Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Trở về khi mùa mưa đến. Mưa bay lất phất trên bãi biển. Mưa xối xả dọc đường đi Huế. Dù mưa bão, chuyến xe đò chật như nêm, có mẹ già tay khư khư ôm giỏ trứng gà, anh sinh viên ngồi cạnh mỏi tay lướt web, cô gái sau lưng mở nhạc «Chiều trên phá Tam Giang» qua điện thoại cho mọi người cùng nghe. Đa số im lặng, ưu tư không biết nước sông Hương có tràn bờ. Lụt lội lại về, như ở Hà Tĩnh hay Quảng Bình.
Tôi về lại quê nhà rồi đó, ngỡ như chuyến đi vừa qua chỉ là giấc mơ. Vẽ một giấc mơ là điều khó quá, thường chủ quan. Thôi thì phác thảo vài nét, ghi nhận mấy hình ảnh về Đại Hội Hồng Đức San José 2016 như đã thấy.
Về Đại Hội Hồng Đức lần thứ tư ở San José, California, ngày 3&4 tháng 9, 2016 và những dư âm.
Dân IT gọi San José là « Silicone Valley »/thung lũng điện tử. Người Việt mình văn nghệ hơn đặt tên ”Thung lũng hoa vàng”. Khi máy bay đáp xuống phi trường San José, mùa hoa cải vàng đã qua, chỉ thấy cỏ vàng trên triền đồi, lác đác những cụm dân cư với “nhà trên đồi”. Sau Little Saigon ở quận Cam, cộng đồng người Việt đông thứ hai ở Hoa Kỳ tập trung ở San José, thường làm việc trong những hãng xưởng điện tử như Intel, Google…
Đại Hội Hồng Đức lần thứ 4 chia làm hai phần: Tiền Đại Hội và Đại Hội.
Chiều trước Đại Hội tổ chức vào ngày 3/9/2016 trong khuôn viên trường Evergreen. Ngôi trường đại học cộng đồng mang tên thật đẹp với thảm cỏ xanh, hồ nước, khán đài ngoài trời. Khoảng hơn hai trăm khách tham dự: học trò ngày xưa, đồng nghiệp cũ, thân hữu, các rễ quý của trường Nữ. Đây là nhóm hậu phương nhiệt tình mà thầm lặng đã góp rất nhiều công sức cho đại hội như anh Nam, Hải, Sơn,…
Chiều cuối hạ nắng vàng mật ong Evergreen, tôi gặp lại cô/dì Liệu mùa thu tóc ngắn, nụ cười vẫn hào sảng và hồn nhiên như thuở còn làm Tổng Giám Thị. Anh Hoàng Ngân Hà từ Sacramento đến, sau bao dâu bể, giọng còn ngọt ngào hơn cả ngày xưa, chị Nguyễn Thị Giới và những kỷ niệm về trường ĐHSP Huế, mấy khuôn mặt thân quen thấp thoáng nơi cuối trời, anh Tôn Thất Dứ, bạn tù cùng trại với ông cụ tôi ngày tháng dài An Điềm. Tay bắt mặt mừng gặp lại người bạn thân quý Hứa Lạc Thành, từ Edmonton, Canada, về đây sum họp. 25 năm sau ngày chia tay ở Đà Nẵng, từ Canada, Hứa Lạc Thành hẹn bạn bè ở Sài Gòn rồi rủ nhau ngao du Đế Thiên Đế Thích. 5 năm sau chuyến đi ấy, mấy anh em lang thang đồng bằng sông Cửu Long. Anh như “con chim trốn tuyết” thèm chút nắng ấm nhiệt đới. Lần đầu tiên, tôi gặp anh Nguyễn Đình Cam trông rất phong trần, cô Vũ Cẩm Nhung nét đài các … Trong vòng tay thân ái của đồng nghiệp ngày xưa, tôi không thể không nhớ đến bà Hiệu Trưởng, ngôi nhà cuối đời ở Tam Đảo mà tôi ghé thăm mùa xuân 2016. Nhớ anh Đỗ Nguyên, thầy Nguyễn Tâm Tháp, anh Tào Lương Quang, chị Võ Thị Oanh…nơi quê nhà, anh Lê Văn Nhạc, M. Vincent ở Montréal, anh Hoàng Đình Hiếu ở Dallas…rất tiếc không có dịp đến San José.
Học trò thì từ muôn phương bay về đây hội ngộ: Houston, Atlanta, Sydney, hay xa xôi hơn, từ quê nhà Đà Nẵng…. Đại hội Hồng Đức tổ chức ở San José nên hai người đẹp SJ đăng đàn giới thiệu chương trình.
Mùa thu 1973, tôi về trường Nữ, lòng bồi hồi vì áo trắng sân trường. Nay thu vàng 2016, trên thảm cỏ xanh Evergreen, bỗng lạc bước giữa muôn màu muôn sắc. Cảm giác phiêu linh bay bổng từ ngôi trường ngày xưa nơi mình ”bỏ quên viên phấn giữa chừng” để rời Phòng Hội Đồng sang phía đối diện là ”bản doanh” của anh Nguyên: Thư viện, nỗi nhớ bồng bềnh từ Đại Hội Hồng Đức cuối cùng tháng Ba 1975 ấy sang chiều thu yên bình Evergreen như chưa hề phân ly. Chia xa chỉ là chớp mắt. Thời gian phai nhanh mà chiều thì xuống rất chậm.
Trong bóng chiều, những bản nhạc của một thời, những khuôn mặt của ngày xưa thân ái, bài tản văn ”Tôi đi học” qua giọng Bắc Kỳ bây giờ là cổ tích nơi quê nhà, những điệu nhảy trẻ trung tràn đầy sức sống, tiếng cười nói xôn xao tìm lại bạn cũ, phải kể thêm những món ăn đậm đà tình quê hương là điểm nhấn đáng yêu của đại hội. Nên chiều Evergreen khó nói lời chia tay dù nắng đã tắt.
Đại Hội khai mạc chiều 4/9/2016 tại nhà hàng Dynasty trong một trung tâm mua sắm của người Việt ở San José. Trước đó mấy ngày, học trò đã ưu ái căn dặn: ”Thầy dự Đại Hội là ăn mặc phải formal chứ không thể casual, lè phè quần jean hay kaki là không được đâu nhe!”. Từ Đà Nẵng, xem hình đại hội, thầy Nguyên tũm tĩm nhận xét: ”Th. bây giờ y như là chú rễ tóc gió thôi bay…”
Thủ tục. Nghi lễ. Tưởng niệm những người đã mất. Tri ân thầy cô là phần mở đầu đại hội.
Chủ đề của chương trình văn nghệ xuyên suốt buổi liên hoan văn nghệ là “Cô gái Việt”. Từ hoạt cảnh Bà Trưng, bà Triệu chống ngoại xâm với gươm giáo rền vang, chiêng trống xuất quân rồi qua trò chuyện với bạn bè thân hữu tản mác đó đây ở Hoa Kỳ, tôi nghiệm thấy cộng đồng người Việt còn thao thức về hiện tình đất nước không thua gì đồng bào bên nhà, thậm chí còn tích cực hơn. Đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng thế hệ thứ hai sinh trưởng trên đất người thì sao? Tôi sẽ trở lại đề tài nầy trong một bài về nước Mỹ.
Nước Mỹ mênh mông, gặp nhau đã khó, từ Los Angeles về San Diego, đi-về, ghé thăm bạn, ăn uống chút đỉnh đã mất trọn ngày. Thế mà chương trình văn nghệ đa dạng, số lượng diễn viên đông, đến từ nhiều địa phương, từng thành viên bỏ công tập dượt bài bản, trang phục đẹp, nữ tướng uy nghiêm phối hợp nhịp nhàng với quân lính tràn đầy khí thế. Tất cả là điểm son của đại hội.
Khi hoạt cảnh ”Ngàn thu áo tím” chấm dứt, tôi vỗ tay. Chị Giới ngồi cạnh thắc mắc: ”Vì sao vỗ tay ghê vậy?”. Trả lời: ”Thì cũng có chút thiên vị để ủng hộ đội nhà, nguyên là học trò 9/4 và 10A2 nối dài mà tôi là thầy giáo hướng dẫn”. Nhớ không các em, bích báo ”Hoa hướng dương” lớp 10A2 những ngày năm cùng tháng tận của Đà Nẵng?
Chương trình văn nghệ kết hợp hoạt cảnh-vũ đạo, trình diễn y phục ba miền, ca nhạc… có lẽ sẽ hoàn hảo hơn nếu lược bớt phần “lời dẫn”/chapeau mở đầu mỗi tiết mục. Chỉ cần vài dòng giới thiệu, hình ảnh nhẹ nhàng thấm vào lòng người.
