Hai Chiếc Lá Vàng Rơi Vội Cuối Mùa …
Khoảng gần cuối niên học 1967, nữ sinh của trường Phan Châu Trinh được chuyển sang trường Nữ Trung học Đà Nẵng mới thành lập do quyết định của Bộ Giáo dục. Năm đó tôi học lớp 7, nghĩa là đã học ở trường cũ không đầy hai năm đầu của thời Trung học. Về sau trường được đặt tên là Hồng Đức, như niên hiệu của vua Lê Thánh Tông - một Minh Quân của Đại Việt thời Hậu Lê thuộc hậu bán thế kỷ thứ 15, nổi tiếng với bộ Luật Hồng Đức cùng nhiều cải cách đáng đề cao, trong đó có việc bênh vực và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.
Trường lớp mới xây, thầy cô giáo mới, những bạn tôi đa phần là cũ còn có thêm bạn mới vừa trúng kỳ thi tuyển. Đồng phục là áo dài trắng từ thứ Ba đến thứ Bảy và màu áo là thiên thanh trong ngày thứ Hai để tất cả chào cờ buổi sáng ở giữa sân trường. Chỉ toàn là nữ sinh, chúng tôi hồn nhiên, vui học dưới sự hướng dẫn hết lòng của Thầy Cô đầy kinh nghiệm qua nhiều năm dạy dỗ, cùng với những Thầy Cô vừa mới tốt nghiệp nhưng lòng đầy nhiệt huyết, hăng say …
Niên khóa 72-73 chấm dứt, rồi chúng tôi cũng như đàn chim hai cánh dang rộng bay muôn hướng về khung trời Đại học. Hình ảnh và sự tận tâm của các Thầy Cô đã làm không ít chúng tôi muốn theo học ngành Sư phạm, nhưng tôi đã theo ý me học Dược mãi tận Sài Gòn. Rời Đà Nẵng vội vàng sau mấy ngày ở Huế, tôi trở lại được chỉ có ba lần tính đến ngày 30 tháng tư 1975. Mỗi lần về là thăm trường cũ, bà Hiệu trưởng, thầy cô, bạn bè, và đạp xe đi quanh thành phố, ngồi bên bến sông Hàn hay chơi đùa trên biển chiều xuống mà từ nhà ba me tôi chỉ cần đi bộ vài quãng thôi.
Thời gian trôi, những ước mơ đời người cũng theo cùng năm tháng. Tôi, ở mãi tận xứ Nam bán cầu, hôm nay đây ngồi nhớ lại một ngày …
… của tháng Bảy 2010: nhận được email và điện thoại “Cô Khuê mất rồi… tại Đà Nẵng”. Cô Lê Khắc Ngọc Khuê dạy môn Sử Địa những năm cuối thời Trung học của chúng tôi. Hai ngày sau, tôi, nước mắt chảy dài, chỉ nói được với thầy Nguyên “Dạ em biết rồi!” cùng một, hai câu đơn sơ rồi vội vàng cắt máy vì sợ thầy nghe tiếng khóc và cũng không muốn giữ thầy lâu trên điện thoại bởi chắc quanh thầy lúc này đang có rất nhiều học trò cũ và thầy cô giáo cùng thời. Hình ảnh của cô Khuê mỏng manh đứng trên bục giảng, cùng chúng tôi đi trại hè, cùng theo các em đi thi giải Văn chương toàn quốc, dặn dò đôi điều cho cuộc thi Hùng biện “Thanh niên trước hiện tình đất nước”, hỏi thăm bích báo và báo quay ronéo đến đâu rồi … không biết bao nhiêu điều chăm lo. Đề thi lần cuối học với Cô Khuê “Khi đất nước tôi thanh bình…” làm tôi nhớ mãi, tôi đã trải dài trên trang giấy tóm gọn Lịch sử Việt Nam qua Bắc xuống Nam từ thời lập quốc … đến hôm đó và tôi sẽ làm gì khi hai miền thôi hết chiến chinh?? Ba mươi mốt năm rời xa Việt Nam, 31 x 4 mùa đã qua, vẫn thăm hỏi bằng thư viết tay hay lời qua điện thoại. Tôi có về khoảng cách đây muời một năm, gặp cô Khuê cũng gầy còm thân nhỏ như xưa.
… của tháng Sáu 2011: “MTA ơi, Bà Hiệu Trưởng mất rồi...ở Tam Đảo, gần Hà Nội đâu đó!”. Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Khoa Diệu Liễu của chúng tôi với giọng Huế cương quyết, đầy nghị lực và người cao lớn. Bà là Hiệu trưởng từ ngày trường thành lập đến khi cuộc đời chúng tôi sang trang mới. Chúng tôi nói chuyện với nhau thì gọi là Bà Hiệu Trưởng, nhưng khi có dịp chuyện trò trực tiếp thì gọi là Cô và xưng con. Niên khóa 1972-1973 là năm cuối của tôi với thời Trung học, tôi nhận làm Tổng Thư lý của Ban Đại Diện Học Sinh, nên khoảng 1-3 tháng sau ngày Hiệp Định Paris ký vào tháng 01/1973, Bà Hiệu Trưởng gọi tôi vào Văn phòng nói:”… Cô phải đi ra cầu Hiền Lương trong tuần tới để đón Thầy về …”. Không đón được người về vài ngày sau đó, tôi một phần thấu hiểu được nỗi buồn của người mong đợi, và nỗi lòng đó dài đến cả 12 năm. Vẫn không được gặp Cô sau 30 tháng Tư 1975, tôi chỉ thấy những hình ảnh do đàn chị và các bạn cùng lớp đăng trên website sau mỗi lần họp mặt và lần chia tay tại Hoa Kỳ khi những người con quyết định đưa Cô về an dưỡng tại Tam Đảo. Tôi được coi những hình ảnh Cô tại Tam Đảo và vẩn vơ nghĩ vội không biết đây là cô đơn hay cô độc hay biết đâu chừng lại cả hai?
Cô Khuê thì nhớ rất nhiều điều, bà Hiệu Trưởng hình như có chút gì quên quên ở giây phút cuối đời. Cô Khuê bệnh dai dẳng mấy năm, gầy còm khi mất, Bà Hiệu Trưởng nhìn chỉ ốm hơn một tí, đôi mắt không lạc thần với nụ cười rất nhẹ. Tôi không biết và tôi cũng cứ tự hỏi mình ai người an lạc hơn. Quên rồi nhớ, nhớ rồi quên, bước chân nào ai đã vội vàng hay chầm chậm đi về …
… Sao em gọi là lá vàng rơi vội
Lá đã vàng rồi lá sẽ rụng thôi
Vội là bởi khi em chưa về kịp
Về chốn xưa thăm lại quý Cô xưa …
Mai Tuyết Ánh (12A3 niên khóa 72-73)