Kỷ Niệm Ở Huế
Nguyễn Thị Đoan Trang
Một ước nguyện khác của mình đã được thành tựu ở Huế là có cơ hội đi thăm thầy Bửu Ý.
Đến Huế ở chỉ có ba ngày, không đủ để thực hiện nhiều điều mình muốn vì thời gian hạn chế. Dù trong chương trình khởi đầu có dự định đi thăm thầy Huệ và anh Quang nữa, nhưng cuối cùng chỉ thăm được một mình thầy Bửu Ý. Tiếc thật! Thôi thì đành hẹn lại lần sau và cứ hy vọng là lần sau nầy sẽ ở trong futur proche hơn là ở futur lơ lửng!
Thầy Bửu Ý trong hình có vẻ hơi nghiêm và hiếm khi cười. Nhưng ngoài đời thầy vẫn như xưa: rất hoạt bát, uyên thâm, thông thái, thính giả nghe thầy nói không biết chán! Hôm đó thầy kể chuyện sinh hoạt và diễn biến trong tình hình giáo dục Pháp văn cũng như đời sống ảnh hưởng đến khoa Pháp ở Huế và ĐHSPH trong thời gian mình xa nước (từ 1980 trở đi) thật hay!. Mình cảm thấy như đang sống lại thời sinh viên ngày xưa trên ghế nhà trường, mê học Pháp văn, mê và khao khát sự uyên bác của các thầy... Phải mở một dấu ngoặc ký ức thắc mắc ở đây là thời mình sao không có cô nào dạy? Sau nầy, khi anh Quang và chị Tuyết ra trường và được làm giảng viên ở ĐHSPH thì cả anh và chị không dạy lớp mình. Còn chị Phạm Thị Anh Nga, con gái thầy Âu, thì có lẽ chị vào ĐHSPH sau khi mình đã xa trường (?), vì mình không nhớ bao giờ có hân hạnh được gặp chị khi còn đi học ở đó. Thêm một điều ngộ nghĩnh nữa là khoa ngoại ngữ Pháp khá nhỏ. Ai trong khoa cũng biết nhau như trong gia đình nên các sinh viên lớp trên được sinh viên lớp dưới gọi là anh chị, thành thói quen. Khi họ ra trường và được giữ lại làm giảng viên đại học trong khoa, oai như vậy... vẫn "bị" gọi là anh chị dù đã được thăng chức!
***
Thầy Bửu Ý hỏi:
- ĐT làm việc gì?
Mình trả lời:
- Dạ thưa thầy, em làm Dược Sĩ.
Thầy chắc lưỡi (hay mình chỉ hình dung điều nầy trong tâm trí thôi?)
- Thầy tưởng ĐT đã trở thành một nhà văn đâu đó?
Mình cảm thấy hối hận là đã làm phật ý thầy lúc ấy nên tự nhiên trong đầu chợt nhớ và kể lại cho thầy nghe lá số tử vi của mình, do một người bạn thân của gia đình bạn MC chấm dùm, từ thời mình còn làm sinh viên ở ĐHSPH. Người nầy nghe nói là một nhà tử vi rất nổi tiếng, đã từng tuyên đoán đúng nhiều biến cố lịch sử hiện đại ở VN. Theo người đó, dầu mình có học gì đi nữa cũng chắc chắn sẽ không hành nghề nhà giáo mà sẽ làm nghề buôn bán có dính líu đến nước! Cũng nên nhắc lại là trước năm 1975, mẹ mình buôn bán nước mắm hàng sĩ. Mình còn nhớ lúc ấy, nhà đầy những thùng nước mắm, mỗi thùng chứa 25 lít, bằng thiếc bóng loáng, có dây mây buộc chung quanh tạo nên hình chữ thập ở mặt trên và mặt đáy của thùng, theo kiểu người ta cột ru băng (ruban) quanh một gói qùa, chỉ thiếu chiếc nơ. Rất nhiều khi, các thùng nước mắm nầy được chất cao đến gần hai phần ba chiều cao cái nhà và chiếm gần hết phần nửa chiều ngang của gian phòng đầu nhà trên ở đường Phan Thanh Giản. Những thùng nước mắm nầy là sản phẩm từ Nha Trang, Phan Rang và Phan Thiết, được nhà sản xuất trực tiếp chuyên chở bằng đường thuỷ trên những chiếc thuyền đến ĐN, cập bến ở sông Bạch Đằng. Mẹ thường mua 300 đến 500 thùng một lần của từng chủ hàng, rất nhiều khi, của ba bốn chủ hàng một lượt.
Mình vẫn còn nhiều ấn tượng, ngày xưa khi nhìn xe cam dông (camion) lớn chở hàng về nhà. Xe mở cửa sau rồi vẫn cao hơn mặt đất cả 2-3 mét. Những người cu li thường đi theo xe, đến nơi giao hàng thì họ đặt một miếng ván dài làm cầu nối từ xe đến mặt đường. Thế rồi đòn gánh trên vai, mỗi đầu gánh đong đưa một thùng nước mắm, họ lần lược bước ra khỏi xe trên chiếc cầu tạm đang nhún nhẩy dưới nhịp bước và sức nặng của người và hàng, gánh vào nhà và sắp những thùng nước mắm thành từng hàng chồng lên nhau thật nhanh nhẹn và khéo léo. Mỗi dãy thùng được chất sát nhau theo kiểu cầu thang, tạo phương tiện cho người cu li trèo lên hàng dưới đồng thời chất hàng trên và hàng dưới mỗi lúc một cao, cho đến khi người ta nghĩ là không còn an toàn nữa nếu tiếp tục...
