Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
Lá thư Anh Trinh gởi Thu Nguyệt 89                   
Chin Bon
Chin Bon
* Nguồn: Trương T. Thu Nguyệt lưu giữ và đánh máy.

                                    ----------------------------------

Đà Nẵng 19.5.89

Thu Nguyệt thương mến!

Tối nay là rằm tháng tư mà khu vực này cúp điện, thư cho mi tìm hoài cây bút không ra nên tạm dùng bút mực đỏ vậy. Gia đình ta dọn về đây gần hai tháng rồi, căn phòng này do nhà nước chỉ định, ''rộng'' ghê lắm N ạ! Chắc cũng bằng y căn phòng nhà mi ở hồi mới giải phóng chỗ cafê Loan đường Độc Lập đó, nhớ không? Quang cảnh cũng hỗn độn y như vậy. Cả nhà luôn dâu rễ, cháu chắc sống chen chúc không có chỗ để giường phải trải chiếu dưới đất nằm như đi tỵ nạn. Mùa hè ở Đà Nẵng thì khỏi chê - lũ nhóc cứ thi nhau sốt li bì. Mẹ ta bị CA bắt giam ''kho đạn'' hơn một tháng mới về. Cũng phải bia bọt cho ông lớn hết 5 phân đó mi. Đọc thư mi ta tức cười quá, đúng là mi vẫn còn yêu đời và còn tin vào công lý...Thôi kệ, tin được chừng nào thì tin. Điều khổ sở nhất trong cuộc sống là đánh mất niềm tin đó Ng. Và điển hình là ta đây nè. Giải phóng về, ta may mắn hơn mi và Phương là được tiếp tục đi học đến ''tú tài'' chớ ít ỏi gì, và học được những điều hay ho sáng suốt. Tiếc thay những cái hay, cái đẹp chỉ nằm trong sách vở mà thôi! Hiện thực cuộc sống xô bồ làm ta sáng mắt, sáng lòng. Ngày còn đi học ước mơ đủ thứ, hy vọng tràn trề. Mi biết ta thi Đại học bao nhiêu lần không Ng? Sài Gòn, Nha trang, Huế...đủ thứ đủ nơi. Bố tiên sư! Đúng là học hết cơm, hết gạo - ta lại nhớ đến câu ''dũ học, dũ ngu'' ngày xưa bọn mình thường chọc thầy Phan Cảnh Dũ dạy Anh văn- càng học càng ngu. Biết thế thì nghỉ học đi buôn bán từ ngày giải phóng về cho đến nay chắc cũng lên ''cub'', lên nhẫn rồi. Mà có cub, có nhẫn thì chắc bây giờ cũng không đến nỗi phải ''ở giá nuôi con'' đâu Ng nhỉ?
Nói giởn thôi, chớ đời là vô thường mà mi. A. Giáo thì tu tại gia chớ ta thì cũng tu từ lâu rồi. Mình không trường trai vì đi buôn bán gặp đâu xơi đó, chớ ta cũng có ý nguyện tu tâm. Cứ nghĩ sanh sứa, sân si cho lắm, bòn tro đãi sạn cho lắm rồi cuối đời để hậu quả lại cho con cái. Ng có tin việc chia tay với bố con bé là một may mắn đối với ta không? Chẳng qua là kiếp trước ta mắc nợ ông ấy chừng đó thôi. Từ nhỏ đến khi ra đời buôn bán tất nhiên là mình có đôi lần ăn gian nói dối nhưng cố tình làm khổ người ta thì chưa bao giờ. Có thể  cũng chính vì thế mà ta may mắn luôn gặp được những người bạn tốt, trong những cơn khốn cùng của cuộc đời lúc nào cũng có kẻ hào hiệp ra tay giúp đỡ.

