Kỷ niệm tiếp nối
                                                          Kính tặng Thầy chủ nhiệm TVT

       Thuở trường tôi mới thành lập, ban đầu với cái tên gọi thật đơn giản Nữ Trung Học Đà Nẵng, sau này được đổi tên thành NTH Hồng Đức, hằng năm trường đều được bổ sung nhiều giáo sư trẻ. Dạo đó, trường có những cô giáo trẻ được học trò ngưỡng mộ như cô Ngọc Thanh vừa trẻ vừa xinh dạy Triết, cô Tuyết Ngọc với mái tóc đờ mi rất Tây, cô Ngọc Nga xinh đẹp dạy Hội Họa, nhanh nhẹn như cô Giới dạy Văn, nghiêm trang như cô Tuyết Nha dạy Lý Hóa ... Các thầy trẻ như thầy Dũ dạy Anh Văn, thầy Thành dạy Lý Hóa, thầy Thụy dạy Sử Đ
a ...Trong khi các cô giáo trẻ là đề tài cho học sinh bàn tán từng dáng đi, giọng nói, phong cách chưng diện ... thì các vị thầy trẻ là đề tài cho đám nữ sinh nghịch ngợm. Nhất quỷ nhì ma mà!

       Trong những vị nam giáo sư trẻ mới ra trường thuở ấy, được học sinh để ý nhiều nhất là thầy Thụy. Thầy tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế, ra trường khi đất nước ầm vang tiếng súng. Không biết là hên hay xui mà thầy về trường Nữ trung học Hồng Đức Đà Nẵng, là nhiệm sở đầu tiên. Năm đó thầy còn rất trẻ, chừng hơn hai mươi. Điểm nổi bật nhất là dáng người khá cao và mái tóc bồng bềnh. Khác với thầy Dũ lúc nào cũng nghiêm mặt, ít đùa giởn, khác với thầy Thành nói nhiều, giọng Huế sôi nổi. Thầy Thụy có phong thái nhẹ nhàng của một nghệ sĩ, rất … Huế! Dù đôi kiếng cận hơi nặng hay sà xuống sống mủi nhưng nhìn Thầy không đạo mạo. Với vài ba cuốn sách cầm trên tay, những bước chân sải dài trên hành lang, nếu không muốn nói là đôi khi cuống quýt. Dáng dấp và phong cách của thầy Thụy chính xác là hình ảnh của những chàng sinh viên trong tranh vẽ của họa sĩ Vi Vi thường có ở bìa những cuốn đặc san Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa; rất quen thuộc trong thế giới học trò thời đó.

       Lớp chín bốn chúng tôi niên khóa 1973- 1974 là một trong những lớp mỗi tuần có vài giờ Sử Đ
a với thầy. Tôi nhớ, ngày đầu tiên thầy Thụy bước vào lớp chín bốn, thầy tự giới thiệu tên mình bằng cách viết ba chữ TVT thật lớn trên bảng đen, nét chữ rất bay bướm. Những cô học trò tuổi mười lăm dĩ nhiên ai cũng có cảm tình với các thầy trẻ. Trong tâm hồn thơ dại của "lứa tuổi thích ô mai" (chữ của nhà văn Duyên Anh) chắc mỗi cô học trò nhỏ đều dành cho thầy trẻ một vị trí đặc biệt, bởi mỗi trái tim có một cách cảm nhận và tình cảm riêng. Lớp chúng tôi là một lớp nổi tiếng học giỏi của khối lớp chín, bên cạnh những sinh hoạt nhà trường như thi gia chánh, văn nghệ … lớp chúng tôi cũng đạt được nhiều giải thưởng cao. Một tập thể “sáng giá” như vậy thì nghịch ngợm cũng cao siêu, xếp hàng đầu trong những lần bị thầy Cung Thế Mỹ hay cô Kim Loan phạt cấm túc. Nhưng các bạn trong lớp tôi chưa bao giờ có thái độ gì gọi là khiếm nhã, cho dù chỉ là những tinh nghịch của tuổi mới lớn đối với các thầy trẻ, trong đó có thầy Thụy. Và mãi cho đến bây giờ tôi cũng không biết là có bao nhiêu trái tim non trong lớp mình đã thương nhớ vu vơ hoặc thẩn thờ gởi mộng mơ ra ngoài cửa sổ lớp học trong những giờ học với các thầy trẻ.

