Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
                                                             HỒ ĐIỆP XƯA


Ngày bốn chị em gái Trúc Quỳnh mới lớn, con đường nhỏ Thanh Thủy của phố Đà bỗng chốc hóa xôn xao nhộn nhịp hơn.
Này nhé, hằng ngày, mỗi buổi sáng thế nào cũng có anh chàng Quân cao nhồng, tên tự là Quân cò, người đã cao lại gầy thế kia nhưng rất thích cắt tóc húi cua hai phân, diện thêm cái quần short màu vàng kaki cũ mèm, model đời ông vua nào đó của nước Việt, bất chấp hai mùa mưa nắng, cứ thế đạp chiếc xe cổ lỗ sỉ diễn hành qua nhà Trúc Quỳnh. Sau khi lượn qua lượn lại khoảng mười vòng có lẽ, chợt thấy bóng Trúc Quỳnh ra mở cổng cho bé út Trúc Hiên đi học, anh chàng cò hương nhào tới với gói xôi và nói trong tiếng thở hào hển:

- Nhờ Trúc Quỳnh đưa đồ ăn sáng cho Trúc Cầm giùm anh với, anh phải đi bây giờ.

Có khi anh cò hương nhét vội gói xôi rồi bỏ đi thật nhanh làm Trúc Quỳnh không kịp nói gì, nhưng đôi lúc trong người Trúc Quỳnh hơi "khó ở" thì Trúc Quỳnh gọi anh giật ngược:

- Này anh Quân, sao anh không đưa tận tay chị Trúc Cầm, Trúc Quỳnh không làm người đưa giùm nữa đâu!

Nhưng thoáng trông thấy nét thất vọng hiện ra trên mặt anh cò hương, Trúc Quỳnh không nỡ, lại tiếp tục chuyển rất nhiều quà sáng cho chị gái lớn nhất nhà là Trúc Cầm. Mà cái chị này lạ ghê, nhận thì vẫn nhận, ăn thì vẫn ăn, có khi còn chê bai thức ăn bị dở nữa, rồi còn tàn ác hơn đó là cùng ăn chung với anh Bình, người tình trăm năm con nhà giàu đẹp trai của chị, thường có mặt trong nhà Trúc Quỳnh mỗi ngày đợi chị trang điểm xong là chở đi làm. Để chấm dứt tình trạng cò gầy đi nuôi cò mập, có lần em gái thứ ba Trúc Đan tức giùm cho anh cò hương, buổi sáng đón anh ngay trước ngõ, thẳng thừng phán một câu:

- Anh Quân à, em thấy là anh không nên theo đuổi chị Trúc Cầm của em nữa, bởi vì chị ấy đã có người yêu rồi, anh nên thức giấc đi thôi.

Vừa nghe xong anh cò hương tối sầm mặt rất thểu não, không nói gì cả và phóng xe đi thẳng. Anh đi luôn. Đi biền biệt. Không lần quay lại. Mấy chục năm sau, khi ở Mỹ, lúc anh Bình đã không còn hiện hữu trên cõi đời và chị Trúc Cầm đã có cháu ngoại, ôm thằng nhỏ kháu khỉnh trên tay, chị nói với Trúc Quỳnh:

- Không biết bây giờ ông Quân cò ở đâu hả Trúc Quỳnh, hồi xưa cũng tại con bé Trúc Đan nhanh nhảu đoảng, đi nói thẳng vào mặt người ta, ông ấy không biến mất mới là lạ đó. Em làm ơn kiếm giùm cho chị với, dù sao chị cũng mắc nợ người ta một lời xin lỗi.

- Biết vậy sao ngày xưa chị lại làm, thôi được, thời đại internet mà, em sẽ kiếm ông ấy cho chị, nhanh lắm.

Email qua lại với những người quen biết cũ có, mới có, sau mấy tuần truy tìm tông tích người xưa, cuối cùng Trúc Quỳnh có được email của anh cò hương, hiện ở tận đảo Phú Quốc, có lẽ đang vui thú ngư ông và biển cả, Trúc Quỳnh thở ra nhẹ nhõm khi nói với chị Trúc Cầm:

- Nghe nói anh cò hương đã lập gia đình, đã có con, có một bầy cháu nội ngoại.

Chị muốn đền bù gì cho anh ấy thì làm ngay đi nhé. Em sẽ báo cho Trúc Đan biết vì nó cũng có lỗi trong đó. Và em cũng muốn góp thêm một phần.

