Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Hình bóng quê nhà

Trong ký ức của tôi, Bảo An là một làng quê trù phú, yên bình và đẹp nhất huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đó chính là quê nội tôi.

Ngày còn bé, mỗi dịp được theo Ba tôi về quê ăn đám giỗ hay các đám cúng đình, chạp mả, thanh minh … những đứa bé từ thành phố về như chúng tôi thường được họ hàng quí mến, cưng chìu một cách thật đặc biệt. Thuở đó, tôi chừng năm, sáu tuổi, Ba chở hai anh em trên chiếc xe máy hai bánh, từ Đà Nẵng về quê. Đối với tôi mọi thứ đều lạ lẫm. Thỉnh thoảng, Ba tôi ngừng xe lại chào hỏi một vài người quen trong tộc và khoe với họ về hai đứa con của Ba. Tôi không bao giờ quên cảm giác thích thú khi ngồi trên yên xe máy, tôi ôm chặc vòng bụng của Ba, còn anh Hai ôm chặc lưng tôi, xe chạy vù vù qua cánh đồng lúa thơm mùi cây cỏ. Có khi Ba tôi ngừng xe lại ở một khoảng đất, nơi có người dân quê đang cặm cụi đào đào, xới xới. Ba nhổ một chùm cây, có cả lá lẫn rễ rồi giải thích cho tôi, đây là cây đậu phụng. Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn chùm cây với những chiếc lá hình tròn tròn, xanh mướt, những hạt hạt đậu phộng tươi có vỏ, còn dính đất đỏ, tòn ten trên tay Ba tôi. Trong trí óc ngây thơ của tôi, hạt đậu phộng phải nằm trên cành cây hoặc là dây leo, mới phải. Mọi thứ mọc ngầm dưới đất đều phải gọi là “củ” như củ khoai, củ sắn, củ cà rốt. Khi tôi nói nhận xét này Ba tôi chỉ cười. Xe máy của Ba chạy trên đường lớn, ngoài đồng rồi rẻ vào con đường làng bằng đất đỏ, khá rộng, rợp bóng mát của hai hàng tre xanh mướt. Vào đến sân nhà họ hàng cô, chú, bác thì dường như nhà nào cũng có cái sân lót gạch đỏ để phơi lúa, có hàng cau xanh trước sân hoặc dãy chè tàu với những sợi tơ hồng giăng giăng, có nhà thì trồng hàng ngâu, hoa trắng li ti hay những khóm hoa lài tỏa hương thơm ngát. Tuy còn bé tí nhưng tôi cũng có cảm nhận rằng làng quê nội của tôi đẹp, êm ả, thanh bình và thuộc loại giàu có. Cảm nhận này theo tôi suốt thuở ấu thời.

Tôi lớn lên trong thời kỳ đất nước chiến tranh. Những người họ hàng của tôi từ Bảo An có người đi tập kết ra bắc, có người theo “nằm vùng”, có người đi lính cộng hòa và vô số người ngã xuống vì bom đạn của hai bên. Làng quê nội không còn êm ả thanh bình nữa, đêm đêm tiếng súng vọng về, hỏa châu thay cho ánh trăng quê thanh bình. Tôi không còn có cơ hội quê dự những ngày kỵ giỗ, được giới thiệu là con ông này bà nọ, làm quen với những người cùng lứa từ xa về. Không còn những ngày hè về quê ngắm những hàng tre xanh ngát hay theo anh chị em họ ra đồng thả diều, không còn những đêm trăng tập trung ở nhà ông bác, ngồi trên bộ phản trước hiên nhà nghe các vị cao niên kể chuyện đời xưa. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, quê hương nói chung hay quê nội tôi nói riêng vẫn là một chốn rất yên bình, nên thơ, giàu có. Hình ảnh này theo tôi trong những bài tập làm văn thời nhỏ, nó là điều có thật, không phải chỉ nôm na chung chung như trong những bài thơ hay những áng văn tôi được học trong sách vở.

Gần bốn mươi tuổi, tôi rời quê nhà ra đi, đến một nơi thật xa xăm, nơi đây không có một điều gì gợi cho tôi nỗi nhớ quê nhà. Mọi sinh hoạt văn hóa, đời sống thực tế và tâm linh hoàn toàn khác biệt. Quê nhà, trong lòng tôi giờ đây sao trừu tượng quá.

