Kỷ niệm xanh
Tập 9
Kỷ niệm xanh trong hồn tôi không hẳn chỉ lòng vòng trong nhóm Làng Nhàng đâu, trong ký ức tôi còn lại hình ảnh một cô bé ít nói, năm lớp sáu nó ngồi bàn đầu dãy ngoài, bên cạnh tôi. Nhà Nguyễn Thu Dung ở khu chợ Mới sau này dời về Xuân Hà, Trần Cao Vân. Thu Dung mồ côi mẹ, sống với ông nội và hai anh trai. Ông nội Dung trước kia là một ông giáo, thời chiến tranh loạn lạc, ba Dung đi tập kết, mẹ qua đời. Ông phải tản cư ra Đà Nẵng, ông không còn đi dạy học mà hàng ngày phải xách chiếc thùng đi hớt tóc dạo để nuôi bầy cháu mồ côi. Đám chúng tôi đã có nhiều lần kéo lên nhà Dung chơi, thăm ông nội khi ông bị bệnh. Căn nhà bằng tôn nhỏ bé nằm sát mé biển. Mái tôn, nền xi măng láng, vách cũng bằng tôn. Mùa nắng hơi nóng tỏa xuống nhưng được cái gió biển thổi vào. Tôi còn nhớ vách tôn nhà Dung không che hết chân nhà, khi gió biển thổi vào thì cát biển cũng bay theo vào đầy nền nhà. Thu Dung có khuôn mặt u buồn lặng lẻ, năm nào cũng được lãnh áo ấm trong chương trình Cây mùa Xuân, giúp đở những học sinh nghèo hiếu học. Tôi cũng còn nhớ có lần đi nhận quà về, Thu Dung đã tủi thân úp mặt xuống bàn học khóc rấm rức. Thuở ấy chúng tôi còn quá ngô nghê, thấy bạn mình buồn mà chẳng biết chia sẻ cách nào. Thu Dung thường từ chối hết tất cả những cuộc vui của đám chúng tôi. Khi ông nội qua đời, Thu Dung nghỉ học mấy ngày, chúng tôi có rủ nhau đi đám, tôi nhớ có Mộng Linh, Quang Ấn và tôi lên nhà Dung, chúng tôi phụ trách trông coi nhà, nấu đồ cúng, trong khi hàng xóm giúp đưa linh cửu của ông ra huyệt mộ. Năm đó chúng tôi chừng mười ba, mười bốn tuổi mà đã làm được những chuyện thật là "thiên kinh địa nghĩa". Dù mồ côi, vất vả thiếu thốn đến tận cùng Thu Dung vẫn là một cô bé ham học, học giỏi nữa. Anh Dũng của Dung thi đậu y khoa trong Sài Gòn, anh vừa đi học vừa đi làm thêm gởi tiền về nuôi Dung, tôi thường được nghe Dung tâm sự như thế. Sau năm 1975 khi tôi phải vất vả nhiều lúc ra đời, nghe tin Dung học đại học Sư Phạm ở Huế tôi thật mừng cho nó. Hình ảnh Thu Dung luôn ngự trị trong lòng tôi như một người bạn chân thật, hiền lành, có ý chí vươn lên mạnh mẻ khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ.
Nhiều năm trôi qua, tính ra cũng gần 40 năm tôi mới gặp lại Thu Dung, hai con sáo nhỏ của 9/4 sang sông Hương để làm dâu xứ thần kinh là Lệ Thúy và Thu Dung. Tôi và các bạn trong một chuyến du lịch đã ghé Huế, thăm gia đình hai bạn. Thật mừng là cả hai bạn đều có cơ ngơi bề thế. Thúy và ông xã đều là những người có chức phận trong ngành y tế còn Thu Dung là một cô giáo. Chúng tôi tròn mắt nghe Dung kể sơ qua về quãng đời tình duyên không được may mắn đã qua, nhưng rốt cuộc cô bạn của tôi nay cũng được trời bù đắp, diễm phúc có được một tình yêu chân thành khi tuổi đời không còn son trẻ. Hiện nay rất mừng khi thấy Dung có được một đời sống hôn nhân thật êm đềm, một gia đình ấm êm lý tưởng.