Từ khi Má Ng về Đà nẵng đến nay chỉ hai tháng mà có nhiều thay đổi lắm. Phương ruồi gia nhập ngành kinh doanh thương nghiệp. Nếu mi ở gần đây thì tha hồ đọc truyện. Mấy năm trước có thời kỳ ta cũng bán sách báo nhưng vì ít vốn quá nên không có lời. Bây giờ Ph đầu tư vào rất nhiều, đóng tủ gương và trang bị cửa hàng sáng sủa nên bán được lắm. N có tin là ta làm ''quân sư'' cho Ph trong tất cả mọi chuyện, chuyện gì Ph cũng hỏi ý kiến của ta. Đúng là ta chỉ có tài bàn chuyện thiên hạ còn chuyện của mình thì nát như tương. Những đứa bạn hồi học Hồng Đức và PCT khi biết được hoàn cảnh của ta bây giờ đứa nào cũng ngạc nhiên: ''không ngờ AT lại thê thảm như rứa ''. Ở nhà mấy đứa em gọi ta là ''cửa hàng trăm thứ tùm lum'' (bách hoá tổng hợp) vì ta bán đủ thứ thượng vàng hạ cám : đường, gạo, phụ tùng xe đạp, áo quần , ốc vít, vật liệu xây dựng, đan len, quán cơm, quán nhậu , cà fê bánh mì, chè sinh tố, sách báo, đá lẻ, bắp rang, đậu phụng nấu, may vá, giặt giũ, thợ dệt...Tận cùng bây giờ là bán ...cá. Mi tin không Ng, bán cá thiệt đó mi. Thật ra trong những ngày bà già bị ở tù vì chuyện nhà cửa (kiện không được mà lại bị bắt ở tù), gia đình rối như tơ vò. Sẵn có đứa em dâu trong nhà đi buôn hàng chuyến Hội An thấy cá rẻ mua về bán thử, có ngày lời cả mười ngàn đồng, thế là ta nhảy ra gia nhập. Ối chà, không nói hết nỗi khổ của một nai tơ mới ra lò - bị bọn ma cũ ăn hiếp ma mới - có lúc không nói lại họ, ta phát khóc lên Ng ạ! Bây giờ thì ta cũng mọc được một cái nanh rồi, không phải là một cái nanh hàm hồ đâu, mà là một cái nanh cáo già của nghề bán cá. Riết rồi quen đi, bán đâu tiền đó không nợ nần, lời lỗ biết liền khoẻ ru. Mỗi ngày bán một buổi chợ thôi - từ 3h chiều đến 7h là xong. Buổi sáng lên phụ với Mỹ Trinh bán bún, bánh xèo xong về đi chợ nấu ăn. Ngủ một giấc dậy chuẩn bị lên đường...bán cá. Ta bán ở chợ Tam Giác gặp vô số người quen, có những đứa bạn cũ bây giờ là kỹ sư, bác sĩ, cán bộ...Ban đầu gặp cũng dị lắm, mặc cảm vì mình thua sút. Nhưng sau cứ nghĩ mình chẳng ăn cắp bóc lột của ai,'' chỉ có người hèn chớ không có nghề hèn'' cứ thế mà tự an ủi. Nhất là nắm tâm lý mọi người đều không ưa những kẻ gìa hàm, mình cứ giả chết :'' Dạ, em là công nhân cơ quan giải thể về, mới đi bán cá lần đầu, chị mua dùm em chục cá, em cảm ơn, kệ mua mở hàng dùm em, tội nghiệp''. Cứ rứa đó mà ca bài ca con cá, moi tiền thiên hạ. Sẵn khuôn mặt cũng hiền từ, vô...nhân đạo - í quên vô số - ta lần lần có bạn hàng mua cá khá đông. Có khi bán đắt quá phải thuê một tên bán cá chuyên nghiệp bán phụ. Nhờ trời, ngày đắt bù ngày ế cũng đủ chi tiêu trong nhà, cơm, gạo, củi, nước, điện,…ở