Trong phần trang trí hội trường, một trong những thành công của Ban Tổ Chức là mời được họa sỹ vẽ lại quang cảnh trường Nữ năm xưa. Hình ảnh, màu sắc đẹp với bảng tên trường, hàng phượng vỹ, cổng chính đường Thống Nhất (tôi luôn luôn đi cổng phụ ở đường Lê Lợi, cổng hẹp, nhìn sang bên kia đường có quán cà phê ăn sáng Hưng Lợi rất ngon). Phông trang trí trường Nữ nằm cuối khán đài, là địa điểm được thầy trò chiếu cố chụp ảnh nhất, phải sắp hàng nao nức chờ đến phiên mình.
Sau đại hội, tháp tùng lớp 9/4 đi Cựu Kim Sơn. Đứng chụp ảnh cùng học trò lớp cũ ngày xưa và thân hữu, xa xa cầu Golden Gate màu đỏ, gió từ Thái Bình Dương thổi lồng lộng, tôi nhận được bức hình chụp trước cổng trường Nữ hôm qua tại hội trường với lời chú thích: ”Gửi người thầy học cũ, trường xưa đã khép!”mà lòng thật buồn!
Cổng trường đã khép nhưng hơn 40 năm sau, ký ức trường xưa đã đưa tôi ghé bến San José, đi gần suốt duyên hải bờ Tây Hoa Kỳ; đến thăm Houston và NASA, đi một vòng vịnh Galveston, ngồi ở Long coffee, quán cà phê Houston mà đậm chất Đà Nẵng nhất…thế giới, đứng trú mưa dưới tán dù đỏ khu Bellaire. Hành trình đến bờ Đông 15 năm sau biến cố Nine Eleven/11 tháng 9, rồi bay về Atlanta, Georgia, không phải để ”Cuốn theo chiều gió” với Scarlett hay đi thăm CNN, Coca Cola… mà tình cờ ngồi xuống xem một cuốn phim về Nội Chiến Hoa Kỳ trong một bảo tàng nhỏ ở Kennesaw Mountain National Battlefield. Bảo tàng nhỏ lưu giữ ký ức lớn: Nội Chiến Hoa Kỳ. Vào cửa và xem phim miễn phí. Phim ghi lại cuộc chiến tương tàn của hai phía: The Union gồm các tiểu bang miền Bắc và The Confederacy với 11 tiểu bang phía Nam. Người chết như rạ. Trời đất nổi cơn gió bụi, đánh đấm tưng bừng rồi hưu chiến. Kết thúc Nội chiến, Nam quân mà đại diện là tướng Lee đầu hàng Bắc quân trong danh dự. Phim chấm hết với lời thoại: ”There are no Yankees, no Confederates, we are all Americans”/tạm dịch: “Không có Bắc quân, chẳng có Nam quân, tất cả chúng ta đều là người Mỹ”. Chiều mưa bay bay, tôi rời Atlanta đi Tennessee mà nghĩ về cuộc chiến đã qua trên đất nước mình. Vết thương ngày cũ vẫn còn đó…
Tôi giã từ San José khi lá phong hai bên đường đã chuyển sang màu đỏ. Trời sang thu. Từ “America’s Finest City”, có cô học trò ngày xưa nhắn tin: ”It’s so hard to say goodbye!”. Dù có khó khăn khi nói lời chia tay thì chúng ta cũng chỉ đi chung một đoạn đường, chẳng thể dừng mãi ở bảo tàng MoMA, Nữu Ước hay Paul Getty, Los Angeles để xem hoài tranh Ấn Tượng hay Lập Thể, những dấu chân trên cát rồi sóng sẽ xóa đi… Hãy cứ vui bởi cuộc sống vốn bao dung và tràn đầy hạnh ngộ. Thôi thì xin gửi những dòng nầy cho trường xưa yêu dấu, áo trắng ngày xưa và những người bạn cũ. Xin cám ơn và hẹn sớm mai nào lại cùng nhau thanh thản đi bộ trên đồi.
“Tôi biết rằng giữa lòng phản kháng, có sự chấp nhận. Trong bầu trời pha trộn nước mắt và ánh nắng mặt đất, tôi tập chấp nhận cuộc đời nầy và đốt lửa yêu đương trong ánh mờ những ngày hội vui của cuộc đời.” (Camus.Noces)
Tháng 10, 2016
TỐNG VĂN THỤY
Khi Mùa Mưa Đến