Nói về những đứa bạn thuộc mẫu “người lớn” trong lớp thì tôi làm sao quên một cô bạn có nước da ngăm ngăm mặn mà, dáng dấp và khuôn mặt rất phúc hậu, đặc biệt là nụ cười và cách nói chuyện duyên dáng cực kỳ. Phạm thị Ba, cái tên nghe thật chất phác như tánh tình của bạn. Phạm Ba hình như lớn hơn tôi một tuổi, tuy lớn nhưng rất ham chơi với đám con nít chúng tôi. Thuở tôi mới lớn, trong mắt tôi Phạm Ba là người có đôi hàng lông mày được tiả rất khéo. Chính Ba là người đã bao phen đè cổ tôi xuống để nhổ dùm tôi mấy sợi lông mày vô trật tự, mặc cho tôi la hét, chảy nước mắt, nước mũi tèm lem. Sau đó cũng chính Ba là người ngắm nghía và khen tôi có đôi mắt đẹp. Phạm Ba có đôi bàn tay búp măng, để móng dài, được trau chuốt kỹ càng. Thấy tôi ngắm nghía hoài, cô nàng mua tặng tôi một cái dủa và bày tôi cách dủa những móng tay dài của tôi. Tôi học đòi làm người lớn với những bài học tập làm duyên, chưng diện từ người bạn này. Tôi nhớ những buổi trưa ở lại trường, Phạm Ba có một anh chàng từ trường Phan Châu Trinh gồng mình sang lấp ló đưa thư, anh chàng lọt vào mê hồn trận của đám tiểu yêu. Kim Liên là đứa ít đùa giởn vậy mà nó cũng lên tiếng “Ở đây chỉ có Má, không có Ba!” làm anh chàng hết hồn. Và y như bài thơ của Đỗ Trung Quân đã phổ thành bản nhạc Phượng Hồng nổi tiếng … Bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi, mang đến lại mang về … Anh chàng mang lá thư, mang mối tình về và lẻo đẻo theo Phạm Ba cho đến những năm sau 1975, tôi được biết Phạm Ba lập gia đình với anh chàng, hai người mở một quày buôn bán dép su ở đường rầy gần chợ Cồn. Tôi có ghé thăm một lần, thời đó vợ chồng Ba còn vất vả lắm nhưng Phạm Ba với nụ cười vẫn duyên, khuôn mặt vẫn sáng. Có lẻ vì thế nên đời sống hôn nhân và làm ăn của nàng lên hương phơi phới. Ba là người bạn Quảng Nam rất chất phác, không đẩy đưa, không màu mè và theo tôi được biết Phạm Ba cũng rất có lòng với công việc chung. Chỉ có một điều là anh chàng Phan Châu Trinh cũng mê ăn ớt, nên dù ngày nay hai người đã đứng đầu bảng về sỉ số con cái dâu rể trong lớp. Phạm Ba đi đâu thì anh chàng Phan Châu Trinh kia cũng réo ơi ơí và ca bài … Đừng xa anh đêm nay, hãy nói em sẽ ở đây … Tôi biết mà, Phạm Ba còn đi đâu được nữa với một tướng quân vừa giỏi vừa biết tuân lệnh vừa gan dạ, cách đây gần bốn chục năm đã xông pha khói lửa từ Phan Châu Trinh sang Nữ Trung Học chỉ để gồng mình trao em một lá thư. Anh chàng thì không nhớ chuyện này nhưng đó là sự thật, mà sự thật thì muôn đời có ghi vào sử sách đó mà!
Tập 10
Nhiệm vụ viết sử cho “chín bón” coi bộ “áp lực” dữ à, có bạn đọc xong tập 9
thì đêm nằm thao thức, nhớ nhung và gọi cho tôi từ bên kia đại dương, chỉ để nói với tôi lời cám ơn vì tôi đã có công … kéo thời gian trở lại. Phải, tôi muốn kéo bạn bè trở về ngôi trường xưa mang tên Hồng Đức với những cô nữ sinh áo trắng, trông nhu mì, trong sáng như đàn tiên nhưng cũng nghịch ngợm, tinh quái vô cùng. Mời bạn cùng tôi tạm rời những tất bật thường ngày của một O 50 để tiếp tục bước vào khung trời xanh.
Kim Oanh Bà la Sát có nhắc chuyện đi hái lá dương xỉ ở Hội Việt Pháp, nó khiến tôi nhớ đến giờ Vạn Vật của những năm trung học. Thuở đó, học con gì thì phải vẽ con đó, (rất may là chương trình của những năm đó không học bài … con chim!) Nếu là bài học về côn trùng thì cô Bút bắt học sinh phải kiếm các thứ sinh vật trong bài đó, như chuồn chuồn, ve, thậm chí … con muỗi, đem phơi khô và dán vào cuốn tập. Khi nào có bài Vạn Vật về cây, cỏ thì học sinh phải sưu tầm các loại cỏ cây cùng nhóm, sau đó phải dán, ép hoặc vẽ vào cuốn tập Vạn Vật. Nếu chương trình học về các loài nhai lại hay bò sát … thì … dĩ nhiên là không thể cắt miếng thịt bò, thịt trâu dán vào tập hay ép con rắn con rít … mà chỉ vẽ hình tượng trưng thôi.
Lớp tôi có vài bạn hoa tay mười ngón, số họa sĩ hiếm hoi trong đó phải kể là Châu Mỹ Lợi, Trịnh Thục Trang, Bạch Nhạn, Tâm Điểm … Châu Mỹ Lợi chuyên môn vẽ hình những nàng công chúa mắt to, mũi nhỏ và cao, tóc dài, eo thon, ẻo lả trong áo đầm nhiều tầng, xòe bung ra … Nói chung là những hình ảnh khác hẳn với cái bên ngoài cũa Mỹ Lợi. Sau này tôi nghe Mỹ Lợi tâm sự là “Hồi đó mình thiếu thốn đủ thứ, ước mơ thứ gì thì thường vẽ vời, tô điểm thứ đó”. Ôi, nghe mà ngậm ngùi đến xót ruột. Tôi thì không có nhiều hoa tay, không vẽ đẹp tuy nhiên tôi cũng rất mê những giờ học có nghiên cứu về nghêu, sò, ốc, hến … vì đó là cái cớ để chúng tôi lang thang ngoài bải biển vô tội vạ. Bài học về cây thông thì lại có cớ đi đò ngang sông Hàn, qua bên tê sông nhặt những trái thông, trái dương liễu đem về gắn vào tập. Môn học vừa học vừa chơi này đối với chúng tôi khá là thích thú. Có lần bài học về lá lưởi rắn, một loại cùng dòng họ với lá dương xỉ, mặt dưới cũng có những chấm chấm, không biết gọi là gì, tôi quên mất tiêu. Tôi chỉ nhớ là sau khi nhỏng nhẻo với ba tôi để được chở lên Nam Ô, lội tới lội lui trên hòn núi đá mà vẫn kiếm không ra dù chỉ là một cành nhỏ. May đâu có đứa mách bảo là ở Hội Việt Pháp thiếu gì! Thế là đám chúng tôi bèn rủ nhau thám hiểm Hội Việt Pháp. Đây là một khu nhà nằm dọc theo bờ sông Hàn. Tòa biệt thự xây trên con đồi cao, kiến trúc theo lối Tây phương, có trồng rất nhiều loại chuối tây, tàn lá xòe ra như cái quạt khổng lồ. Dưới những tàn lá là vô số các loại cỏ cây. Nhìn xa, Hội Việt Pháp có vẻ bí hiểm, cổ kính lắm. Sau khi leo lên bậc thang cấp bằng đá cao vời vợi, đám chúng tôi đứa nào cũng trầm trồ trước nhiều loại cây cỏ, hoa lá được trồng tỉa, cắt xén kỹ càng. Cả dãy dài dọc theo cái bờ đá cao ngất kia là những đám lá dương xỉ, lá lưỡi rắn lẫn lộn, đám chúng tôi tha hồ mà hái. Đàng kia, có một ông già, hình như là người cai quản khu vườn này, ông già đang dùng vòi nước xịt … xịt … không phải tưới cây mà đang rửa xe cho mấy ông Tây. Thoáng thấy đám chúng tôi nghịch ngợm, ông xua tay đuổi đi. Tôi bạo dạn đến gần:
- Bác ơi, cho tụi con hái mấy cái lá về học bài Vạn Vật nghe bác!
