Em Đi Hái N Tm Xuân
Các Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, sau năm Canh Tý 1600, trong lúc phải vắt óc đối phó với chúa Nguyễn ở Đàng Trong, sực nhớ đến một số
nhân tài đã theo Chúa Nguyễn vào Nam năm Mậu Ngọ 1558, như Nguyễn Ư Kỷ, Mạc Cảnh Huống, Tống Phước Trị … nghĩa là Đàng Ngoài
nếu phải chủ động cuộc chiến Nam Bắc kéo dài, thì càng cạn dần nguồn trí lực, mưu lược để đối phó với nhiều tình huống gay cấn. 

Cụ thể từ năm 1627, họ Trịnh đã quyết liệt mở hai mặt trận chiêu dụ bằng sắc chỉ của vua Lê và tiến quân vượt Đèo Ngang rồi Sông Gianh,
mang theo nhiều ngàn quân đánh bộ để thăm dò khả năng tác chiến của Chúa Nguyễn. Sắc chỉ là sức mạnh của quyền lực, khi họ Trịnh còn
có chính nghĩa, nhân danh vua Lê, buộc thuộc hạ các trấn phải tuân lệnh, nộp thuế và thi hành các chính sách nội trị, ngoại giao do phủ liêu
họ Trịnh ban bố.

Đan cử vài thí dụ. Vào năm 1624, Thanh Đô Vương Trịnh Tùng sai Công Bộ thượng thư Nguyễn Duy Thì và Nội Giám Phan Văn Trị mang
sắc chỉ vua Lê vào Đàng Trong đòi chúa Nguyễn Phúc Nguyên nộp thuế đất. Chúa nhã nhặn nói với sứ giả: “Hai xứ Thuận Quảng mấy
năm mất mùa, dân gian thiếu ăn, vì vậy không nỡ thu thuế, đợi khi khác, được mùa sẽ chở ra nộp, cũng không muộn”. Xem ra Đàng
Ngoài càng nóng lòng bao nhiêu thì Đàng Trong càng bình tĩnh đối phó bấy nhiêu. Lặng lẽ, Chúa Sãi thực hiện việc dời dinh từ Ái Tử vào xã
Phước Yên thuộc huyện Quảng Điền năm 1626, gọi Dinh mới là Phủ cho cân bằng với dinh chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, vốn được gọi là Phủ
liêu.

Càng biểu lộ sự tức giận, Đàng Ngoài càng lộ ra nhiều yếu điểm, như cảnh mất mùa, thiếu ăn, dân cư xiêu tán, tìm đường vượt biển vào Nam
ngày càng nhiều. Nao núng hơn, Đàng Ngoài đang thiếu những đầu óc tham mưu đáng tin cậy.

Tháng 8 năm 1626, Thái Bảo Nguyễn Khải và Thiếu Bảo Nguyễn Danh Thế kéo 5000 quân vào Hà Trung, sát phía bắc Đèo Ngang nhằm uy
hiếp Đàng Trong, đồng thời sai Binh khoa cấp sự trung mang sắc chỉ vua Lê vào Đàng Trong đòi nộp tô thuế từ năm Giáp tý, và buộc Thụy
Quận Công Nguyễn Phúc Nguyên phải ra Đông đô hội kiến với họ Trịnh. Khi yêu sách của Chúa Trịnh càng nhiều, càng lộ ra sự lúng túng,
vì việc tham mưu chính sự quan trọng, chẳng mấy ai góp ý, trước khi đem ra thi hành.

Dồn dập, nhiều phái bộ đã đến Đàng Trong với nhiều yêu sách của kẻ tưởng mình đang đứng trong thế mạnh. Sau Nguyễn Duy Thì, Nguyễn
Hữu Bổn, đến Lê Đại Nhậm, Đàng Ngoài chỉ nhận được thái độ cương quyết từ chối của Đàng Trong. Hiện tượng này chắc chắn phải nằm
trong kế sách bảo toàn lãnh thổ của Đàng Trong mà Đàng Ngoài không thể biết được sức mạnh đích thực ấy nằm ở đâu và do ai cố vấn?

Đào Duy Từ đã xuất hiện ở Đàng Trong với số phận của người tị nạn. Ông sinh năm 1572, làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia,
Tỉnh Thanh Hoá. Đào Duy Từ có tư chất thông minh, biết rành binh thư, đồ trận lại giỏi về khoa lý số, nhưng xuất thân là con nhà xướng ca
nên không được tham dự các khoa thi tuyển chọn nhân tài. Tâm nguyện của Đào Duy Từ là đi tìm đất thi thố tài năng. Rời quê nhà khoảng
sau năm 1620, đến phủ Hoài Nhân, làm thuê, chăn trâu nhà phú hộ ở đất Tùng Châu, xứ Bình Định. Chẳng bao lâu, quan khâm lý Trần Đức
Hoà phát hiện tài năng họ Đào, gả con gái cho và tiến cử Đào Duy Từ lên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa Sãi thu dụng, giao chức Nha
Úy Nội Tán, tước Lộc Khuê Hầu, đảm trọng trách Tham Úy Quốc Chính.

Một lần được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên hỏi muốn giữ được đất đai, không phải nộp thuế, bảo đảm cơ nghiệp lâu dài thì kế sách phải
thực hiện như thế nào cho có hiệu quả. Đào Duy Từ khiêm tốn thưa: “Muốn mưu đồ sự nghiệp vương bá, cần phẳi có kế vạn toàn.
Người xưa đã nói: không một lần khó nhọc thì không được nghỉ yên lâu dài, không hao phí tạm thời thì không yên ổn mãi mãi. Tôi
xin hiến một bản đồ, sai quân dân hai trấn theo đó đắp một cái lũy dài từ chân núi Trường Dục đến bãi cát Hạc Hải, ấy là nhân
hình thể đất đai mà phòng thủ để giữ vững biên giới, thì quân địch có đến cũng không làm gì được”.