       Sang niên khóa sau, lên bậc trung học đệ nhị cấp, tôi chọn ban A, một số bạn cùng lớp 9/4 thêm các bạn chung khối Anh Văn khác hợp thành lớp 10A2. Phòng học nằm ở tầng trệt, sát hàng rào phía đường Thống Nhất, tức là dãy lầu mới xây đối diện với phòng gia chánh. Nếu tôi nhớ không lầm thì đó là phòng 16. Đầu năm học, cả lớp chúng tôi đã từng reo lên mừng rỡ để chào mừng thầy Thụy bước vào đảm nhiệm vai trò giáo sư hướng dẫn. Cả lớp đều vui, ai cũng hiểu rằng Thầy trẻ thường gần gũi, dễ thông cảm với học sinh hơn. Có thể nói lớp 10A2 niên khóa 1974 - 1975 của trường NTH Hồng Đức là lớp học đầu tiên có nhiều gắn bó với Thầy Thụy trong cuộc đời cầm phấn của Thầy. Lớp tôi năm đó tuy là một tập thể mới hòa nhập vào nhưng khá đoàn kết. Điển hình qua mấy ngày cắm trại, nhân dịp lễ truyền thống Hai Bà Trưng và ngày húy đức Lê Thánh Tôn. Thầy trò chúng tôi đã có dịp hiểu nhau hơn qua những sinh hoạt học đường. Một gian hàng trò chơi Ném Vòng Tay Ngọc với bàn tay búp măng tuyệt đẹp của Lê Kim Loan được mang ra chiêu dụ các anh nam sinh trường hàng xóm, những chàng thanh niên mới lớn hay mấy anh tân binh nét mặt rất ngơ ngác trong những bộ quân phục còn vương mùi khói súng. Đáng nhớ hơn hết là thi đua bích báo toàn trường. Tôi không nhớ do sáng kiến của bạn nào mà chúng tôi đã bạo gan dự thi bích báo Hướng Dương với hình thức một cành hoa Hướng Dương vàng nổi bật trên nền vải nỉ đen. Bài vở được viết trên những cánh hoa bằng vải. Tốn kém cho tờ báo nhiều lắm và thầy Thụy đã ủng hộ ban báo chí bằng cách biếu chúng tôi một khoản tiền, thầy bảo là: Để các em thêm vào chi phí cho bích báo. Trưởng ban báo chí lớp tôi, Trương Thu Nguyệt đã rưng rưng cảm động khi nhận món tiền của thầy. Những tờ giấy bạc cũ nhưng phẳng phiu, được gói trong tờ giấy báo. Tôi không nhớ
là bao nhiêu nhưng tôi và Thu Nguyệt đã nhẩm tính là khoản tiền đó ước lượng bằng một nửa tháng lương đi dạy của thầy. Hai đứa nhận tiền xong là bắt đầu lo, chúng tôi sợ sẽ làm thầy thất vọng thì thật buồn biết bao! Rốt cuộc tờ báo cũng hoàn thành với sự hổ trợ là bàn tay khéo léo của chị dâu bạn Phương, số hiện kim của thầy Thụy, và nổ lực cuả toàn ban báo chí lớp. Trong buổi lễ chào cờ tuyên bố kết quả, chúng tôi mừng phát khóc khi biết bích báo Hướng Dương của lớp 10A 2 đạt giải nhất toàn trường. Tờ báo được trưng bày ngay giữa thư viện nhà trường, trong ánh mắt ngưỡng mộ của học sinh toàn trường và niềm hãnh diện của thầy trò chúng tôi. Niềm vui vở òa, men chiến thắng chúng tôi chưa say được bao nhiêu ngày thì cả thành phố Đà Nẵng ùn ùn những đoàn người từ các tỉnh địa đầu giới tuyến kéo vào lánh nạn. Dư âm niềm vui từ ngày trại truyền thống, những kỷ niệm đẹp từ đêm lửa trại bập bùng tiếng đàn, chập chờn ánh lửa chưa kịp viết nên thành thơ, thành nhạc thì khói lửa chiến tranh đã lan đến tận sân trường. Những hàng bạc hà xanh mướt, ẻo lả trong nắng giờ biến thành chứng nhân cho một cuộc biển dâu. Trường NTH Hồng Đức trở thành trại tạm cư cho đồng bào tỵ nạn. Thư viện trường Hồng Đức biến thành nhà kho chứa hàng viện trợ. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, tôi nghe nói, cành hoa Hướng Dương của lớp chúng tôi được một bạn mang đến nhà tặng lại cho thầy Thụy như là một lời cám ơn của cả lớp đối với một vị giáo sư trẻ đầy tâm huyết. Thầy trò chúng tôi đã chia tay nhau quá đột ngột, khi những trang sách giáo khoa chương trình lớp mười đang còn dang dở …

