Hương Thầm
Dũng vào bộ đội khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi học ban A, yêu văn học như chim én yêu bầu trời xuân. Thuở đó, với tôi hình ảnh người bộ đội hành quân qua biên giới đẹp và oai hùng lắm.
Sau mấy tháng huấn luyện, Dũng về phép để chuẩn bị đi K. Dũng buồn buồn giải thích, “Đi K là đi Kampuchia, là đi vào chỗ chết, T biết không?”. Tôi ngơ ngác, thuở đó với tôi đời vẫn là thơ, tâm hồn một cô bé nữ sinh ban văn chương còn trong sáng lắm, niềm tin yêu vào cuộc sống khiến tôi thấy mọi thứ quanh mình đều đẹp. Chuyện Dũng đi biên giới với tôi không dính dáng gì đến chết chóc cả.
Dũng về rủ tôi đi ăn chè, tôi chống cằm tròn mắt nghe Dũng kể về những ngày luyện tập nơi thao trường, những băn khoăn trước thời cuộc. Chỉ lớn hơn tôi có một tuổi mà Dũng già dặn, chững chạc hơn tôi nhiều. Nhỏ em gái có lần hỏi tôi:
- Anh Dũng kết chị hả?
- Mô có.
- Răng ảnh tốt với em ghê rứa?
Tôi bật cười:
- Dũng tốt với tất cả mọi người mà!
Hai đứa ở gần nhà nhau nhưng tôi mới thân với Dũng từ ngày cùng sinh hoạt thanh niên ở phường. Ngày đó Dũng yêu say đắm một nhỏ bạn thân của tôi là Kim Liên nhưng không dám nói. Kim Liên với tôi là đôi bài trùng nên tôi âm thầm làm chim xanh, và cứ thế tôi tà tà hưởng những đặc ân từ Dũng, lúc thì mấy trái mận, trái cốc xanh hái trộm, khi thì giải dùm mấy bài toán khó, lúc thì những việc nặng nhọc khi đi lao động công ích cho phường.
Vào quân trường, chuyển công tác, dời đổi hòm thư nhiều lần nhưng chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc. Dũng thư về cho tôi đều đặn trong khi đó Kim Liên vẫn khép kín tâm hồn trước mối chân tình của Dũng.
Năm tôi học lớp mười hai có một bài thơ mà hầu hết học sinh thuở đó đều yêu chuộng, “Hương Thầm” của nhà thơ nữ Phan thị Thanh Nhàn. Bài luận văn bình giảng bài thơ này tôi được điểm cao nhất lớp. Thầy giáo đem ra đọc cho cả lớp nghe. Tôi hân hoan chép bài thơ này gởi cho Dũng, người bạn đang mặc áo lính của tôi, người bạn mang tâm trạng yêu đơn phương và lặng lẽ mang theo mối tình đó trong ba lô ra chiến trường.
Mấy tháng sau Dũng từ chiến trường K về. Vẫn lành lặn như xưa, nhìn Dũng phong sương và mạnh khỏe với mái tóc cụt ngủn tôi cười và đòi Dũng dắt đi ăn chè. Dũng cười cười bí mật nói:
- Lần này mình mang về cho T một món quà nè. Chủ Nhật nghỉ học phải không?
Không đợi tôi trả lời, Dũng tiếp:
- Chờ mình ở nhà nghe!
Chiều Chủ Nhật, Dũng mang cây đàn guitar ra nhà tôi và kèm theo đó là một bản nhạc ghi chép gọn gàng, xinh xắn trong một trang giấy gấp làm đôi. Tôi tò mò ghé mắt đọc: ”Hương Thầm, thơ Phan thị Thanh Nhàn, nhạc Trương công Ảnh”. Chữ viết của Dũng nắn nót, rất đẹp. Tôi hỏi:
- Ủa, ai vậy? Ai là Trương công Ảnh? Bài thơ này T chép cho Dũng mà!
Dũng gải đầu:
- Trương công Ảnh học khối B ở Phan Châu Trinh cùng khóa với Dũng, anh này giỏi văn lắm, T không nhớ hả?
Tôi ngần ngừ:
- Có phải cái ông ốm nhom mà … có vẻ lập dị, hay mặc đồ rách đi học mỗi sáng thứ hai, ủa ông này sao lại đi bộ đội?
Dũng gật đầu liền:
- Phải rồi Ảnh là trưởng ban Báo chí của trường hồi đó. Thi ĐH rớt nên trúng nghĩa vụ thôi!
- Ủa, mà sao gặp Dũng bên đó?
- Thì cùng đơn vị với mình. Bài thơ T gởi mình đọc cho Ảnh nghe nên anh ta đem ra phổ nhạc. Điệu valse, dễ thương lắm.
Dũng nói xong nhìn tôi:
- Bài thơ phổ nhạc này … Ảnh nhờ mình đem về tặng T và tập cho T hát. Hy vọng T sẽ thích.
