Hai ngôi trường Nữ Trung Học của tôi

       Tháng 3 năm 2012 vừa qua có hai sự kiện đáng ghi nhớ trong tôi:

       Ngày 9 và 10/3/2012 Trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng ở Huế, nơi tôi theo học bậc Trung học Đệ Nhất cấp
và Đệ Nhị cấp (lớp 6 đến lớp 12) từ 1959 - 1966 tổ chức kỷ niệm 95 năm thành lập trường (1917- 2012).

       Và ngày 11/3/2012 Trường Nữ Trung Học Hồng Đức - Đà Nẵng nơi tôi làm cô giáo những năm 1970-1975, tổ
chức kỷ niệm 45 năm thành lập trường (1967-2012).
Hai ngày kỷ niệm lớn của hai ngôi trường thân yêu, ghi dấu ấn trên sự học tập và trưởng thành của tôi lại tổ chức lễ
kỷ niệm liên tiếp và liền kề thời gian với nhau.

       Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh - Huế được xây dựng vào năm 1917. Từ năm 1975 đổi tên thành Trường
Cấp 3 Trưng Trắc và từ năm 1981 đổi thành Trường THPT Hai Bà Trưng cho đến nay. Trường chọn ngày khởi
nghĩa Hai Bà Trưng 06 tháng 2 âm lịch hàng năm để tổ chức lễ kỷ niệm. Nhưng vì cái tên Trường NTH Đồng
Khánh gắn liền với những nữ sinh áo tím một thời quá dễ thương và nổi tiếng nên các lễ hội đều mang tên Trường
Đồng Khánh - Hai Bà Trưng nhằm quy tụ đầy đủ thầy cô, học trò Đồng Khánh năm xưa và Hai Bà Trưng hôm nay.

       Trường Nữ Trung Học Đà Nẵng thành lập vào năm 1967, đến niên khoá 1973-1974 trường mang tên Trường
Nữ Trung học Hồng Đức (ở đây nên mở ngoặc để nói về tên trường Hồng Đức trong liên quan với vua Lê Thánh
Tông: Vua lên ngôi năm 1460, trị vì được 37 năm. Đặt niên hiệu hai lần: lần nhất là Quang Thuận (1460-1469) và
lần hai là Hồng Đức (1469-1497). Lê Thánh Tông là vị vua giỏi trị nước, là nhà văn hóa nhà thơ nổi tiếng; nhà vua
đã đưa ra những cải cách táo bạo để củng cố chính quyền và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Ông đã ban
hành Bộ Luật Hồng Đức vừa để bảo về trật tự an ninh, vừa đáp ứng quyền lợi trách nhiệm của của các tầng lớp
nhân dân, đặc biệt chú trọng quyền lợi của người phụ nữ. Tất cả tạo thành một thời đại Hồng Đức nổi tiếng trong
lịch sử nhà Hậu Lê… Chính vì vậy Hội đồng Giáo dục Trường Nữ Trung học Đà Nẵng đã chọn tên Hồng Đức cho
ngôi trường nữ đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) và chọn ngày 30 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày
húy nhật của vua Lê Thánh Tông làm ngày truyền thống của mình.

       Như vậy nếu căn cứ vào truyền thống của trường thì ngày kỷ niệm của hai trường cách nhau một tuần lễ, nhưng
không hiểu tại sao năm nay lễ kỉ niệm của hai trường lại gần như trùng thời gian với nhau.

       Phân vân và suy tính mãi để làm sao đảm bảo sức khỏe, đi về Đà Nẵng - Huế và Huế - Đà Nẵng hợp lí để dự
lễ hội của cả hai ngôi trường yêu dấu là vấn đề đặt ra với tôi vào lúc này. Đang nghĩ xem nên như thế nào, thì anh
Nguyên (cựu GS Đồng Khánh và Hồng Đức) phán cho một câu: “Cô đi dự 95 năm Đồng Khánh, mà vì một lý do
nào đó không về kịp hay ốm đau không dự được 45 năm Hồng Đức là không được đó nghe. Với cô, Hồng Đức là
chính chứ không phải Đồng Khánh”. Ôi chao!! nghe mà sợ quá vì ý anh muốn nhắc là tôi ở trong Ban Đại diện thầy
cô của Hồng Đức và lúc đó tôi đang bị cảm… Về nhà cứ băn khoăn mãi, nhưng còn gần 2 tuần nữa mới đến ngày
đi Huế. Tôi gắng uống, chích thuốc cho mạnh rồi quyết định sau (tự mình dùng kế hoản binh đó mà).