Một tuần lễ sau thì Trúc Quỳnh nhận được email cám ơn của anh cò hương: "Hơn ba mươi năm trước anh không hề biết là chính mình đã cho Trúc Cầm mượn một số tiền nhiều như vậy Trúc Quỳnh ạ, hôm nay bỗng chốc có trong tay mấy chục triệu đồng, anh không biết làm gì với nó bây giờ Trúc Quỳnh ơi ..."

Coi như chị Trúc Cầm bằng một cách nào đó, cố gắng làm mờ vết thẹo đã vô tình gây ra cho anh cò hương năm xưa ... Thôi thế cũng tạm yên.

Còn riêng Trúc Quỳnh, lúc mà anh cò hương đang làm nhà "cung cấp" thức ăn sáng cho chị Trúc Cầm thì buổi chiều nào cũng vậy, cứ khoảng năm giờ trở đi, khi đứng trên ban công nhà nhìn xuống đường, là Trúc Quỳnh đều trông thấy anh chàng Trần Hồ Dụng, người theo đuổi Trúc Quỳnh ráo riết nhất, đi ngang qua cùng với một vài người bạn, trong số đó có Vịnh, rất ... chết mê chết mệt vì Trúc Đan, nhưng coi bộ con nhỏ không muốn đáp lại tình cảm đó, mặc cho anh chàng góp lại đường đi vạn dặm đường" như lời thơ mà me thường đọc cho bốn cô con gái yêu quý của me nghe.

Có khi anh Trần Hồ Dụng kéo theo cả nhóm bạn vào nhà Trúc Quỳnh chơi, thì bé Trúc Hiên là người được nhận quà nhiều nhất từ các anh bạn của các chị mình. Trúc Hiên nói:

- Kể ra thì em có nhiều chị nên rất có lợi, phải chi em có thêm nhiều anh...

Anh Trần Hồ Dụng hỏi liền:

- Vậy em có muốn anh làm anh của em không?

Trúc Hiên vừa chạy ra ngoài vừa ngoái đầu lại trả lời:

- Chuyện này anh phải hỏi chị Trúc Quỳnh thì rõ ràng hơn.

Anh Trần Hồ Dụng đặc biệt có đôi mắt rất đen và ánh nhìn đăm đắm, như có ngấn nước long lanh trên mặt hồ vào buổi đầu thu, anh ấy làm thơ dễ dàng như hơi thở:

Tháng giêng cùng em nhỏ
Trúc quỳnh xanh kiêu sa
Mảnh hồn em lịm thở
Trong đáy mắt bao la ...

Tháng giêng và em nhỏ
Lá hoa dịu dàng chào
Anh về qua lối cỏ
Hồ điệp bay xôn xao ...
(Trích Xin hoa nở trên lối em đi - thơ TTH)

Trúc Quỳnh cũng có cảm tình với anh Hồ Điệp, nhiều lần đã họa lại những bài thơ hay của anh, mơ mộng như thuở còn ở sân trường Hồng Đức yêu dấu cũ. Khi làm thơ, anh Trần Hồ Dụng thường lấy tên là Hồ Điệp, tự cho mình là loài bướm hóa thân xuống trần gian để bay lượn chung quanh khóm Trúc Quỳnh ẻo lã, hư hư thực thực. Lúc đó vào thời điểm sau 1975 khoảng ba bốn năm, anh Hồ Điệp còn lang thang thất nghiệp, rất bất đắc chí, chán nản cùng cực, không có đất để dụng võ (theo lời anh Hồ Điệp thường than thở với Trúc Quỳnh). Nhưng Trúc Quỳnh không biết tài dụng võ của anh Hồ Điệp là ra sao, chỉ thấy là anh làm thơ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu ... kể cả khi trong túi anh không có tiền. Thấy được viễn cảnh khổ sở của Trúc Quỳnh nếu cứ theo anh Hồ Điệp, me rất lo lắng và thường khuyên nhủ cô con gái thứ hai:

- Con nên thực tế một chút nghe Trúc Quỳnh, hồ điệp bay xôn xao ngoài ngõ là để tô điểm thêm cho cuộc sống phong phú, chứ trong tương lai không phải dùng để mà sống, nhớ điều đó giùm me nghe con.
Rồi một hôm, bỗng dưng anh Hồ Điệp biến mất, không để lại một dấu vết gì. Mấy tuần sau Trúc Quỳnh nghe tin anh vượt biên nhưng không thành công, đang ở trong khám cùng với Vịnh, bà mẹ của anh Hồ Điệp tay xách tay mang vào thăm ở Hội An. Me thở phào nhẹ nhõm: thật là may mắn cho Trúc Quỳnh!
Mãi về sau, khi Trúc Quỳnh đến Mỹ, lúc đã ổn định xong cuộc sống, Trúc Quỳnh làm việc cho một công ty có cổ phần hùn hạp với một đối tác tại Nhật bản, vì phần hành của Trúc Quỳnh là cùng với nhóm soạn thảo hợp đồng và phải thường xuyên theo nhóm đi Nhật. Lúc vào khách sạn lấy phòng thì Trúc Quỳnh gặp một người đàn ông Việt Nam, là đối tác bên kia của công ty Trúc Quỳnh.

