Hồi Ức
... Lúc nhìn bé Bim được cô y tá bồng ra giao cho khi bé mới lọt lòng, tâm trạng anh đầy mâu thuẩn.
Gương mặt nhỏ tí xíu của con khiến lòng anh dâng lên một niềm vui lạ lùng khó tả. Nhưng thất vọng cũng
nhiều vì anh không thích con gái. Anh vẫn thầm ao ước nó sẽ là con trai. Giống anh. Cảm giác chán ghét
con gái có từ thời còn đi học. Cái thời bom rơi đạn nổ. Nơi anh ở có dòng sông buồn mang nỗi đau chia
cắt quê hương. Trong những năm cuộc chiến leo thang, cái chết có khi thật gần chỉ trong gang tất, cuộc
sống không có ngày mai. Vậy mà bọn con gái lúc nào cũng ỏng ẹo, cũng giận dỗi nọ kia.
Mỗi ngày để đến được lớp học, học sinh phải đi bộ hơn một tiếng đồng hồ. Đôi khi đang đi thì kẻng báo
động vang lên, biết là sắp có đợt oanh kích mới. Vậy là nếu đang đi trên đường thì nhảy ngay xuống
những cái hào đào sẵn dọc hai bên, còn nếu đang lội đồng thì chạy bừa vào một nhà nào gần đó nhất,
chui nhờ vào hầm tránh bom của chủ nhà cho đến khi có kẻng báo máy bay đã xa. Những căn hầm bao
giờ cũng có hai cửa, một cửa trong khuôn viên nhà và một cửa ăn thông với con hào, phòng khi bị sập
hầm vẫn còn đường thoát, hay có thể chạy đi nơi khác nếu giao tranh ngay nơi mình ở quá khốc liệt. Cứ
hoài hoài vậy chớ có phải ngày một ngày hai đâu, vậy mà bọn con gái lúc ấy cứ chạy theo, khóc thút thít
kêu cha gọi mẹ. Thật là chán.
Một lần trong những ngày tháng ấy, anh và thằng Hùng đến rủ thằng Toán đi học. Ba thằng chơi thân nhau
từ những ngày biết vui thế nào khi có bạn. Hầu như trong mọi việc, ăn, chơi, học hành đều có ba đứa với
nhau. Chuyện hai thằng này qua nhà thằng kia ở lại, ăn uống, ngủ nghê là chuyện thường xảy ra. Và chuyện
cùng nhau đi học cũng không thể khác.
Hôm ấy con Hoà léch thếch chạy theo sau, miệng kêu í ới:
- Ê, ê. Chờ tau với nờ.
- Thôi mi con gái đi chậm lắm, tụi tau không chờ mô.
- Chờ vớiiiii....
Nó vừa nói vừa cố với chạy theo, chưa kể gương mặt lộ rõ dỗi hờn. Vậy là đành phải đứng lại chờ nó, dù
trong lòng chẳng thích chút nào. Thằng Toán nghe tiếng dói lật đật chạy ra nhập bọn. Khi đang băng qua
cánh đồng phía sau nhà thằng Toán thì bốn đứa nghe tiếng kẻng báo động dồn dập. Cả bọn chạy ngược
lại phía căn hầm nằm sau gian bếp nhà thằng Toán. Có lẽ là vì hầm của nhà mình nên nó nhường ba bạn
vào trước. Khi anh chui lọt vào cửa hầm thì một tiếng nổ choáng tai hất anh văng vào tận trong xa. Cái
cảm giác trống rỗng khi cận kề với hiểm nguy khiến anh mất luôn sự sợ hãi nhìn thằng bạn thân chỉ còn có
cái thân rơi bịch xuống nằm đó, ngay trước cửa hầm. Cái đầu đã bị miểng bom cắt ngang, bay đâu rồi
không thấy. Con Hoà ré lên như heo bị cắt tiết, rồi bật ngữa ra, ngất xỉu. Khi tỉnh dậy thì cứ trời ơi, trời ơi.
Lúc đó anh ghét nó kinh khủng luôn, cứ nghĩ nếu không có nó đòi theo, bớt đi một đứa, biết đâu thằng
Toán đã không chết.
Đó là ký ức buồn luôn theo anh, mãi đến sau này, đôi khi trong những giấc mơ, anh như thấy gương mặt
trắng như sữa của mẹ thằng Toán khi nói với hai đứa:
- Hai cháu đặt hắn lên phản dùm bác hai cháu ơi.