Suốt buổi chiều tôi nghe Dũng hát và tập hát theo. Bài thơ được phổ nhạc bằng nguyên văn, không sót một chữ (đến bây giờ tôi vẫn còn giữ, dù giấy đã ố vàng và màu mực đã hoen mờ). Dũng hát khá chuẩn, giọng ấm và mạnh, mặc dù Dũng chưa bao giờ đi thi giọng ca Phường, khối ở địa phương thời đó nhưng có lẽ sự say mê của Dũng đặt vào lời thơ, vào dòng nhạc mà người bạn đồng ngũ đã phổ theo điệu valse khiến tôi thích thú lắng nghe và cảm nhận đó là bài thơ phổ nhạc rất tâm đắc.
Cửa sổ hai nhà ở cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa, học chung một lớp
Cành bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Họ nhìn nhau không nói năng chi
Mắt chợt nhiòn nhau rồi lại quay đi
Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh chẳng dám xin, cô gái chẳng dám trao
Chỉ một mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay đi dịu nhẹ
Cô gái như chùm hoa lặng lẻ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
(Anh vô tình … anh chẳng biết điều gì
Tôi đã đến với anh rồi đó …)
Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường hoa sẽ theo đi khắp
Mà hương thầm … thơm mãi bước người đi …
Tôi đọc bài thơ, lắng nghe bản nhạc và tôi còn tưởng tượng ra một thiên tình sử thật đẹp, thật nên thơ giữa một nữ sinh với một anh chiến sĩ thời bình. Tôi đùa:
- Dũng gắng dợt cho T đi, nếu anh Ảnh được lên lon, về phép T sẽ hát cho anh ta nghe bài này.
Một khoảng thời gian không lâu sau đó Dũng thư về cho tôi kèm theo một bài thơ và câu tái bút “T ơi, Trương Công Ảnh có sưu tầm được bài thơ này. Ảnh nói bài thơ hay nhất vì mang tên một loài hoa thân thuộc vơí chiến sĩ, với đời lính. Bài thơ, Hoa Trinh Nữ”.
Bờ đường chín có lùm cây trinh nữ
Chiến sĩ qua đây ai cũng mỉm cười
Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Tất cả hiện lên hình trần trụi
Cây trinh nữ với màu xanh bối rối
Vẫn giấu mình trong lá kép lim dim
Chiến sĩ qua đây ai cũng bước rất êm
Khi bất chợt thoảng một bàn chân lạ
Cây vội vả nhắm nghìn con mắt bé
Nhựa dồn lên cành khẻ ngã như chào
Người qua rồi bóng dáng cứ trông theo
…………………………………………
Anh chiến sĩ ngắt một cành trinh nữ
Ép vào trong trang sổ của mình
Và … chuyện này … cây chỉ biết với anh …
Tôi không biết anh chàng tên Ảnh nghĩ gì nhưng tôi cũng cẩn thận chép bài thơ vào cuốn sổ nhỏ của tôi, để làm gì tôi cũng không biết nữa. Riêng Dũng, lá thư nào cho tôi Dũng cũng nhắc đến Kim Liên và than thở, “Vì đời tôi là chiến binh, đi bốn phương trời, còn đời em là ước mơ, dệt muôn ngàn ý thơ …”. Thời gian này tôi miệt mài với những ngày ôn thi, lòng tôi luôn tin tưởng một tương lai tốt đẹp đang chờ tôi hay tôi đang đón chờ một tương lai tốt đẹp, cũng thế thôi. Thầy giáo môn văn nhận xét giọng văn của tôi có nhiều chất tươi trẻ đồng thời chất trí tuệ cũng khá. Đời tôi chắc sẽ gặt được nhiều thành công. Nhất định là như vậy.
Bất ngờ vào cuối năm đó, Dũng thư cho tôi và báo tin “Trương Công Ảnh đã tử trận vì bị mìn trong một trận đụng độ với quân Khờ Me đỏ. Ảnh mất đi chưa kịp về thành phố để nghe T hát “Hương Thầm”. Tôi thẩn thờ, mường tượng ra hình ảnh anh một buổi chiều nơi biên giới, ôm đàn ngồi viết những nốt nhạc trầm bổng cho bài thơ Hương Thầm. Núi rừng cỏ cây quanh anh như lặng yên lắng nghe, thấp thoáng bên anh còn có vài cành trinh nữ e ấp trong nắng chiều. Tôi và anh chưa hề có cơ hội gặp gỡ vậy mà sự ra đi của anh làm tôi có cảm giác hụt hẫng đến não lòng. Nghĩ đến anh, tôi thường lẩm nhẩm … Hương thầm … vương mãi bước người đi …
Khoảng đầu thập niên 80 khi bản nhạc Hương Thầm do nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc theo điệu Rumba nổi tiếng vơí giọng hát của ca sĩ Bảo Yến. Tôi thầm so sánh vơí bản Hương Thầm mà Dũng đã tập cho tôi hát năm xưa.