- Tên cô là Trúc Quỳnh Nguyễn?

- Dạ đúng, còn anh?

- Tôi là Hồ Phi Long, người Mỹ của cô thường gọi tôi là Long Hồ.

Lại dính dáng đến chữ Hồ...Trúc Quỳnh hơi xôn xao:

- Tên của anh thật là dũng mãnh, nhưng ... rồng đâu có ở trong hồ?

Long Hồ cười thoải mái:

- Thì nhiều khi cũng gặp phải cảnh rồng bơi nước cạn bị tôm ăn hiếp ấy mà, không có sao, cuộc sống đâu phải như mình muốn, vả lại, nếu ai cũng tranh nhau chỗ đứng thật cao, thì còn ai đứng chỗ thấp nữa, lên cao nhiều, dễ bị choáng váng lắm.

Nhưng định mệnh đã an bài, dù có ở đâu, cao hay thấp chăng nữa, thì một người đàn ông thực tế như Long Hồ cũng bị choáng váng vì cuộc gặp gỡ với khóm trúc xinh đẹp thật bất ngờ trên đất nước phù tang. Khi trở về Mỹ, Trúc Quỳnh nhận được fax tỏ tình nồng nhiệt của anh chàng: "Yêu em nhiều lắm! Yêu em điên cuồng. Anh không thể sống mà thiếu em!" Và rồi một đám cưới đã kết thúc những chuyến bay qua về giữa hai vòng đường biển dài vạn dặm Mỹ - Nhật của Long Hồ.
Khi con gái Quỳnh Ni sắp vào đại học, vì công việc của chồng không thể nghỉ dài hạn để cùng gia đình về Việt Nam, nên chỉ có hai mẹ con Trúc Quỳnh lấy một chuyến ba tuần lễ về Sài Gòn để thăm viếng gia đình của Long Hồ. Qua tuần thứ hai, Trúc Quỳnh và con gái bay ra Đà Nẵng. Ngồi trên máy bay, Quỳnh Ni nói:

- Từ nhỏ cho đến bây giờ, con cứ nghe mẹ kể mãi về Đà Nẵng là nơi mẹ sinh ra và lớn lên với sự nhớ tiếc không nguôi, nhất là bác Hồ Điệp và ngôi nhà cũ ở đường Thanh Thủy, con hy vọng lần về thăm này sẽ làm cho mẹ bớt buồn khi trở lại Mỹ. Phải không mẹ?
Trúc Quỳnh mắt rướm lệ :

- Mẹ cũng nghĩ vậy. Nhưng để mẹ xem sao đã.

Ngồi trên taxi để về khách sạn, Trúc Quỳnh nhận thấy Đà Nẵng thay đổi quá nhiều, có những đoạn đường lạ và sầm uất khiến Trúc Quỳnh không biết ở vào vị trí nào của ngày xưa, nước mắt Trúc Quỳnh lăn dài trên má, Quỳnh Ni ái ngại nhìn mẹ:

- Mẹ thấy thế nào, mẹ ra sao, có cần con giúp gì cho mẹ không?

Giọng Trúc Quỳnh nghèn nghẹn:

- Không sao đâu, chỉ là cảm xúc bình thường khi thấy lại nơi chốn cũ mà thôi, mẹ không có gì, sẽ ổn ngay con à.

Lúc xuống xe, Trúc Quỳnh dặn dò người tài xế ngày mai trở lại đón hai mẹ con về khu vực bãi biển Thanh Bình, sau đó Trúc Quỳnh cùng con gái ăn tối ở một tiệm ăn kế bên khách sạn.

Sáng hôm sau, người tài xế đúng hẹn đến đưa hai mẹ con về đường Thanh Thủy như lời Trúc Quỳnh yêu cầu. Xe qua đường Quang Trung rộng và thẳng tắp, rồi đường Ông Ích Khiêm đông đúc xe cộ và người qua lại tấp nập, rồi Cao Thắng ... Trúc Quỳnh đã trở về và đang đi trên những đường phố có hầu hết phụ nữ bịt mặt khi ra ngoài như chuyện nghìn lẻ một đêm. Qua cửa kính xe, Quỳnh Ni có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh tượng như vậy, rồi làm sao mà bạn bè, người quen nhận ra nhau đây? Trúc Quỳnh nghe một nỗi bồi hồi dâng lên trong lòng. Như cảm thông được tâm trạng của vị khách trên xe, người tài xế nói:

- Tôi biết nhiều người cũng có cảm xúc giống cô, khi thấy lại nơi chốn cũ đã không còn như lúc mình ra đi, nhất là Đà Nẵng thay đổi đến mức độ chóng mặt như thế này. Chính tôi là người ở tại đây mà còn lạ lẫm nữa huống gì là cô đã mấy chục năm không về.

