Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Chin Bon
Chin Bon
Kỷ niệm 40 năm Chiến trường K
CHIẾN TRANH VÀ TUỔI HỌC TRÒ
Các bạn thân mến!
Sẽ là thiếu sót nếu như không viết một điều gì đó về chiến tranh - Chiến tranh hiện hữu giữa thời bình. Chiến tranh gắn liền với tuổi học trò. Tôi muốn nói về Chiến trường Biên giới Tây Nam 1979.
Tháng 10/1978, các bạn vào Trung cấp, Đại học, đi làm… thì tôi vào bộ đội thi hành nghĩa vụ quân sự, huấn luyện tại Non Nước, Q. Ngũ Hành Sơn.
Sau 3 tháng quân trường, sau nhiều lần báo động giả diễn tập, ngày 31/12/1978, đoàn xe ca màu vàng của XN Xe khách QN-ĐN đưa chúng tôi đến với chiến trường BGTN.
Ngày 1/1/1979, xe hành quân đi giữa lòng TP Pleiku, không còn là “Pleiku mắt đỏ môi hồng” đẹp thi vị như lời một bài hát nữa, Pleiku đầy dãy những hầm chống pháo, những con đường đầy bùn đỏ mang màu sắc chiến tranh. Người dân thành phố này luôn nơm nớp lo sợ vì đạn pháo kích của Camphuchia, khi đó đã tiến gần về biên giới VN.
Ngày 2/1/1979, chúng tôi có mặt tại biên giới Đức Cơ, do đã giải phóng vùng này rồi, lệnh phải tiếp tục lên đường qua bên kia biên giới. Những bác tài xe khách cũng không ngờ đoàn xe dân sự biến thành xe quân sự, người dân thường bỗng chốc trở thành người lính. Chiến tranh mà!
Khu vực chiến đấu của Sư đoàn chúng tôi là Quân khu Đông Bắc của Campuchia, gồm 2 tỉnh Mondokyri và Natakyri.
Xe dừng ở Bông Lung, thị trấn cách VN gần 200km, vừa đến nơi chỉ huy đơn vị hỏi toàn đại đội:
“Ai đã học xong lớp 12 ” có tất cả 17 cánh tay giơ lên, hy vọng sẽ được bố trí công việc tốt. Không phải! Cần học vấn 12 là dễ tiếp thu nhanh để đưa về 2 bộ phận là Trinh sát và Truyền đạt
Trinh sát thì tìm dấu vết địch, Truyền đạt thì theo thủ trưởng để truyền mệnh lệnh khi thông tin vô tuyến và hữu tuyến bị cắt.
Tôi xin kể về cuộc chiến qua từng đối tượng của chiến tranh:
MÙNG TRẮNG VÀ MÙNG XANH (MÀN)
Khi mới đến chiến trường, ban đêm quân ta ngủ giăng mùng màu trắng, đây chính là mục tiêu béo bở ngay trong tầm đạn phục kích của địch. Quân ta thương vong, phải thay gấp mùng màu xanh lá đậm để tránh bị lộ. Bài học đầu tiên là chiếc mùng màu trắng đã gây thương tích cho 4, 5 người khi mới ra chiến trường.
TRINH SÁT VÀ RỪNG CÂY KHỌT
Lính Đặc công có phương châm: “ Bí mật - Luồn sâu - Bám sát địch - Đánh địch từ trong đánh ra”. Còn với lính Trinh sát chúng tôi thì: “Bí mật - Luồn sâu - Bám sát địch - Không để mất dấu địch”
Tổ tam trinh sát có 3 người, một người lính cũ và hai người lính mới. Hằng ngày, theo lệnh quân khu đi tìm dấu vết địch, khi phát hiện có địch, thì 2 người ở lại, người thứ 3 dùng la bàn, bản đồ quay lại dắt bộ binh lên đánh. Đoạn quay trở lại dắt bộ binh là nguy hiểm nhất, đi một mình, dễ bị địch phục kích. Rừng Campuchia toàn là cây khọt, cây nào cũng giống nhau, không có la bàn là lạc liền. Có bạn “thông minh” nghĩ ra một cách là dùng dao đánh dấu vào cây khọt để quay lại khỏi lạc đường. Dấu dao đánh vào cây như là “lạy ông tôi ở bụi này”, đây chính là điểm tử để quân Pôn Pốt đã phục sẵn và khử mình liền! Và lại bị thương vong!
