác nói chồng của Bác là người Huế. Thế là chúng tôi quen nhau kể từ đó. Lúc bấy giờ người Việt ở thành phố tôi đang ở không nhiều, nên gặp người đồng hương là thấy gần gũi và dễ dàng làm quen với nhau. Điều làm cho chúng tôi cảm thấy gần gũi nhanh hơn nữa là chồng Bác và tôi cùng một họ “Hà”. Con gái Bác cũng trùng tên với em tôi, và các con của Bác cũng trạc tuổi anh em tôi. Biết bao là “sự trùng hợp”! Và khi biết được chúng tôi qua đây không có cha mẹ thì Bác càng thương chúng tôi hơn nữa!

Chồng và các con của Bác đều bận rộn đi làm và đi học, nên mỗi ngày Bác đều xách giỏ ra đón xe bart đến trường college để học tiếng Hoa và tiếng Anh, và có khi Bác ở lại trường suốt ngày vì ở nhà cũng không bận việc gì. Thêm nữa, Bác là người rất thích học hỏi. Bác đến trường để học tiếng Hoa là chính (tiếng Quan Thoại), vì Bác muốn nghe và hiểu được những bài thuyết pháp của Sư Phụ chùa Vạn Phật, và để khi đến chùa, Bác có thể tụng được Kinh bằng tiếng Quan thoại như mọi người (Bác là người đã dạy cho tôi cách đọc tiếng Quan thoại).

Bác thường kể cho chúng tôi nghe về chùa Vạn Phật và lớp Phật Pháp tại chùa Từ Quang ở San Francisco, lớp học mà Bác đều đặn tham gia vào mỗi tối thứ sáu.

Rồi Bác rủ chúng tôi đi chùa với Bác. Hai người bạn của tôi là hai chị em ruột, vốn rất sùng đạo, nhất là người chị, thế là chúng tôi cùng nhau theo Bác đi chùa. Từ dạo đó, cứ mỗi chiều thứ sáu, sau giờ học ở trường college là Bác đi bộ đến căn chung cư của ba anh em chúng tôi, cách trường khoảng mười phút. Trong khi chờ chúng tôi đi học và đi làm về, Bác thường nấu những món ăn chay rất ngon để chúng tôi ăn trước khi đi chùa. Sau đó, chồng của Bác lái xe đến đón tất cả chúng tôi cùng đi. (Hồi đó, chúng tôi mới qua Mỹ nên chưa có xe và chưa ai biết lái xe cả.) Thông thường, chúng tôi đến chùa Kim Sơn, một chi nhánh của chùa Vạn Phật ở San Francisco, để tụng kinh tối. Bác vừa tụng (bằng tiếng Quan Thoại) vừa chỉ vào từng chữ cho tôi dễ theo dõi và có thể đọc theo, còn hai người bạn tôi vốn là người Việt gốc Hoa nên đối với họ không có khó khăn gì cả. Sau buổi tụng kinh ở chùa Kim Sơn, chúng tôi qua chùa Từ Quang, cách đó chỉ chừng năm phút lái xe, để tham dự lớp học Phật Pháp.

Chùa Từ Quang ở San Francisco là ngôi chùa của người Việt. Các Thầy tị nạn qua đây và cùng các Phật tử xây dựng nên ngôi chùa này. Đó là vào khoảng đầu năm 1982, và có lẽ chùa Từ Quang là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở San Francisco và vùng phụ cận thời bấy giờ. Thấy được sự cần thiết của việc hoằng dương Phật Pháp ở Hoa Kỳ, nên quý Thầy đã ra công thành lập ngôi chùa này cũng như tổ chức các lớp học Phật Pháp để giúp người Việt tha hương tìm được niềm an vui trong tâm hồn nơi đất khách quê người. Trong lớp học Phật, các Thầy thường thuyết giảng về những lời dạy của Đức Phật được lưu lại qua kinh điển, về sự lý vô thường của cuộc sống và đời người. Sau buổi giảng thì chúng tôi ngồi thiền (tĩnh tâm) khoảng 15 phút, rồi ra về.

Như thường lệ, tối thứ sáu hôm đó chúng tôi đến chùa Từ Quang để học Phật Pháp. Vừa vào lớp, tôi thấy ngồi ngay hàng đầu là một thanh niên người Mỹ với mái tóc vàng dài tới vai, trước mặt anh ta là một máy thu âm nhỏ, một cuốn tự điển Việt Anh, một cuốn sổ tay và một ba-lô bằng vải. Chúng tôi thường đến lớp học Phật với “hành trang” rất đơn giản, không mang theo sách vở gì cả (có lẽ, không có gì cả ngoài cái tâm muốn học hỏi đạo pháp!); cho nên tôi lấy làm lạ, tự hỏi sao người này đem theo nhiều thứ quá, lại bày la liệt, choán rất nhiều chỗ! Trong lúc Thầy giảng thì thỉnh thoảng anh ta lại loay hoay ghi chép, rồi lật lật tự điển ... trông rất chăm chỉ, bận rộn. Cuối buổi học, anh đến chào Bác và hỏi bằng tiếng Việt là sao trông Bác quen quá. Bác cũng ngờ ngợ nhận ra anh, nhưng không nhớ là đã gặp ở đâu. Sau vài câu trao đổi thì anh nhớ ra là đã gặp Bác trong lớp học tiếng Hoa ở trường college, và nhắc lại trước đây vài năm Bác đã từng dạy tiếng Việt cho anh. Hồi đó anh còn đang học trung học, muốn học tiếng Việt nhưng không trường college nào có môn Việt ngữ cả, anh bèn ghi danh vào lớp tiếng Hoa; rồi tình cờ gặp Bác là người Việt trong lớp nên anh đến làm quen và nhờ Bác dạy tiếng Việt cho. Ngay tối hôm ấy, trên chuyến xe trở về của chúng tôi có thêm sự hiện diện của anh chàng này vì … cũng thuận đường! Và cũng từ đó, nhóm đi chùa vào mỗi tối thứ sáu của chúng tôi có thêm một người bạn đồng hành.
Về sau, tôi được biết tên anh ta là Willis. Anh quen với Thầy QC ở trường đại học San Francisco và muốn nhờ Thầy dạy tiếng Việt cho, và Thầy đã giới thiệu với anh về lớp học Phật Pháp của chùa Từ Quang.

(... Ba năm sau, 1985, chúng tôi cử hành hôn lễ tại chùa Từ Quang với sự tham dự của các Thầy và các bạn trong lớp học Phật.)

March 7, 2009