Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
                  GIỜ HỌC SỬ ĐẶC BIỆT

                                                                  Trần Đức Thái

Nhân đi dự buổi giới thiệu sách “Thầy Phạm Kiêm Âu/Có một người Thầy như thế…” được
tổ chức tại trường Hai Bà Trưng, Huế vào sáng 7/9/2014, tình cờ tôi gặp lại Thầy Trần Viết Ngạc ở
Sài Gòn ra dự. Thầy dạy chúng tôi môn Sử Địa tại trường Nguyễn Tri Phương (Huế) của những
năm đệ nhị cấp cuối thập niên 60.
Vẫn như một người học trò năm xưa, tôi lễ phép chào Thầy. Lúc đầu Thầy ngờ ngợ, tôi nhắc
lại những kỷ niệm một thời thầy trò dưới mái trường NTP, dần dần Thầy cũng nhận ra tôi, đồng thời
Thầy còn nhắc lại tên nhiều học trò cũ. Thầy còn lưu lại Huế vài hôm, nên tôi mời Thầy dùng cơm
tối với chúng tôi (những học trò cũ của Thầy), Thầy vui vẻ nhận lời.
Chin Bon
Chin Bon

Tôi và Thầy Trần Viết Ngạc (phải) trong buổi giới thiệu sách
Tôi vẫn luôn tự hỏi, sử-địa chỉ là môn học phụ trong quá trình 12 năm ở bậc tiểu-trung học,
mà sao chúng tôi lại yêu thích môn học đó như vậy.
Vì tình yêu đất nước? tình yêu ông cha? tình yêu dân tộc?
Cho đến bây giờ tôi cũng chưa lý giải được tại sao? Học vỡ lòng,  tôi theo trường tiểu học
An Cựu. Các Thầy Hồ Bá Lăng, Thầy Trần Tuyển (sau này Thầy học lên đại học sử địa và đi dạy
trung học), Thầy Lợi…dạy môn sử mà tôi còn nhớ rất rõ những cuốn sử ký của Trần Đinh có
nhiều hình vẽ minh họa của họa sỹ Phi Hùng tuyệt đẹp, giúp tôi nhớ từng bài học, tôi thường dùng
giấy pelure đồ từng hình ảnh của các vị anh hùng thời lập quốc, Bắc thuộc, thời độc lập tự chủ,
Trịnh-Nguyễn phân tranh, cho đến thời Pháp thuộc…
Thầy Hồ Bá Lăng (trái), Thầy Tràn Tuyển (ảnh tư liệu của tác giả, 2001)
Lên trung học đệ nhất cấp, Thầy Cao Hữu Triêm dạy chúng tôi môn sử địa. Với kiến thức
sâu rộng mênh mông, Thầy truyền đạt cho chúng tôi về Việt Sử và Thế Giới Sử, chúng tôi khắc sâu
trong tâm trí những bài Thầy đã dạy.
Thầy Triêm một người Thầy đáng kính, đáng mến. Chúng tôi luôn luôn nhớ đến Thầy cùng
nhiều giai thoại rất thú vị, Thầy hút thuốc lá là phải có học trò chuẩn bị lửa cho Thầy, bạn Phan Văn
H. lớp tôi phụ trách điếu đóm, luôn luôn mang theo bên mình cái ZIPPO, khi thấy Thầy rút trong
túi điếu thuốc ra là ngay tức khắc bạn mang ZIPPO chạy lên bàn Thầy cung cấp lửa cho Thầy, do
đó giờ Thầy dạy, ai vắng thì vắng nhưng bạn H. không được vắng mặt, lớp nào cũng có một cận vệ
lửa cho Thầy. Một chuyện khác làm nhiều học trò điêu đứng, không chỉ lớp tôi mà học sinh nhiều
lớp khác cũng mắc phải, trong giờ Thầy dạy mà trò nào phạm lỗi, bất kỳ lỗi gì là bị Thầy đuổi ra
khỏi lớp và mời cha mẹ đến. Nếu phụ huynh chưa kịp đến xin phép thì học sinh vẫn bị phạt, giờ
học của Thầy chỉ được phép đứng ngoài cửa sổ để nghe giảng bài. Chúng tôi rất sợ hình phạt này,
cho nên cố gắng không bị phạm lỗi trong giờ Thầy. Một người bạn cùng lớp là Nguyễn Thanh Y.,
trong 4 năm học đệ nhất cấp bị phạt 2 lần, nhưng bạn đâu dám về mời ba lên xin Thầy mà phải về
dưới quê xa mời bà cô ruột lên để xin Thầy vào lớp. Nhiều bạn bị hình phạt này, túng quá ra mời
bác xích lô vào xin giúp, chẳng may bị Thầy phát hiện giả danh thì cũng coi như xong, các bạn ấy
thật khốn đốn, nhưng cuối cùng Thầy cũng tha thứ hết.
Giai thoại của Thầy Triêm còn nhiều lắm, học trò nào cũng có thể kể răm rắp, ngay Thầy
Ngạc cũng là học trò cũ của Thầy Triêm, cũng biết nhiều giai thoại của Thầy Triêm.