thành phố khổ nỗi cái gì cũng tiền - bù lại đời sống văn hoá giải trí thoải mái: nhạc vàng, cafê, phim nhảm nhí tràn ngập, sách báo xuất bản tự do, kể cả những tác phẩm trước kia tưởng cấm, bây giờ tái xuất bản. Vật giá thì có hạ đó nhưng làm ra đồng bạc chua lắm Ng ơi? Ta bây giờ chủ trương gặp đâu hay đó, mệt quá rồi. Nghề bán cá bây giờ chỉ là tạm bợ, mai mốt'' chuyển ngành'' sẽ thông báo sau, được chưa? Như mi mà yên ổn đó Ng, cũng còn thảnh thơi mà làm th. Ta và Ph ở đây vẫn biết là với 4 đứa con mi và anh Giáo sẽ chật vật vô cùng, cứ lẩn quẩn cơm áo gạo tiền...đủ đuối rồi, nhưng bù lại mi có hạnh phúc, đó là điều rất đáng mừng. Đúng là thời gian qua đi nhưng tâm hồn vẫn trẻ khi hai người đều biết sống vì nhau. Cuộc đời mà, chẳng có ai bằng lòng với cái đang hiện hữu trong tầm tay, chỉ khi mất mát rồi thì mới ngồi tiếc lui tiếc tới. Phương bây giờ là tạm nghĩ không lương 6 tháng, có khả năng là sẽ bỏ nhà nước để buôn bán ở ngoài, tình trạng này rất phổ biến ở Đà Nẵng. Ph chưa viết thư cho mi phải không? Ừ, nó bận rộn lắm, bán cả ban đêm mà. Kim Liên dạo này ''ú'' ghê lắm, mập nhất bọn đó mi, chắc cũng gần 60 kg. Đám cưới hơn 5 năm rồi mà chẳng có con. Mấy đứa em Liên đã đi Mỹ hết, chỉ còn ông bà già ở lại cứ tà tà lãnh quà, sướng nhỉ? Chà, cái đám cưới của hắn cũng tréo cẳng ngỗng lắm, (tác giả y/c cắt xén). Cuối cùng tụi hắn cũng cưới nhau. Bây giờ đã mua nhà riêng ở Thanh bình. Chồng Liên phải bỏ cơ quan ra ngoài đi buôn hàng Hà Nội - Đà Nẵng cũng khá giả, hai đứa hắn sống cũng hạnh phúc lắm. Mi thấy là trớ trêu không Ng? Liên có tiền có hạnh phúc thì không có con, Ph có tiền có con mà lại hai vịt giời, mi thì có con, có hạnh phúc mà không có ...tiền. Chỉ riêng ta là không có chi hết, âu cũng là số trời định. Tuy nhiên ''tớ'' vẫn dzui dzẻ ''cậu'' ạ! Bé Thư cuối năm được lãnh hai phần thưởng, văn nghệ và học tập. Đó, chừng nớ đủ để ta dzui rồi phải không? Bài thơ mi làm tặng, ta đem ra đọc cho cả nhà nghe. Ông già cứ tấm tắc khen: Con Ng làm thơ còn hay hơn ba đứa thi sĩ hiện đại đăng trên báo...Ông già cải tạo mười một năm đúng đó mi. Cả nhà ta ai cũng còn nhớ đến mi hết. Cuộc đời tình cảm và sự nghiệp của ta thì đúng như mi, Ph và mấy đứa bạn khác hay nói :'' phải viết thành hồi ký mới được'', kể cho mi nghe chắc cả tháng trời chưa hết. Vừa rồi ta và Ph dự định lên thăm mi, Quang Ấn ủng hộ cho ta một vé xe tốc hành. Cuối cùng nhà bị ''hốt'' thế là dẹp bỏ hết. Thôi nghe, ta viết lung tung rồi, bà già chuẩn bị đi Hà Nội để kiện về cái nhà (mẹ liệt sĩ mà), có gì ta sẽ thư cho mi sau. Dừng và chúc vợ chồng con cái nhà mi vui vẻ, mạnh khoẻ...

Thân mến
Anh Trinh