Lòng thành khẩn của tôi tiêu tan ngay sau giọng nạt nộ của ông:
- Học hành gì, mấy cô có phá hư hết cây cỏ thì có. Đi ra mau!
Tôi nháy mắt với Quang Ấn và từ từ tiến lại gần ông già, định dùng mưu đánh lừa ông nói chuyện, trong khi đó Quang Ấn ra tay. Ai dè … ông già biết hết tẩy nên bỏ vòi nước, ông bước ra định hù mấy cô bé. Tôi nhân cơ hội chụp liền cái vòi, bấm nước … xịt … xịt … vào ông già … Ông la túi bụi, tôi xịt luôn vào cái xe con của tên “thực dân”, giám đốc Hội Việt Pháp cũng là sếp của ông già. Ông già quýnh quáng vì bị xịt nước ướt mèm. Trong khi đó, đám tiểu yêu đã hái xong một mớ lá đủ dùng và … tẩu lẹ. Tôi buông cái vòi nước, xách dép, cuốn áo dài lên, tẩu luôn! Nắm lá lưởi rắn, là chiến lợi phẩm được đem về chia nhau ép, dán vào cuốn tập Vạn Vật nộp cho cô Bút là cả một công trình của chúng tôi. Sau này, mỗi khi đi ngang qua khu Hội Việt Pháp, nhìn vào khu nhà trên cao, bờ tường rêu và đám lá xanh phủ kín, tôi cứ cười thầm khi nhớ lại những trò nghịch ngợm thuở xưa.
Những năm sau 1975, qua khỏi thời kỳ “cả nước thắt lưng buộc bụng để xây dựng XHCN” là đến thời kỳ mở cửa. Những quán café bắt đầu mọc ra, hoạt động trở lại. Hội Việt Pháp cũng được sửa soạn lại, cho mướn để mở một quán café khá thơ mộng, gọi là Café Hội Việt Pháp. Mấy năm mới lớn, tôi có đôi lần hò hẹn ở đó. Quán được trang hoàng với những dây đèn điện giăng giăng giữa đám cây lá um tùm, những chiếc bàn be bé đặt trên bậc thềm cao nhìn ra bờ sông. Dọc theo cái bờ đá vẫn còn nhiều loại dây leo bám chằng chịt. Đám lá lưởi rắn hình như không được chăm sóc chu đáo bởi ông già năm xưa nên cũng héo hon, vàng vọt. Chạng vạng tối, bầy muổi đói tha hồ vo ve, hèn gì đám thanh niên còn gọi đây là quán Café Muổi.
Tôi xa Đà Nẵng đã lâu, trở về đôi lần mà vẫn không biết Hội Việt Pháp bây giờ ra sao. Đà Nẵng đổi thay nhiều quá khiến tôi có cảm giác như mình đang du lịch đến một vùng nào khác. Tôi ngập ngừng, xa lạ ngay trên thành phố quê hương tôi. Có khi tôi tự hỏi, khu nhà tây cổ kính nổi tiếng một thời nằm trên con đường Bạch Đằng thơ mộng ấy có còn không? Để cho tôi được một lần mường tượng … Hình ảnh mấy cô bé áo dài trắng năm xưa, tóc dài tha thướt, tóc ngắn ngổ nghịch, mắt sáng môi hồng, nhàn hạ lang thang hoặc rủ nhau ngồi dọc theo những bậc thang cấp bằng đá ở Hội Việt Pháp, cuốn vở mở ra đặt trên đùi như đang chăm chỉ ôn bài mà ánh mắt thì mơ màng, như đang gởi hồn theo gió, theo mây trời vô định. Thoang thoảng mùi cỏ cây, mùi hoa sứ nhẹ nhàng như đưa tôi về khung trời xưa. Ôi, còn đâu một thời mộng mơ?
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Tháng 10, 2010