       Cuốí cùng tình yêu trường lớp, thầy cô, bạn bè đã giúp tôi khỏe lên và mạnh dạn thực hiện được ý muốn của
mình.

       Về Huế vào một buổi chiều nắng đẹp ngày 8/3, đoàn cựu nữ sinh Đồng Khánh của Đà Nẵng trên dưới 40
người. Trong đó có chị Tuyết Anh, Tuyết Nha và tôi (cùng là cựu nữ sinh Đồng Khánh và là cựu GS Hồng Đức);
bên cạnh đó có chị Yến Loan (cựu GS Đồng Khánh và Hồng Đức).

       Sáng 9/3 chúng tôi diện áo dài đẹp để đến trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng ăn sáng: có nhiều món ăn Huế
do gian hàng của cựu nữ sinh Đồng Khánh - Huế phụ trách, ở đây chúng tôi có thể thưởng thức các món ăn dân
dã truyền thống nhưng rất hấp dẫn đối với cựu nữ sinh Đồng Khánh như bánh bèo, bánh ram ít, bánh ướt với “nhụy
tôm thứ thiệt”; bánh canh, bánh nậm, bánh lọc, bắp Cồn, đậu hủ v.v… và v.v…; nhưng không có cơm hến, món ăn
ghiền của tôi. Về Huế mà chưa ăn cơm hến xem như chưa về; may quá sau đó tôi tìm cho ra một gánh cơm hến
gần khách sạn và ăn liền hai tô, vừa ăn vừa toát mồ hôi hột vì cay (với tôi, không có món ăn Huế nào khoái khẩu
bằng).

       Lễ kỷ niệm 95 năm Đồng Khánh - Hai Bà Trưng diễn ra trong 2 ngày với những tiết mục thật hấp dẫn, tôi chỉ kể
ra đây những mục để lại ấn tượng trong lòng tôi:

Ngày 9/3/2012:

- 9g Trường tiếp đoàn cựu nữ sinh Đồng Khánh - Đà Nẵng.

- 15g đến 16g30: Quảng diễn qua một số đường phố (tái hiện hình tượng Hai Bà Trưng cùng một số nữ tướng nữ
binh ra trận; binh lính và học sinh các thế hệ; trong đó có đoàn xích lô của những cựu nữ sinh lớn tuổi ở Hà Nội, Đà
Nẵng, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Sài Gòn và ở nước ngoài về dự lễ hội…). Đây có lẽ là tiết mục thu hút nhiều
người xem nhất: đường phố Huế đông nghẹt người chen chân nhau để được tận mắt “chiêm ngưỡng” hai bà
Trưng Trắc, Trưng Nhị - do các nữ sinh dễ thương trường THPT Hai Bà Trưng đóng, dân chúng quay phim và tha
hồ chụp hình… Thật thích thú và may mắn vào giờ chót tôi được lọt vào danh sách ngồi xích lô đi diễu hành cùng
các cựu nữ sinh Đồng Khánh trên các tuyến đường lừng danh xứ Huế: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đống Đa… Vui ơi là
vui!...

- 19g đến 22g: Giao lưu Văn nghệ thầy trò Đồng Khánh - Hai Bà Trưng

Ngày 10/3/2012:

- 7g30 đến 10g: Lễ kỷ niệm 95 năm Đồng Khánh - Hai Bà Trưng

- 10g đến 11g30: Thăm phòng truyền thống và tham quan các gian hàng, các phòng trưng bày các tác phẩm nghệ
thuật của thầy và trò. Trước phòng truyền thống có một cây mai lớn, hoa đầy cành một màu vàng rực rỡ, hoa như
muốn lưu lại để đón chào lễ hội lớn của trường năm nay.

