Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang


Nhà nội tôi ở sát sông, bên hè có cây mít. Trên cây mít có con chim tận thế, dưới cây mít có tôi ngồi.
Cho nói tí về con chim tận thế: Mười tuổi tôi được ba dắt về quê nội.

Làng không có điện, mới chập tối tiếng dế đã tít tóc tỉ tê, cóc nhái cứ rột rẹt hết góc này xó nọ. Sợ ma, nhớ nhà không ngủ được; nửa đêm nghe tiếng chim kêu du dương lạ tai, tôi hỏi ba chim gì?
Ba bảo chim tận thế. Sao gọi là chim tận thế?
Ba: nó kêu "tèrre mère frère soeur tout sont morts (nghĩa là mặt đất anh chị em chi ngoẻo hết).

Nhà nội túi thui màu nâu gỗ, cột chi mà lắm cột, lúc nãy ba nói cột ni là gỗ mịt (là mít, mà vì giọng Huế nên nghe ra là mịt), nhìn lên bàn thờ phật thấy ngọn đèn lưu ly leo lét, khiếp! Càng sợ và nhớ nhà hung, rồi chập chờn thấy hình bóng mạ
đang ngồi khâu vá (rất cổ điển) bà nhìn tôi âu sầu lo lắng: "Thơ con! Là gái nhảy dây và leo trèo vừa thôi, trông này: cái quần nào của con không thủng gối thì cũng toạc đáy, rứa rồi sau này làm răng...Tội nghiệp". Tôi không hiểu mạ muốn nói tội nghiệp cái gì! Nhưng mỗi lần nhớ nhà, nghĩ đến mạ thì lập tức hình ảnh bà ngồi khâu vá với đôi mắt không nằm ở đường kim mũi chỉ mà rất xa xăm. (Tôi mơ hồ hiểu được bà đang lo nghĩ, sắp xếp cho ngày mai xa gần của từng đứa con)

Lòng tôi quặn thắt thầm xin xỏ: "Con lạy Phật từ bi cho con được về bên mẹ và anh chị em con! Chớ lát nữa ngủ quên mà tận thế, lên trời thì biết mẹ ở mô mà tìm. Cũng đừng chia đôi thiên đàng - địa ngục ai khôn thì dại ai dại thì khôn như tụi con vẫn thường hát để chia hai phe. Con... chắc là không được lên thiên đàng vì có một lần con giật sập bẫy một con chim, con se sẽ không chết, không bị chảy máu nhưng đôi chân nhỏ xíu của nó gãy gập tòng teng. Chim đập mạnh đôi cánh nhưng cứ hoài lê lết, lệch phệch trên mặt đất không thể bay lên. Đêm ấy lũ chim non sẽ chờ mãi chờ mãi
đến túi thui cũng không thấy mẹ chúng về, sẽ đói bụng lắm đây! Còn đâu đó một vài tội nữa đã cố mà con không nhớ ra. Nghe nói cứ thành khẩn khai tuốc thì bao nhiêu tội lỗi sẽ được xí xoá.

Bảnh sáng, ve kêu điếc tai, ba bảo: "Con xem! Ve vừa kêu vừa khóc ướt cả đất nên gọi là ve sầu". Mà thiệt! dưới gốc mít đất ướt sũng, nhão nhẹt. Sực nhớ...sờ tay lên ngực thấy ram ráp, ba biết mình nhớ nhà khóc cả đêm hay sao mà xỏ xiên chuyện con ve? Cái áo vải phin in hình hoa khế lí nhí màu tím cổ lá sen, cứng như cái mo cau. Đưa lên miệng nếm thử mặn chát. Ui! Nước mắt nhiều như cái ao ri ta? Tôi nhìn quanh thấy đất trời cây cối nhà cửa hãy còn nguyên vẹn, mây vẫn ở trên trời và gió cũng còn lững thửng trong không gian. Lời cầu xin có kèm theo nước mắt đã được chứng giám! Cám ơn Phật bà nhân từ chịu chơi. Từ đó lòng tôi biết ân hận và sám hối. Cũng có lúc ăn gian và tự tha thứ cho mình.

Làng không có nước. Chiều, khi nắng dần thoi thóp thì mọi người ùa ra bến sông, (trừ những người đau ốm) phụ nữ giặt giũ, đàn ông rửa nông cụ. Tôi theo đám trẻ con trong làng tập bơi bì bõm. Bỗng lại tiếng chim du dương, lúc vắng xa khi gần kề,tiếng kêu như từ thượng nguồn tràn qua mặt sông da diết, đong đưa nhịp điệu. Tôi làm khôn với đám con nít nhà quê: "Ồ, Chim tận thế!", lũ trẻ ré lên cười: "Chim ăn xin mà mi kêu chim tận thế! Mi không nghe nó kêu: Cơm còn cho cục, còn cá nục cho một con" à! Ờ thì... Nguời Huế sành ăn nên đến chim ăn xin mà cũng biết "à la carde" (gọi món) nữa là...

Về hỏi thím, thím bảo nó là con chim vịt, vì tiếng nó kêu như tiếng người ta đuổi vịt về chiều.
Đơn giản nó là con CHIM VỊT. Nhưng riêng tôi thì nó sẽ mãi mãi là CHIM TẬN THẾ.

Bởi tôi còn có thể gọi tên nó là chim chi khác, mỗi khi bất chợt đâu đó nghe tiếng nó hót, tôi lại nhớ và luôn nghĩ đến người cha dễ thương hay khoe chữ của mình.
Câu chuyện kể đã nhuốm màu ấn tượng.
-----------------------------------
Monet vẽ bức ẤN TƯỢNG MẶT TRỜI MỌC năm 1872 (Impression: Soleil Levant). Sau khi triển lãm (1874) bị thiên hạ phản đối, la ó om xòm. Ngay cả tên tranh cũng bị hoài nghi! Không biết đây là cảnh mặt trời mọc hay mặt trời lặng.
(Chớ Monet với chủ nghĩa ấn tượng thì liên quan chi tới bài viết ?)
Hi hi! Chưa xong.

Thotho Tonnu

Tranh mượn để minh họa và giới thiệu
Tranh: Sự sống và cái chết
Họa sĩ trẻ: Vũ Tuấn.

Chin Bon
Chin Bon
Huế siêu thực