Hội An trong tôi           
                                     Thân tặng các bạn đã cùng về thăm Hội An với AT.
  
Cách Đà Nẵng khoảng 30 cây số về hướng nam, Hội An là một đô thị cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn sau hai cuộc chiến tranh Đông Dương. Nếu Đà Nẵng có rất nhiều thay đổi để vươn lên là một thành phố lớn của miền Trung Việt Nam thì nơi đó Hội An vẫn giữ được nét cổ kính, ảnh hưởng bởi hai nền văn minh Nhật Bản và Trung Hoa. Hội An được biết đến ngoài các tên Hải Phố, Faifoo, Phố Hội ... còn có một tên khác rất gợi cảm là Phố Hoài, bởi đoạn sông Thu Bồn viền qua phố Hội An, chảy ra Cửa Đại mang tên là sông Hoài.

Từ thế kỷ mười sáu, mười bảy Hội An là một thương cảng sầm uất, là một bến đổ, một phiên chợ quốc tế tập trung các thương thuyền đến từ Bồ Đào Nha, Nhật, Ấn độ, Trung Hoa ... nổi tiếng với tên gọi Faifoo, đôi bờ sông Hoài đã một thời nhộn nhịp với những hiệu buôn quanh năm sầm uất. Mặc dù phố cổ nhỏ xíu về diện tích, chỉ có vài con đường, nhưng lại có nhiều ngõ hẻm hun hút giữa hai vách tường cao. Sau bao ngày dải dầu mưa nắng, những mái ngói, bờ tường phủ một màu rêu xanh mượt, tạo cho Hội An một hình ảnh rất ấn tượng đọng lại trong tâm hồn kẻ tha hương mỗi khi nhớ về. Có lẽ được nuôi dưỡng bởi một vùng đất nhỏ bé, hiền hòa và êm đềm như truyện cổ tích nên Hội An sản sinh ra nhiều tâm hồn nghệ sĩ, những con người phố cổ nặng nghĩa tình. Trong tâm tình đó, nhạc sĩ Phù Chí Phát, một người con Phố Hoài hiện đang định cư tại thủ đô Washington đã viết lên dòng nhạc ...

              Có thành phố nào, ngày mong đêm nhớ
              Có dòng sông nào, em tắm mát tuổi thơ
              Anh đi phương trời, anh mang câu hò ...
              Anh mang phố cổ về Washington ...

Quanh đi quẩn lại khoảng không gian nhỏ bé từ Chùa Cầu đến Âm Bổn, ngọn gió mát dìu dịu của sông Hoài cho đến màu xanh mượt mà đọng lại trên hai dãy phố rêu phong cổ kính, vậy mà khiến người dân Phố Hội dù đi đâu cũng mang theo, sống ở đâu cũng mong quay về.

Từ Atlanta, tôi mang theo tấm lòng của người dân Phố Hội trong chuyến du lịch rất ngắn, chưa được hai mươi ngày. Đang ngao du ở Buôn mê Thuộc, tôi có phone của Ấn báo sẽ có Hoa và anh Lâm Hùng đưa tôi đi Hội An vào sáng thứ bảy. Chuyến đi từ sáng đến chiều còn có các bạn thời áo trắng Hồng Đức. Chúng tôi vừa đi vừa tâm sự. Nghịch ngợm nhất trong bọn vẫn là cô bạn có cái tên y hệt nữ diễn viên điện ảnh xứ Hồng Kông: Hồng Kim Oanh duyên dáng với những câu chuyện dí dỏm. Thật hay bịa không rõ nhưng Oanh đã làm chúng tôi cười vui suốt đoạn đường. Bên cạnh nét trẻ trung thoải mái của Oanh là vẻ dịu dàng, nhút nhát của Hạnh. Hạnh nhỏ nhẹ, từ tốn, rất ít nói nhưng từ lâu trong tôi Hạnh là một ngưới bạn dễ thương, hiền hòa và tràn đầy tình cảm với đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt như sắp khóc. Hải thì nhanh nhẹn, ham vui nhưng không quên nhiệm vụ. Suốt đoạn đường đi và về cô nàng cứ liên lạc, lo cho chồng con công việc ở nhà qua cái cell phone réo liên tục. Người đẹp Lệ Hồng thì luôn xứng với chức Hoa khôi của nhóm U50 từ nhan sắc cho đến dáng dấp. Hoa và Hùng luôn luôn là một đôi lý tưởng. Tôi đã gặp Anh Hùng nhiều lần nhưng hôm nay mới có cơ hội tiếp xúc nhiều, và tôi đã hiểu tại sao nhỏ Hoa càng ngày càng đẹp mặn mà. Anh Hùng có lối nói chuyện thật trẻ trung, vui tính. Cái duyên dáng đằm thắm của Hoa và anh Hùng như quyện với nhau. Hai người song đôi rất hạnh phúc khiến tôi mường tượng hình ảnh trong bài thơ “Đôi Dép” của nhà thơ Nguyễn Trung Kiên:

             Đôi dép vô tri khắng khít song hành
             Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
             Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
             Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
             Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
             Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
             Nhưng tôi yêu em bởi những điều ngược lại
             Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung

Chẳng mấy chốc xe đã đưa chúng tôi đến phố cổ, con đường dẫn vào là hai hàng cây trứng cá với những tàn lá thấp, những mái nhà cổ trải qua bao thế kỷ nhưng không mang đặc tính Việt Nam. Đây là Chùa Cầu, cây cầu cong cong có mái che vốn được các người Nhật tha hương xây dựng từ năm 1593 nối liền hai cộng đồng cư dân Nhật Bản, Trung Hoa. Tượng của hai chú khỉ và chó được thờ hai đầu cầu ghi dấu thời gian xây dựng cầu là ba năm từ năm Thân đến năm Tuất, hai bát nhang tỏa khói hương nghi ngút. Giữa cầu là một ngôi chùa nhỏ, trên cửa chính của chùa có khắc ba chữ Hán là tên của cây cầu. Theo nhiều tài liệu viết về Xứ Quảng, trong một chuyến viếng thăm Hội An năm 1719 vị chúa Nguyễn Phúc Chu đã đặt cho cầu cái tên là Lai Viển kiều nghĩa là cầu của những người từ phương xa đến. Ngoài những tượng thờ, chùa Cầu còn có tấm bảng ghi tên các vị có công đức trong việc xây dựng và trùng tu cầu. Chùa Cầu được xem là một biểu tượng của phố cổ Hội An.

Tôi nhờ anh Mười lái xe đưa đến đường Trần Hưng Đạo để gặp một dì Phước, soeur Thu Hương giúp tôi viếng thăm một số bà con bịnh hoạn, nghèo khổ quanh vùng. Các bạn tôi cũng tháp tùng, đến mỗi nhà tôi biếu gia đình chút ít tiền gọi là của ít lòng nhiều từ những tấm lòng đồng hương xa xứ. Theo chân soeur Thu Hương chúng tôi xuống đò Thuận Tình, con đò nhỏ rẻ nước đưa chúng tôi sang làng Duy Nghĩa (thuộc địa phận huyện Duy Xuyên). Dòng sông Thu Bồn hôm nay sao êm đềm quá, lao xao tiếng trò chuyện của những người dân quê. Thấy tôi chập choạng, e dè bước xuống, một cậu bé đưa tay cho tôi níu và nhoẻn miệng cười:

     - Mới đi đò lần đầu hả cô?

Tôi gật đầu. Có lẽ thấy nét mặt tôi vẫn còn sợ. Cậu bé tiếp:

     - Đừng sợ cô ơi, sông ni hiền lắm, không có chi mô.

Tôi thầm nghĩ “Sông hiền cở nào mà không biết bơi, lở rớt xuống một cái là tiêu”. Chỉ nghĩ thôi, tôi không dám nói gì thêm.

Gió nhè nhẹ từ bờ sông thổi lên làm những sợi tóc bạn Lệ Hồng quấn quýt trên mặt tôi. Hồng Kim Oanh lên tiếng:

     - Ê, coi hai đứa tình chưa, cười lên Oanh chụp cho một tấm ảnh. Đi công tác từ thiện mà hai đứa y như đi đóng phim bay ơi.
    
Duy Nghĩa là một làng nhỏ nằm ven sông Thu Bồn thuộc huyện Duy Xuyên, cách Hội An một con đò ngang. Chúng tôi vào thăm gia đình một chị bán vé số dạo có người chồng mang bệnh “tắc tỉnh mạch”. Hai chân của anh đã bị tháo khớp gần hết. Vợ anh mỗi ngày phải đi đò từ Duy Nghĩa sang Hội An, lội bộ vòng vòng phố cổ để bán vé số dạo nuôi chồng. Nhìn thân thể anh gầy gò, nước mắt lưng tròng anh nói:

     - Cả đời em làm bạn với bệnh viện chị ơi. Giờ này sống lây lất, không biết đi theo ông bà lúc nào đây.

Đứa con trai nhỏ của anh đang chơi quanh quẩn bên cạnh, nhìn đôi mắt tròn thơ ngây của bé tôi lòng không khỏi ngậm ngùi.

Trên đoạn đường trở ra bến đò, đôi giày của Hải bỗng bị rớt mất một cái đế. Nhìn tướng Hải đi chân cao, chân thấp thấy mà thương. Kim Oanh luôn là đứa lanh miệng nhất trong bọn, thấy một cậu thanh niên chạy xe máy vào Oanh réo:

     - Em ơi, chở dùm cô bạn chị đi ra bến đò được không, chị bị đứt giày rồi.

May mắn sao cậu thanh niên dừng xe. Hải và Oanh được chở ra trước. Nhỏ Oanh còn đùa:

     - Chao ơi, không biết bộ phim ni khi mô mới chiếu đây để mời mấy cậu em đi coi hỉ. Bọn chị ở Đà Nẵng về đây đóng phim đây nghe em.