       Cổng trường Nữ Hồng Đức khép lại từ đó, lịch sử sang trang. Thầy Thụy sau những tháng bôn ba vào Sài gòn rồi cũng trở về Đà Nẵng. Nghe đâu thầy được giữ lại đi dạy tiếp nhưng phải đạp xe đạp lên tận Hòa Vang, vùng ngoại ô Đà Nẵng. Vài ba năm sau đó nghiệp cầm phấn đứng trước bảng đen của thầy phải lạnh lùng chấm dứt bằng một quyết định thôi việc. Điều này xảy ra tuy bất ngờ nhưng không gây ngạc nhiên. Tôi và một vài bạn còn sống tại Đà Nẵng thỉnh thoảng có dịp gặp nhau, chúng tôi rất ngậm ngùi khi nghe tin thêm một vị thầy cũ của mình phải rơi vào hoàn cảnh thất cơ lở vận. Những vị giáo sư cũ cũng lao đao không kém, mỗi người có cách đối phó với hoàn cảnh theo quan niệm sống riêng của mình. Thầy Hạc bôn ba nhiều nghề nhưng tánh thầy rất vui vẻ, ngồi dán áo mưa, thầy vẫn cười và kể chuyện tếu được. Đạp xe đi thồ thầy nói là thầy làm “Dân biểu”, nghĩa là dân biểu đi đầu thì thầy đi tới đó. Ôi những vị giáo sư khả kính của một thời vang bóng.

       Vài ba năm sau, tôi nghe phong phanh thầy Thụy đã lập gia đình với chị Thanh Nhàn, giai nhân một thời của Đà Nẵng và là cháu của Cô Liệu, Tổng giám thị trường Nữ trước kia. Vợ chồng Thầy làm chủ một hiệu thuốc Tây nằm ở đường Ông ích Khiêm, đối diện chợ Cồn, đó là “Pharmacy Hồng Đức”. Với vốn liếng tiếng Pháp thời sinh viên đại học năm xưa nay đã giúp thầy thật nhiều trong công việc mới này. Rồi chương trình mở cửa, mở ngỏ đón văn hóa phương tây du nhập vào Việt Nam. Làn sóng “Tây ba lô” trên khắp nẻo đường đất nước là cơ hội cho Việt Nam mở rộng ngành du lịch. Thầy Thụy mau chóng hội nhập với công việc một hướng dẫn viên du lịch, nói tiếng Pháp trôi chảy. Tôi nghĩ đây là một nghề rất hợp với khả năng và vốn kiến thức của Thầy. Từ đó đến nay, người Thầy cũ của chúng tôi, với đôi kính cận và mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ có dịp đặt những bước chân lãng du trên khắp miền đất nước. Thầy mang những hiểu biết về nền văn hóa, đất nước và con người xứ Việt ra tường trình cùng du khách trong và ngoài nước. Tôi thật hãnh diện và nghĩ rằng sở trường của Thầy đã có dịp phô bày đúng nơi, một cách hoàn hảo.