TRÂU VÀ NƯỚC
Nước là yếu tố hàng đầu trong cuộc chiến. Các bạn hình dung nhìn từ xa trong một vũng nước lớn có trâu đang nằm. Lính mình đến dùng tăng che mưa chứa nước, đợi lúc lắng xong đem nấu cơm thì 1/3 cơm bị toàn mùi bùn không ăn được. Khi dến một địa điểm mới, điều đầu tiên là phải tìm nguồn nước, nhìn trên bản đồ là có suối, nhưng đến nơi thì khô hạn. Nước là một năng lượng thiết yếu vì Campuchia đang ở mùa khô. Một ngày hành quân đi bộ 30km chúng tôi phải chắt chiu từng giọt nước. Cố gắng chịu đựng qua từng cơn khát cháy họng. Ta giành nước, địch cũng giành nước, có những trận đánh kéo dài chỉ vì một con suối mà thôi.
CƠM, MUỐI VÀ MÌ CHÍNH
Lính trinh sát thường được ăn cơm sấy Thái lan của quân đội Sài Gòn để lại, Khi hành quân xa thì ăn cơm vắt (cơm cục). Nên mới có câu: “Đời thằng lính mục, ăn cơm cục, uống nước đục. không đi thi cán bộ giục, đi thì K nó phục, phục thì gục rồi cũng thành gỗ mục.” Thức ăn chính là muối bột với mì chính. Muối sống bỏ vào lon sắt rồi quẳng vào trong đống lửa, một lát sau muối sống sẽ thành muối bột trắng tinh. Chúng tôi ăn như vậy ròng rã gần 3 tháng liền. Lâu lâu mới có vài lon thịt hộp, vì nếu không giải phóng đường thì xe không tiếp tế được. Hơn nữa, chúng tôi cứ đi mãi trên một con đường để đuổi theo và tiêu diệt một đầu sư của địch.
MÌN VÀ SỰ THÂM ĐỘC
Khi nói đến mìn thì phải nói đến sự thâm độc của TQ. Mìn có nhiều loại: K58 thì làm bị thương cặp giò, PK2 (mìn con cóc) nhảy bung lên xé toang lồng ngực của bạn. TQ huấn luyện cho quân Pôn Pốt gài mìn rất hiểm: đầu tiên là dây gài mìn nhuộm màu xanh như màu của cỏ khó mà nhận ra, thứ hai chúng không gài căng dây mà lại gài dùn, người đi đầu vướng vào dây mìn chưa nổ. khi kéo lê một đoạn đến giữa đội hình kíp nổ mới bung ra làm cho 2, 3 người bị sát thương. Chưa hết, có một loại mìn 652A còn gọi là “mìn kinh tế”. Khi giẩm lên, nó chỉ xin bạn một bàn chân thôi, phải mất 2 người lính vận tải đưa về mặt trận tiền phương 579 làm giảm ngay sức chiến đấu lúc đó. Sau đó về Nghĩa Bình an dưỡng và trở thành thương binh, nhà nước phải nuôi dưỡng suốt đời. Các bạn thấy mìn kinh tế đánh có thâm độc không?
CHIẾC ÁO MAY Ô TRẮNG VÀ GIẤC NGỦ TRÊN ĐƯỜNG
Có bao giờ ban đêm trong rừng vắng, bạn vừa đi vừa ngủ chưa? Tôi xin kể câu chuyện có thật về tuổi ăn tuổi ngủ khi học trò cầm súng.
Chiều 29 Tết âm lịch năm 1979, (năm đó không có ngày 30). Chuẩn bị đón giao thừa thì lệnh trên đưa xuống: chọn 5 trinh sát thông thạo la bàn để hành quân bám địch. Nhận lệnh là lên đường và phải đi xuyên đêm. Tối như đêm 30, giơ bàn tay mình lên phía trước còn không thấy huống chi là thấy đường đi. Lệnh sư đoàn cho phép quàng chiếc áo may ô trắng sau vai mỗi chiến sĩ để người sau thấy người trước mà đi. Trong đêm tối hành quân. Trời ơi! Tôi vừa đi vừa ngủ, khi mở mắt ra thì không thấy chiếc may ô trắng phía trước nữa. Tôi truyền miệng ra sau: “Trinh sát lạc đường” Người đại đội trưởng bộ binh từ phía sau băng lên và tát vào mặt tôi: “Trinh sát mà lạc đường vậy hả?”. Tôi khóc và nói: “Em là lính mới”. Rồi cả đại đội đứng im vì trinh sát không dẫn thì bộ binh cũng không biết đường mà đi. Rất may, người lính cũ đi trước quay trở lại đón vì biết tôi là lính mới.