Tôi bất mãn, không biết vì chỉ có mấy câu sơ sài không diễn tả hết nội dung bài thơ hay là vì cảm tình vơí người đã nằm xuống mà tôi đâm ra … thiên vị.
Tôi về xếp bài thơ Hương Thầm do Ảnh phổ nhạc và bài thơ Hoa Trinh Nữ Ảnh đã chép tặng tôi năm nào ép vào cuốn lưu bút năm lớp mười hai. Xem như đó là những kỷ niệm một của thời thơ mộng, trong đó có Kim Liên, có Trương công Ảnh và bài ca chưa được nghe tôi hát, có Dũng và những lá thư gởi về từ một địa chỉ xa lắc lơ nơi biên giới.
Dũng xuất ngũ năm 1982, Kim Liên thời gian sau này phải lòng một anh trọ học cạnh nhà. Sau nhiểu năm nghe anh chàng này ca “Ai có về bên bến Sông Tương … nhắn người duyên dáng tôi thương …” và bài ”nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau ba bốn giậu … dâm bụt xanh rờn …”. Kim Liên và anh đó cưới nhau sau khi cả hai đều vất vả hết sức trong việc làm “công tác tư tưởng” với gia đình cả hai bên. Dũng, bạn tôi vì thất tình ngâm nga hoài câu “Nếu biết rằng Liên đã có chồng … Tôi về cưới vợ thế là xong!’”. Do đó bất ngờ tôi nhận thiệp cưới của Dũng sau ngày cưới Kim Liên chừng mười ngày, thế là hai con sáo trống mái đều đã sang sông. Ngày hôn lễ của Dũng không hiểu sao tôi không thấy Kim Liên đến dự. Nhìn Dũng bên cạnh cô dâu nhỏ nhắn xinh xắn tôi cầu cho Dũng mãi giữ được hạnh phúc, và tôi tin Dũng sẽ làm được.
Những năm tôi lận đận để nuôi đứa con gái nhỏ, Dũng tìm đến thăm tôi, ánh mắt Dũng nhìn tôi ái ngại. Thấy mẹ con tôi vất vả Dũng hay tìm cách giúp đỡ vì thời đó Dũng làm ăn cũng khá nhờ tính chăm chỉ, cần cù. Nhắc đến chuyện xưa bao giờ cũng thấp thoáng hình ảnh Kim Liên, tôi thường đùa với Dũng về mối tình đơn phương ngày đó. Dũng nói với tôi:
- Không chọn được người mình yêu thì yêu người mình chọn. Làm người ai cũng có mặt hạn chế. Người ta ghiền café vì yêu vị đắng của nó, có người thích ăn cay vì hiểu vị nồng của ớt. Nên thế dù ở đâu, ông này bà nọ cũng chỉ thích thú sung sướng khi cuộc sống đem lại cho mình những điều mà chỉ riêng mình cảm nhận được thôi. Đơn giản là hài lòng vơí những gì mình có thì hạnh phúc đâu có khó tìm đâu T”.
Quan niệm của Dũng về đời sống thật nhẹ nhàng, cởi mở vậy mà có mấy ai thấu hiểu được …
Ở tuổi bốn chín, Dũng nằm xuống vĩnh viễn bởi một tai nạn xe ngay trước mặt nhà mình, để lại
nơi trần gian vợ và hai con gái. Tin do đứa em gái từ quê nhà gọi sang khiến tôi bàng hoàng. Bài thơ Hương Thầm phổ nhạc Dũng nắn nót ghi chép và mang về cho tôi từ biên giới còn đây, bài thơ Hoa Trinh Nữ hay nhất nhờ mang tên một loài hoa còn đây, anh Ảnh đã nằm xuống gởi thân xác mình ở một góc rừng nào đó vùng biên giới Tây Nam tổ quốc, Dũng cũng ra đi bất ngờ không lời từ tạ. Giọt nước mắt tôi nhỏ xuống không biết cho một người bạn chí tình, cho một cảm tình ngu ngơ thời mới lớn hay lòng tôi đang rưng rưng khi nhận ra đời người sao quá nhỏ nhoi, quá mong manh trước định mệnh. Trong một ngăn rất sâu phía bên trái của lồng ngực, nơi có một vật thể nhỏ nhoi đang nhịp nhàng đập để nuôi dưỡng đời sống, tôi cảm nhận hình ảnh Dũng với ánh mắt say mê trong bản nhạc mà anh Ảnh cặm cụi viết xuống từng nốt nhạc, từ một vùng đất xa lạ tôi chưa hề đặt chân đến … Hương Thầm vương mãi bước người đi, vương mãi trong lòng tôi. Tôi thầm nhủ, ”Thôi thì thôi nhé … có ngần ấy thôi …”.
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Atlanta 4/2009