Trở lại vấn đề không đi dạy hay viết văn, hay là "pour revenir à nos moutons"... thật tình là số tử vi khiến mình buồn hơn năm phút và là đề tài khôi hài cho mấy con bạn tinh quái của mình một thời gian với lời tiên tri mới: "Thôi rồi, e là con ĐT sẽ về nhà buôn nước mắm tiếp!". Do đó sau nầy, khi đã làm dược sĩ, mỗi lần rót thuốc từ bình lớn (stock bottle) vào chai nhỏ theo toa bác sĩ hay hoà thuốc trụ sinh (powder for reconstitution) cho các bệnh nhân con nít, mình cứ nhớ đến lời đoán của ông thầy tử vi và cười thầm trong bụng ...
***
Thầy hỏi:
- Còn viết nhật ký không?
Để trả lời câu hỏi của thầy, mình phàn nàn ("qui s'excuse, s'accuse!") là sau khi phải học ba ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh (chưa kể ngôn ngữ thứ tư, tiếng Đức), mình cảm thấy thiếu kiên nhẫn để viết vì văn phạm và ngữ vựng khác biệt của các ngôn ngữ mình đã học bỗng nhiên có khuynh hướng ganh tị với nhau!... Thầy cho một lời khuyên vàng là cứ viết theo cảm hứng, đừng để ý đến ngôn ngữ cảm hứng biểu hiện khi viết. Viết xong hết ý rồi hãy trở lại chỉnh sau. Rất đơn giản mà sao mình không nghĩ đến hè? Hèn chi... thầy là thầy của mình!
Thật tiếc, hôm thăm thầy cũng là hôm mình phải rời Huế để về lại ĐN. Buổi sáng đó phải trả phòng khách sạn không trễ quá 12 giờ trưa nên chưa tới 11 giờ sáng đành phải nuối tiếc xin thầy về.
Trước khi tạm biệt nhau, Đỗ Dung, Ngọc Thuỷ, Thuý Vi và mình cảm giác như còn trên mây một chút, vì niềm hạnh phúc và ấn tượng gặp lại thầy... Cả bọn đồng ý với nhau là mình thật may mắn đã được học với nhiều vị thầy qúa giỏi!
Khi mình về lại khách sạn Eldora trên đường Bến Nghé, nơi hai mẹ con đã tạm trú trong một thời gian thật ngắn ngủi, không cách trường ĐHSPH cũ bao xa, hai đóa hoa Súng mà J., con trai mình, đã hái ở chùa Huyền Không Sơn Thượng và đã cắm tạm trong một chiếc ly nước mượn của khách sạn từ hôm qua, đang nở thật to như để phô trương màu tím yêu kiều của cánh hoa bên ngoài và màu vàng hoàng phái của những sợi nhuỵ bên trong. Hai đóa hoa hình như đang tham lam tranh nhau hấp thụ thật nhiều ánh sáng mặt trời từ khung cửa sổ bên cạnh chiếc bàn nơi J. đã đặt cái ly nước. J. chợt nhìn mình với vẻ phấn khởi và nói: "Mẹ ơi con học thêm một điều mới là hoa Súng ngủ buổi tối và thức dậy buổi sáng như người!".
Mình mỉm cười trước ý nghĩ ngộ nghĩnh của con trai vừa nghĩ thầm là cả hai mẹ con, mỗi người đã học được một điều mới hôm nay. Thêm một ngày đẹp trong đời đáng ghi nhớ!
Kỷ niệm về Huế 7/2015
TH: Mới cmt xong thì được đọc thêm một bài. Bài ni chắc đoán đúng tên tác giả. Bài viết hay, vui và nhiều cảm xúc.
Nhất là được ngắm ảnh của Joshua,.. hehee "thần tượng vong niên" của tui.
QA: ĐT viết bài KỶ NIỆM Ở HUẾ dễ thương ghê, QA thích nhất câu của cu cậu J "Mẹ ơi ! con học thêm một điều mới
là hoa súng ngủ buổi tối và thức dậy buổi sáng như người" dễ thương thật...
NA: Văn sĩ ẩn mình lâu quá. Mới xuất hiện đã có nhiều độc giả hâm mộ :) (5/5)
TH: TBT ơi làm ơn ghi trong phần cmt các bài viết dùm tui với, bài nào cũng hay. Mỗi bài mỗi đề tài, phong phú, cảm
xúc tràn trề. Tui đều chấm 5/5 hết. Chỉ có bài QUỲNH ƠI, SẼ CÓ MỘT NGÀY, ĐỪNG KHÓC ghi thêm dùm tui dấu +
nhé.
Đúng như Lân thi sĩ nhận xét, hai bài "Người Thầy" và "Sẽ Có Một Ngày" là của một người, không biết là của ai, nhưng
có lẽ là bạn hữu chớ không phải dân chín bốn. Của ai cũng được, hay ghê.
Comments: