Gửi bạn Hứa Lạc Thành.

Từ độ chia tay mùa xuân 1975, chẳng mấy khi tôi ghé vào trường cũ nay đã đổi tên. Cách đây mươi năm, được tin thư viện trường sắp bị tháo dỡ, đi ngang đường Thống Nhất, tôi có dừng lại đứng nhìn bên trong cổng trường, rồi thôi. Nhà văn Võ Phiến gọi tâm trạng ấy là «giã từ tại chỗ». Dù vậy thấm thoát,  vẫn nhớ cảnh cũ, người xưa, bảng đen, phấn trắng, nhớ lắm những giờ ra chơi…

Tiếng trống chỉ bập bùng trong sân trường ngày khai giảng năm học, những dịp lễ lớn như Giỗ Tỗ Hùng Vương, Trưng Vương hay sáng thứ hai chào cờ. Nơi trường cũ, chuông vang báo hiệu giờ ra chơi. Nếu bạn là thầy giáo, đừng bước ra sân trường trong giờ ra chơi, bất cứ trường nữ nào trên toàn cõi miền Nam Việt Nam, hãy đứng nhìn vẩn vơ áo trắng sân trường, biết đâu bạn có thể làm thơ hay… vẽ tranh.

Khác với nhiều ngôi trường có truyền thống cả trăm năm, sân trường cây cao bóng cả, phượng đỏ hè về và cành bàng trụi lá mùa đông, sân trường ngày xưa tôi đi dạy bé như cuốn vở học trò, lại chia thành ba trang tách rời do phòng giáo sư và thư viện nằm song song, thẳng góc với dãy phòng học chính nhìn ra sân trường lơ thơ hàng bạc hà chấm phá trên đôi mắt nữ sinh. Bên ngoài cổng trường, xà cừ và cây gạo cổ thụ dọc đường Thống Nhất tỏa bóng tận trong sân trường.

Chuông reo. Giờ ra chơi. “Bỏ rơi viên phấn giữa chừng” về phòng Hội Đồng. Nếu sân trường chỉ tinh tuyền màu trắng thì phòng Hội Đồng muôn màu muôn sắc. Ở trường nữ, hình như cô giáo chiếm đến tỷ lệ 3/4 nên phòng giáo sư bao giờ cũng rực rỡ sắc màu. Áo dài cổ truyền hay biến tấu cách điệu, mùa thu áo cổ cao, sang xuân cổ hở e ấp khăn quàng. Thuở ấy, Đà Nẵng mới thấp thoáng váy, chưa tung bay như bây giờ.

Tuy về trường gần hai niên khóa, thỉnh thoảng tựa cửa nhìn bâng quơ sân trường giờ ra chơi, tôi vẫn chưa làm được bài thơ nào ra hồn, dù vậy, áo trắng sân trường giờ ra chơi là kỷ niệm đẹp. Trong kỳ Đại Hội trường Nữ Hồng Đức 2016 ở San José, California, trên sân cỏ trường đại học cộng đồng Evergreen có tiết mục trình diễn trong đó mọi thành viên đều đồng phục  màu trắng. Tuy không là áo dài muôn năm cũ, màu trắng trên thảm cỏ xanh khiến tôi bồi hồi nhớ lần mới về trường Nữ mùa thu 1973. Thời gian như chớp mắt, đến rồi đi, đọng lại bên đường chiếc bóng…

Những đồng nghiệp cũ ngày xưa trong giờ ra chơi gặp lại trên thảm cỏ xanh Evergreen mùa thu Cali. 2016 nay chỉ còn cô Đặng Thị Liệu, Tổng Giám Thị. Cô vẫn còn lái xe loanh quanh San José mà tôi là… co-pilot. Anh Tôn Thất Dứ, dạy Công dân. Anh quàng vai tôi cười thân ái mà ánh mắt ngấn lệ. Trong nắng chiều mật ngọt êm ả, cả hai đều không muốn nhắc lại chiều thu nào xa xưa mất hút nơi núi rừng phía Tây Đà Nẵng, tôi chia tay anh. Trong giờ ra chơi Evergreen, tôi gặp lại anh Hoàng Ngân Hà, vẫn bay bướm với quần jean, mũ lưỡi trai, chất giọng Quảng Trị ngọt ngào. Thuở ngày xưa trường Nữ, anh Hà, anh Lê Văn Nhạc và Hứa Lạc Thành dạy Pháp Văn, thỉnh thoảng có anh Hoàng Đình Hiếu… chúng tôi ngồi đấu láo không dứt trong suốt giờ ra chơi. Nào thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, phim ảnh, truyện và những chuyện bên lề không kém phần hấp dẫn. Còn nhớ những cuốn phim để đời như Bố Già với Marlon Brando, James Bond - Sean Connery, OSS 117…và tuyệt tác Dr. Zhivago. Khi trường xưa đã khép, thỉnh thoảng nhớ về ngày tháng ấy, không thể quên hình ảnh Dr. Zhivago đưa người tình Lara về chốn cũ sau cảnh trời đất nổi cơn gió bụi. Tuyết miên man tận chân trời. Qua khung cửa sổ ngôi nhà trên thảo nguyên, những bông tuyết bay bay.

Mấy mươi năm sau gặp lại bạn cũ nơi xứ người, bên tách cà phê, ký ức về giờ ra chơi ngày xưa còn thấp thoáng…những cuốn sách đã chuyền cho nhau, những cuốn phim nào rủ nhau đi xem, những hình bóng một thời tưởng như phôi pha, những ước mơ và hoài bão mất hút nơi cuối trời.

“Người cùng đi một đỗi. Giữ của nhau thương nhớ làm tin”(Tô thùy Yên)

Sau những giờ ra chơi ”thương nhớ làm tin” ấy, hình dung một thuở cả tin và ngây thơ, xa lạ trước những mỹ từ, những lý thuyết, giáo điều, thế hệ quạnh quẽ ấy cô đơn, lạc lõng như những” mảnh vở ”tản mác đó đây...

Giã từ trường xưa hơn 40 năm, không biết có còn những giờ ra chơi như ngày nào?


TỐNG VĂN THỤY
Giờ ra chơi