Xe chạy rồi mà còn nghe tiếng cười của Oanh vang lại.

Một lát sau, có hai chiếc xe máy khác chạy vào, không cần chúng tôi kêu réo, xe dừng lại, một trong hai chàng thanh niên lên tiếng:

     - Mấy cô đi ra bến đò phải không? Lên đây tụi em chở ra cho.

Chúng tôi chưa hết ngạc nhiên thì chàng trai tiếp:

     - Thằng bạn mới chạy xe ra nói mấy cô đi thăm bà con trong này cần đi ra bến nên kêu tụi em vô chở ra dùm đó mà.

Thế là lần lượt ngươì nào cũng được xe máy đưa ra bến đò chuẩn bị trở về Hội An. Trong lúc chờ đò tôi được biết hai cậu thanh niên sau khi nghe Oanh nói là chúng tôi vào làng thăm bà con nghèo, bệnh tật, cậu ta đã vận động thêm mấy người bạn đem xe máy vào giúp chúng tôi một đoạn đường. Tôi thầm cám ơn cho cái lanh lẹ của Oanh và cảm đông trước tấm lòng của người dân nơi đây.

Tôi đã từng đi nhiều nơi, đã từng nghe kể về tấm lòng người dân phố cổ nhưng hôm nay tôi mới thật sự tiếp xúc. Cái chân thành mộc mạc và tinh thần tương thân tương ái của người Hội An quả là ít nơi nào sánh bằng. Nghe kể trường hợp một phụ nữ buôn bán lặt vặt ở chơ Hội An mắc bịnh suy thận, ngày Tết chị phải về vì ở bệnh viện không có ai chăm sóc. Người dân quanh vùng đã đặt một thùng quyên góp ngoài chợ Hội An để giúp đỡ chị. Khi biết được tôi muốn đến thăm chị mà không biết nhà, chỉ kể sơ hoàn cảnh của chị là có người hăng hái dẫn đường cho chúng tôi đến tận nơi. Tôi nhìn được sự mừng rỡ trong mắt cô gái trẻ, chủ một cửa hàng bán quà lưu niệm. Cô sẵn sàng gởi hàng cho người em xem hộ, vui vẻ theo xe chúng tôi hướng dẫn anh tài xế cùng đi thăm người bệnh. Các bạn tôi ngạc nhiên lắm cứ như mọi người ở đây đều là bà con họ hàng với nhau. Không có sự ganh tị, hiềm khích. Một người hoạn nạn được giúp đỡ là những người khác cũng mừng thay. Có lẽ cái êm đềm của sông Hoài, làn gió mặn mà thổi lên từ cửa Đợi, cái phong vị quê hương nhẹ nhàng của vùng đất nhỏ bé này đã tạo nên cá tính con người Hội An hiền lành và dễ thương như thế.

Bữa ăn trưa hôm đó anh Hùng đãi cả bọn món bánh vạc Hội An với thương hiệu Hoa Hồng Trắng nổi danh nhưng chúng tôi không được vui trọn vẹn vì vắng mặt Hạnh, người bạn hiền hòa của chúng tôi phải cấp tốc đón xe ôm ra Đà Nẵng để trở về công ty cho kịp giờ ký giấy tờ quan trọng ở cơ quan.

Sau khi chuyển lại cho soeur Thu Hương một số ngân khoản trợ giúp Nhà Trẻ và một vài gia đình khó khăn khác, mà thời gian không cho phép chúng tôi đi đến tận nơi. Anh Mười tài xế chở chúng tôi đi thêm một vòng phố cổ rất hạn chế vì có nhiều đường cấm xe 4 bánh lưu thông, hình như để giữ nét yên tịnh cho đô thị cổ đã được tổ chức UNESCO chấp thuận là di sản văn hóa thế giới kể từ năm 1999.

Tôi yêu nét dịu dàng, trầm mặc của Hội An và tôi đã hiểu vì sao người dân phố cổ khi đi xa cứ mang theo hình ảnh quê nhà, nỗi nhớ thương đó chắc không có gì thay thế được, chính vì vậy “Từ Washington nhớ về Phố cổ“ tác giả đã so sánh:

          Washington có lắm lầu cao
          Washington, đâu có cao lầu
          Washington lắm chùa, lắm cầu
          Washington đâu có Chùa cầu

Xin cám ơn anh Hùng và Hoa, cám ơn những người bạn một thời áo trắng đã cùng tôi hoàn thành nhiệm vụ thăm viếng này. Và chân thành cám ơn nhạc sĩ Phù Chí Phát với những giai điệu quê hương trong bài hát “Từ Washington Nhớ Về Phố Cổ” đã cho tôi rất nhiều cảm xúc mỗi khi nhớ về một vùng trời cố hương êm ả. Hội An và những thân tình này sẽ mãi mãi trong lòng tôi.

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Tháng 5/2009