Mãi đến năm 2007 được tin miền trung bị thiên tai tàn phá rất nặng. Gom góp sự thể hiện thực tế lòng từ tâm của đồng hương, đồng loại được một số hiện kim khá lớn, tôi theo nhóm người làm công tác từ thiện trở về nơi tôi đã từng sinh ra, lớn lên, trải qua bao tháng ngày vừa êm đềm lẫn sóng gió. Chúng tôi đi qua nhiều thôn làng, những nơi xa xôi nhất, bàn tay người dân tội nghiệp như chới với vì mọi phương tiện giao thông hầu như bị cắt đứt bởi thiên tai, hàng hóa cứu trợ rất hiếm được chuyển đến. Nơi đó, đến thế kỷ 21 này vẫn chưa có điện, chúng tôi phải liên lạc bằng cách nhờ nhũng người sắc tộc thiểu số dẫn đường, mặc dù trước đó đã phải nhờ người đến bưu điện Đà Nẵng liên lạc bằng cách đánh moọc sờ. Vùng thượng du miền núi Thường Đức đến nay vẫn chưa hề có điện thắp sáng, đừng nói đến điện thoại hay internet.

Rời vùng núi đồi Đại Lộc khô cằn sỏi, nhừng mái nhà tranh liêu xiêu hay những nền nhà trơ trọi vì đất sạt lở sau cơn mưa lũ. Lòng tôi chưa hết tái tê trước thảm cảnh điêu tàn và chứng kiến những câu chuyện thương tâm, đầy nước mắt. Duyên lành đưa đẩy, người dẩn đường ngỏ ý lái xe đưa tôi về lại quê nội tôi. Khi tôi nói cái tên làng Bảo An, anh ta cho biết, bây giờ được gọi bằng cái tên là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Được biết xã này ít bị ảnh hưởng của thiên tai hơn, tuy nhiên tôi cũng muốn đi cho biết.

Lần trở về quê này, tôi ngồi trên xe bốn bánh. Cảm giác thật bồi hồi, vẫn những con đường làng khá rộng, hai bên đường có những tấm bảng treo chỉ đường: Lối vào nhà thờ tộc Phan, lối vào nhà thờ tộc Nguyễn, tộc Lê … làng quê nội có vẻ văn minh hơn tôi tưởng tượng. Xen lẫn những đoạn đường vẫn còn hai hàng tre xanh mướt là quán xá, sân vận động. Nhìn chung Bảo An có phần trù phú hơn những nơi tôi đã đi qua. Sự đón tiếp của người địa phương cũng khá thân thiện. Sau khi biết đây là quê nội tôi, ai cũng thăm hỏi tôi là con cháu tộc nào, câu đầu tiên người ta thường hỏi là: Cháu nội ông nào? có một người hào hứng muốn lấy xe gắn máy chở tôi đi thăm một vài người bà con rất gần, ở quanh đây. Ngồi sau xe máy đến thăm một ông anh con Bác, cùng tuổi và cùng có đôi kỷ niệm ngày còn thơ, tôi mường tượng như mình là cô bé bao nhiêu năm trước theo Ba về quê. Đi ngang qua khu nhà thờ tộc họ với lối kiến trúc cổ điển giữa một làng quê vẫn còn tương đối bình an sau trận thiên tai, tôi được biết mỗi năm vào dịp cúng Thanh Minh, những người xa xứ tụ tập về đông vui lắm.

Nghe chuyện kể và bao hình ảnh thân thiết trên đường đi, những chú bò thong thả gặm cỏ trong sân vận động xã, thấp thoáng vài ngôi nhà ngói đỏ nấp sau hàng cau xanh … tạo cho tôi một cảm giác thật ràng buộc, hiện tại và quá khứ như gần gũi hơn. Và dường như trong lòng tôi, niềm hãnh diện là con cháu tộc Nguyễn Bảo An đang tồn tại. Hình bóng quê nội vẫn còn đây, trong lòng tôi. Tuy lớn lên trong khói lửa chiến tranh, trải qua bao thăng trầm của đời sống, tôi cũng tự hào mình đã có những tháng ngày ấu thơ thật êm ả nơi quê nội. Bảo An quả là một làng quê trù phú, yên bình, nên thơ mà tôi hằng ghi nhớ.


Nguyễn Diệu Anh Trinh
Tháng 5- 2013