Khoảnh khắc Nữu Ước
Gửi Ánh và Khôi. Secaucus. NJ.
Bạn đưa tôi đi thăm tượng Nữ Thần Tự Do từ hướng New Jersey. New Jersey chỉ cách Nữu Ước một dòng sông. Từ nhà bạn, qua khung cửa sổ, có thể nhìn thấy tháp Empire State Building xa xa bên kia sông Hudson.
Thuyền ghé Ellis Island trước khi đưa du khách đến đảo tượng Nữ Thần Tự Do. Ellis Island là cửa ngõ nhập cư, bảo tàng lưu giữ ký ức những làn sóng di dân đến Hoa Kỳ. Họ ra đi từ Âu Châu vì bách hại tôn giáo, vì nạn đói (The Great Hunger) khi đại dịch khoai tây hoành hành Ái Nhĩ Lan từ năm 1845 đến 1849, hay đào thoát áp bức chính trị. Theo trình tự thời gian là hình ảnh những bước chân di tản đầu tiên với mũ nón, váy phồng, rương hòm…vượt Đại Tây Dương sang bến bờ Tân Thế Giới. Trang sử di dân Hợp Chủng Quốc mở ra. Dòng người đổ về. Việt Nam cũng chiếm một trang ở Ellis Island với cliché người di tản rồng rắn chênh vênh trên nóc cao ốc đường Gia Long cũ ở Sài Gòn, trực thăng và thang dây lơ lửng trên bầu trời xám một ngày cuối tháng 4/1975. Dưới biển, thuyền nhân trên những chiếc tàu rách nát những năm tháng sau đó.
Thăm Bảo tàng quốc gia về Di dân Ellis Island để thấm thía cái giá của Tự Do và niềm hạnh phúc khi thanh thản dạo bước dưới bóng bức tượng đồng đã ngả sang màu xanh, biểu tượng giấc mơ đi vào tiềm thức qua hình ảnh con tem, đồng xu, tấm bưu thiếp, món quà lưu niệm…
Tượng Nữ Thần Tự Do nhìn sang Nữu Ước, phía nam Manhattan. Nhà chọc trời san sát. Xen kẽ giữa những cao ốc, thỉnh thoảng là hàng cây, chút không gian xanh, quán cà phê. Nỗi hoài nhớ thiên nhiên, cây xanh và công viên âm hưởng Âu Châu thôi thúc Nữu Ước xây dựng Công viên Trung Tâm/ Central Park giữa thế kỷ 19. Central Park và đại lộ thứ năm/ Fifth Avenue chia New York, “Trái Táo Lớn”/ Big Apple, thành hai nửa Đông-Tây. Đường phố New York thường được đánh số. Lên phía Bắc và đi về phía Tây, thứ tự các con số gia tăng.
Central Park cuối hạ lá xanh, thảm cỏ xanh. Trẻ con chơi bóng bầu dục. Từng nhóm thanh niên, người lớn tuổi chạy việt dã trong công viên. Dân Nữu Ước đi như chạy nơi thị tứ và chạy như vận động viên trong công viên. Ghế đá công viên trống trơn. Không thấy người ngồi nhìn chiều xuống hay đếm những chiếc lá rơi rơi trên vai bức tượng trắng trong vườn Luxembourg ở Paris như Anatole France miêu tả trong một bài tản văn học thuộc lòng thuở nhỏ. Cựu Lục địa và Tân Thế giới vốn dĩ khác nhau ngay từ góc nhìn công viên. Lang thang Central Park, thấy nhớ công viên Tao Đàn giữa lòng Sài Gòn với người tập thể dục, đi bộ, chạy jogging…
Trung tâm Nữu Ước đất hẹp người đông, điểm đậu xe khó tìm, giá đắt nên đa số dân New York sử dụng phương tiện di chuyển công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm…Đến New York, hãy lãng quên “văn minh xe hơi”, vừa đi vừa ngước nhìn. Những địa danh, khu phố, con đường thấp thoáng trong ký ức qua văn chương, phim ảnh, âm nhạc… hòa quyện trong dòng người nhấp nhô đây đó. New York vì thế rất gần Paris qua nỗi nhớ, qua tuổi trẻ tưởng như đã vuột mất. Cư dân hai thành phố đều ăn mặc đẹp. Nữu Ước có phần trẻ trung, năng động và thân thiện hơn.
Khu Manhattan đường phố thẳng góc và đan xen như bàn cờ. Góc ngã tư Fifth Avenue và đường số 53 là nhà thờ thánh Thomas. Cách đó không xa là Bảo tàng Nghệ Thuật Hiện Đại New York/MoMA. Nhớ họa sĩ Phan Ngọc Minh nhắn nhủ trước khi ra đi: ”Đến New York, nhớ thăm MoMA”. Khác với bảo tàng Louvre, musée d’Orsay ở Pháp, bảo tàng Mỹ Thuật Hà Nội hay Sài Gòn là những công trình kiến trúc đẹp, đứng riêng một góc phố để du khách có thể hình dung và định hướng từ xa, MoMA nằm lọt trong cao ốc, phải loay hoay một hồi mới tìm thấy.
Lối vào bảo tàng là vườn tượng. Lên các tầng 2,3,4,5,6 không gian trưng bày sưu tập của bảo tàng từ 1880 đến 1950. Khởi đi từ tranh của phái Ấn Tượng, Dã Thú… bức tranh ”Quý cô ở Avignon” (Les demoiselles d’Avignon) của Picasso vẽ những năm 1906-1907 mở ra chân trời Lập Thể. Bước sang sưu tập những năm 1960 với dấu ấn của phong trào hippies, phản chiến, chiến tranh Việt Nam…
Xen kẽ tiến trình hội họa là triển lãm định kỳ, nghệ thuật sắp đặt. Bảo tàng có 3 phòng chiếu phim, không gian sáng tác, nhà hàng lịch sự thực đơn phong cách Âu Châu và hai thư quán. Tranh in lại từ các sưu tập của bảo tàng, bưu thiếp, sách nghệ thuật, đặc biệt của nhà xuất bản Taschen. Tôi đứng tần ngần trước một ấn bản về Matisse, khổ lớn, hình bìa “The Dance” (Điệu múa), nhưng đành để lại. Tạm mượn một thành ngữ của Nữu Ước, ”Big Apple for small potatoes” (Túi nhỏ ra phố lớn), mua mấy tấm bưu thiếp và cái tách cà phê có in bức “Đêm đầy sao” (La nuit étoilée) của Van Goth để nhớ MoMA và Nữu Ước.
Tôi đến Nữu Ước đúng 15 năm sau biến cố Nine Eleven/11-9. Đi ngang tòa nhà Liên Hiệp Quốc không thấy cờ xí như thường lệ, loanh quanh Greenwich Village, Times Square, vào bên trong tòa nhà World Trade Center mới tinh khôi, dừng bước Ground Zero. Nơi hai chân tháp lừng danh ngày trước nay là hai ”giếng trời” hình vuông, rộng mênh mông. Bên trong mỗi “thiên tỉnh” lồng thêm ô vuông nhỏ hơn. Nước từ thành giếng tuôn róc rách, không ngưng nghỉ. Bên trên thành giếng ốp bảng đồng ghi tên những người đã mất trong biến cố 11/9. Rất nhiều hoa lặng lẽ nơi này. Mạch sống Nữu Ước vẫn luân lưu như sông Hudson đổ về biển cả, như dòng người xuôi ngược ngày đêm trên “Thành phố không bao giờ ngủ”. Giã từ Nữu Ước.
Tống Văn Thụy
12/2016