- 16g đến 21g: Tiệc buffet và chương trình văn nghệ của cựu nữ sinh Đồng Khánh.

       Cựu nữ sinh chúng tôi thuộc rất nhiều thế hệ, người già nhất 92 tuổi của đoàn Hà Nội, người trẻ nhất cũng trên
50 tuổi của đoàn Sài Gòn. Ngày 3 buổi đến trường gặp gỡ bạn bè, thầy cô và nhất là được nhìn lại ngôi trường
màu hồng yêu dấu soi bóng dòng Hương Giang gần một thế kỷ nay, lòng tôi cũng rộn ràng như hồi đi học.

       Năm nay tôi gặp ít bạn bè và thầy cô hơn so với lễ hội 85 năm mà tôi đã về dự. Gặp nhau tay bắt mặt mừng,
ôm nhau thắm thiết, thật hết sức cảm động! Lòng rưng rưng và nước mắt viền mi… Nhưng có một điều đăc biệt là
cô Bích Đào và cô Lý dạy tôi năm nào hầu như không thay đổi mấy so với thời gian. Sung sướng thay được gặp
lại các cô và nhìn thấy các cô vẫn khỏe mạnh, vui tươi như ngày dạy chúng tôi năm nào…

       Hai ngày kỷ niệm 95 năm Đồng Khánh - Hai Bà Trưng qua thật nhanh. Đọng lạị trong lòng tôi là hai đêm văn
nghệ và bài phát biểu của cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền cựu nữ sinh trường NTH Đồng Khánh, nguyên Phó Hiệu
trưởng của trường THPT Hai Bà Trưng, hiện là Trưởng Ban Liên Lạc cựu nữ sinh trường Đồng Khánh - Huế.

       Hai đêm văn nghệ với các tiết mục như xuyên suốt lịch sử của trường: từ cổ truyền đến thời thượng, từ quá
khứ đến hiện tại. Đối với tôi đây là hai đêm văn nghệ hay nhất, hoành tráng nhất mà tôi được tham dự ở trường
Đồng Khánh - Hai Bà Trưng và khi đoàn cựu nữ sinh áo tím, áo trắng cất lên những ca khúc Trưng Nữ Vương, Cô
gái Việt, Khúc Khải Hoàn và Cô gái Nữ sinh Đồng Khánh thì… cảm xúc dâng trào tột đỉnh. Chúng tôi nhớ về vô
vàn kỉ niệm thời còn cắp sách đến trường và hãnh diện là mình đã được theo học nơi đây. Thầy cô và cựu nữ sinh
Đồng Khánh lưu luyến chia tay nhau trong tiếng hát chung “Hãy yêu nhau đi” của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ
tài hoa xứ Huế.

       Mang theo niềm vui và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, tôi trở về Đà Nẵng vào sáng 11/3. “Hú hồn” là tôi
vẫn còn khỏe mạnh và không gặp một trở ngại nào trên đường về, để 16g chiều diện áo mới tham dự Lễ Kỷ niệm
45 Nữ Trung Học Hồng Đức.
       Khác với trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng, trường NTH Hồng Đức chỉ tồn tại một thời gian ngắn ngủi: 8
năm.
       Tám năm so với một đời người thì rất ngắn, nhưng so với thời gian cắp sách đến trường thì đã qua được hơn
hai bậc học hồi đó: Đệ Nhất cấp và Đệ Nhị cấp. Hết bậc Đệ Nhị cấp học sinh đã 18 tuổi. Đó là tuổi thanh niên, tuổi
bước vào ngưỡng cửa Đại học, tuổi rường cột của nước nhà. Vì vậy dù tồn tại một thời gian ngắn, trường cũng
đã đào tạo được nhiều thế hệ nữ sinh tài đức vẹn toàn cho xã hội sau này.
       Và dù tuổi đời thực tế của ngôi trường chỉ 8 năm, nhưng thầy, cô và học trò Nữ Trung Học Hồng Đức vẫn làm
lễ kỷ niệm lớn cho sinh nhật 35, 40, 45 năm của trường (đó là không kể năm nào thầy, cô, học trò cũng họp mặt
nhân ngày truyền thống và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ở trong nước cũng như ở hải ngoại).
       Chương trình Lễ Kỷ niệm 45 năm NTH Hồng Đức tại Đà Nẵng chỉ gói gọn từ 16g đến 21g ngày 11/3/2012,
nhưng không vì thế mà kém ý nghĩa và hào hứng:

- Mở đầu là Văn nghệ chào mừng với hai bài hợp ca truyền thống cho một trường NTH là Trưng Nữ Vương
gái Vịêt. Tiếp đến là hai ca khúc đặc biệt dành cho Lễ hội của trường đó là: Bài “Chào Nữ Hồng Đức 45 năm
của Hà Nguyễn hay Nguyễn Thị Bích Hà - Khoá 4 và bài “Hồng Đức trường tôi”, thơ Tuyết Phan hay Phan Thị Tuyết
- Khóa 5, nhạc Vĩnh Thành (cựu HS Phan Châu Trinh).

- Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là bài phát biểu của anh Tào Lương Quang (cựu GS Vật lí của NTH Hồng Đức):
điểm lại lịch sử của trường từ khi có quyết định thành lập, vị trí của trường và thời điểm trường NTH Đà Nẵng đổi
tên thành trường NTH Hồng Đức; bàng bạc trong đó là tình cảm đối với ngôi trường dĩ vãng, tình đồng nghiêp, tình
thầy trò ngày càng tăng theo năm tháng và tuổi đời.

- Tiếp đến là phát biểu của cựu học sinh trong và ngoài nước; rồi phần tặng quà cho thầy cô thể hiện tinh thần tôn
sư trọng đạo.

Những tiết mục văn nghệ trong chương trình định sẳn, cùng với các tiết mục văn nghệ ngẫu hứng thật hay đã đem
lại niềm vui, nụ cười và gợi nhớ lại những đêm văn nghệ hoành tráng năm nào… Tất cả như để khắng định tài
năng văn nghệ bền bỉ của cựu nữ sinh Hồng Đức.
- Chương trình xổ số với sự tham gia của cả thầy cô, học trò trong và ngoài nước với những giải thưởng thật “giá
trị” làm ai cũng mong mình được trúng bốn giải sau cùng.

       Thật vui vẻ và cảm động vì ngôi trường tuy không tồn tại nữa, nhưng vẫn còn đây thầy cô, học trò NTH Hồng
Đức luôn nhớ về mái trường xưa với những tình cảm chân thật, sâu sắc bất kể không thời gian. Đây là các em về
từ miền quê Quảng Nam - Điện Bàn, Đại Lộc; đây là em về từ cao nguyên Đà Lạt - Lâm Đồng; đây các em về từ
Sài Gòn - Đồng Nai; và đây là các em về từ bên kia bờ đại dương Pháp, Mỹ…; thương nhất là có em về dự lễ hội
khi vừa xuất viện sau những đợt hóa trị căn bịnh hiểm nghèo và… phải kể đến một em mua vé máy bay giá cao
trong ngày 11/3 ngồi chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất để về Đà Nẵng kịp dự lễ hội vào 16g chiều mà không có chỗ!!!
Ối tình Hồng Đức mênh mông như sóng nước sông Hàn, sâu thẳm như biển cả Mỹ Khê… làm sao mà diễn tả hết
được!

       Hai lễ kỷ niệm, hai ngôi trường NTH thời trẻ tuổi đã làm tôi sung sướng và cảm động vô ngần. Ở đây tình
trường lớp, tình bạn bè thầy cô mãi mãi nồng ấm, khó phai mờ trong kí ức.
       Mọi so sánh, cân đo, đong đếm về phương diện tình cảm đều khập khiễng. Hai ngôi Trường NTH Đồng Khánh

- Huế và Trường NTH Hồng Đức - Đà Nẵng đều có vị trí như nhau trong lòng tôi.

Đà Nẵng, cuối tháng 3 năm 2012.
Trần Thị Ngọc Thanh