Biến cố Tết Mậu Thân đạn pháo vô tình đã cướp đi một người con trai ưu tú của Thầy. Sau
Mậu Thân, Thầy như thất thần, nỗi đau vô cùng ấy đã đưa Thầy vĩnh biệt cõi trần ai chỉ cách vài
năm sau đó. Chúng tôi, những môn sinh của Thầy đã đến tiễn biệt và đưa linh cữu của Thầy đến
nơi yên nghỉ vĩnh hằng, lúc đó chúng tôi vẫn còn học tại trường NTP.
Lên Trung học đệ nhị cấp, tức là các lớp đệ tam, đệ nhị, đệ nhất (lớp 10, 11, 12), chúng tôi
học với một Thầy dạy sử địa, trẻ trung, năng động, dáng người vừa tầm, luôn xách cái cặp đen, có
vẻ nặng vì chứa nhiều sách vở chăng? Thầy giảng bài rất truyền cảm, với kiến thức uyên bác, hiểu
rộng biết nhiều, Thầy như cuốn hút chúng tôi vào với môn sử. Môn sử-địa của Thầy dạy hầu như
không có học sinh vắng, chúng tôi rất say sưa học tập, ghi chép, mặc dầu Thầy chẳng có biện
pháp gì kiểm tra học sinh. Hồi đó có cuốn sách giáo khoa 82 năm Việt Sử và 125 năm Thế Giới Sử
của Linh Mục Nguyễn Phương, cùng bài giảng của Thầy và cuốn sách giáo khoa đó, chúng tôi phải
học thuộc như cháo vì là môn thi Tú Tài phần một và phần hai, dù rằng 3 môn Sử-Địa-Công Dân
chỉ có hệ số 2 mà thôi, vì chúng tôi là học sinh ban B nặng về toán.
Thầy dạy sử đệ nhị cấp cho chúng tôi, không ai khác chính là Thầy Trần Viết Ngạc. Hè năm
1970, ra khỏi trường NTP, Chúng tôi chia tay các Thầy, Cô, chia tay Thầy Trần Viết Ngạc tính đến
nay vừa tròn 44 năm.
Sau năm 1975, tôi được biết Thầy Ngạc giảng dạy tại trường ĐHSP Huế, nhiều năm sau
Thầy chuyển vào Sài Gòn. Tôi cũng nghe nói Thầy hay ra Huế giảng dạy, nghiên cứu, dự hội
thảo… nhưng vì tôi không cùng ngành với Thầy nên đã không có cơ hội gặp Thầy, chỉ thỉnh
thoảng tôi vào mạng đọc say sưa nhiều bài nghiên cứu về sử của Thầy. Lần nầy, chính là buổi hội
ngộ đầu tiên của Thầy trò chúng tôi sau gần nửa đời người xa cách.
Sau khi liên lạc với nhóm bạn thân quen, số bạn khác khó tìm quá, thỉnh thoảng gặp nhau,
nhưng không biết địa chỉ, không ĐT, không E. mail, FB…nên đành chịu vậy. Mặt khác, Cựu HS
NTP không có hội, có hè như Cựu HS Đồng Khánh, Quốc Học nên không liên lạc được. Chúng
tôi mời Thầy dự bữa cơm thân mật vào tối 10/9/2014
Ở Huế tìm một nhà hàng có dấu tích xưa thật khó. Cuối cùng tôi chọn sân thượng của nhà
hàng FESTIVAL, ở đường Lê Lợi, bên bờ sông Hương thơ mộng, để thầy trò cùng tìm lại những
kỷ niệm xưa. Nơi đây xưa kia là cercle sportif (câu lạc bộ thể thao), bên trái khu nhà chính là hồ bơi
chiều dài 25m, tôi đã từng thi bơi ở đây và từng đoạt huy chương thời trung học, bên phải là 2 sân
quần vợt dành cho giới trung-thượng lưu, giáo sư, kỹ sư, bác sỹ…các thầy của tôi hay chơi tennis ở
đây. Bây giờ không còn câu lạc bộ thể thao nữa, thay vào đó là nhà hàng, tiệc cưới, kem, café, thật
tiếc nuối cho một thời đã qua. Hiện nay Huế có nhiều sân tennis, hồ bơi, nhưng hồ bơi ở cercle,
hình như là hồ bơi duy nhất có độ sâu để các VĐV bơi lội tập nhảy.
Nhà hàng Fesstival (Cercle sportif ngày xưa)
Trần Đức Thái, Nguyễn Hùng, Thầy Trần Viết Ngạc, Nguyễn Hy
                       (Sân Cercle, từ trái sang phải)
Buổi gặp nhau thật khiêm tốn chỉ có một Thầy và sáu trò, sau những giây phút làm quen lại,
chúng tôi nhớ Thầy rất rõ, nhưng Thầy thì nhớ nhớ, quên quên những người học trò cũ.