Trúc Quỳnh lẩm bẩm, đúng là mình thấy lạ ngay trên chính quê hương của mình. Người tài xế nói tiếp:

- Xin cô cho biết số nhà cũ của cô.

- Anh cứ chạy, tôi nhớ nhà mình chỗ nào ở Thanh Thủy mà, tôi lớn lên tại đây.

Người tài xế thấy cô khách có vẻ dạt dào cảm xúc quá nên im lặng tiếp tục lái xe.
Khi xe chạy đến cuối đường, vẫn không tìm thấy ngôi nhà cũ của mình ngày xưa, sao lạ quá vậy. Người tài xế cho xe quay lại và nói:

- Tôi chạy từ từ để cô tìm nhé.

- Được mà, cám ơn. Ô đây rồi, anh ngừng xe tại đây cho tôi.

Hai mẹ con xuống xe, có vài ba đứa nhỏ thấy người lạ dáo dác tìm nhà nên đến vây quanh hai mẹ con Trúc Quỳnh, khiến Trúc Quỳnh nhớ đến bài thơ cổ của Hạ Tri Chương bên Trung quốc khi ông trở về quê cũ sau mấy mươi năm biệt xứ:

Hồi hương ngẫu thư

Nhỏ bỏ nhà đi, già trở lại
Tiếng quê chưa đổi, tóc thì thay
Bầy con nít gặp, nhìn ngơ ngác
Cụ ở đâu mà lạc đến đây?
(TVL dịch)

Quỳnh Ni thấy hơi bỡ ngỡ nên cầm tay mẹ và hỏi:

- Nhà ông bà ngoại ngày xưa đây hả mẹ?

- Đúng rồi con, nhưng bây giờ đã chia năm xẻ bảy, không còn như xưa nên mẹ không nhận ra.

Nhớ nơi góc vườn bên phải ngày nào ba trồng bụi thủy trúc xanh tươi, giờ đã không còn nữa, me Trúc Quỳnh rất thích và yêu quý loài cây kiểng này vì nó tượng trưng cho cái tên của me, cái tên do ông ngoại Trúc Quỳnh tìm tòi chọn đặt cho me khi me chào đời ở Huế: Lê thị Thủy Trúc.

Trúc Quỳnh nhìn lên khung cửa sổ nơi căn phòng học ngày xưa của bốn chị em, bệ cửa đó ngày xưa Trúc Quỳnh thường tựa vào mỗi chiều nhìn xuống con đường, khi anh Hồ Điệp ngang qua. Cũng tại nơi này, chỗ Trúc Quỳnh đang đứng, là một thời hò hẹn thiếu nữ mắt biếc môi hồng, một thời xôn xao con ngõ có bầy hồ điệp bay từng đàn ...

Lúc Quỳnh Ni đã vào trung học, đôi khi Trúc Quỳnh nhớ lại ngày xưa và anh Hồ Điệp, có một lần trong dịp sinh nhật tháng giêng năm nào, Trúc Quỳnh đã viết vội vài dòng tặng cho chính mình:

Tháng giêng về và bầy chim sẻ nhỏ
Hót ngoan hiền trên lối cỏ êm mơ
Tuổi mộng tròn hồ điệp qua ngang ngõ
Thần tiên ơi bay mất tự bao giờ ...

(Thơ TTH)

Trời Đà Nẵng mùa hè nóng như đổ lửa mà Trúc Quỳnh lại nghe trong lòng mình vô vàn sướt mướt, câu thơ cổ lại âm âm đâu đây.
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi ...

Hạ Tri Chương nghìn xưa chắc cũng giống như mình hôm nay, Trúc Quỳnh nghẹn ngào đứng ngẩn ngơ một lúc trước cổng, có tiếng Quỳnh Ni hỏi mẹ:

- Mẹ à, rồi mẹ có biết bây giờ bác Hồ Điệp ở đâu không?

Trúc Quỳnh nghe mình trả lời con gái:

- Mẹ cũng không biết hồ điệp đã bay đi đâu ...

Tammy Tran
(Cho ngày xưa thân ái)