HY SINH VÀ NGÀY TRỞ VỀ
Những ngày đầu, khi chiến sự ác liệt xảy ra. Mỗi ngày, ít nhất là có 5, 6 chiếc võng được khiêng về do lính mình hy sinh, phần lớn là lính mới.
Xin kể lại một chuyện, một người bạn cùng tiểu đội trinh sát với tôi tên Dương Đào quê ở Điện Bàn, Đào rất hiếu học và giỏi Toán. Hai đứa đưa địa chỉ cho nhau để khi người này chết thì người kia báo về cho gia đình biết (vì sợ đơn vị không báo về). Như một điềm báo trước, một buổi chiều trời nhá nhem tối, Đào theo tổ tam tam đi trinh sát thì lọt vào ổ phục kích của lính Pôn Pốt nằm phục ở trên cây. Đào nấp sau ụ mối thì bị trúng đạn, 1 viên xuyên qua bụng, viên còn lại đi vào ngực và đi luôn vào ổ bụng phía trước do Đào nấp ở tư thế nằm nghiêng. Người y sĩ chiến trường không nghĩ đến tình huống này mà chỉ băng bó 1 lỗ vào phía trước và 1 lỗ ra phía sau, không nghĩ phía trước có đến 3 vết đạn. Mất máu và hy sinh, ngay trong đêm. Đào được 4 lính vận tải đưa về hậu cứ và mãi mãi ra đi ở tuổi 20.
Cuối tháng 3/1979, khi quay trở về VN qua lại biên giới Đức Cơ, một cảnh tượng làm chúng tôi phải rùng mình: Nghĩa trang Đức Cơ còn rất nhiều chiếc hòm của lính mình hy sinh chưa kịp chôn cất. Nói là hòm, thực chất chỉ là 6 tấm gỗ thô ghép lại mà thôi. Chiến trường Biên Giới Tây Nam đã lấy đi không biết bao sinh mạng những người trai trẻ VN, nhiều nhất là những người anh em quê ở Quảng Ngãi và Khánh Hòa.
Còn rất nhiều điều để kể về chiến tranh, tôi bước ra khỏi cuộc chiến khốc liệt ấy với sự may mắn ngẫu nhiên, nếu tiếp tục chắc cũng đã “xanh cỏ” rồi.
Bây giờ ngồi nghĩ lại về quá khứ: Khi ấy với tên gọi: Quân tình nguyện Việt Nam, chúng tôi cầm súng chiến đấu, không có ai đẩy từ phía sau nhưng vẫn phải lao về phía trước. Nếu không lao tới sẽ tự mình xóa sổ. Khi ấy, nói thật chúng tôi cũng không được trang bị cho mình một lý tưởng nào, không biết chiến đấu để làm gì, chiến đấu cho ai. Chỉ có một ý nghĩ chông chênh trong đầu là phải sống, là may mắn không trúng đạn của quân Pôn Pốt Campuchia.
Sau này, được biên chế về làm Tuyên huấn của Ban Chính trị Trung đoàn. Tôi mới hiểu rằng, nếu chúng ta lúc đó không giúp Campuchia giải phóng đất nước họ thì đất nước mình cũng sẽ bị xâm lấn. “Giúp bạn tức là giúp mình”. Một câu nói rất đáng ghi nhớ.
Chiến trường Biên Giới Tây Nam không dừng lại ở đó. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở những vùng ven dù thủ đô Campuchia đã được giải phóng. 5 năm sau, ngày 26/3/1984, một người em trai của tôi cũng đã trúng đạn Campuchia và hy sinh tại cao điểm 547, thị trấn Saem, Campuchia. Tuổi trẻ của VN mình lại ngã xuống!
Gần 40 năm rồi, thời bom đạn đã qua đi, tôi may mắn còn sống trên cuộc đời này. Xin cám ơn số phận đã cho tôi tồn tại!
Ghi lại những dòng này như là một lời chia sẻ tâm sự về một thời tuổi trẻ học trò sống giữa chiến tranh! Chiến tranh có giữa thời bình!
7/15/2018
Phùng Hữu Thông