Thầy Trần Viết Ngạc (Ảnh tư liệu)
Trên sân thượng của nhà hàng bên bờ sông Hương, gió trời mát rượi, mây phố Huế duyên
dáng, hữu tình...Sau khi lướt qua thân thế của nhóm học trò sau 44 năm xa cách, Thầy cũng sơ
lược cuộc đời của Thầy, Thầy vẫn trẻ trung và khỏe mạnh, Thầy chỉ hơn tôi 10 tuổi, hơn bạn nhỏ
nhất lớp 13 tuổi. Cuộc trò chuyện dần dần dẫn đến những bài giảng của Thầy như khi Thầy đi diễn
thuyết bên xứ cờ Hoa, ở đó Thầy cũng hóa giải những câu hỏi rất hóc búa của Việt Kiều ở bên xứ
người.
Ngày xưa bọn học trò chỉ biết học những truyền thuyết về Lạc Long Quân-Âu Cơ, về Phù
Đổng Thiên Vương, Nỏ Thần, Mỵ Châu- Trọng Thủy... Bây giờ Thầy diễn giải một cách khoa học
vì sao lại có những truyền thuyết như vậy, từ đó lý giải xã hội của ông cha ta hồi đó như thế nào,
chúng tôi nghe rất hợp lý, ru vào lòng người mà quên đi rằng đang ăn tối. Thầy kể chuyện mà chúng
tôi ngỡ như đang nghe lời giảng bài ngày xưa. Không khí lúc trầm lúc bổng, yên tĩnh lạ thường (may
mà nhà hàng hôm đó rất tĩnh lặng). Vừa lúc Thầy nghỉ, uống một ngụm bia để lấy hơi thì có một
bạn đưa tay lên nêu ý kiến như trong giờ học những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước: Thưa
Thầy, ngày xưa ông bà mình cũng văn minh đó chứ, thời Lạc Long Quân mà đã có ly dị rồi. LLQ
chia tay Âu Cơ, chia con, chia cái, chia luôn đất đai là ly dị phải không Thầy? Bạn lại tiếp: Thời đó
mà đã thích lấy người nước ngoài: Mỵ Châu lấy Trọng Thủy mà Trọng Thủy là người nước ngoài,
thầy trò chúng tôi có trận cười thú vị. Bạn lại nói tiếp thời xưa không tham quyền, cố vị, không mua
quan bán chức, không màng danh tiếng, không háo danh anh hùng, điển hình là Thánh Gióng đánh
đuổi giặc Ân xong bay thẳng lên trời luôn. Về quân sự cũng rất hiện đại thời đó mà đã có súng đại
liên. Nỏ thần bắn một lần hàng trăm, hàng ngàn mũi tên hơn cả súng đại liên bây giờ. Chúng tôi vui
cười tôn bạn lên làm thầy dạy sử mỗi khi Thầy Ngạc đi vắng, mà Thầy Ngạc ở tận trong Sài Gòn
cho nên bạn đương nhiên là nhà nghiên cứu về sử của đất Thần Kinh này rồi. Thầy Ngạc lại tiếp tục
bài giảng của Thầy, nhất là về Phù Đổng Thiên Vương, tại sao thời đó có hình tượng Thánh Gióng?
Tại sao sau khi dẹp tan giặc lại bay lên trời? là những phần cô đọng súc tích mà Thầy đã diễn
thuyết bên Mỹ. Đúng là tối hôm đó chúng tôi có giờ học sử đặc biệt, hiểu biết về thời kỳ huyền sử
của dân tộc mình một cách khoa học, logic ở trong lớp học một Thầy, chỉ có sáu trò, tất cả đã là
hưu trí.
Nguyễn Thanh Yên, Bửu Hòa*, Thầy Trần Viết Ngạc, Huỳnh Văn Minh, Nguyễn Hùng
              (Sân thượng nhà hàng Festival, từ trái sang phải, (*) học sau tôi 2 lớp)
Đêm đã về khuya, sương lác đác rơi, vầng trăng thu lên muộn, cuộc vui nào rồi cũng tàn.
Chia tay nhau, Thầy trò hẹn ngày gặp lại. Tôi đưa Thầy về trên những đường phố thân quen xưa
nay Phú Cam, Bến Ngự, bên tai tôi vẫn văng vẳng lời Thầy dạy năm xưa và hôm nay. Thầy còn cho
tôi thêm những lời vàng ngọc của môn sử như muốn gởi gấm đến những đứa học trò ngoại đạo như
chúng tôi hãy yêu sử nhà, sử quê hương, dân tộc như vốn sử đã có, con người có thể làm thay đổi
tương lai, nhưng không thể nào thay đổi quá khứ, không bao giờ thay đổi được lịch sử. Thầy còn
hẹn sẽ có ngày gặp lại chúng tôi bất kỳ ở đâu, mà lần sau Thầy mời chúng tôi kia, đồng thời Thầy
nhắc nhủ thỉnh thoảng liên lạc với Thầy qua Cell phone, E. mail, FB…
Buổi gặp gỡ thầy trò chúng tôi đầy ấn tượng, ấm áp tình nghĩa thầy trò, đồng môn, mặc dầu
đã xa cách gần nửa thế kỷ. Buổi hội ngộ tuyệt vời này: “Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi”.

Mùa Thu năm Giáp Ngọ (2014)