Rồi câu chuyện chiếc mâm đồng hai đáy dùng để trả lại sắc phong của vua Lê xảy ra năm Kỷ tị 1629 là một sáng kiến độc đáo khác mà Đào
Duy Từ đã bỏ công nghiên cứu. 

Thời Chúa Sãi, ngoài Đào Duy Từ, còn có các vị danh thần mưu trí như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến giúp việc quân binh. Hai tướng
họ Nguyễn đã mở chiến dịch bắc tiến, đánh chiếm được 7 huyện ở Nghệ An.

Khi biết Đào Duy Từ là nhân tài đã rời đất Bắc vào Nam phục vụ Chúa Nguyễn từ sau năm 1620 thì sự thể đã quá muộn màng, nhưng chúa
Trịnh vẫn hy vọng có thể làm lay động lòng trắc ẩn một bậc hiền tài đồng châu (Thanh Hoá) bằng những vần thơ ví von lãng mạn. Bởi vì biết
đâu bài thơ Nụ Tầm Xuân sẽ có cơ hội làm nên lịch sử? Chùm thơ có ba đoạn như sau:

1. Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân,
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay…
                                      
Chùm thơ này đã có trong dân gian từ lâu, nhiều người tưởng rằng nó chỉ là một bài ca dao thuần túy, mà đã là ca dao thì không thể biết ai là
tác giả. Gọi là chùm thơ vì đây không phải là một bài mà ba bài hợp lại, gieo theo thể liên vận, gắn với giai thoại Đào Duy Từ.
Giai thoại kể rằng vào năm đinh mão, 1627, chúa Trịnh Đàng Ngoài muốn bắt họ Nguyễn Đàng Trong phải thần phục, bèn cử một phái bộ
mang sắc phong của vua Lê vào phong vương cho chúa Sãi, với điều kiện buộc sãi Vương phải cho con ra chầu, đồng thời mang lễ vật là 30
con voi, cùng 30 chiến thuyền để cống nộp cho nhà Minh. Chúa Sãi không chịu, nhưng chưa biết phải xử trí cách nào. Khi họp quần thần để
tìm mưu kế, Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ khuyên chúa, bước đầu cứ nhận sắc phong, sau đó sẽ tìm kế đối phó.

Ba năm sau, thấy thời cơ thuận lợi, Lộc Khê Hầu bàn với Sãi vương sai thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, bỏ sắc phong của vua Lê
vào trong, kèm một tờ giấy viết bốn câu chữ Hán bỏ vào giữa rồi hàn kín lại. Trên mâm bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, quý giá. Sai sứ giả là Lại
Văn Khuông đi Đông Đô. Trên đường đến Đông Đô, Lại Văn Khuông phải học thuộc mấy câu cần đối đáp với họ Trịnh do Đào Duy Từ
căn dặn, đồng thời cũng biết phải rút lui đúng lúc cho mọi việc được an toàn trôi chảy. Khi thấy đoàn sứ giả đột ngột biến mất, họ Trịnh sinh
nghi bèn cho người đập vỡ mâm lễ vật, thì thấy tờ sắc phong của vua Lê ngày trước, kèm một tờ giấy viết bốn câu chữ Hán như sau:

Mâu nhi vô dịch (chữ Mâu không có dấu phẩy, đọc là chữ )
Mịch phi kiến tích (chữ Mịch bỏ bớt chữ Kiến, đọc là chữ Bất)
Ái lạc tâm trường (chữ Ái để mất chữ Tâm đọc là chữ Thụ)
Lực lai tương địch (chữ Lực đối với chữ địch là chữ Sắc). Gộp 4 chữ lại thành câu “
Bất Thụ Sắc”, nghĩa là Ta không nhận sắc.

Ở Đàng Ngoài lúc bấy giờ là chúa Trịnh Tráng, dò được tin, sở dĩ Sãi vương không nhận sắc phong của vua Lê đều do một tay Lộc Khê
Hầu Đào Duy Từ bày mưu tính kế mà ra như vậy.

Trở lại với bài thơ. Người ta đồn rằng khi đã ổn định việc cư trú ở Đàng Trong, Đào Duy Từ đã cải táng mộ phần song thân mình tại Bình
Định để tránh việc Đàng Ngoài khống chế theo cách làm của Gia Cát Lượng đón mẹ của Khương Duy vào đất Hán Trung thuở xưa. Như
vậy, Đào Duy Từ không sợ chúa Trịnh trả thù, nên mới có câu trả lời rằng:

2. Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở vào ra?

Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được Đào Duy Từ, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên đã sai người mang thơ
và nhiều lễ vật vào Nam xin gặp Đào Duy Từ một lần nữa. Lần này, Đào Duy Từ trả lời dứt khoát:

3. Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.

Dù đóng vai là người tình, có chút lòng thủy chung. Họ Trịnh chứng tỏ đã không có con mắt biết nhìn xa, trông rộng. Chỉ biết cậy quyền lực
từ vua Lê để phát động cuộc chiến ròng rả 45 năm, làm hao tổn nhân sinh và của cải của hai miền đất nước, Đàng Ngoài và Đàng Trong, mà
sông Gianh hay Linh Giang là dấu ấn của mối hận ngàn đời không thể xóa bỏ.

Đây là bài học lịch sử. Liệu Bắc Nam hay một quyền lực nào khác còn lặp lại cái sai lầm tai hại này nữa không?

                                                     Nghiêm Đức Thảo.