Bà run rẩy đi loanh quanh tìm kiếm phần thân thể còn lại của đứa con. Mặt vẫn trắng và tuyệt nhiên không
một tiếng khóc. Thân phận người trong chiến tranh rẻ rúng, nước mắt không rơi ra ngoài mà chảy ngược
vào trong. Trong giấc mơ, vẫn là cảm giác trống rỗng, bơ vơ ngày ấy, chỉ có khác đời thực ở chỗ là anh
thấy mình đã hét lên, hét lên, và nỗi sợ hãi cũng theo đó tràn ứ ra ngoài.Và kỳ lạ làm sao, anh lại thấy lòng
mình sau đó nhẹ nhỏm, trái hẳn với sự lặng căm nặng nề trong đời thực. Vì điều này, vợ anh vẫn cho rằng
anh là người không cảm xúc, vô cảm với nỗi đau. Còn anh, vì những năm tháng ấy mà anh ghét con gái.
Càng iểu điệu chừng nào anh càng ghét tợn. Đó có lẽ là sự chán ghét vô thức với bản năng yếu đuối cũng
có trong anh, mà vì là thằng con trai, anh không thể bộc lộ nó ra ngoài??
Thời ấy những ngày đi học có khi không đến được lớp, giữa đường phải quay về nhà vì bom rơi, vì giao
tranh xảy ra gần trường học. Hôm sau lại ôm vở đi, rồi lại quay về vì cô không đến lớp. Rồi thì có lần
không bao giờ gặp lại cô nữa. Cô giáo cũng như thằng Toán, như nhiều lắm những người dân chân chất ở
chốn quê nghèo của anh, chết như sung rụng sau những đợt oanh kích. Ai chết thì chôn, ai sống thì cứ
sống, ngậm tăm cúi mặt. Riết rồi mất luôn cảm giác sợ hãi, và cũng đồng nghĩa với cuộc sống không nghĩ
đến ngày mai.
Thời ấy anh suốt ngày theo bạn, những đứa bạn cũng lười học như anh. Ngày nào không đi học được
(hoặc có khi tìm cớ để khỏi phải đến trường) là cả bọn hẹn nhau dưới gốc cây đa duy nhất trong làng, rồi
hoặc lang thang vào rừng kiếm củi, hoặc ra đồng đào hang bắt cá, bắt lươn. Có khi chia phe chơi đá bóng.
Hoặc làm một nhiệm vụ cao cả là canh máy bay. Ngồi trên gò cao, khi thấy chiếc may bay chỉ mới là đốm
nhỏ xuất hiện cùng tiếng ì ì nho nhỏ, người canh gõ "keng, keng, keng - ba tiếng". Sau đó máy bay xuất
hiện lớn dần, lớn dần như đang bay trên đầu thì người canh gõ "keng keng keng keng keng keng. - sáu
tiếng". Nếu máy bay phát hiện mục tiêu, bay vòng trở lại thì tiếng kẻng báo dồn dập. Lúc ấy dù đang làm
gì cũng phải ba chân bốn cẳng nhảy xuống hào hay chạy vào hầm nhà mình. Chắc chắn sẽ có bom rơi
đạn nổ.
Thời ấy anh và mấy thằng bạn có một thú vui rất lạ, đó là thi bơi trong những cái hố bom. Những cái hố
sâu hoắm dễ bị chết đuối lắm, nhưng cả bọn tuyên bố thằng Tây còn không sợ, sợ chi cái hố bom nhỏ xí
đó. Nhưng người lớn thì sợ nó vô cùng. Lúc ấy nhà anh ở trên gò đất cao, mẹ anh ngó xuống thấy anh
đang ngụp lặn trong hố là lật đật chạy xuống:
- Lên mau, thằng tê.
Anh nghe lời lóp ngóp bò lên. Nhưng khi bà trở lại nhà, ngó xuống đã lại thấy đầu anh đang loi ngoi dưới
hố. Cái thằng lì lợm, bướng bỉnh là anh cuối cùng cũng làm cho người mẹ hay lo lắng phải buông xuôi. Kệ
cha hắn cho rồi, nói không được, cái thằng…
Thế hệ của anh ở nơi ấy vì vậy chẳng được giáo dục đàng hoàng, dù mỗi năm vẫn được lên một lớp. Mà
học nhiều để làm chi, một khi mạng sống còn không biết có giữ được đến ngày mai hay không giữa những
trận oanh kích dày dặt.
Đó là tuổi thơ của anh, rồi là tuổi niên thiếu của anh. Mãi đến năm mười sáu tuổi anh mới thoát ra khỏi nơi
ấy. Ai gây ra chiến tranh, vì tham vọng của họ, có bao giờ nghĩ đến những người dân vô tội, của cả hai
phía, với nỗi bất hạnh, đắng cay họ phải chịu trong suốt những năm tháng đằng đẵng của cuộc chiến hay
không? Chắc chắn là không. Người dân, hay thậm chí binh sĩ của cả hai bên đều chỉ là những con tốt trên
bàn cờ của những kẻ điên hay tự huyễn hoặc mình bằng hai từ lý tưởng...
20/3/2015
TH