       Những năm gần đây, nhóm chúng tôi có thành lập một trang web, sân chơi chung cho các bạn cùng lớp 9/4, 10A2 và những lớp láng giềng. Trong những bài viết về kỷ niệm trường xưa lớp cũ, dĩ nhiên thấp thoáng bóng dáng Thầy Thụy. Được biết, trong vai trò là một hướng dẫn viên du lịch Thầy trở thành đồng nghiệp của một người học trò nhỏ thuở 9/4 xa xưa. Đó là cô học trò nhỏ tên Lân, được cả lớp chúng tôi yêu dấu gọi là “Lân Thi Sĩ”. Cũng từ trang web này, tôi có dịp “gặp” lại Thầy tôi từ những bài viết bước ra. Các bạn tôi đã nói lên những cảm nghĩ về Thầy thuở chúng tôi mười lăm mười sáu, những bài viết thật dí dỏm nhưng chứa chan tâm sự. Tình cảm thuở nào chưa dám bày tỏ, nay được dịp mang ra nửa đùa nửa thật. Khi nhắc lại những cảm tình e ấp thuở còn “Làm học trò mà sách vở chẳng cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” (thơ Huy Cận) Rồi … đứa này tố cáo đứa kia … ai muốn hiểu sao thì hiểu. Riêng với Thầy Thụy, đã đôi lần Thầy nhắc đến khung trời nhỏ Chín bốn qua những bài viết đăng trên đặc san trường. Bởi chúng tôi, lớp học trò đầu đời của Thầy, thuở Thầy là chàng sinh viên mới ra trường rụt rè, bỡ ngỡ, thuở Thầy còn mang dáng dấp của một sinh viên Đại Học, hay nói đúng ra là một lãng tử đào hoa bước vào sân trường Nữ, nơi có rất nhiều vì tinh tú lấp lánh. Thuở đó, Thầy từng ước mơ có một vì sao sẽ sa xuống, đậu lại trên vai Thầy và ngủ một giấc thật ngoan hiền, thánh thiện. Bước vào sân nhà web chín bốn, Thầy như trở lại thời vàng son. Tôi hiểu do đó mà Thầy từng bảo: Nhớ về lớp chín bốn là nhớ lại một thời tuổi trẻ.

       Thời gian qua mau, đến nay, thầy trò chúng tôi đều trải qua nhiều khúc quanh, nhiều ngã rẽ của cuộc đời. Kỷ niệm về ngôi trường xưa, lớp học cũ mãi mãi là hình ảnh đẹp trong tâm tư mọi người. Nó mang lại nhiều tiếc nuối nhưng khiến tâm hồn người ta nhẹ nhàng êm ả mỗi khi nhớ về như lời thơ của một thi sĩ lừng danh thời tiền chiến “Hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngắt”. Với tôi, một chút ngậm ngùi khi đọc lại những bài viết của Thầy. Đời người có may có rủi. Thầy tôi tuy không xông pha trận mạc thuở đất nước chiến tranh, Thầy chọn con đường phụng sự đất nước ôn hòa hơn, nghiệp cầm phấn, giáo dục lớp người trẻ. Nhưng thời thế đổi thay … đã khiến giấc mơ trên bục giảng của Thầy lịm tắt. Tôi không biết ngày đất nước thanh bình, trong những chuyến xe đạp về miền ngoại ô dạy học, thầy tôi có cảm thấy hạnh phúc lâng lâng như thuở mới vào đời, mang dáng dấp chàng lãng tử với những bước chân sải dài nơi hành lang lớp học, ngoài sân trường Nữ có tiếng lá bạc hà lao xao trong gió?

       Dòng thời gian trôi qua nhưng dòng kỷ niệm vẫn còn tiếp nối, Thầy Thụy ngày nay so với những người cùng tuổi thì trông trẻ hơn nhiều. Không còn mái tóc bồng bềnh thời trai trẻ nhưng vẫn đôi kính cận và năm tháng đã đọng lại nơi dáng dấp, trông Thầy có chút gì đó rất phong sương, nét nghệ sĩ vẫn ẩn hiện trong tác phong của Thầy. Vẫn mãi là chàng lãng tử, không chỉ hạn hẹp trong sân trường Nữ mà nay phiêu du trên khắp miền đất nước. Chúng tôi luôn cảm thấy Thầy thân mến như một người bạn, một người cùng thời, bởi dẫu gì chúng tôi cũng như thầy đều có cùng một thời tuổi trẻ. Kỷ niệm Thầy trò vẫn còn tiếp nối, sau những chuyến mang ba lô đó đây qua những chặng đường gió bụi, Thầy vẫn dành đôi phút quay trở lại thời tuổi trẻ, qua trang web chín bốn, nơi đã đem thầy xưa trò cũ gần gũi nhau hơn. Khi mái tóc không còn xanh là khi tâm hồn luôn hoài niệm về những gì đã qua đi, đó là nơi mà Thầy trò chúng tôi bắt gặp lại hình ảnh của chính mình, đó là nơi mang nhiều sắc màu kỷ niệm.

Nguyễn Diệu Anh Trinh
Tháng 5 năm 2012