Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Hành Trình Của Mẹ Nguyễn Thị Lân
Chin Bon
Chin Bon
Hình như mẹ tôi sinh ra là để gánh cả cuộc đời này hay sao mà cứ nghĩ đến mẹ là tôi nghĩ đến cây đòn gánh, cho dù đã mấy chục năm nay mẹ tôi không còn phải đặt nó lên vai.
Ông ngoại tôi rất đẹp trai. Bà ngoại lớn của tôi mất sớm để lại cho ông hai con còn rất nhỏ là dì Cháu và cậu Dược. Cố sợ ông tục huyền lỡ gặp người không tốt sẽ khổ cho dì và cậu nên gã con gái út là bà ngoại tôi cho ông tôi. Vậy là mẹ tôi, cậu Sơn và dì Gái ra đời.
Sau khi tha phương cầu thực khắp nơi không mấy may mắn, ông tôi đùm dắt vợ con quay về quê nhà ở Thanh Thủy làm ông giáo làng. Dân làng nghèo nên chỉ có khi ít lon gạo, lúc mấy rỗ khoai đổi lấy cái chữ cho con. Nhưng nghề dạy học của ông tôi cũng không lâu dài vì ông tôi bệnh nặng, toàn thân tê liệt chỉ nằm một chỗ. Gánh nặng gia đình đặt nặng lên vai bà tôi. Dì Cháu và cậu Dược đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Cậu Dược tôi hy sinh khi mới 19 tuổi.
Khi còn rất nhỏ mẹ tôi đã phải theo bà ngoại để phụ bán cháo lòng. Có một dạo Bà tôi đau nặng, tay chân co rút lại, không còn gánh gồng được nữa. Thế là gánh cháo lòng chuyển sang vai mẹ tôi, còn bà tôi chỉ đi theo để múc bán. Bà tôi và mẹ tôi đi bán dạo từ làng này sang làng khác. Một gánh cháo lòng nuôi cả gia đình.
Bà nội tôi vốn là người cùng làng với mẹ tôi. Bà nghe tiếng mẹ tôi đã nết na lại rất đảm đang nên cậy người mai mối cho ba tôi. Tuy hoàn cảnh hết sức khó khăn, ông bà ngoại tôi vẫn khuyên con gái lấy chồng cho phải lứa vừa duyên. Mẹ tôi vẫn tiếp tục cùng gánh cháo lòng, đi về cả hai làng.
Năm 1963, mẹ tôi phải theo ba tôi vào Ban Mê Thuột. Lúc đó mẹ tôi đã có bốn người con, kể cả tôi là đứa thứ nhì. Mẹ tôi chuyển qua bán chuối nhưng không mấy thành công nên quay lại với gánh cháo lòng. Sau khi ông tôi mất một thời gian, bà ngoại tôi đưa dì Gái vào cùng sống với gia đình tôi. Còn cậu Sơn thì đi học ở Sài Gòn. Dì tôi phụ Mẹ tôi buôn bán còn bà ngoại tôi ở nhà cùng với các cháu, đỡ đần mẹ tôi rất nhiều.
Ba tôi là một y tá quân y. Công việc của ông rất bận rộn. Ông thường bị “cấm quân” tại bệnh viện. Khi có thời gian ông rất thích đưa các con đi “picnic” ở Cốc Lâm Tuyền, khung cảnh rất hữu tình. Mẹ tôi ít khi tham gia được vì bà còn bận bịu với gánh cháo lòng ở chợ.
Hằng ngày mẹ tôi phải thức dậy từ ba giờ sáng. Mẹ tôi đi lấy lòng về chế biến nấu nướng rồi gánh đi bán. Khoảng mười giờ, chị em tôi thay nhau ra chợ lấy thức ăn mẹ mua và sơ chế sẵn về nấu ăn. Mẹ tôi không về nhà ăn trưa mà ăn ngay ở chợ, khi rảnh thì chợp mắt một lát. Chiều về, mẹ tôi lại lỉnh kỉnh nào là rau hành, gia vị, chuẩn bị cho ngày hôm sau, nào là quà cáp bánh trái cho con.
Đến năm 1970, gia đình tôi theo ba tôi chuyển về Đà Nẵng. Lúc này ba mẹ tôi đã có bảy đứa con. Ba tôi rất lo lắng về vấn đề nhà cửa ở Đà Nẵng. Mẹ tôi chỉ tủm tỉm cười. Cứ mỗi lần để dành được kha khá, mẹ tôi lại mua ít chỉ vàng về cất. Lúc còn ở Ban Mê Thuột, nhà tôi bị cháy hai lần do chiến tranh. Ba tôi rất lo lắng, còn mẹ tôi vẫn điềm nhiên. Bà biết sẽ làm gì. Căn hầm chữ S, chất đầy các bao đất, bao gạo không chỉ là nơi trú ẩn của gia đình tôi mà còn là nơi chứa lương thực và dấu của để dành.
Ba mẹ tôi mua một căn nhà lụp xụp trong xóm nghèo. Ba mẹ tôi tiếp tục làm lụng, tích cóp để nuôi con, sửa nhà. Mẹ tôi vẫn tiếp tục với gánh cháo lòng, giúp chồng, nuôi con, đỡ đần cho bà ngoại tôi, tạo dựng cho em. Mẹ tôi có tính lo xa, trong nhà khi nào cũng chất đầy, gạo củi, mắm muối. Tôi còn nhớ các năm 1972, 1975, bà con nội ngoại tản cư vào ở nhà tôi rất đông, mẹ tôi rộng rãi cưu mang hết thảy trong cả tháng liền.
Chiến tranh đã hết, nhưng tình hình kinh tế trở nên ngày một khó khăn. Mẹ tôi buôn bán không còn thuận lợi như trước. Mẹ tôi cất chiếc đòn gánh khỏi đôi vai và thay vào đó là rỗ thịt đội trên đầu! Bà lại tiếp tục cưu mang và sinh đứa con thứ mười.
Ba mẹ tôi bàn tính đưa các con lớn theo ba tôi về quê, vừa học vừa phụ giúp ba làm ruộng, còn các con nhỏ ở lại với mẹ tôi. Thấy hoàn cảnh gia đình ngày một khó khăn, tôi nhiều lần muốn nghỉ học để đở gánh nặng cho gia đình. Ba mẹ tôi phản ứng: "Dù có phải ăn rau ăn cháo thì con cái cũng không được bỏ học!”. Nhờ thái độ dứt khoát ấy của ba mẹ mà tôi mới được như ngày nay.
Mất mùa liên tục mấy năm, ba tôi và những đứa con lớn lại lục tục quay lại Đà Nẵng. Ba tôi xoay xở đủ thứ nhưng không mấy thành công. Mẹ tôi vẫn tiếp tục với rỗ thịt. Rằm, Mồng Một bà lại làm đồ ăn chay để bán. Chúng tôi vẫn được đi học và chưa bao giờ phải chịu cảnh đói rét.
Hành trình của Mẹ càng ngày càng ngắn lại. Còn hành trình của chúng tôi thì lại càng ngày càng vươn xa đến các trường đại học, đến các nơi làm việc sinh sống. Mẹ thì gánh cháo lòng trên vai, rỗ thịt trên đầu còn con thì cặp sách tung tăng, tương lai rộng mở. Ngày sau, con cháu có thực hiện được những chuyến đi khắp thế giới là cũng nhờ hành trình của mẹ từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà.
Ngày Mồng Một Tháng Hai năm Kỷ Sửu, mẹ tôi đã thực hiện một cuộc hành trình thật xa đến tận Miền Cực Lạc. Ở đó mẹ tôi vẫn dõi theo, tiếp tục động viên ba tôi, nâng đỡ chở che con, cháu trong đời.